Trường ĐH tiết lộ mức thu nhập của sinh viên tốt nghiệp ngành Điện tử Viễn thông

27/11/2023 09:09
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghiên cứu ứng dụng ngành Điện tử Viễn thông cần dự án quy mô lớn, thiết bị thí nghiệm hàng đầu để cạnh tranh với các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước.

Ngành Điện tử Viễn thông là ngành đào tạo để người học nghiên cứu, chế tạo các vi mạch điện tử nhằm điều khiển thiết bị mạng lưới truyền dẫn thông tin phục vụ giao tiếp. Với tính sẵn sàng kết nối đòi hỏi các hạ tầng viễn thông cần thay đổi, phát triển không ngừng do đó nhu cầu tuyển dụng nhân lực của ngành Điện tử Viễn thông rất lớn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Minh Nam – Chủ nhiệm Bộ môn Điện tử viễn thông, Khoa Công nghệ điện tử, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo thống kê 5 năm gần đây, tuyển sinh ngành Điện tử Viễn thông của Khoa đạt 100% chỉ tiêu với điểm trúng tuyển trên 20 điểm.

“Ngành Điện tử Viễn thông của Khoa được cập nhật chương trình đào tạo 2 năm/lần. Trong mỗi lần cập nhật, ngành ưu tiên các học phần có xu thế công nghệ phát triển trong tương lai. Nhiệm vụ của việc đổi mới chương trình là cung cấp kiến thức nền tảng về những công nghệ mới, giúp người học nhanh chóng tiếp cận sau khi ra trường”, thầy Nam chia sẻ.

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh website nhà trường

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh website nhà trường

Để đảm bảo thông tin liên lạc cần nhiều giai đoạn khác nhau, do đó ở mỗi vị trí nhiệm vụ, mức thu nhập của kỹ sư ngành Điện tử Viễn thông cũng khác nhau. Theo thầy Nam, sinh viên tốt nghiệp ngành Điện tử Viễn thông khi làm thiết kế chip (như Qualcomm, MediaTek, Intel,...) mức lương sẽ khoảng vài nghìn USD/tháng. Tuy nhiên, yêu cầu đối với nhân sự thiết kế chip cần có ngoại ngữ tốt, chịu được áp lực cao, thích nghi với môi trường quốc tế hóa. Còn mức thu nhập cho vị trí tối ưu mạng truyền thông cũng khoảng vài chục triệu đồng/tháng.

“Tính sơ bộ ở khu vực Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đặt trụ sở chính, có gần 15 cơ sở đào tạo ngành Điện tử Viễn thông. Do vậy, Khoa xác định nhiệm vụ riêng là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, thực tiễn và đạo đức trong lĩnh vực công nghệ điện tử, tăng cường hoạt động cộng đồng và nghiên cứu khoa học, chú trọng hợp tác, chuyển giao công nghệ.

Để đạt được nhiệm vụ trên, Khoa định hướng đào tạo phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng, chú trọng nhiều vào thực tế. Chương trình đào tạo ngành Điện tử Viễn thông được đánh giá đạt kiểm định chất lượng quốc tế như AUN-QA (bộ tiêu chuẩn với các quy tắc chất lượng khắt khe). Điều này tác động rất lớn đến quyết định lựa chọn ngành nghề của học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông”

_Tiến sĩ Phạm Minh Nam_

Còn nhiều khó khăn

Trên thực tế, ngành Điện tử Viễn thông có nhiều thuận lợi để phát triển nhưng cũng không ít khó khăn.

Trước hết, về công tác đào tạo, theo thầy Nam, Điện tử Viễn thông là ngành Công nghệ, do đó, việc xây dựng chương trình đào tạo cần theo kịp với thực tiễn phát triển của ngành.

Thêm nữa là khó khăn trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Cụ thể, đặc thù của ngành Điện tử Viễn thông khi nghiên cứu ứng dụng cần những dự án có quy mô lớn, trang bị những thiết bị thí nghiệm hàng đầu (những thiết bị này không phù hợp để dạy đại trà) mới có thể cạnh tranh với các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước.

Ngoài ra, đăng ký sở hữu trí tuệ gặp khó khăn do quá trình đo kiểm, hợp chuẩn (ví dụ như phòng sạch để đo bức xạ vô tuyến, một số hệ thống truyền thông Healthcare thường không có cơ quan chứng nhận hợp chuẩn).

Cùng chia sẻ về ngành học này, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Linh – Phó Trưởng khoa Khoa Điện tử, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) cho biết, những năm gần đây, chuyên ngành Điện tử Viễn thông của Khoa chỉ đạt 70-80% chỉ tiêu tuyển sinh (tổng chỉ tiêu tuyển sinh từ 100-120 sinh viên/năm). Nguyên nhân một phần do có nhiều cơ sở đào tạo ngành học này.

Mức lương khởi điểm của sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử Viễn thông của Khoa dao động từ 8-10 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, sinh viên trong quá trình thực tập cũng được doanh nghiệp trả lương từ 5-6 triệu đồng/tháng.

“Chương trình đào tạo chuyên ngành Điện tử Viễn thông được Khoa đưa vào khá nhiều nội dung mới, phù hợp xu thế hiện nay như: hệ thống nhúng, IoT, truyền thông, trí tuệ nhân tạo; tích hợp các môn liên quan đến công nghệ 4.0 vào chương trình (có thể là môn tự chọn, hoặc bắt buộc).

Đa số sinh viên tiếp nhận kiến thức rất thích thú nhưng có những nội dung mới trong khi điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp nên cũng gặp đôi chút khó khăn.

Tới đây, Khoa mong muốn đầu tư thêm cơ sở vật chất, được tự chủ nhiều hơn nữa trong xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo”

_Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Linh_

Về đội ngũ, thầy Linh cho biết, giảng viên của chuyên ngành hiện nay đáp ứng được yêu cầu dạy học nhưng để phục vụ cho xu hướng phát triển trong tương lai thì cần bổ sung thêm.

Để thu hút giảng viên giỏi về Khoa tương đối khó bởi thu nhập, ưu đãi không hấp dẫn hơn so với việc họ đi làm ở ngoài trường. Từ trước đến nay, giảng viên cơ hữu của Khoa được cử đi làm nghiên cứu sinh, sau đó phấn đấu lên phó giáo sư, giáo sư. Còn những giảng viên học hàm giáo sư, phó giáo sư hiện không phải cơ hữu của trường thường được Khoa mời về thỉnh giảng.

"Nếu thu hút được giảng viên giỏi về trường thì công tác tuyển sinh của chuyên ngành Điện tử Viễn thông sẽ tốt hơn", thầy Linh cho biết.

Hiện Khoa Điện tử Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp có 34 giảng viên cơ hữu, trong đó có 2 phó giáo sư (trong số này có 1 phó giáo sư dạy chuyên ngành Điện tử Viễn thông). Vừa qua, Khoa đề xuất mỗi năm bổ sung thêm 2 giảng viên dạy chuyên ngành Điện tử Viễn thông, với yêu cầu tối thiểu là thạc sĩ và có lộ trình học lên tiến sĩ; ưu tiên giảng viên các trường top đầu, giảng viên người nước ngoài.

Bên cạnh đồng tình với thầy Nam về những khó khăn trong đào tạo ngành Điện tử Viễn thông, thầy Linh cho hay đầu vào của sinh viên thấp, điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành cũng là bất cập.

Cần có cơ chế nghiên cứu khoa học được xây dựng phù hợp với từng cơ sở

Để phát huy những thuận lợi và khắc phục khó khăn trong công tác đào tạo, cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của ngành Điện tử viễn thông, thầy Nam kiến nghị:

Thứ nhất, cần có cơ chế nghiên cứu khoa học được xây dựng phù hợp với từng cơ sở. Đặc biệt, khi xây dựng cần có tính định hướng nhiều năm. Hiện một công trình nghiên cứu khoa học đạt kết quả không chỉ gói gọn trong thời gian 1-2 năm nhưng chính sách về nghiên cứu khoa học có thể thay đổi trong vòng 1 năm (nhất là về tài chính) – điều này không phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ hai, trong đào tạo, Khoa nhanh chóng đưa những nội dung đang và sẽ là xu hướng phát triển của ngành vào giảng dạy nhằm rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế. Do vậy, việc này cần sự hỗ trợ, giúp sức từ cộng đồng doanh nghiệp.

“Việc xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ về lâu dài sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác xây dựng chương trình đào tạo đại học ngành Điện tử Viễn thông”, thầy Nam bày tỏ.

Ngọc Mai