Tràn lan sách các bộ đề kiểm tra, sau "văn mẫu" có đến "đồng phục" đề thi?

08/02/2023 06:38
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên không nên mua, bán, đề kiểm tra, giáo án, chuyên đề, sáng kiến kinh nghiệm, đề tài khoa học kĩ thuật, trên mạng xã hội.

Khi nói đến đồng phục, mọi người thường hiểu: đồng phục là chỉ quần áo cùng màu, được may cùng một kiểu thống nhất, cho những người cùng một tổ chức, một ngành nghề nào đó

Trong trường học, đồng phục là chỉ quần áo cùng màu, được may cùng một kiểu thống nhất, cho học sinh của một trường.

Thế nhưng, hiện nay, trong trường học đồng phục còn được hiểu cùng một kiểu bài làm, cùng một kiểu tư duy… đồng phục đã khống chế hoàn toàn sự sáng tạo.

"Đồng phục", "văn mẫu" đã và đang là rào cản đổi mới giáo dục, ngăn cản sự sáng tạo, học sinh không còn là chính mình, làm bài, suy nghĩ, nói, viết, theo sự chỉ bảo của giáo viên.

Tệ nạn “đồng phục, văn mẫu” phải loại bỏ trong giáo dục, có như vậy mới mong sản phẩm giáo dục là con người mới, sống có lý tưởng, sáng tạo, có khát vọng.

Xã hội kì vọng rất lớn với ngành Giáo dục khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mong tệ nạn “đồng phục, văn mẫu” sẽ bị triệt tiêu.

Để xóa bỏ “văn mẫu”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH, hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Theo đó, Bộ đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông cần:

1) Đảm bảo phát huy những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, tư duy hình tượng và tư duy logic;

2) Yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá, đề xuất ý tưởng và sáng tạo ra sản phẩm mới, gợi mở liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe;

3) Tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa để kiểm tra nhằm khắc phục tình trạng học thuộc và sao chép;

4) Khuyến khích xây dựng đề kiểm tra để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh, hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm; tôn trọng cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm các chuẩn mực…

Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH không yêu cầu bắt buộc phải kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn bằng hình thức trắc nghiệm, có sử dụng trắc nghiệm hay không là do giáo viên tự quyết định.

Chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo với môn Ngữ văn cũng nói lên tình thần đổi mới trong việc ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên phải sáng tạo, sáng tạo vì học sinh.

Thời gian vừa qua, trên một số diễn đàn mạng xã xã hội xuất hiện “chợ” bán đề kiểm tra đánh giá, đặc biệt là đề kiểm tra đánh giá các môn học theo Chương trình 2018 đang rất “hot”.

Ảnh chụp màn hình sách đề kiểm tra trên mạng xã hội.

Ảnh chụp màn hình sách đề kiểm tra trên mạng xã hội.

Sau khi kết thúc học kì I, một số đề kiểm tra đánh giá các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được chia sẻ trên mạng xã hội.

Nhận xét về đề kiểm tra đánh giá các lớp thực hiện Chương trình 2018 đã được chia sẻ trên mạng xã hội, thầy giáo Nguyễn Đình Huy chia sẻ “Mình thấy các đề kiểm tra của các địa phương khác nhau nhưng có nhiều nét tương đồng về nội dung.

Đặc biệt, một số môn mà tác giả viết sách giáo khoa có viết sách mang tên “tuyển tập đề kiểm tra” hay “đề kiểm tra định kì” chương trình mới…

Cứ mong chương trình mới, đề kiểm tra đánh giá đánh giá không còn mang tính “đồng phục”, “văn mẫu” nữa, ai dè những cuốn sách mang tên “tuyển tập đề kiểm tra” hay “đề kiểm tra định kì” chương trình mới đã và đang “thổi hồn” cho đồng phục, văn mẫu sống lại”.

Ảnh chụp màn hình sách tuyển tập đề kiểm tra đang được rao bán trên mạng xã hội.

Ảnh chụp màn hình sách tuyển tập đề kiểm tra đang được rao bán trên mạng xã hội.

Có nên cấm tác giả viết sách giáo khoa chương trình mới viết sách tham khảo

Không phải ngẫu nhiên mà sách tham khảo, sách “tuyển tập đề kiểm tra” hay “đề kiểm tra định kì” Chương trình 2018 mọc lên như nấm đọc.

Giá bìa một cuốn sách tham khảo, sách “tuyển tập đề kiểm tra” hay “đề kiểm tra định kì” hơn 200 trang có khi bằng cả bộ sách chương trình cũ hoặc gần nửa bộ sách chương trình mới.

Ngoài sách giáo khoa, sách tham khảo là món hàng “béo bở” của các nhà xuất bản, nhà sách; có thể nói kinh doanh sách tham khảo, sách “tuyển tập đề kiểm tra” hay “đề kiểm tra định kì” là “siêu lợi nhuận”.

Tác giả viết sách tham khảo, sách “tuyển tập đề kiểm tra” hay “đề kiểm tra định kì” đa dạng, nhưng không ít trong số đó là tác giả viết sách giáo khoa.

Khách quan mà nói, chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào cấm tác giả viết sách giáo khoa viết sách tham khảo, “tuyển tập đề kiểm tra” hay “đề kiểm tra định kì”.

Thế nhưng, khi thấy tác giả viết sách giáo khoa đồng thời viết sách tham khảo, sách “tuyển tập đề kiểm tra” hay “đề kiểm tra định kì” một số giáo viên thấy phản cảm.

Không phản cảm sao được, khi chương trình mới đang hướng đến sự sáng tạo cho người dạy, khai phóng cho người học, vậy mà tác giả viết sách giáo khoa đang cho ra lò những cuốn sách đã và đang gợi ý, tạo đất sống cho "đồng phục" các bài kiểm tra trong chương trình mới.

Dẫu biết rằng, không ai quy định giáo viên phải mua, hay không được mua, sách tham khảo, sách “tuyển tập đề kiểm tra”, “đề kiểm tra định kì”, thực tế, tệ nạn “đồng phục, văn mẫu đã làm méo mó giáo dục trong thời gian qua.

Những kiến thức tham khảo, đề kiểm tra định hướng, các tác giả viết sách giáo khoa chỉ nên viết trong sách giáo viên.

Với các bạn đồng nghiệp, người viết mong quý thầy cô hãy tự học và sáng tạo, không nên bị “đồng phục hóa, văn mẫu hóa” khi đọc sách tham khảo, sách “tuyển tập đề kiểm tra” hay “đề kiểm tra định kì”.

Đặc biệt, giáo viên không nên mua, bán đề kiểm tra, giáo án, chuyên đề, sáng kiến kinh nghiệm, đề tài khoa học kỉ thuật, trên mạng xã hội.

Chương trình mới thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào đội ngũ nhà giáo. Các thầy cô giáo viết sách giáo khoa toàn ý dành cho viết sách giáo viên, không để dành kiến thức, dấu kiến thức, để viết sách tham khảo, sách “tuyển tập đề kiểm tra” hay “đề kiểm tra định kì”, là tấm gương cho giáo viên noi theo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh