Tránh dùng ngữ liệu trong SGK ra đề thi Ngữ văn, giáo viên cần lưu ý điều gì?

28/07/2022 06:59
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- PGS.TS Đỗ Hải Phong kỳ vọng các giáo viên sẽ dạy học sinh cách thức tiếp cận văn bản, để các em vận dụng đọc hiểu, cảm nhận được bất cứ tác phẩm văn học nào.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi các sở giáo dục về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Theo đó, một trong những nội dung được các thầy cô quan tâm là yêu cầu trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, giáo viên cần tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Chú trọng rèn luyện cách tiếp cận và xử lý văn bản độc lập

Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hải Phong - Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, công văn của Bộ ghi rõ là tránh dùng lại các tác phẩm trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu ra đề thi, nghĩa là chưa yêu cầu các thầy cô phải thực hiện ngay lập tức.

Tuy nhiên, trong tiến trình đổi mới dạy học nói chung và đổi mới dạy học môn Ngữ văn nói riêng thì đó là việc cần thiết phải làm, thầy cô cũng cần dần dần thay đổi phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá để tiến tới thực hiện yêu cầu trên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hải Phong - Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hải Phong - Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Yêu cầu của Bộ là đúng lộ trình khi chúng ta đang triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đến khi việc triển khai chương trình mới thực hiện ở hết các cấp, các lớp học thì việc đổi mới trong ra đề thi, không phụ thuộc vào số lượng hữu hạn tác phẩm sách giáo khoa là việc phải làm.

“Theo chương trình hiện hành, số lượng tác phẩm trong ngữ liệu thi thực sự ít, dẫn tới việc học sinh học thuộc lòng, giáo viên dạy học khuôn mẫu, chú trọng vào nội dung các tác phẩm, vô tình cách dạy học không phát huy được tính sáng tạo trong tư duy cho học sinh.

Chúng ta đang từng bước thực hiện đổi mới, nhưng các thầy cô cũng không nên quá áp lực nặng nề vấn đề này. Sắp tới có 3 bộ sách giáo khoa thì ngữ liệu đề thi không trùng với ngữ liệu trong sách thầy cô dạy học sinh là chuyện hết sức bình thường”, thầy Phong chia sẻ.

Phó Giáo sư Đỗ Hải Phong cũng gửi gắm kỳ vọng các thầy cô có những đổi mới về phương pháp để học sinh hình thành, phát triển năng lực đọc hiểu văn bản. Dạy các em cách thức tiếp cận văn bản, giúp học sinh có thể vận dụng cách thức ấy để xử lý một văn bản mới, để các em đọc hiểu, phân tích, bình luận và cảm nhận được bất cứ một tác phẩm văn chương nào.

Phải xem ngữ liệu trong sách giáo khoa là phương tiện để tìm hiểu về các thao tác, kỹ năng, quy trình cảm nhận, phân tích, bình luận tác phẩm.

Thầy cô nên dạy học sinh cách khai thác nội dung từ nghệ thuật trong các tác phẩm văn học. Vì mục đích của dạy học Ngữ văn là để người học rèn luyện năng lực tự xử lý những văn bản cùng loại đã được học, năng lực tự mình đọc hiểu được văn bản cùng loại, tự viết và trình bày được vấn đề của văn bản mới đó, chứ không chỉ thâm nhập và ghi nhớ nội dung một văn bản cụ thể đã được học kỹ.

Dạy học làm sao để các em hình thành phương pháp, kỹ năng đọc, hiểu, viết, cảm nhận tác phẩm và khơi gợi sự sáng tạo trong tư duy của học trò.

Cũng theo thầy Phong, hoạt động đào tạo của Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng thực hiện theo hướng đổi mới đó, sinh viên được học cách tiếp cận, cách giải quyết vấn đề đối với văn bản chứ không dạy cố định một số văn bản đã được bàn luận nhiều.

Nhà trường cũng chú trọng đào tạo kỹ năng, phương pháp sư phạm để các giáo viên Ngữ văn tương lai sẵn sàng dạy học theo hướng sáng tạo, thực hiện thành công yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời gian tới.

Căn cứ vào định hướng lựa chọn ngữ liệu của chương trình mới

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Biện Thị Quỳnh Nga – Phó Trưởng khoa Ngữ Văn, Trường Sư phạm - Trường Đại học Vinh cho biết, yêu cầu tránh sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề thi môn Ngữ văn là một định hướng đúng với tinh thần đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhằm hướng tới mục tiêu học sinh biết vận dụng kiến thức, kỹ năng được trang bị ở nhà trường vào việc tự đọc, tự viết, tự nói - nghe những văn bản mới cùng thể loại.

Tiến sĩ Biện Thị Quỳnh Nga – Phó Trưởng khoa Ngữ Văn, Trường Sư phạm - Trường Đại học Vinh. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Biện Thị Quỳnh Nga – Phó Trưởng khoa Ngữ Văn, Trường Sư phạm - Trường Đại học Vinh. (Ảnh: NVCC)

Thực ra, yêu cầu này không phải quá mới lạ, vì giáo viên đã được tiếp cận khi tìm hiểu về chương trình mới trong những năm qua. Việc sử dụng ngữ liệu mới để ra đề thi cũng đã được thực hiện trong những năm gần đây. Cụ thể, ở khá nhiều trường phổ thông, phần đọc - hiểu đã được sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra là cần vận dụng cả ngữ liệu mới ở phần kiểm tra, đánh giá kỹ năng viết.

Thực tế khi áp dụng, đây vẫn là một thử thách đối với nhiều giáo viên. Vì lâu nay, với những quy định cứng về ngữ liệu trong chương trình hiện hành, giáo viên ít có cơ hội chủ động tìm hiểu, vận dụng ngữ liệu mới. Học gì thi nấy. Chúng ta gần như chỉ dạy học và kiểm tra kỹ năng viết của học sinh qua những ngữ liệu có sẵn. Đó là kiểu dạy học tái hiện kiến thức.

Muốn phát triển năng lực cho học sinh thì bản thân người giáo viên phải là người có năng lực. Việc lựa chọn ngữ liệu để dạy học, kiểm tra đánh giá là một biểu hiện năng lực của giáo viên. Vấn đề đặt ra là làm sao để lựa chọn được ngữ liệu phù hợp?

“Thầy cô cần căn cứ vào định hướng lựa chọn ngữ liệu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, chú ý đến những văn bản tác phẩm có giá trị nghệ thuật, có khả năng khơi gợi rung cảm thẩm mỹ và các giá trị sống tốt đẹp cho học sinh.

Giáo viên cũng có thể sử dụng những ngữ liệu trong những tuyển tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết,… của các tác giả tiêu biểu, được khẳng định rộng rãi, được in ấn với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Khi triển khai chương trình mới, thầy cô cũng cần tham khảo ngữ liệu ở những bộ sách giáo khoa khác nhau.

Thực tế, việc đọc và tìm hiểu ngữ liệu không hề khó khăn với giáo viên vì hiện nay có rất nhiều kênh thông tin. Quan trọng là bản thân giáo viên có chủ động tìm hiểu, mở rộng diện đọc của mình hay không?”, cô Nga chia sẻ.

Về công tác đào tạo tại Khoa Ngữ văn của Trường Sư phạm - Trường Đại học Vinh, Tiến sĩ Biện Thị Quỳnh Nga cho biết, khoa đã có những chuyển đổi kịp thời về công tác đào tạo để đào tạo được nguồn nhân lực sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Ngay từ năm 2017, Trường Đại học Vinh đã có chủ trương xây dựng mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO, là chương trình tiếp cận và phát triển năng lực người học, được xây dựng dựa trên chuẩn đầu ra. Chương trình đã hoàn thiện và được thực hiện từ năm 2017. Đến năm 2021, sau 4 năm đào tạo, nhà trường tiếp tục rà soát, hoàn thiện chương trình đào tạo.

Cụ thể, chương trình đào tạo ngành sư phạm Ngữ văn đã cập nhật các chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông, ví dụ những chuẩn đầu ra về việc phát triển năng lực văn học, năng lực ngôn ngữ, năng lực giao tiếp và hợp tác, kỹ năng giao tiếp đa phương thức,…

Trên cơ sở đó, đổi mới các học phần chuyên ngành, gia tăng thực hành, trải nghiệm tại các trường phổ thông cho sinh viên. Ngay từ năm thứ nhất, sinh viên đã được làm việc tại các trường phổ thông và sinh viên được trải nghiệm thực tế qua cả 4 năm học.

“Một điểm nổi bật trong chương trình đào tạo ngành Sư phạm Ngữ văn của trường là thiết kế hai chuỗi học phần dạy học theo hình thức dự án. Một chuỗi học phần nhằm phát triển năng lực nghiên cứu khoa học và một chuỗi học phần nhằm phát triển năng lực sư phạm. Ở các học phần này, các em có cơ hội phát huy năng lực thông qua hoạt động thực hành tạo ra các sản phẩm học tập. Giảng viên cũng sẽ đánh giá thông qua các sản phẩm thực tế của sinh viên thay vì hình thức kiểm tra tự luận hay trắc nghiệm truyền thống như trước đây.

Song song với đó, nhà trường cũng đổi mới hoạt động kiểm tra đánh giá sinh viên, bám sát vào chuẩn đầu ra và đa dạng hóa các hình thức, công cụ kiểm tra đánh giá”, Tiến sĩ Nga cho biết.

Phạm Minh