Lý do khiến phổ điểm môn Ngữ văn năm nay ổn định và có "nhích" hơn năm 2021

25/07/2022 06:38
Nam Bình
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đúng 0h, ngày 24/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố điểm các môn thi tốt nghiệp.

Theo đó, một số ít môn trong đó Lịch sử đã có sự "chuyển mình” rõ rệt với số thí sinh có điểm 10 tăng cao (1.779) tăng gấp 7 lần so với năm 2021 hay môn Giáo dục Công dân lại có sự sụt giảm với số lượng bài thi có điểm 10 giảm 7 lần (năm 2022 có 2.836 bài; năm 2021 có 18.680 bài).

Trong khi đó, môn Ngữ văn có sự ổn định khi đối sánh phổ điểm của môn học này so với năm 2021.

Theo đó, năm 2021, có 978,027 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn trong đó điểm trung bình là 6.47 điểm, điểm trung vị là 6.5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 172 (chiếm tỉ lệ 0.02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 117,915 (chiếm tỉ lệ 12.06%).

Biểu đồ phổ điểm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn năm 2022. Ảnh: Vietnamnet.vn

Biểu đồ phổ điểm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn năm 2022. Ảnh: Vietnamnet.vn

Năm 2022 có 981,407 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn, trong đó điểm trung bình là 6.51 điểm, điểm trung vị là 6.5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 194 (chiếm tỷ lệ 0.02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 113,888 (chiếm tỷ lệ 11.6%).

Nhìn vào phổ điểm môn Ngữ văn của hai năm học, chúng ta dễ dàng nhận ra sự tương đồng về điểm số. Điểm trung vị đều 6.5; 7.0 là điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất. Số lượng thí sinh có điểm <= 1 có tỷ lệ 0.02%.

Phổ điểm môn Văn có sự ổn định rõ nét có nhiều lí do khác nhau. Trong đó phải đề cập đến tính ổn định của cấu trúc đề thi. Nhiều năm qua, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông đều có 2 phần Đọc - hiểu và Làm văn. Chính sự ổn định này góp phần để thầy cô giảng dạy Ngữ văn và học sinh trên cả nước có cơ sở để ôn tập. Học sinh nào có kiến thức cơ bản, kết hợp với thái độ tích cực trong học và ôn tập thì không khó để có thể đạt điểm cao.

Một lí do khác, thường dành cho giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy Ngữ văn lớp 12, kể cả những “chuyên gia” phân tích và đoán được ngữ liệu sẽ ra trong bài thi (dành cho câu Nghị luận văn học).

Là giáo viên đứng lớp, bản thân người viết cũng như hầu hết các giáo viên khi dạy môn Ngữ văn chắc chắn sẽ không ôn tủ, ôn lệch, đoán bài cho học sinh. Tuy vậy với hoàn cảnh đặc biệt trong hai năm học vừa qua, tôi và thầy cô sẽ hướng kĩ, hướng sâu hơn về “khoảng ngữ liệu” sẽ xuất hiện trong câu Nghị luận văn học.

Trước hết, trong năm học 2020-2021, học sinh cả nước rơi vào cảnh dường như chưa có trong lịch sử. Đó là dịch bệnh Covid -19.

Đại dịch này khiến cho học sinh, sinh viên nói chung và gần một triệu học sinh khối 12 nói riêng trên cả nước phải bị gián đoạn nhiều lần trong học kì II của năm học. Sự thay đổi "bất đắc dĩ” chưa có tiền lệ này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của các em các em. Và đây là năm học mà Bộ Giáo dục phải tổ chức thi tốt nghiệp trong hai đơt. Biết rằng, quy trinh ra đề của Bộ rất, chặt chẽ, tối mật nhưng với những giáo viên có kinh nghiệm, họ sẽ có suy đoán rằng với sự ảnh hưởng rất ghê gớm của dịch bệnh đối với việc học của học sinh, Bộ (những thầy cô được điều động ra đề) sẽ không ra ngữ liệu thuộc chương trình học kì II của môn Ngữ văn lớp 12 trong câu Nghị luận văn học nhằm đảm bảo sự ổn định đối với một kì thi vô cùng quan trọng. Tự hiểu điều đó, giáo viên sẽ dành phần lớn (không phải tất cả) để ôn tập nội dung học kì I cùng với phần Đọc-hiểu và câu Nghị luận xã hội. Thực tế, đề thi cả 2 đợt của năm 2021 câu Nghị luận văn học đều dùng ngữ liệu của học kì I (Sóng của Xuân Quỳnh và Tây Tiến của Quang Dũng)

Tương tự, trong năm học này, cùng với người dân trên cả nước, học sinh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Mặc dù các địa phương đã có sự chủ động hơn trong việc hướng dẫn giáo viên và học sinh tham gia vào công tác dạy và học theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, cách học này sẽ có nhiều sự trở ngại do máy móc, đường truyền, ý thức của học sinh, tính chất vùng miền… Vì vậy, việc đảm bảo cho tất cả học sinh học tập tốt là điều không thể. Khó khăn này kéo dài cả học kì I và bước sang những tuần đầu tiên trong học kì II của năm học.

Một lí do khác, có lẽ đây cũng là lí do mà một số sinh viên đã dự đoán gây xôn xao dư luận trong những ngày qua, đó là nhiều năm qua, phần Nghị luận văn học của đề thi không sử liệu ngữ liệu là các tác phẩm trong học kì II. Thế nên, thầy cô ôn tập và hướng dẫn học sinh ôn tập với thời lượng nhiều hơn dành cho các tác phẩm văn xuôi của học kì II cũng là lẽ thường.

Đó là những lí do chính giúp phổ điểm của hai năm học có tính ổn định.

Nhìn ở một khía cạnh khác, điểm trung bình của môn Ngữ văn của hai năm học có sự chênh lệch (không cao). Điểm trung bình của năm 2022 là 6.51 và 6.47 là điểm trung bình của năm trước.

Không ít thầy cô và các chuyên gia lí giải, sự chênh lệch này chủ yếu khởi nguồn từ câu Nghị luận văn học. Người viết và những thầy cô giáo đi chấm thi Ngữ văn thì cho rằng, sở dĩ điểm trung bình của năm học này cao hơn so với năm học trước là ở phần Đọc-hiểu.

Ở các năm học trước, câu 1 của phần Đoc - hiểu chỉ có 0.5 điểm trong khi đó đề thi năm nay khi hỏi về thể thơ lại có điểm số 0.75 điểm.

Ngoài ra, ở câu 2 của phần này cũng rất dễ với việc chỉ ra những tính từ miêu tả vẻ đẹp của tuổi trẻ. Trên một số trang báo, có giáo viên cho rằng câu 02 này ở mức độ thông hiểu nhưng thực chất cả hai câu đầu đều ở mức độ thấp nhất: nhận biết. Như vậy, học sinh dễ dàng có được 1.5 điểm với 2 câu chỉ trong vòng…vài nốt nhạc. Trong khi đó, những năm trước hai câu hỏi này chỉ từ 1.0 đến 1.25 điểm.

Với câu 4 ở mức độ vận dụng, học sinh cũng sẽ ít mất điểm hơn so với mọi năm và câu này cũng chỉ 0.5 điểm (những năm trước thường 1.0 điểm). Người viết nghĩ rằng, đó là một trong những lí do giúp điểm trung bình năm 2022 cao hơn so với năm trước.

Đó cũng là lí do tác động đến tỉ lệ học sinh dưới điểm trung bình của kì thi năm 2022 thấp hơn năm 2021(11.6% so với 12.06%).

Riêng với số lượng thí sinh có điểm số <= 1 chiếm tỉ lệ 0.02% của cả hai năm học, giáo viên dạy Ngữ văn cho rằng đối với những học sinh trong nhóm này có lẽ đề khó hay dễ, dài hay ngắn với họ cũng… như nhau vì hầu như những thí sinh này không có kiến thức gì về môn học. Trong quá trình chấm thi, người viết và đồng nghiệp gặp một số bài thí sinh bỏ giấy trắng hoặc làm sai (trả lời thể thơ: lục bát, thất ngôn, nghị luận, miêu tả…) với những nét chữ nghệch ngoạc, có thí sinh lại chép lại toàn bộ đề thi mà không làm gì.

Đề thi môn Ngữ văn năm 2022 vừa giúp cho học sinh đạt yêu cầu để xét tốt nghiệp đồng thời các trường đại học cũng sẽ dễ lựa chọn hơn trong công tác tuyển sinh khi đề thi có sự phân hóa khá tốt khi cả nước chỉ có 5 điểm 10 môn Ngữ văn.

Nam Bình