Trao quyền lựa chọn SGK, trách nhiệm của cơ sở giáo dục sẽ cao hơn

07/01/2024 06:31
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các cơ sở giáo dục sẽ có cơ hội lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm người học và nhu cầu đặc biệt của nhà trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 27) quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT năm 2020.

Theo đó, từ năm học 2024 - 2025 trở đi quyền chọn sách giáo khoa được giao về cho các cơ sở giáo dục thay vì căn cứ vào kết quả lựa chọn chung của Uỷ ban nhân dân tỉnh như các năm học trước.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đưa ra quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục lựa chọn.

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa ngoài người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên còn có sự tham gia của đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh.

Trách nhiệm của nhà trường sẽ cao hơn

Về quy định trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đào Thị Thuỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho biết, theo quy định trước đây, các trường cũng đã có quyền trong việc lựa chọn sách giáo khoa.

Từ 12/2/2024, trường học có quyền chọn sách giáo khoa. Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Từ 12/2/2024, trường học có quyền chọn sách giáo khoa. Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Tuy nhiên, Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT vừa mới được ban hành có quy định cụ thể hơn và sẽ tạo thuận lợi hơn cho các trường.

Khi giao quyền cho cơ sở giáo dục lựa chọn sách giáo khoa thì đồng nghĩa với việc trách nhiệm của các trường cũng cao hơn, mỗi đơn vị sẽ lựa chọn và chịu trách nhiệm hoàn toàn với sự lựa chọn của mình. Vì khi chọn sách giáo khoa, các trường sẽ xem xét bộ sách phù hợp với chương trình và điều kiện thực tế của nhà trường.

Nói về quy trình chọn sách giáo khoa, cô Đào Thị Thuỷ cho biết, quy trình cũng tương tự như trước đây, đầu tiên, giáo viên sẽ bắt đầu nghiên cứu và đánh giá, nhận xét các bộ sách, sau đó bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa, trên cơ sở đó, nhà trường sẽ họp thảo luận, thẩm định và lập hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa gửi về cơ quan quản lý cấp trên.

Cô Thủy đánh giá, quy trình thực hiện như vậy rất khách quan, rõ ràng, giáo viên độc lập đánh giá và chọn sách giáo khoa mà hoàn toàn không có sự áp đặt nào từ cấp trên.

Tuy nhiên, cô Đào Thị Thuỷ cũng nêu một số lưu ý trong quá trình chọn sách giáo khoa.

Giáo viên phải xem xét nhiều yếu tố liên quan, ví dụ nội dung sách có phù hợp với điều kiện dạy học của trường, và có phù hợp với năng lực của giáo viên ở trường không, bởi mỗi trường đều có điều kiện khác nhau về cơ sở vật chất, năng lực giáo viên…

Theo Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết – Quản lý vận hành Hệ thống trường Pathway Tuệ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), với chủ trương có nhiều bộ sách giáo khoa thì việc trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục là điều tất yếu.

Các cơ sở giáo dục sẽ có cơ hội lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm người học và nhu cầu đặc biệt của nhà trường khi có sự tham gia của giáo viên- người trực đứng lớp và hiểu rõ thực tế người học.

Ngoài ra, sự xuất hiện của đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trong Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục thể hiện sự minh bạch, trách nhiệm, đảm bảo lợi ích của người học.

"Tuy nhiên, khi giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục thì vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở phải được thể hiện rõ rệt.

Công tác tổ chức lựa chọn sách đảm bảo tuân thủ các quy định, không để các yếu tố lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm ảnh hưởng kết quả lựa chọn sách.

Các tổ chuyên môn, thầy cô giáo phải đầu tư nghiêm túc, dành nhiều thời gian trong việc nghiên cứu và lựa chọn sách phù hợp điều kiện thực tế, năng lực đội ngũ và năng lực người học, thể hiện ý thức, tư duy đổi mới trong giáo dục", Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết chia sẻ.

Lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường

Nhận định về vấn đề này, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc giao quyền lựa chọn sách giáo khoa về các trường là đúng và nên thực hiện từ sớm, bởi như vậy, các trường sẽ lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp với điều kiện cũng như tình hình thực tế của nhà trường.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC

Tuy nhiên để tránh trường hợp tổ chức càng đông càng rối, nên tập trung đội ngũ chuyên môn giỏi của nhà trường để triển khai.

Nhà trường nên chọn giáo viên uy tín, chuyên môn cao, nắm vững chương trình học, thành lập một hội đồng để tuyển chọn, sau đó nhà trường sẽ cùng thống nhất với nhau. Như vậy sẽ tránh được tình trạng chín người mười ý.

Bàn thêm về việc chọn sách giáo khoa, cô Đào Thị Thuỷ cho rằng, mỗi vùng miền, mỗi địa phương đều có những yêu cầu, tiêu chuẩn khác nhau trong lựa chọn sách.

Một điều cần phải lưu tâm là giáo viên phải nắm chắc chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo.

Khi xác định như vậy, việc chọn sách giáo khoa cũng sẽ nhẹ nhàng hơn, chúng ta chọn sách tương tự với chọn tài liệu tham khảo.

Không có bộ sách nào hoàn hảo trọn vẹn 100%, vì vậy, dù đã chọn một bộ sách, quá trình dạy học, thầy cô vẫn nên tham khảo thêm ở những bộ sách còn lại.

“Giáo viên hoàn toàn có thể sử dụng nội dung của những bộ sách khác nhau vào trong bài giảng của mình.

Tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, dù chọn dạy học bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, thầy cô vẫn nghiên cứu các bộ sách còn lại. Trong thư viện của trường cũng có đầy đủ các bộ sách để trong quá trình dạy và học thì thầy cô, học sinh tham khảo thêm các nội dung, dữ liệu trong các bộ sách khác”, cô Thủy thông tin thêm.

Thu Trang