Chủ trương “Một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, được thực hiện theo Chương trình giáo dục 2018, bắt đầu áp dụng triển khai từ năm học 2020 - 2021.
Theo người viết, đây là chủ trương đúng, một chương trình nhiều bộ sách sẽ tạo môi trường sách cạnh tranh hơn, đa dạng nguồn học liệu phục vụ việc giảng dạy của giáo viên và việc học của học sinh.
Vấn đề lựa chọn sách giáo khoa, xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa,...được nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.
Việc lựa chọn sách giáo khoa là vấn đề không mới, tuy nhiên để lựa chọn được một bộ sách phù hợp với năng lực giảng dạy, cũng như cơ sở vật chất, tài chính của từng địa phương, cá nhân người học và tạo được sự đồng thuận trong giáo viên và học sinh là chuyện đáng bàn.
Gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cũng có nhiều điểm mới nhưng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng, chưa giải quyết được triệt để bài toán áp lực lựa chọn sách giáo khoa, học sinh chuyển trường phải mua lại sách giáo khoa, mỗi năm có thể sử dụng bộ sách khác nhau,...
Ảnh minh họa - P.L |
Một chương trình, nhiều sách giáo khoa thì không cần lựa chọn, học sinh và giáo viên có thể dùng sách giáo khoa khác nhau?
Trao đổi với Báo Thanh Niên bên hành lang Quốc hội khi cuộc tranh luận về sách giáo khoa đang làm "nóng" nghị trường chiều 2/11, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đã có chia sẻ về việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong chương trình mới khi thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.
Ông cho rằng: "Bây giờ trở lại với nguyên tắc, một chương trình, nhiều sách giáo khoa là gì? Nếu đúng tinh thần một chương trình, nhiều sách giáo khoa thì trong một tiết học, thầy cô giáo, học sinh có thể dùng sách giáo khoa nào cũng được mới là đúng. Cho nên, đáng ra quyền lựa chọn sách nào là của học sinh, phụ huynh. Tại sao lại phải chọn bộ này, bộ kia. Nếu bộ sách không hay, không hấp dẫn, không dễ sử dụng sẽ không được sử dụng." [1]
Người viết rất vui mừng với chia sẻ đầy tâm huyết, trách nhiệm với giáo dục của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, việc này phải được bàn tính và sớm triển khai trong các cơ sở giáo dục.
Hiện nay, việc lựa chọn, góp ý sách giáo khoa ở các trường phổ thông rất hình thức, nhiều văn bản yêu cầu giáo viên góp ý, chọn cả 3 bộ sách chỉ trong 1, 2 ngày trong khi giáo viên chưa có sách giáo khoa, phải đọc các file Pdf vô cùng áp lực,...
Ban hành nhiều bộ sách thì người mua, người sử dụng phải được quyền lựa chọn, nếu không được chọn thì mất đi ý nghĩa to lớn của việc thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, mất đi ý nghĩa của việc cạnh tranh giữa các nhà xuất bản, lợi ích thuộc về người học.
Nếu chỉ cứng nhắc trường A, tỉnh X chọn sách này sách khác thì phụ huynh, học sinh gần như không được lựa chọn sách, khi chuyển trường, ở lại lớp có thể phải mua bộ sách khác vô cùng lãng phí và tốn kém,...
Thực tế, có trường tất cả các khối lớp đều "trung thành" với một bộ sách, mất đi ý nghĩa tốt đẹp của một chương trình nhiều bộ sách, mất đi ý nghĩa của việc đa dạng nguồn học liệu nếu giáo viên, học sinh có điều kiện được lựa chọn nhiều sách giáo khoa khác nhau để giảng dạy và học tập.
Học sinh học cùng trường, cùng tỉnh sử dụng sách giáo khoa khác nhau được không?
Để giải quyết những vấn đề tồn tại về sách giáo khoa thời qua, chính là phải đổi mới việc lựa chọn sách giáo khoa đúng tinh thần của chương trình mới là học sinh được lựa chọn sách để học, đảm bảo đa dạng nguồn học liệu.
Trước đó, tại phiên họp của đoàn giám sát Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với Chính phủ chiều 27/7, với vai trò chủ trì, ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội - cho rằng phiên họp cần thảo luận kỹ về những vướng mắc, phân tích nguyên nhân để từ đó đề xuất các giải pháp cần thiết cho việc tiếp tục triển khai.
Về nội dung sách giáo khoa, tại phiên họp, theo Đại biểu Trần Văn Lâm, trước hết cần đánh giá và xác định lại về quan điểm sử dụng sách giáo khoa như thế nào với chương trình mới. Nếu coi sách giáo khoa chỉ là một tài liệu dạy học thì cần cởi mở hơn trong biên soạn sách giáo khoa, để thị trường tự quyết định. Học sinh sử dụng sách nào cũng được, không cần thống nhất trong toàn trường, toàn tỉnh.
Nhưng nếu vẫn xem sách giáo khoa là căn cứ quan trọng để dạy học như trước thì nên chăng cần quay lại có một bộ sách giáo khoa thống nhất.[2]
Bên cạnh đó, vấn đề Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải biên soạn một bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội cũng được nhiều đại biểu quan tâm.
Theo người viết, đây là những ý kiến tâm huyết, học sinh có quyền được chọn bất kỳ sách nào để học, trong cùng trường, cùng tỉnh thậm chí cùng lớp được quyền lựa chọn, có thể sử dụng sách giáo khoa khác nhau sẽ là đáp án cho hầu hết các bất cập trong việc chọn, học sách giáo khoa hiện nay.
Người viết cho rằng việc lựa chọn sách giáo khoa nên là quyền của học sinh và gia đình.
Người bỏ tiền mua và người sử dụng phải có quyền lựa chọn, các giáo viên, trường học và địa phương không cần thiết làm thay công việc này của gia đình và học sinh.
Giáo viên chỉ nên làm công tác gợi ý, tư vấn để học sinh lựa chọn quyển sách phù hợp, giá cả hợp lý và phù hợp với việc hình thành năng lực và phẩm chất của chương trình mới.
Việc ban hành sách giáo khoa, các nhà xuất bản phải dựa vào chương trình để ban hành những bộ sách tốt nhất, cạnh tranh nhất. Bởi tất cả các bộ sách đều đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định và cho phép đủ điều kiện trước khi lưu hành.
Người viết cho rằng nên trả lại quyền bán sách giáo khoa cho các nhà sách, giáo viên dạy học dựa trên chương trình, có quyền bất kỳ lựa chọn sách bất kỳ để giảng dạy, miễn sao có thể giảng dạy tốt nhất.
Đối với học sinh, dưới sự tư vấn, gợi ý của nhà trường, phụ huynh và học sinh sẽ có sự lựa chọn sách phù hợp, thậm chí học sinh có điều kiện được lựa chọn một môn 2 quyển sách để tham khảo cũng rất hợp lý.
Chương trình mới, chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa và các tài liệu khác là tài liệu tham khảo nên đã là tài liệu tham khảo thì gia đình và học sinh có quyền lựa chọn bất kỳ nguồn nào để tham khảo.
Trong lớp, giáo viên dạy theo chương trình có thể lựa chọn 1 trong nhiều bộ sách hoặc kết hợp nhiều bộ sách hoặc có thể tự biên soạn tài liệu giảng dạy để giảng dạy phù hợp tình hình và đặc điểm của học sinh, địa phương.
Thực hiện được như trên mới đúng ý nghĩa của việc thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, sẽ không còn tình trạng sách giáo khoa dùng 1 lần rồi bỏ, hết tình trạng lãng phí sách giáo khoa. Học sinh cũng không phải lo lắng khi chuyển trường, chuyển lớp phải mua bộ sách khác, đa dạng linh hoạt tài liệu giảng dạy, giáo viên và học sinh có thêm nhiều nguồn tư liệu, phụ huynh và học sinh được lựa chọn sách giáo khoa đúng nghĩa. Giáo viên và địa phương cũng không cần phải vất vả, áp lực khi lựa chọn sách giáo khoa mỗi năm.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thanhnien.vn/ong-nguyen-dac-vinh-bo-gd-dt-lam-mot-bo-sgk-de-the-hien-trach-nhiem-nha-nuoc-185231102065634277.htm
[2] https://tuoitre.vn/nen-hay-khong-nen-bo-gd-dt-bien-soan-mot-bo-sach-giao-khoa
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.