Vừa qua, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì cùng phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (HKHLSVN) tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia về dạy học Lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam. Xoay quanh những vấn đề cơ bản được các đại biểu trình bày tại Hội thảo, GS.VS.NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch HKHLSVN đã trao đổi với chúng tôi một cách cởi mở, thẳng thắn một số vấn đề cốt lõi liên quan đến dạy học Lịch sử.
- Xin Giáo sư cho biết, hiện nay có phải học sinh phổ thông đã chán Sử và quay lưng lại với Lịch sử?
GS. Phan Huy Lê: Tôi không tán thành với ý kiến đó. Hiện nay, Lịch sử là môn học bị xem thường nhất trong các trường phổ thông. Thực trạng dạy học môn Sử đã gây sự bức xúc, nỗi lo âu của xã hội. Điều đó không chỉ được phản ánh qua điểm số các kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh vào đại học mà còn qua kết quả điều tra xã hội học, qua các sân chơi truyền hình và qua dư luận xã hội.
Điều đó không có nghĩa là chúng ta phủ nhận kết quả giáo dục của môn Sử cùng những cố gắng cải tiến của SGK, nhất là sự nỗ lực của các thầy cô giáo đầy tâm huyết đối với học sinh và trách nhiệm đối với môn học, đã có nhiều cố gắng trong cải tiến phương pháp giảng dạy, nâng cao tính hấp dẫn của môn học, bổ sung phần Lịch sử địa phương.
GS Phan Huy Lê và tác giả tại hội thảo. |
- Hạn chế lớn nhất của giáo dục môn Lịch sử hiện nay là gì, thưa Giáo sư?
GS. Phan Huy Lê: Tôi cho rằng, mặt hạn chế nặng nề nhất của giáo dục môn Lịch sử là đại bộ phận không thích môn Sử. Họ coi đó là môn học của các sự kiện và năm tháng, môn học của trí nhớ khô khan, nhàm chán. Thái độ đó thật đáng buồn nhưng hoàn toàn không thuộc trách nhiệm của học sinh mà là trách nhiệm của nền giáo dục và chính là biểu hiện của việc dạy học môn Sử chưa có hiệu quả. Tôi xin khẳng định lại rằng, hiện nay số đông học sinh chán Sử nhưng không ghét Lịch sử.
Nguyên nhân sâu xa cần tìm kiếm đầy đủ trong nội dung và phương pháp giảng dạy, trong SGK, trong chương trình môn học và cả trong công việc đào tạo đội ngũ giáo viên môn Lịch sử.
- Thưa Giáo sư, Hội thảo Khoa học quốc gia về dạy học môn Lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam vừa qua đã đề cập đến những nội dung cơ bản gì? Giáo sư có thể cho biết ý nghĩa lớn nhất của Hội thảo?
GS. Phan Huy Lê: Trước tiên, tôi khẳng định lại, đây là hội thảo có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về dạy học Lịch sử ở trường phổ thông mang tầm quốc gia. Hội thảo đã tập trung được ba thành phần: Các nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành và đội ngũ giáo viên Sử cốt cán ở bậc học từ Tiểu học, Trung học đến Đại học trên toàn quốc.
Hội thảo đã tiếp tục trao đổi, thảo luận thêm về thực trạng của việc dạy và học môn Sử trong trường phổ thông để cố gắng đi đến một sự nhìn nhận và đánh giá thực khách quan, trung thực để phân tích các nguyên nhân và nêu lên các giải pháp khắc phục, những định hướng nâng cao chất lượng giáo dục môn Lịch sử, chấn hưng môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục phổ thông.
Theo tôi, cái được lớn nhất trong Hội thảo này là nó đã trở thành một diễn đàn lớn với không khí dân chủ, cởi mở, thẳng thắn trong tinh thần xây dựng mà các đại biểu đều nói lên tiếng nói chung nhất về cả ba nội dung mấu chốt: chương trình và nội dung SGK, phương pháp dạy học và bồi dưỡng, đào tạo giáo viên Sử.
- Hiện nay, có ý kiến cho rằng xã hội đang lo lắng về sự “mất gốc” của giới trẻ. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào? Môn Sử có vai trò ra sao đối với thế hệ trẻ hiện nay?
GS. Phan Huy Lê: Trong nền giáo dục phổ thông, tất cả các môn học đều có vị trí và yêu cầu của nó, đều góp phần trang bị hệ thống học vấn cho học sinh, đào tạo năng lực mang tính phổ thông cho thế hệ trẻ. Theo tôi, không nên phân biệt theo kiểu “môn chính”, “môn phụ” hay đối xử không công bằng với các môn học.
Môn Sử không chỉ trang bị một vốn kiến thức cần thiết về lịch sử dân tộc và thế giới, mà còn góp phần quan trọng trong bồi dưỡng lòng yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần tôn trọng các giá trị lịch sử văn hoá nhân loại, trong hình thành nhân cách và bản lĩnh con người, ý thức trách nhiệm của công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Vấn đề chủ quyền về biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được đề cập như thế nào trong Hội thảo, thưa Giáo sư?
GS. Phan Huy Lê: Đối với bất cứ nước nào, môn Lịch sử đều có chức năng quan trọng trong đào tạo năng lực của học sinh mà theo tôi, quan trọng bậc nhất là nhân cách, là tư duy độc lập sáng tạo, là những tố chất tạo nên bản lĩnh con người, trong đó kiến thức cơ bản và giá trị lịch sử văn hoá là nền tảng.
Tôi rất nhất trí và hoàn toàn ủng hộ nhiều ý kiến của Hội thảo đề nghị đưa nội dung giáo dục lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK. Trước khi Hội thảo này khai mạc, Hội KHLSVN đã chính thức có công văn đề nghị Ban Tuyên giáo TW, Bộ GD&ĐT và một số Bộ liên quan không nên chờ đến năm 2015 (khi biên soạn SGK mới) mà từ bây giờ phải bổ sung ngay biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa vào nội dung giáo dục cho lớp trẻ.
Tôi kiến nghị với Bộ GD&ĐT phải bổ sung ngay lập tức, càng sớm càng tốt đưa những kiến thức về biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa chứ không thể chậm trễ hơn được nữa. Nếu chậm trễ, để cho các em lớn lên mù tịt về biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa là cái tội của chúng ta, là cái tội của người lớn và của nền giáo dục đối với thế hệ trẻ.
- Giáo sư mong đợi gì sau hội thảo này?
GS. Phan Huy Lê: Có 2 điều mà Hội thảo cũng như cá nhân tôi mong muốn và kỳ vọng sau Hội thảo này.
Thứ nhất, Bộ GD&ĐT nên đưa môn Lịch sử là môn học bắt buộc, môn thi bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời nghiên cứu có thể tăng thêm thời lượng cho môn Lịch sử. Đó là giải pháp cơ bản đầu tiên để từng bước phải thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò, vị trí của môn Lịch sử, tạo nên khâu đột phá để nâng cao chất lượng dạy học môn Sử trước mắt và lâu dài.
Thứ hai, tôi quan tâm, kỳ vọng và chờ đợi những đề xuất cơ sở khoa học của Hội thảo sẽ được Bộ GD&ĐT nghiên cứu một cách trân trọng để xác định đúng đắn những định hướng “đổi mới căn bản và toàn diện” đối với môn Lịch sử. Từ Hội thảo này đến đề án Đổi mới căn bản và toàn diện môn Lịch sử, con đường tới đích còn phải qua nhiều chặng đường. Hội KHLSVN và các nhà Sử học sẵn sàng cộng tác một cách tích cực với Bộ GD&ĐT trong quá trình đó, nhưng vai trò quản lý nhà nước và trách nhiệm cuối cùng luôn thuộc về Bộ GD&ĐT.
Xin cảm ơn Giáo sư!