LTS: “Triết lý giáo dục Việt Nam” là gì?” là câu hỏi rất “nóng” thời gian gần đây. Tại hai kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng như thành viên Chính phủ đã đề cập đến triết lý giáo dục.
Trước băn khoăn này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục– người từng viết cuốn sách “Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam”, xuất bản lần đầu năm 2011 và tái bản năm 2013.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Phóng viên: Giáo sư từng thực hiện đề tài nghiên cứu cấp bộ về triết lý giáo dục trên thế giới và Việt Nam, đồng thời đã xuất bản cuốn sách về vấn đề này. Vậy triết lý giáo dục là gì và nó có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của một nền giáo dục, thưa ông?
Giáo sư Phạm Minh Hạc: Trước hết, phải khẳng định triết lý giáo dục là vấn đề lớn của xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng, vì nó có ý nghĩa quan trọng để phát triển sự nghiệp giáo dục.
Triết lý giáo dục nêu lên tư tưởng tổng quát, để xác định chủ trương, đường lối xây dựng và phát triển giáo dục. Nói cách khác, muốn phát triển giáo dục thì phải có triết lý giáo dục.
Lý do nào để Giáo sư làm nghiên cứu cũng như ra sách về triết lý giáo dục?
Giáo sư Phạm Minh Hạc: Khi đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận có cuộc họp với các Bộ trưởng và Thứ trưởng của Bộ đã nghỉ hưu tại Hạ Long.
Theo nguyên Bộ trưởng Phạm Minh Hạc, nếu không có triết lý giáo dục, chúng ta sẽ không thể từ 5% người dân biết chữ trước Cách mạng tháng Tám, hiện đã lên hơn 90% người dân biết chữ…(Ảnh: Báo Lao động) |
Sau cuộc họp đó, Bộ trưởng Luận nói với tôi là nên có tuyên bố về triết lý giáo dục. Tôi đề xuất cần có đề tài, Bộ đồng ý đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ về vấn đề này.
Tôi cũng đồng thời viết cuốn sách “Triết lý giáo dục của thế giới và Việt Nam”, sau khoảng 6 tháng thì hoàn thiện, dày 300 trang.
Khi nghiên cứu và viết sách, Giáo sư xác định triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?
Giáo sư Phạm Minh Hạc: Khi đó, tôi xác định triết lý giáo dục là phải giáo dục cho mỗi người có “giá trị bản thân”, tức là dạy và học phải giúp người học hình thành hệ giá trị của từng người, có hiểu biết, có thái độ đúng, có năng lực.
Rất nhiều người đang nhầm lẫn giữa mục tiêu và triết lý giáo dục |
Mỗi người học phải làm cho mình thực sự có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu của xã hội, bảo đảm cuộc sống cũng như trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. “Giá trị bản thân” mà tôi đề xuất đã được ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Giáo dục công dân tiếp thu.
Theo đó, “giá trị bản thân” hay “phẩm chất chủ yếu” của mỗi người sẽ gồm 5 giá trị: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm.
Mặc dù đến thời điểm này, chưa có một văn kiện nào của Đảng hay chính sách nào của Chính phủ dùng cụm từ “triết lý giáo dục”, song thực tế, triết lý này đã có và luôn là sợi chỉ xuyên suốt trong quá trình phát triển của nền giáo dục nước nhà. Thưa giáo sư, triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay cần hướng tới gì?
Giáo sư Phạm Minh Hạc: Đúng là từ năm 1945 đến nay, không có văn kiện nào của Đảng cũng như chính sách nào của Chính phủ đề cập đến cụm từ “triết lý giáo dục”.
Khi tôi làm ở Viện Khoa học giáo dục và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không dùng cụm từ này. Chính vì thế, người ta có nhu cầu đi tìm triết lý giáo dục mang tính thống nhất.
Đặc biệt khi cuộc sống đặt ra “triết lý giáo dục” thì chúng ta gọi như thế, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không có triết lý giáo dục. Triết lý giáo dục luôn là sợi chỉ xuyên suốt trong quá trình phát triển giáo dục của nước nhà.
Bởi nếu không có triết lý giáo dục, chúng ta sẽ không thể từ 5% người dân biết chữ trước Cách mạng tháng Tám, hiện đã lên hơn 90% người dân biết chữ…
Cụ thể, sau Cách mạng tháng Tám, xuất phát điểm của nước ta rất thấp, chỉ 5% người dân biết chữ.
Do vậy, khoảng một tuần sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, Chính phủ đã ban hành 3 chỉ thị về phát triển giáo dục, xóa nạn mù chữ. Theo triết lý giáo dục mà Bác Hồ đề ra khi đó “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” thì giáo dục Việt Nam rất phát triển.
Trải qua 73 năm qua, chúng ta không dùng thuật ngữ triết lý giáo dục mà đường lối phát triển giáo dục là các khẩu hiệu để chỉ đạo sự phát triển giáo dục Việt Nam.
Triết lý giáo dục của chúng ta hiện nay chính là tư tưởng Nghị quyết số 29 - NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Trong đó, Nghị quyết đã đề ra triết lý giáo dục nói vắn tắt là “năng lực và phẩm chất”.
Tức là, giáo dục không chỉ dạy kiến thức để học sinh có năng lực làm việc cho bản thân, gia đình, xã hội, góp phần đưa đất nước phát triển, mà còn tạo ra những phẩm chất tương ứng cho từng con người trong thời đại mới.
Đó là: Chăm chỉ, yêu nước, ứng xử tốt với mọi người, có học vấn, có nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, trách nhiệm, lương tâm.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư Phạm Minh Hạc.