Trong 5 năm, Trường Đại học Giao thông vận tải mở 16 ngành mới

08/03/2024 06:26
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường ĐH Giao thông vận tải bắt đầu tuyển sinh thêm một số ngành/chuyên ngành đào tạo bậc đại học mới, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội. 

Trường Đại học Giao thông vận tải tiền thân là Trường Cao đẳng Công chính (thành lập năm 1902).

Giai đoạn từ 1945 đến 1960, Trường trải qua nhiều tên gọi khác nhau và đã đào tạo được nhiều cán bộ kỹ thuật trình độ Cao đẳng và Trung cấp thuộc các lĩnh vực Giao thông, Thuỷ lợi, Bưu điện, Kiến trúc phục vụ công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước.

Ngày 24/03/1962, trường chính thức mang tên Trường Đại học Giao thông vận tải theo Quyết định số 42/CP ngày 24/03/1962 của Hội đồng Chính phủ.

Trường Đại học Giao thông vận tải hiện có 2 cơ sở. Trụ sở chính ở số 3 phố Cầu Giấy, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội. Ngoài ra, phân hiệu Thành phố Hồ Chí Minh tại 450-451 đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9.

Với sứ mạng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ chất lượng cao theo xu thế hội nhập, có trách nhiệm xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành giao thông vận tải và đất nước; Trường Đại học Giao thông vận tải xây dựng mục tiêu trở thành trường đại học đa ngành, khẳng định vị thế uy tín hàng đầu Việt Nam, ngang tầm châu Á trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2018 – 2023 là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long giữ chức Hiệu trưởng nhà trường.

Theo Công khai cam kết chất lượng đào tạo của Trường Đại học Giao thông vận tải năm học 2022-2023, nhà trường có quy mô sinh viên bậc đại học chính quy là 25.374; 1.088 vừa làm vừa học; 120 tiến sĩ; và 907 thạc sĩ.

Mở rộng nhiều ngành/chuyên ngành mới đào tạo đại học

Trong 6 năm trở lại đây, Trường Đại học Giao thông vận tải bắt đầu tuyển sinh và đào tạo thêm một số ngành/chuyên ngành đào tạo bậc đại học mới, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội trong tình hình mới.

Cụ thể, vào năm 2018, Trường Đại học Giao thông vận tải mở 4 ngành Toán ứng dụng, Kỹ thuật nhiệt, Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Quản lý xây dựng.

Trong năm 2019, nhà trường bắt đầu tuyển sinh ngành Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật cơ khí động lực, Kỹ thuật ô tô.

Đến năm 2020, Trường Đại học Giao thông vận tải tự chủ quyết định mở ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kiến trúc, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.

Nhà trường cũng bắt đầu tuyển sinh, đào tạo hai ngành Tài chính - Ngân hàng, Kỹ thuật Robot và Trí tuệ nhân tạo vào năm 2021 do trường tự chủ mở ngành.

Cho đến năm 2022, trường mở 4 ngành học mới, gồm: Khoa học máy tính, Hệ thống giao thông thông minh, Quản lý đô thị và công trình, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng.

Năm 2023, Trường Đại học Giao thông vận tải không mở thêm ngành mới đào tạo đại học chính quy nào.

Những thay đổi trong phương thức tuyển sinh đáng chú ý

Trong năm 2020, Trường Đại học Giao thông vận tải thực hiện 4 phương thức tuyển sinh là:

Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông;

Xét tuyển bằng kết quả học tập của bậc trung học phổ thông (học bạ trung học phổ thông);

Xét tuyển thẳng đối với học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia và các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia, Quốc tế;

Xét tuyển kết hợp đối với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tiếng Anh hoặc tiếng Pháp và tổng điểm 02 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông thuộc tổ hợp xét tuyển của trường từ 12,00 điểm trở lên (trong đó có môn Toán và 01 môn khác không phải Ngoại ngữ).

Năm 2021, nhà trường bổ sung thêm phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (áp dụng với một số ngành đào tạo tại Phân hiệu Thành phố Hồ Chí Minh).

Năm 2022, trường áp dụng thêm phương thức xét tuyển theo kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội; và xét tuyển theo kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Phân hiệu Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2023 vừa qua, nhà trường thay đổi phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.0 trở lên và tổng điểm 02 môn học (trong đó có môn Toán và 01 môn không phải Ngoại ngữ) trong tổ hợp xét tuyển (điểm trung bình lớp 10 cộng điểm trung bình lớp 11 cộng điểm trung bình lớp 12) cộng điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 15.00 điểm trở lên, áp dụng với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội.

Mới đây, theo thông báo tuyển sinh đại học chính quy năm 2024, Trường Đại học Giao thông vận tải công bố duy trì các phương án tuyển sinh đại học chính quy giống năm 2023 trước đó.

Biến động chỉ tiêu tuyển sinh và điểm chuẩn qua các năm

Để có góc nhìn tổng quan hơn về bức tranh tuyển sinh của Trường Đại học Giao thông vận tải, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thống kê về tổng chỉ tiêu tuyển sinh của toàn trường và chỉ tiêu của trụ sở chính, phân hiệu qua các năm:

Ảnh màn hình 2024-03-06 lúc 09.32.17.png
Số chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Giao thông vận tải qua các năm

Theo số liệu nêu trong đề án tuyển sinh, có thể thấy, tổng chỉ tiêu của toàn Trường Đại học Giao thông vận tải giảm nhẹ từ 5700 xuống 5680 trong hai năm 2021 đến 2022. Sau đó, số lượng chỉ tiêu của nhà trường tăng mạnh vào năm 2023 là 5860 người học. Đến năm 2024, trường dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh 6000 sinh viên đại học chính quy.

Đáng chú ý, chỉ tiêu của nhà trường tại trụ sở chính ở Hà Nội có xu hướng tăng đều qua các năm 2021 đến năm 2024, lần lượt là 4200, 4210, 4300 và 4500.

Trong khi đó, số lượng chỉ tiêu của phân hiệu Trường Đại học Giao thông vận tải tại Thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 1470 sinh viên bậc đại học chính quy năm 2022, đến 1500 người học trong hai năm 2023 và 2024.

Như vậy, chỉ tiêu tuyển sinh của trụ sở chính ở Hà Nội có số lượng gấp khoảng từ 2,8 đến 3 lần so với phân hiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Về điểm chuẩn qua các mùa tuyển sinh của Trường Đại học Giao thông vận tải, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng luôn nằm trong vị trí ngành học có điểm trúng tuyển cao nhất.

Với trụ sở chính ở Hà Nội, năm 2023, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có điểm chuẩn top đầu là 26.15 điểm; tuy nhiên, mức này giảm nhẹ 0.1 so với năm 2022. Điểm trúng tuyển của ngành này trong năm 2020 và 2021 lần lượt là 25.00 và 26.35.

Với các ngành đào tạo tại Hà Nội, năm 2023, điểm trúng tuyển chủ yếu trong khoảng từ 21 đến 25. Hai ngành thấp nhất lấy dưới 19 điểm, gồm: Kỹ thuật xây dựng công trình thủy (đạt 18.30) và Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (đạt 19.25).

Tại phân hiệu Thành phố Hồ Chí Minh, điểm chuẩn của nhà trường thấp hơn, dao động từ khoảng 16.15 đến 24.83 trong năm 2023.

Dưới đây là biểu đồ so sánh biến động điểm chuẩn giữa các ngành đào tạo đại học đại trà có điểm trúng tuyển thấp nhất trong 4 năm trở lại đây ở trụ sở chính Hà Nội, theo phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông:

Ảnh màn hình 2024-03-06 lúc 09.33.01.png

Đối với Kỹ thuật xây dựng công trình thuỷ, đây là một trong số những ngành học nằm trong top có điểm trúng tuyển thấp nhất toàn trường. Vào năm 2020, ngành này đạt mức thấp nhất là 16.55.

Sau đó, trong ba năm học kế tiếp, điểm chuẩn của Kỹ thuật xây dựng công trình thuỷ tăng dần từ 17.15 lên 17.25 và 18.30. Dù điểm chuẩn tăng qua từng năm nhưng ngành này là ngành học có điểm trúng tuyển thấp nhất toàn trường trong năm 2023.

Kế tiếp sau đó là ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông cũng có điểm chuẩn thuộc top dưới qua các năm. Từ năm 2020-2022, ngành học này đứng ở vị trí thấp nhất trường. Trụ sở chính của nhà trường ở Hà Nội có điểm chuẩn ngành này vào năm 2020-2022 lần lượt là 16.10, 16.00 và 17.00.

Riêng năm 2023 vừa qua, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông đạt điểm trúng tuyển là 19.25, đứng ở vị trí thấp thứ hai toàn trường.

Đáng chú ý, ngành Hệ thống giao thông thông minh mới bắt đầu tuyển sinh vào năm 2022 và chỉ có điểm chuẩn là 17.10 và 21.45 điểm vào năm 2023.

Với chiến lược phát triển của Trường Đại học Giao thông vận tải giai đoạn 2021–2030 ban hành theo Nghị quyết số 33/NQ-HĐT ngày 01/12/2021 của Hội đồng trường, nhà trường đặt nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau:

- Xây dựng trường đại học tự chủ với mô hình quản trị tiên tiến, hệ thống và phương thức quản lý chuyên nghiệp đạt tới mô hình của trường đại học thông minh.

- Đa dạng hóa ngành, phương thức và loại hình đào tạo phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ.

- Khẳng định vai trò tiên phong, vị thế hàng đầu Việt Nam về khoa học công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm phục vụ công cuộc công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức theo yêu cầu hội nhập quốc tế. Trong đó, đến năm 2025, 15% giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư; 45% giảng viên có học vị tiến sĩ; phấn đấu trên 85% giảng viên đạt trình độ ngoại ngữ B2 theo chuẩn khung năng lực châu Âu hoặc tương đương; 60% viên chức hành chính sử dụng tốt tiếng Anh và 100% viên chức thành thạo tin học trong công việc.

- Tăng cường và hiện đại hoá cơ sở vật chất.

- Phát triển nguồn lực tài chính theo hướng đa dạng hoá và bền vững.

- Kiến tạo môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ, sáng tạo và trách nhiệm cho viên chức, người lao động, người học; phát huy niềm tự hào, bản sắc riêng và uy tín thương hiệu của Trường Đại học Giao thông vận tải thông qua các hoạt động phục vụ cộng đồng.

- Tăng cường mở rộng các hoạt động đối ngoại trong nước và quốc tế, xây dựng các quan hệ hợp tác về đào tạo và nghiên cứu thực chất, hiệu quả nhằm nâng cao vị thế của Trường Đại học Giao thông vận tải.

Lưu Diễm