Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thông tin từ website nêu, nhà trường lấy tinh thần giáo dục khai phóng làm trọng tâm để đào tạo người học trở thành người sáng tạo mỹ thuật, làm chủ bản thân, có tư duy tạo hình và thẩm mỹ cao, tự chủ trong nghề nghiệp, có khát vọng cống hiến; năng động, biết khởi nghiệp, lập nghiệp và phối hợp hài hòa lợi ích bản thân với cộng đồng, dân tộc. Tầm nhìn đến năm 2030, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam giữ vững là cơ sở đào tạo mỹ thuật tiên tiến hàng đầu Việt Nam, có uy tín cao trong khu vực ASEAN và châu Á.
Hiện Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam do Thạc sĩ Phạm Thị Thanh Tú là Chủ tịch Hội đồng trường; Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan là Phó Hiệu trưởng phụ trách trường.
Danh mục "Ba công khai" trống dữ liệu, nhà trường lý giải gì?
Ngày 14/11/2023, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam truy cập vào danh mục Ba công khai trên website Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Tại đây không có dữ liệu về báo cáo 3 công khai theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT.
Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân quy định hình thức công khai: "Công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục và đào tạo vào tháng 6 hằng năm, đảm bảo tính đầy đủ, chính xác và kịp thời trước khi khai giảng năm học hoặc khi có thay đổi nội dung liên quan".
Khi truy cập vào website Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, phần danh mục Ba công khai trống nội dung hiển thị. Ảnh chụp màn hình ngày 14/11/2023. |
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 7, Mục 1, Chương II, Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định như sau:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Ban hành không đầy đủ văn bản thuộc trách nhiệm của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật hiện hành;
b) Công khai không chính xác các nội dung theo quy định của pháp luật hiện hành;
c) Không thực hiện công khai theo quy định của pháp luật hiện hành;
d) Không thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định của pháp luật hiện hành;
đ) Không gửi thông báo, quyết định của cơ sở giáo dục đại học đến Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trong văn bản trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 11/12/2023, Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết: "Do thời gian vừa rồi nhà trường tiến hành bảo trì và nâng cấp website nên dữ liệu cũ của nhà trường bị mất. Hiện nay website của nhà trường đã cập nhật lại dữ liệu quy chế thực hiện công khai".
Trước đó, ngày 5/12, phóng viên truy cập vào website, nhà trường đã đăng tải dữ liệu 3 công khai, gồm các biểu mẫu: Công khai cam kết chất lượng đào tạo; công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế; công khai thông tin cơ sở vật chất; công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu; công khai tài chính. Các dữ liệu nêu trên đề cập đến thông tin của các năm học từ năm học 2011-2012 đến năm học 2021-2022, chưa có dữ liệu năm học gần nhất là 2022-2023.
Ngoài ra, dữ liệu năm học 2019-2020 bị lỗi hiển thị văn bản, đồng thời không có biểu mẫu về công khai tài chính. Bên cạnh đó, năm học 2020-2021 và năm học 2021-2022 cũng bị lỗi hiển thị văn bản ở biểu mẫu công khai về giảng viên cơ hữu; công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế (năm 2021-2022).
Về các vấn đề trên, Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan cho biết: "Nhà trường đã yêu cầu bộ phận kỹ thuật website kiểm tra lại và xử lý các lỗi hiển thị. Ngoài ra, báo cáo quy chế thực hiện công khai năm học 2022-2023 nhà trường đã tổng hợp xong và sẽ tiến hành cập nhật dữ liệu lên website".
Dữ liệu Trường Đại học Mỹ thuật đăng tải bị lỗi hiển thị văn bản, đồng thời năm học 2019-2020 không có thông tin công khai tài chính. Ảnh chụp màn hình ngày 10/12/2023. |
Ngày 12/12, sau phản ánh của phóng viên, nhà trường đã đăng tải dữ liệu 3 công khai năm học 2022-2023.
Từ dữ liệu báo cáo công khai tài chính hai năm học 2020-2021 2021-2022, 2022-2023 đã được đăng tải trên website Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho thấy, tổng nguồn thu của trường có sự biến động nhẹ qua các năm. Tổng thu của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam bao gồm: từ ngân sách, học phí, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ và nguồn hợp pháp khác.
Tổng thu năm học 2020-2021 của trường là 29,161 tỷ đồng. Tổng thu năm học 2021-2022 khi tiến hành cộng tổng tất cả nguồn thu thì đạt 30,65 tỷ đồng (tăng 1,489 tỷ đồng so với năm học trước đó). Năm học 2022-2023 nhà trường thu 30,76 tỷ đồng (tăng 0,11 tỷ đồng so với năm học 2021-2022).
Có thể thấy nguồn từ ngân sách chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng thu năm của trường. Bên cạnh đó, nguồn thu từ học phí, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có xu hướng tăng qua ba năm. Nguồn hợp pháp khác cũng có sự biến động theo từng năm.
Nguồn thu qua ba năm học theo dữ liệu tại thông báo công khai tài chính Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. |
Nguồn từ ngân sách của trường tăng từ 21,731 tỷ đồng (năm học 2020-2021) lên 23 tỷ đồng (năm học 2021-2022), tương đương tăng 5,8%. Đến năm học 2022-2023 lại giảm 1,55 tỷ đồng so với năm học trước, còn 21,45 tỷ đồng.
Về nguồn thu từ học phí, năm 2020-2021 trường thu về 5,628 tỷ đồng từ học phí; năm học 2021-2022 nguồn thu từ học phí là 6,7 tỷ đồng; năm học 2022-2023 tổng thu từ học phí là 5,97 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tổng thu từ nguồn hợp pháp khác có sự biến động tăng, giảm qua các năm. Năm học 2020-2021 trường thu 1,8 tỷ đồng, năm 2021-2022 nguồn thu này giảm xuống còn 0,7 tỷ đồng, tương đương giảm 61,2% so với năm trước. Sau đó đến năm học 2022-2023 tăng mạnh, từ 0,7 tỷ đồng lên 2,86 tỷ đồng, tương đương tăng 308% so với năm 2021-2022.
Ngoài ra, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đang chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn trong tổng thu của nhà trường. Theo đó, năm học 2020-2021 Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam không có nguồn thu nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Năm học 2021-2022 tổng thu từ nguồn này là 0,25 tỷ đồng. Năm học 2022-2023 trường thu 0,48 tỷ đồng từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan thông tin: "Về nghiên cứu khoa học và gia tăng nguồn thu chuyển giao công nghệ, hàng năm nhà trường duy trì đều đặn các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và cấp trường của cán bộ, giảng viên và sinh viên đạt chất lượng tốt. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đạt giải thưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên do đặc thù của ngành, việc chuyển giao công nghệ của các đề tài để nâng cao thu nhập là khó khăn. Tính chất chuyển giao của đề tài nghiên cứu khoa học của trường ở việc áp dụng trong giảng dạy, biên soạn giáo trình".
Về học phí, năm học 2020-2021, học phí chính quy chương trình đại trà đối với trình độ thạc sĩ là 12,285 triệu đồng/năm học; trình độ đại học là 11,7 triệu đồng/năm học. Mức học phí này được giữ nguyên cho năm học 2022-2023.
Mức học phí năm 2021-2022 không có nhiều thay đổi so với năm học 2020-2021. Theo đó, năm học 2021-2022, học phí đào tạo thạc sĩ là 12 triệu đồng/năm học; đại học là 11 triệu đồng/năm học.
Tại đề án tuyển sinh năm 2023, học phí dự kiến với sinh viên theo hệ đại học chính quy là 1,2 triệu đồng/tháng. Riêng khối ngành Sư phạm Mỹ thuật được miễn học phí.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm nhiều ngành đạt 100%
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm theo đề án tuyển sinh năm 2022 và năm 2023. |
Ghi nhận đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tỷ lệ sinh viên đại học tốt nghiệp có việc làm sau một năm ra trường của trường đạt tỷ lệ dao động từ 96,6% - 100% tùy theo từng ngành, lĩnh vực đào tạo.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tính theo công thức: ((Số lượng sinh viên tốt nghiệp có việc làm + số lượng sinh viên tốt nghiệp đang học nâng cao)/tổng số sinh viên tốt nghiệp được khảo sát) x 100
Đáng chú ý, tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam theo đề án tuyển sinh năm 2023 nhiều ngành đạt 100%, đó là các ngành: Sư phạm Mỹ thuật, Đồ họa, Điêu khắc, Thiết kế đồ họa. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm ngành Hội họa là 96,6%.
Như vậy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm theo đề án tuyển sinh năm 2023 ở tất cả các ngành đều tăng so với năm 2022. Cụ thể, ngành Sư phạm Mỹ thuật tăng 18,75%; ngành Hội họa tăng 10,49%; ngành Đồ họa tăng 16,67%; ngành Điêu khắc tăng 40%; ngành Thiết kế đồ họa tăng 21,74%.
Đáng nói, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm theo dữ liệu đề án tuyển sinh 2022 của ngành Điêu khắc là 60%, năm sau tỷ lệ này được nâng lên thành 100%. Tương tự, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm theo đề án tuyển sinh năm 2023 của ngành Thiết kế đồ họa là 78,26%, năm sau cũng tăng lên thành 100%.
Theo dữ liệu tại thông báo công khai thông tin cơ sở vật chất năm học 2019-2020, diện tích đất/sinh viên; diện tích sàn/sinh viên có tỷ lệ lần lượt là 16,24 và 35,5.
Năm học 2020-2021 không có thông tin tỷ lệ diện tích đất/sinh viên và diện tích sàn/sinh viên. Ảnh chụp màn hình. |
Đáng chú ý, tại thông báo công khai thông tin cơ sở vật chất năm học 2020-2021 và năm học 2021-2022 đang bị bỏ trống nội dung tỷ lệ diện tích đất/sinh viên; diện tích sàn/sinh viên. Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan giải thích: "Do lỗi kỹ thuật, nhà trường đã yêu cầu đơn vị chuyên trách kiểm tra lại và bổ sung ngay nội dung còn thiếu".