Thông tin từ website nhà trường, tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam là Trường Mỹ thuật Đông Dương, thành lập theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương do Martial Merlin ký vào ngày 27 tháng 10 năm 1924. Đến tháng 11 năm 1925 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khai giảng khóa đầu tiên, đánh dấu mốc son chính thức về khởi đầu hành trình phát triển của nhà trường.
Từ khi thành lập đến nay nhà trường đã trải qua các giai đoạn khác nhau và thay đổi tên trường. Từ năm 2008 trường hoạt động với tên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam có sứ mạng tạo lập và phát triển môi trường đào tạo, nghiên cứu và sáng tác mỹ thuật chuyên nghiệp, phát huy tốt nhất tiềm năng sáng tạo của người học; bồi dưỡng nhân tài và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đào tạo hệ đại học chính quy với các ngành, chuyên ngành về: Hội họa, Đồ họa, Điêu khắc, Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, Sư phạm mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đào tạo hệ thạc sĩ với 2 ngành: Mỹ thuật tạo hình, Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật.
Hiện Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam do Thạc sĩ Phạm Thị Thanh Tú là Chủ tịch Hội đồng trường; Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan là Phó Hiệu trưởng phụ trách trường.
Sinh viên trúng tuyển nhập học ba năm liền không đạt chỉ tiêu
Qua tìm hiểu đề án tuyển sinh năm 2022, 2023, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam được duy trì là 130 chỉ tiêu ở hai nhóm ngành Đào tạo giáo viên (15 chỉ tiêu) và Mỹ thuật (115 chỉ tiêu).
Ba năm liên tiếp số sinh viên nhập học Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam không đạt chỉ tiêu tuyển sinh, tổng hợp số liệu từ đề án tuyển sinh năm 2023, 2022. |
Từ bảng số liệu trên cho thấy, 3 năm liên tục (năm 2020, 2021 và 2022) số sinh viên trúng tuyển nhập học Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đều thấp hơn số chỉ tiêu được phê duyệt.
Để làm rõ nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã gửi câu hỏi cho lãnh đạo nhà trường về những khó khăn trường đang gặp phải trong công tác tuyển sinh? Trong năm học 2023-2024, số sinh viên nhập học của trường như thế nào?
Lý giải điều này, trong công văn trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam do Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ký, cho biết: "Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam không thể xác định được tỷ lệ thí sinh dự thi ảo. Do vậy, khi xác định điểm trúng tuyển nhà trường chỉ lấy đúng số lượng theo quy định, nếu có lấy thêm cũng không vượt quá 10%. Đây là lý do số lượng thí sinh nhập học giảm hơn so với số lượng thí sinh trúng tuyển và chỉ tiêu đã đăng ký".
Theo dữ liệu tại đề án tuyển sinh 2 năm gần đây (năm 2022, 2023), quy mô đào tạo của trường có xu hướng giảm nhẹ. Theo đó, tại đề án tuyển sinh năm 2023 tính đến ngày 31/12/2022, quy mô đào tạo hệ đại học chính quy là 520 sinh viên, giảm 81 sinh viên, tương đương 15,5% so với số liệu công bố tại đề án tuyển sinh năm 2022, tính đến ngày 31/12/2021 (tổng là 601 sinh viên).
Tuy nhiên, khi phóng viên cộng tổng từng ngành đề án tuyển sinh năm 2023 thì quy mô đào tạo là 575 (số liệu của trường là 520). Về vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan thừa nhận: "Về quy mô đào tạo đại học chính quy nhà trường đã đánh máy nhầm ở cột tổng, số đúng là 575 chứ không phải là 520".
Như vậy, tính theo số liệu chuẩn, quy mô đào tạo hệ đại học chính quy công khai tại đề án tuyển sinh năm 2023 giảm 26 sinh viên, tương đương giảm gần 5% so với năm trước.
Ngoài ra, thông tin từ website cho hay, trường có chức năng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực mỹ thuật ở bậc đại học và sau đại học cho cả nước. Theo tìm hiểu, quy mô đào tạo hệ sau đại học (trình độ thạc sĩ) của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam có xu hướng tăng.
Đề án tuyển sinh năm 2023 cho thấy, quy mô đào tạo thạc sĩ là 34 học viên, tăng 22 người (tương đương tăng 183%) so với năm liền trước (12 học viên).
Điểm trúng tuyển Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam qua các năm, theo thông tin từ đề án tuyển sinh năm 2022, 2023. |
Theo khảo sát của phóng viên, điểm trúng tuyển Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2022 có biến động nhẹ (tăng, giảm tùy từng ngành học). Nhà trường tuyển sinh theo phương thức kết hợp thi tuyển và xét tuyển (tổ chức các môn thi năng khiếu, xét tuyển môn Ngữ văn).
Điểm trúng của một số ngành học có xu hướng tăng. Ngành Sư phạm Mỹ thuật năm 2020 lấy 25,75 điểm; năm 2021 lấy 29,75 điểm; năm 2022 lấy 31,36 điểm. Ngành Hội họa năm 2020 lấy 29,25 điểm; năm 2021 lấy 30,25 điểm; năm 2022 lấy 30,63 điểm.
Trong khi đó, điểm chuẩn của một số ngành có sự biến động. Điểm chuẩn của ngành Điêu khắc năm 2020 là 27,25; đến năm 2021 điểm chuẩn giảm 2 điểm còn 25,25; năm 2022 điểm chuẩn tăng thêm 0,85 điểm, lấy 26,1 điểm. Ngành Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật năm 2020 lấy 30 điểm; năm 2021 không tuyển sinh; năm 2022 điểm chuẩn giảm xuống còn 25,56 điểm. Ngành Thiết kế đồ họa năm 2020 lấy 29,75 điểm; năm 2021 giảm xuống còn 28 điểm và năm 2022 lại tăng thêm 1,73 điểm, lấy 29,73 điểm.
Số giảng viên thỉnh giảng tăng, không có giảng viên chức danh giáo sư
Giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, theo dữ liệu từ đề án tuyển sinh năm 2022 và năm 2023. |
Qua thống kê đề án tuyển sinh năm 2022 và năm 2023 cho thấy, số giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tăng lên theo thời gian. Năm 2022 trường có 37 giảng viên thỉnh giảng, đến năm 2023 tăng thêm 26 thầy cô, nâng tổng giảng viên thỉnh giảng lên 63, tương đương tăng 70,2%.
Đáng chú ý, năm 2023, nhà trường có 63 giảng viên thỉnh giảng, nhiều hơn 11 người so với giảng viên toàn thời gian (52 thầy cô). Bên cạnh đó, số lượng giảng viên cơ hữu đang có xu hướng giảm nhẹ qua 2 năm học.
Khảo sát thêm của phóng viên cho thấy, lực lượng giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2023 có 2 chức danh phó giáo sư, không có chức danh giáo sư. Ngoài ra, nhà trường có 11 tiến sĩ, 40 thạc sĩ và 1 giảng viên trình độ đại học.
Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam Đặng Thị Phong Lan thừa nhận: "Hiện tại nhà trường đang thiếu giảng viên nên số giảng viên thỉnh giảng nhiều hơn số giảng viên toàn thời gian là đúng. Số lượng giảng viên thỉnh giảng từng năm không cố định mà luôn thay đổi phụ thuộc vào số học phần mà giảng viên thỉnh giảng có thể đảm nhận được, đặc biệt là các giảng viên tham gia giảng dạy các học phần nghiên cứu hoặc sáng tác.
Ví dụ năm 2022, có giảng viên đảm nhận được 3-4 học phần, nhưng đến năm 2023 giảng viên đó chỉ đảm nhận được 2 học phần. Do vậy, Nhà trường phải mời bổ sung thêm 1-2 giảng viên khác. Đó là nguyên nhân số lượng giảng viên thỉnh giảng năm 2023 tăng hơn so với năm 2022".
Cũng theo Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan, việc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chưa có giảng viên có chức danh giáo sư không ảnh hưởng đến công tác đào tạo sau đại học do hiện nay nhà trường chỉ đang tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ, chưa tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ.
Tại Điểm a, Khoản 2, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định: "...giảng viên thỉnh giảng (tính theo từng năm học) chỉ đảm nhận tối đa 30% khối lượng giảng dạy ở mỗi thành phần trong chương trình đào tạo; các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, giảng viên thỉnh giảng có thể đảm nhận tối đa 40% khối lượng giảng dạy ở mỗi thành phần trong chương trình đào tạo"