Quy định về tuổi nghỉ hưu của giáo sư, phó giáo sư có phù hợp?

17/02/2024 06:45
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc quy định về tuổi nghỉ hưu của giáo sư, phó giáo sư là đang hành chính hóa khoa học và đi ngược lại với thông lệ quốc tế.

Theo Nghị định 50/2022/NĐ-CP ngày 2/8/2022 của Chính phủ Về việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, các giáo sư, phó giáo sư chỉ được kéo dài thời gian công tác tối đa không quá 5 năm (60 tháng).

Trong khi theo quy định trước đó, thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là 10 năm.

Với nhiều ngành khoa học cơ bản, ngành khoa học đặc thù, đội ngũ kế cận cũng chưa đủ để đáp ứng được nhu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Số lượng GS, PGS ở các ngành khoa học cơ bản, ngành đặc thù không nhiều

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Dũng – Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Tâm lý học, Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho biết, Nghị định 50/2022/NĐ-CP có mặt ưu điểm là tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ vươn lên, khẳng định mình; đồng thời, giúp các cơ sở giáo dục đại học công lập giảm đi áp lực về tài chính.

anh 6.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Dũng – Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Tâm lý học, Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam. Ảnh: Website Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tuy nhiên, một số ngành học đặc thù trong những năm qua chưa chuẩn bị tốt về đội ngũ kế cận, nên khi thực hiện Nghị định 50/2022/NĐ-CP đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt các nhà khoa học thế hệ sau để tiếp nối sự nghiệp của thế hệ trước.

“Đặc biệt phải lưu ý đến các ngành Khoa học xã hội, trong đó có ngành Tâm lý học, khi các giáo sư, phó giáo sư hết 65 tuổi phải nghỉ hưu theo quy định, số lượng đội ngũ còn lại làm việc ở các ngành học này của nước ta sẽ là rất ít.

Như hiện nay, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam – là một trung tâm nghiên cứu Khoa học xã hội hàng đầu của cả nước, nhưng chỉ còn lại duy nhất 1 giáo sư đang ký hợp đồng theo diện kéo dài tuổi làm việc.

Trong vài năm tới, thực hiện theo quy định của Nghị định 50/2022/NĐ-CP, vị giáo sư ấy cũng phải nghỉ hưu. Nếu chưa có thêm giáo sư mới, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ không còn giáo sư nào nữa” – Giáo sư Vũ Dũng cho hay.

Bên cạnh đó, theo Giáo sư Dũng, số lượng phó giáo sư ở các ngành khoa học cơ bản, các ngành đặc thù cũng không nhiều. Thậm chí, nhiều viện nghiên cứu, hay nhiều khoa, ngành, bộ môn ở các cơ sở giáo dục đại học cũng không có phó giáo sư chuyên ngành nào làm việc. Điều này tạo ra sự bất cập trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

Đồng tình với những ý kiến trên, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thanh Bình – nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Việc quy định về tuổi nghỉ hưu của giáo sư, phó giáo sư là đang hành chính hóa khoa học và đi ngược lại với thông lệ quốc tế.

Hiện nay, để có được một giáo sư, phó giáo sư không phải là việc dễ dàng. Vì vậy, khi giáo sư, phó giáo sư còn đủ sức khỏe, đam mê cống hiến mà phải nghỉ hưu theo quy định là lãng phí nguồn tri thức của đất nước.

Như vừa qua, có khoảng 6 – 8 giáo sư công tác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đồng loạt nghỉ hưu, gây ra sự hẫng hụt đối với nhiều khoa, nhiều ngành”.

gdvn-dtb2-8914.jpg
Giáo sư Đỗ Thanh Bình. Ảnh: Trần Lý

Nói thêm về vấn đề này, Giáo sư Bình cho biết, đặc biệt đối với các ngành khoa học cơ bản (trong đó có Lịch sử), việc tuyển sinh bậc đại học đã khó, chứ chưa nói đến việc đào tạo đội ngũ cao học, hay cao hơn là tiến sĩ".

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong mùa tuyển sinh 2022, các ngành học thu hút nhiều nhất là: Kinh doanh và quản lý, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật (chiếm khoảng 46% thí sinh đăng ký lựa chọn).

Còn các ngành khoa học cơ bản và một số ngành đặc thù mặc dù tiêu chuẩn đầu vào không cao, học phí thấp nhưng tỷ lệ tuyển sinh cũng không mấy khả quan. Trong đó, lĩnh vực Nông Lâm Nghiệp và Thủy sản có tỷ lệ tuyển sinh là 0,86%; Khoa học sự sống có tỷ lệ tuyển sinh là 0,64%; Khoa học tự nhiên có tỷ lệ tuyển sinh là 0,44%; Dịch vụ xã hội có tỷ lệ tuyển sinh là 0,36%.

Không chỉ quy định về tuổi nghỉ hưu, theo Giáo sư Đỗ Thanh Bình, quy định về việc xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư theo hướng quốc tế hóa khi bắt buộc phải có các bài báo khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI, Scopus,… thay vì chỉ quy định chung là bài báo hay đề tài nghiên cứu khoa học cũng là một trở ngại lớn đối với ngành khoa học xã hội, các ngành đặc thù.

“Bởi các ngành khoa học xã hội có tính dân tộc cao, nên không thể áp dụng công thức chung như các ngành khoa học tự nhiên.

Đã có nhiều trường hợp các bài báo về Khoa học Lịch sử của người Việt Nam sau khi gửi đi đăng ở các tạp chí quốc tế theo quy định, lại được đưa trở lại về Việt Nam nhờ thẩm định chất lượng. Vì trên thực tế, những ngành học, nội dung có liên quan đến tính chính trị, tính dân tộc như vậy thì chỉ có chuyên gia nghiên cứu ở trong nước mới hiểu rõ nhất.

Khi đội ngũ giáo sư, phó giáo sư đang làm việc ở các ngành khoa học cơ bản, ngành đặc thù này còn ít, mà đội ngũ kế cận lại không đủ, sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nhân lực, lâu dài sẽ dẫn tới nguy cơ phải đóng ngành, “xóa sổ” nhiều ngành” – Giáo sư Bình nhận định.

Vì vậy, thầy Bình cho rằng, Nhà nước cần có nhiều sự quan tâm và tạo điều kiện hơn đối với các ngành khoa học cơ bản, từ việc đào tạo trình độ đại học cho đến các bậc cao hơn là thạc sĩ, tiến sĩ và xét đạt chuẩn phó giáo sư, giáo sư.

Nên quyết định thời gian làm việc của giáo sư, phó giáo sư bằng hiệu quả công việc

Bàn về việc thực hiện Nghị định 50/2022/NĐ-CP, có ý kiến cho rằng, sau khi hết tuổi công tác tại các cơ sở giáo dục công lập, giáo sư, phó giáo sư vẫn có thể làm việc tại các đơn vị ngoài công lập. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các đơn vị ngoài công lập tuy có thể thu hút được đội ngũ nhân lực chất lượng cao này về làm việc, nhưng thường chỉ tập trung ở các ngành, nghề mà thị trường có nhu cầu cao như: Kinh doanh, Tài chính, Marketing, Ngoại ngữ,…

Còn các giáo sư, phó giáo sư có chuyên môn sâu thuộc ngành đặc thù hoặc các ngành khoa học cơ bản như Triết học, Sử học, Dân tộc học, hay các ngành Địa chất học, Hải dương học… nếu thị trường không có nhu cầu (cơ sở giáo dục đại học tư thục không đào tạo) sẽ không được sử dụng.

Nhìn nhận về thực trạng này, Phó Giáo sư Vũ Thị Kim Anh – Phó trưởng Khoa Kế toán, Trường Đại học Công Đoàn cho rằng, việc quy định về thời gian làm việc tăng thêm của giáo sư, phó giáo sư theo Nghị định số 50/2022/NĐ-CP sẽ dễ dẫn đến tình trạng "chảy máu chất xám" từ công sang tư.

f38de09fb9a213fc4ab3.jpg
Phó Giáo sư Vũ Thị Kim Anh – Phó trưởng Khoa Kế toán, Trường Đại học Công Đoàn. Ảnh: NVCC

Sau khi hết tuổi làm việc theo quy định, nếu vẫn muốn tiếp tục cống hiến, thì các giáo sư, phó giáo sư sẽ phải làm việc tại các cơ sở giáo dục tư thục. So với các trường đại học công lập, các trường tư thục sẽ có nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ hơn (trả lương cao hơn, được giao đảm trách vị trí lãnh đạo bộ môn, khoa…).

Điều này, dẫn đến các trường đại học công lập mất dần đội ngũ nhân lực chất lượng cao để mở ngành và duy trình ngành hay vai trò tiên phong trong việc dẫn dắt, định hướng các nhóm nghiên cứu, khó cạnh tranh với các trường tư thục.

Căn cứ theo Điều 6, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ cần đảm bảo:

“Có ít nhất 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu (các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, phải có ít nhất 01 giáo sư hoặc 01 phó giáo sư và 02 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu), trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo”.

Ngoài ra, cô Kim Anh cũng nhấn mạnh: “Về vấn đề này, chúng ta cần xem xét một cách toàn diện. Bởi dù có hướng tới chất lượng về việc đào tạo con người, trường đại học tư vẫn là một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giáo dục. Vì thế, họ vẫn đề cao yếu tố lợi nhuận, hiệu suất công việc và đặc biệt là hiệu quả của việc mở ngành, duy trì hoạt động ngành.

Ở các trường đại học công lập, một số ngành đặc thù như Triết học, Dân tộc học, Chính trị học… có nhiều học phần là những học phần điều kiện, được giảng dạy phổ biến nên việc duy trì ngành là đương nhiên.

Nhưng ở trường tư, có những ngành không nằm trong chương trình đào tạo hoặc có đào tạo mà không tuyển sinh được (nhu cầu của người học không cao), không mang lại hoạt động hiệu quả cao thì cũng rất khó để các đơn vị này duy trì ngành. Vì thế, các trường tư cũng phải cân nhắc đến việc ký hợp đồng với các giáo sư, phó giáo sư ở những lĩnh vực như vậy”.

Hiện nay, trong xu thế tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học không chỉ tự chủ về tài chính mà đang dần tự chủ cả về nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ.

“Tuy nhiên, việc quy định về tuổi làm việc kéo dài của giáo sư, phó giáo sư vẫn là một rào cản đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập hay các ngành đặc thù.

Dù là thực hiện theo Nghị định số 141/2013/NĐ-CP trước đó (quy định giáo sư được kéo dài thời gian làm việc 10 năm, còn phó giáo sư là 7 năm) hay Nghị định 50/2022/NĐ-CP, thì cũng chỉ khác nhau về con số thời gian (5 – 10 năm) để các trường kéo dài tuổi làm việc của đối tượng giáo sư, phó giáo sư trong một phạm vi nhất định. Điều này đi ngược lại với thông lệ quốc tế là chỉ áp dụng tuổi nghỉ hưu đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp cao; còn phần lớn các giáo sư, phó giáo sư vẫn tiếp tục đảm nhiệm các công việc nghiên cứu, giảng dạy,… chứ không chịu ràng buộc bởi tuổi nghỉ hưu” – Phó Giáo sư Kim Anh chia sẻ.

Vì vậy, nữ phó giáo sư này cũng cho rằng, nhà nước nên có sự linh hoạt, để cho các trường tự quyết trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao như giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy cho phù hợp với chiến lược, sự phát triển của các trường.

“Dù là trường công hay tư cũng đều cần có những bộ tiêu chuẩn KPI, cách thức đánh giá riêng đối với sự cống hiến của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư về sức khỏe, hiệu suất công việc... Điều này vừa giúp đánh giá đúng hiệu quả công việc của một số giáo sư, phó giáo sư khi làm việc lâu năm, vừa tạo điều kiện cho thế hệ trẻ nhìn vào học tập, phấn đấu.

Bộ tiêu chuẩn đo lường hiệu quả công việc (KPI) có thể giúp các trường quyết định việc kéo dài thời gian làm việc của giáo sư, phó giáo sư được công bằng, minh bạch hơn. Tránh một số trường hợp các trường cố giữ lại đội ngũ này chỉ để đáp ứng những quy định trong việc mở ngành, đào tạo ngành” – Phó Giáo sư Kim Anh đề xuất.

giao-su-pho-giao-su-16036309803141221559725-crop-16036310061641660280182.jpg
Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Trong bối cảnh Nghị quyết số 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc quan tâm, tận dụng đội ngũ trí thức, các đơn vị cũng cần tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho đội ngũ này có cơ hội cống hiến, phát huy khả năng của mình.

“Trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật, nếu thấy những quy định đó còn nhiều bất cập, thì Nhà nước hoàn toàn có thể sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, kể cả việc thực hiện Nghị định 50/2022/NĐ-CP cũng vậy. Mục đích cuối cùng mà chúng ta đều hướng tới là vì sự phát triển của đất nước.

Theo tôi, chúng ta nên có những cách giải quyết linh hoạt đối với vấn đề này, đặc biệt là đối với các ngành đặc thù, ngành khoa học cơ bản. Nên tạo điều kiện để các giáo sư, phó giáo sư, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu khi còn khả năng được tiếp tục làm việc, cống hiến và đào tạo các thế hệ kế cận” – Giáo sư Vũ Dũng nhấn mạnh thêm.

Kim Minh Châu