Trực Tết mà có tiền, giáo viên có muốn cũng chưa chắc được tham gia!

22/01/2021 07:00
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thời gian nghỉ Tết là thời gian nghỉ hợp pháp của giáo viên nói riêng và người lao động nói chung, vậy tất cả đều nghỉ Tết, ai là người phải trực Tết?

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, chế độ dành cho nhà giáo từ trước đến nay đã được nhà nước quan tâm, coi trọng, tuy nhiên cũng chưa đáp ứng mong mỏi của nhà giáo.

Sinh thời, Bác Hồ đã từng nói “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Thế nhưng cái làm nhà giáo buồn lòng không phải chế độ của nhà nước cho mình chưa đảm bảo cuộc sống, mà là người thực hiện chế độ chính sách đó không công bằng.

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, câu chuyện trực Tết lại nổi lên, chiếm được sự quan tâm của nhà giáo.

Giáo viên cần hiểu rõ thời gian nghỉ Tết của mình

Với đặc thù của ngành giáo dục, có địa phương cho học sinh nghỉ Tết 1 tuần, có nơi 2 tuần, không có sự thống nhất trên cả nước.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: Báo Nhân Dân điện tử.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: Báo Nhân Dân điện tử.

Thời gian học sinh nghỉ học của học sinh không đồng nghĩa là thời gian nghỉ Tết của nhà giáo. Thời gian nghỉ tết của nhà giáo do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông báo 4875/TB-LĐTBXH về việc nghỉ Tết Âm lịch và Quốc khánh năm 2021 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, thông tin cụ thể như sau:[1]

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động làm việc trong cơ quan nhà nước: nghỉ liền 07 ngày liên tục, từ thứ Tư ngày 10/02/2021 đến hết thứ Ba ngày 16/02/2021 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu).

– Do ngày Mùng 2 và Mùng 3 Tết (tức ngày 13 đến 14/2/2021 Dương lịch) trùng vào ngày thứ bảy và chủ nhật là các ngày nghỉ hằng tuần, nên các công chức, viên chức sẽ nghỉ bù vào ngày Mùng 4 và Mùng 5 Tết (tức ngày 15 đến ngày 16 (tháng 2 năm 2021 Dương lịch).

– Đối với người lao động làm việc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì người sử dụng lao động chọn một trong hai phương án nghỉ sau: + Nghỉ 01 ngày cuối năm Canh Tý và 04 ngày đầu năm Tân Sửu + Nghỉ 02 ngày cuối năm Canh Tý và 03 ngày đầu năm Tân Sửu.

Như vậy, nhà giáo nếu được điều động trực trường trong thời gian từ thứ Tư ngày 10/02/2021 đến hết thứ Ba ngày 16/02/2021 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu) mới gọi là ... trực Tết.

Ai là người chịu trách nhiệm trực Tết?

Thời gian nghỉ Tết là thời gian nghỉ hợp pháp của giáo viên nói riêng và người lao động nói chung, vậy tất cả đều nghỉ Tết, ai là người phải trực Tết, bảo vệ cơ quan, trường học?

Với trường học, phải áp dụng điều lệ trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Trong các điều lệ trên đều quy định chung:

Hiệu trưởng nhà trường là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường. Quản lý hành chính; quản lý và tự chủ trong việc sử dụng các nguồn tài chính, tài sản của nhà trường theo quy định.

Như vậy, hiệu trưởng nhà trường là người chịu trách nhiệm phân công, tổ chức, điều hành, giám sát hoạt động trực trường trong thời gian nghỉ Tết.

Hiệu trưởng nhà trường sẽ ra quyết định phân công nhân sự trực Tết sau khi đã thỏa thuận với người lao động.

Nếu người lao động không đồng ý trực Tết, trong hợp đồng lao động không có điều khoản phải trực tết, nhưng vẫn bị phân công trực Tết, hiệu trưởng có thể bị phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động theo Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP đến 75 triệu đồng. [2]

Trực Tết có tiền, giáo viên có muốn trực Tết cũng không được

Với chế độ dành cho người lao động làm trong ngày Tết hiện nay, mỗi ngày sẽ được trả 300% tiền công so với ngày thường, tức là một ngày làm việc trong dịp Tết người lao động được hưởng gấp 4 lần tiền công so với ngày thường.[3]

Mỗi ngày trực Tết, nhà giáo có thể “đút túi” tiền triệu. Rất nhiều giáo viên không về quê ăn tết, sẵn sàng trực tết, nhưng ... không được phân công.

Vì vậy, danh sách trực Tết thường chỉ có cán bộ quản lý, chủ tịch công đoàn, giáo viên thân cận với hiệu trưởng và nhân viên nhà trường (vì tiền làm thêm thấp so với giáo viên).

Với những trường kinh phí hoạt động ít, hiệu trưởng đã “khôn khéo” cài thêm điều khoản bắt buộc phải trực Tết trong hợp đồng lao động với nhân viên (bảo vệ, văn thư, thiết bị, y tế).

Để đảm bảo quyền lợi cho chính mình, nhà giáo cần cập nhật kiến thức về pháp luật, chế độ dành cho mình. Trước tiên giúp mình sống, làm việc đúng pháp luật cũng chính là bảo vệ mình trước những hành vi trái pháp luật, lộng quyền của cán bộ quản lý.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://luatvietnam.vn/lao-dong/thong-bao-4875-tb-ldtbxh-lich-nghi-tet-am-lich-va-quoc-khanh-nam-2021-195361-d6.html

[2]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=199334

[3]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Bo-Luat-lao-dong-2019-333670.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Lê Mai