Nhóm G7 phản đối các hành động cản trở tự do đi lại và tự do bay cùng với hành động xây dựng đảo quy mô lớn ở Biển Đông |
Tân Hoa xã ngày 9 tháng 6 đưa tin, ngày 8 tháng 6, các nhà lãnh đạo G7 ra tuyên bố về vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông, đã bày tỏ quan ngại đối với tình hình căng thẳng khu vực này.
Đồng thời G7 yêu cầu các bên thông qua phương thức hòa bình giải quyết tranh chấp và bảo đảm sử dụng hợp pháp tự do hàng hải thế giới, phản đối sử dụng các thủ đoạn đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực cũng như các hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng như lấn biển xây đảo quy mô lớn.
Mặc dù tuyên bố của G7 không chỉ đích danh nước nào, nhưng rõ ràng nhằm vào các hành động nguy hiểm, bất chấp luật pháp quốc tế hiện nay của Trung Quốc - PV.
Đối với tuyên bố này của các nhà lãnh đạo G7, tại cuộc họp báo ngày 9 tháng 6, Chính phủ Trung Quốc lại cử Hồng Lỗi - phát ngôn viên ngoại giao tiếp tục ra sức ngụy biện, xuyên tạc, bịa đặt, lừa đảo một cách rất tức tối, vất vả. Ông Hồng Lỗi nói gì?
Trung Quốc ngày càng vất vả tìm mọi cách xuyên tạc, ngụy biện |
Hồng Lỗi nói: "Về vấn đề biển Hoa Đông, Biển Đông, Chính phủ Trung Quốc đã trình bày toàn diện, rõ ràng về lập trường nguyên tắc.
Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với đảo Senkaku và những hòn đảo lân cận, quần đảo Trường Sa và vùng biển phụ cận. Trung Quốc tiến hành xây dựng trên các đá ngầm Trường Sa hoàn toàn là việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, bất cứ nước nào đều không có quyền can thiệp.
Sau khi hoàn thành xây dựng, ngoài một số chức năng phòng ngự, phần nhiều là chức năng dân sự, là để thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ quốc tế như dẫn đường, cứu nạn trên biển.
Trung Quốc nhất quán nỗ lực bảo vệ tự do đi lại và bay ở biển Hoa Đông, Biển Đông. Từ lâu, đi lại và bay ở các vùng biển liên quan dựa trên luật pháp quốc tế của các nước hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Nếu có người có ý định tạo ra sự cố, đe dọa tự do đi lại và bay ở các vùng biển liên quan, Trung Quốc sẽ đi đầu kiên quyết phản đối.
Trung Quốc đang xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, dùng để áp đặt yêu sách xâm lược, bành trướng "đường lưỡi bò" bất hợp pháp, vô lý, lố bịch |
Chính phủ Trung Quốc luôn luôn không thừa nhận 'hiện trạng' của đảo Senkaku và các đảo lân cận cùng với một số đảo đá của quần đảo Trường Sa bị nước khác ăn cắp và xâm chiếm. Nhưng xuất phát từ đại cục hòa bình, ổn định của khu vực, Trung Quốc luôn giữ kiềm chế rất lớn.
Cùng với việc kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển, Trung Quốc luôn nỗ lực cùng các nước đương sự trực tiếp, trên cơ sở tôn trọng sự thực lịch sử và luật pháp quốc tế, thông qua đàm phán hiệp thương và giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan, đồng thời cùng các nước liên quan bảo vệ hòa bình, ổn định các vùng biển liên quan.
Đương nhiên, Trung Quốc là quốc gia có chủ quyền, sẽ đưa ra các phản ứng cần thiết đối với bất cứ hành động nào xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
Đối với phải trái, đúng sai trong vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông, cộng đồng quốc tế đã có công luận. Phát biểu của nhóm G7 đi quá xa sự thực và công lý quốc tế.
Trung Quốc thúc giục mạnh mẽ nhóm G7 tôn trọng sự thực, vứt bỏ thành kiến, chấm dứt phát biểu những lời vô trách nhiệm, làm nhiều việc thực sự có lợi cho xử lý và giải quyết ổn thỏa tranh chấp, có lợi cho hòa bình, ổn định khu vực".
Trung Quốc đang xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, dùng để áp đặt yêu sách xâm lược, bành trướng "đường lưỡi bò" bất hợp pháp, vô lý, lố bịch |
Những tuyên bố ngụy biện, xuyên tạc, lừa đảo như trên đã trở thành đặc sắc Trung Quốc, báo Giáo dục đã có nhiều bài viết đề cập đến vấn đề này, các độc giả có thể tham khảo các bài viết trước.
Đối với phát biểu của Hồng Lỗi lần này cho thấy, Trung Quốc ngày càng ngoan cố áp đặt yêu sách tham lam, lố bịch, bất hợp pháp đối với Việt Nam và cả cộng đồng quốc tế. Đây là điều không thể chấp nhận được. Mục đích cuối cùng của Trung Quốc là áp đặt được yêu sách bành trướng, thực dân vô lý này - PV.
Hoan hô Trung Quốc nói cần tôn trọng “sự thực lịch sử và luật pháp quốc tế”. Nhưng, phát biểu này phải là Trung Quốc nói cho chính họ, và là sự đòi hỏi của cộng đồng quốc tế đối với chính Trung Quốc, chứ không phải dành cho các nước nhỏ ven Biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa, ăn hiếp - PV.
Phải luôn luôn khẳng định rằng, các bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định, Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; còn cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam - PV.
Cộng đồng quốc tế đã chứng kiến một sự thực lịch sử là: Trung Quốc đã đem quân xâm lược quần đảo Hoàng Sa vào các năm 1956, 1974; xâm lược quần đảo Trường Sa vào các năm 1988, 1995; cướp bãi cạn Scarborough vào năm 2012; định cướp vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam vào năm 2014… - PV.
Trung Quốc xây dựng đảo quy mô lớn và bất hợp pháp, đang làm thay đổi hiện trạng cực nhanh ở Biển Đông |
Mọi hành động xâm lược và ăn cướp này không bao giờ đem lại chủ quyền hợp pháp cho Trung Quốc, sẽ luôn luôn bị Việt Nam và cộng đồng quốc tế đấu tranh mạnh mẽ, kiên quyết và thường xuyên để đem lại chủ quyền thực sự cho Việt Nam, các nước ven Biển Đông và công lý quốc tế - PV.
Mọi hành động xâm lược và ăn cướp này quyết định tính chất bất hợp pháp các hành động tiếp theo của Trung Quốc trên các hòn đảo, bãi đá, rạn san hô… ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam - PV.
Trung Quốc đã đi xâm lược, ăn cướp thì làm sao có quyền xây dựng các công trình trên đảo đá của Việt Nam? Trung Quốc đi ăn cướp thì làm sao có thể nói là xây dựng các công trình có “chức năng phòng ngự”? Trung Quốc đi ăn cướp mà gọi là “thực hiện tốt hơn nghĩa vụ quốc tế”? Trung Quốc còn đòi lập ra cái gọi là vùng nhận dạng phòng không, hạn chế bay của nước khác mà đòi là “bảo vệ tự do đi lại, tự do bay” ở Biển Đông?
Trung Quốc không ngừng rêu rao, nào là “tự kiềm chế rất lớn”, nào là “bảo vệ đại cục hòa bình, ổn định”, nào là “gánh trách nhiệm nước lớn”, nào là “cung cấp dịch vụ sản phẩm an ninh công” v.v… Trung Quốc có hành động tiểu nhân (bành trướng, xâm lược), nhưng luôn luôn thích làm đại nhân (nước lớn) như vậy đấy.
Rốt cuộc, mọi tuyên bố và hành động của Trung Quốc đều chỉ nhằm áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” bành trướng, xâm lược và bất hợp pháp mà thôi - PV.
Tôn Kiến Quốc - đại diện Trung Quốc ngụy biện, nói lấy được tại Đối thoại Shangri-La 2015 |
Tuyên bố của G7 còn cho thấy, các nước lớn đang tích cực can dự vào vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông; mặc dù không chỉ đích danh, nhưng rõ ràng phản ánh đúng bản chất bành trướng, xâm lược của Trung Quốc, chứ không phải như Trung Quốc tức tối xuyên tạc.
Trung Quốc sẽ đưa ra những “phản ứng cần thiết” nào ở Biển Đông? Việt Nam và cộng đồng quốc tế sẽ chuẩn bị mọi cơ chế, cách thức, biện pháp cần thiết để kiềm chế có hiệu quả các hành động bành trướng, xâm lược tiếp theo trên Biển Đông - PV.
Trung Quốc cần nhanh chóng từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” bành trướng, lố bịch và bất hợp pháp, quay đầu là bờ. Trung Quốc cần nói và làm nhiều việc có lợi và có trách nhiệm, mang tính xây dựng hơn để giúp Trung Quốc phát triển hòa bình và bền vững, có lợi cho hòa bình, ổn định khu vực, không để xảy ra xung đột, chiến tranh đau thương - PV.