Trung tâm thuộc trường ĐH: Nơi thuận lợi, nơi gặp khó vì thiếu kinh phí

23/10/2023 06:39
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN - Trung tâm trực thuộc trường đại học là đơn vị sự nghiệp tự chủ, có nơi hoạt động thuận lợi, có nơi gặp khó do thiếu nguồn lực đầu tư.

Để có thêm thông tin về chương trình hoạt động, những khó khăn thuận lợi của trung tâm trực thuộc trường đại học, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Tiến sĩ Phạm Quốc Phong – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và sản xuất, dịch vụ (Trường Đại học Trà Vinh) và cô Trương Thị Luân – Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh và thu hút vốn đầu tư vùng dân tộc thiểu số (Trường Đại học Tây Bắc).

Trung tâm là đơn vị sự nghiệp tự chủ tạo động lực để vận hành

Tiến sĩ Phạm Quốc Phong cho biết, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và sản xuất, dịch vụ được thành lập từ năm 2006, là đơn vị trực thuộc Trường Đại học Trà Vinh, có sứ mệnh tiếp cận cộng đồng thông qua 3 nhóm hoạt động dịch vụ gồm: nghiên cứu khoa học; đào tạo ngắn hạn; sản xuất và chuyển giao các sản phẩm khoa học.

Thầy Phong chia sẻ: “Hiện có 10 cán bộ cơ hữu phụ trách hoạt động hành chính. Bên cạnh đó, Trung tâm có sự hỗ trợ và tham gia của giảng viên Trường Đại học Trà Vinh, cán bộ đơn vị ngoài trung tâm và nhân viên cơ sở sản xuất”.

Tiến sĩ Phạm Quốc Phong - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và sản xuất, dịch vụ (Trường Đại học Trà Vinh). Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Phạm Quốc Phong - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và sản xuất, dịch vụ (Trường Đại học Trà Vinh). Ảnh: NVCC

Trung tâm thực hiện chức năng tổ chức các hoạt động đào tạo ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho người dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Đồng thời, trung tâm hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ nhằm phục vụ đào tạo, sản xuất kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh có nhu cầu.

Chia sẻ về công tác đào tạo của trung tâm, thầy Phong nói: “Với mục đích thay đổi phương pháp sản xuất, thay đổi cơ cấu nhân sự của địa phương, trung tâm liên tục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho huyện ở các ngành nghề phi nông nghiệp như sửa chữa máy, xây dựng, điện dân dụng hoặc một số ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt,…”

Bên cạnh hoạt động đào tạo, trung tâm hướng đến hoạt động chuyển giao công nghệ. Tiến sĩ Phạm Quốc Phong cho hay: “Các dự án của trung tâm tập trung chủ yếu ở mảng nông nghiệp cho người dân địa phương trong tỉnh như hỗ trợ nông dân trong hoạt động sản xuất thủy sản, chăn nuôi,…

Dựa trên kinh nghiệm sản xuất của người dân, dự án do trung tâm triển khai sẽ được áp dụng công nghệ hiện đại, song song với nguồn lực từ ngân sách nhà nước, hoạt động sản xuất của người dân sẽ được cải thiện và phát triển.

Hầu hết các dự án của trung tâm đều góp phần thay đổi nhận thức và thói quen sản xuất của người dân. Nếu như trước đây, người dân ngại đổi mới, ngại tiếp xúc với công nghệ hiện đại, sự đồng hành của trung tâm với việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật đã hình thành hiệu ứng “lây lan”. Người dân thường xuyên học hỏi, cùng áp dụng phương pháp mới, thậm chí, chủ động triển khai dự án, xin hỗ trợ và tư vấn từ phía cán bộ trung tâm”.

Dự án "Xây dựng mô hình nuôi cua cốm trong bể xi măng ứng dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn trên địa bàn huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh" do Trung tâm phối hợp thực hiện. Ảnh: website trung tâm.

Dự án "Xây dựng mô hình nuôi cua cốm trong bể xi măng ứng dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn trên địa bàn huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh" do Trung tâm phối hợp thực hiện. Ảnh: website trung tâm.

Trung tâm Nghiên cứu khoa học và sản xuất, dịch vụ trực thuộc Trường Đại học Trà Vinh là đơn vị sự nghiệp tự chủ, có con dấu, tài khoản riêng. Nguồn thu chủ yếu đến từ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao các đề tài, dự án. Do vậy, quá trình vận hành trung tâm có những thuận lợi, khó khăn nhất định.

Tiến sĩ Phong chia sẻ: “Mặc dù là đơn vị tự chủ nhưng trung tâm vẫn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhà trường. Đơn cử, các đơn vị của trường hỗ trợ trong việc triển khai dự án khi trung tâm gặp khó trong việc thiếu nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cơ chế hành chính có nhiều thuận lợi.

Ngoài ra, việc tự chủ tài chính được xem là một điều tốt, bởi, đây là động lực cho trung tâm trong quá trình hoạt động và phát triển. Nguồn thu không phụ thuộc vào một hoạt động riêng mà các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ được thực hiện đan xen và bổ trợ nhau.

Mặt khác, các trung tâm thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và sản xuất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh tương đối nhiều, do vậy, trung tâm gặp không ít cạnh tranh, dẫn đến việc chuyển giao công nghệ chưa nhiều”.

Hàng năm, trung tâm tiếp nhận và triển khai khoảng từ 4 - 5 đề tài nghiên cứu khoa học và khoảng từ 8 - 9 dự án chuyển giao công nghệ tại địa phương.

Tiến sĩ Phong chia sẻ thêm: “Các dự án khi triển khai ngoài thực tế, bên cạnh việc góp sức của giảng viên, cán bộ trung tâm, nhiều hoạt động của dự án cần sự tham gia, hỗ trợ của sinh viên. Kể đến các hoạt động như khảo sát thực tế tại các địa phương, thu thập số liệu, hỗ trợ các buổi dự thảo, tập huấn. Hoạt động này giúp sinh viên có góc nhìn bao quát, thực tiễn bên cạnh giờ học trên giảng đường”.

Trung tâm gặp khó khi vừa mới thành lập

Về phía Trung tâm Thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh và thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số (Trường Đại học Tây Bắc), đây là đơn vị hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

Trung tâm được thành lập từ năm 2021 với mục tiêu nâng cao năng lực khởi sự, khởi nghiệp cho sinh viên trong trường đại học và hỗ trợ hợp tác xã, người dân địa phương, thanh niên vùng dân tộc thiểu số về hoạt động khởi nghiệp.

Đề cập đến vấn đề tự chủ tài chính, cô Trương Thị Luân nói: “Gần 3 năm hoạt động, tôi nhận thấy, để vận hành suôn sẻ, ngay khi mới thành lập, trung tâm cần nhận được hỗ trợ nguồn nhân lực và tài chính từ trường và Nhà nước. Sau khi hoạt động ổn định, trung tâm thực hiện thủ tục hành chính trở thành một đơn vị tự chủ sẽ hợp lý hơn so với việc trở thành đơn vị tự chủ ngay khi vừa mới thành lập”.

Hiện, trung tâm thực hiện 2 nhiệm vụ chính là triển khai các khóa đào tạo cho sinh viên tham gia thực hiện hoạt động khởi nghiệp; hỗ trợ, thúc đẩy địa phương, hợp tác xã, thanh niên vùng dân tộc thiểu số gia tăng thu nhập, xúc tiến chuyển giao khoa học công nghệ trong hợp tác.

Cô Trương Thị Luân - Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh và thu hút vốn đầu tư vùng dân tộc thiểu số (Trường Đại học Tây Bắc). Ảnh: NVCC

Cô Trương Thị Luân - Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh và thu hút vốn đầu tư vùng dân tộc thiểu số (Trường Đại học Tây Bắc). Ảnh: NVCC

Bắt đầu từ năm 2022, trung tâm triển khai các khóa đào tạo cho sinh viên của trường trong việc nâng cao năng lực hình thành ý tưởng khởi nghiệp. Cô Luân cho hay: “Năm đầu tiên triển khai đào tạo, sinh viên Trường Đại học Tây Bắc chưa biết nhiều về khóa học này, do vậy số lượng tham gia còn hạn chế và ở thế bị động. Tuy nhiên, đến năm 2023, khi đã có sự chuẩn bị, sinh viên tham gia tích cực, nhiệt tình, hào hứng đồng thời có nhiều ý tưởng khởi nghiệp.

Sau khi tham gia khóa học, sinh viên có thể tự đánh giá ý tưởng, xây dựng mô hình, kế hoạch kinh doanh, từ đó, có những chuẩn bị cho hoạt động khởi nghiệp cá nhân như về nguồn lực, đối tượng khách hàng,… Như vậy, nhiệm vụ đào tạo, kết nối dự án khởi nghiệp của sinh viên với nguồn lực bên ngoài luôn được trung tâm ưu tiên đặt hàng đầu.

Mặc dù hiện nay, tất cả sinh viên đều mong muốn có thể khởi nghiệp và gia tăng thu nhập khi ngồi trên ghế giảng đường, nhưng khi bắt tay thực hiện dự án, các em gặp không ít những khó khăn riêng. Vì vậy, hợp tác xã sinh viên trong trường đại học được thành lập. Đây là cầu nối giúp sinh viên có chung niềm đam mê khởi nghiệp sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng thực hiện dự án. Hiện tại, trung tâm đang đồng hành và hỗ trợ các dự án của sinh viên trong hợp tác xã”.

Ngoài ra, trung tâm hỗ trợ địa phương trong vấn đề khởi nghiệp, giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản và gia tăng thu nhập cho người dân. “Hợp tác xã nông nghiệp xanh Thuận Châu” là dự án giúp gia tăng giá trị của quả táo mèo tại tỉnh Sơn La do trung tâm kết hợp với 6 người dân của xã Thuận Châu thực hiện.

Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh và thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số (Trường Đại học Tây Bắc) chia sẻ rằng: “Hợp tác xã được thành lập gần 2 tháng, chính thức đi vào hoạt động cách đây 2 tuần. Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ táo mèo tươi, trung tâm phối hợp với hợp tác xã sản xuất giấm táo mèo và tương ớt táo mèo. Có thể thấy, dự án phần nào thể hiện được chức năng chính của trung tâm, khi vừa thúc đẩy hoạt động kinh doanh, vừa hỗ trợ người dân địa phương cải thiện đời sống”.

Gần 3 năm hoạt động, quá trình vận hành trung tâm có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Cô Luân chia sẻ: “Về thuận lợi, trung tâm tiết kiệm được thời gian hoàn thiện thủ tục hành chính, hồ sơ cho dự án hay hoạt động mà trung tâm đề xuất thực hiện.

Về mặt khó khăn, thứ nhất, hiện trung tâm có 6 cán bộ cơ hữu nhưng gặp khó trong việc nâng cao năng lực của cán bộ, đặc biệt là việc cử người đi học tập, tập huấn tại các tỉnh lân cận, do thiếu kinh phí duy trì và hỗ trợ.

Thứ hai, cơ sở vật chất, hạ tầng của trung tâm còn hạn chế, do đó, rào cản trong việc thu hút, “lôi kéo” cá nhân có nhu cầu khởi nghiệp, các doanh nghiệp hay hợp tác xã đến làm việc.

Thứ ba, hiện trung tâm đã và đang kết nối với một số doanh nghiệp trong việc gọi vốn đầu tư tại địa phương. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp đều dành một phần nguồn lực nhất định cho đầu tư, trong khi số vốn mà hợp tác xã cần lại rất nhỏ, chưa tương xứng với tiêu chí và yêu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều dự án không nhận được đầu tư”.

Để cải thiện và khắc phục khó khăn trong quá trình vận hành trung tâm, cô Luân cho biết, trung tâm tiếp tục cử nhân sự tham gia khóa học nâng cao năng lực từ các chuyên gia của vùng.

“Đồng thời, trung tâm đang hình thành nhóm chuyên gia có vai trò hỗ trợ “khám, chữa bệnh” cho các doanh nghiệp hoạt động tại địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp mới hình thành. Từ đó, tư vấn, đưa ra giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp giải quyết triệt để vấn đề, theo đúng tên gọi Trung tâm Thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh và thu hút vốn đầu tư vùng dân tộc thiểu số”, cô Trương Thị Luân nói.

Thảo Ly