Còn nhiều điểm nghẽn trong hoạt động của trung tâm thuộc trường đại học

10/10/2023 09:16
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nguồn nhân lực của trung tâm còn hạn chế, có nơi gặp khó trong vấn đề tuyển dụng để mở ngành đào tạo, đáp ứng định hướng và nhu cầu của xã hội.

Trung tâm trực thuộc trường đại học có chức năng hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của trường, tuy nhiên một số nơi vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình vận hành. Để tìm hiểu rõ hơn về chương trình hoạt động của trung tâm, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có trao đổi với lãnh đạo một số trung tâm trực thuộc các cơ sở giáo dục đại học.

Sinh viên tiệm cận với chương trình trao đổi quốc tế

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Đăng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Thủy Lợi cho biết, trung tâm được thành lập từ năm 2012 trên cơ sở sáp nhập văn phòng Chương trình tiên tiến và trung tâm ngoại ngữ bộ môn tiếng Anh. Điều này giúp trường cử sinh viên đi học tập tại nước ngoài và tiếp nhận sinh viên từ nước ngoài sang học tập dễ dàng và thuận tiện hơn.

Theo thầy Đăng, Trung tâm Đào tạo Quốc tế có chức năng đào tạo ngoại ngữ; tổ chức thực hiện và quản lý các chương trình đào tạo quốc tế; thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực chuyên môn quản lý; phối hợp với các đơn vị liên quan quản lý sinh viên của các chương trình đào tạo quốc tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Đăng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Thủy Lợi. Ảnh: T.L

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Đăng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Thủy Lợi. Ảnh: T.L

Trung tâm có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Thủy Lợi. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Đăng thông tin, hiện vấn đề tài chính, số tiết giảng dạy,… của trung tâm vẫn phụ thuộc vào Trường Đại học Thủy Lợi do trung tâm chưa tự chủ tài chính.

“Năm 2021, trường và trung tâm mở thêm ngành Ngôn ngữ Anh, đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ Anh. Đồng thời, căn cứ vào tình hình hội nhập sâu rộng, quốc tế hóa của đất nước, năm 2023, mở đào tạo thêm ngành Ngôn ngữ tiếng Trung.

Hiện, trung tâm và trường đang hợp tác với gần 100 trường đại học khu vực châu Á, đối tác tại Canada và Hoa Kỳ. Nhờ chương trình tiên tiến đang được triển khai tại trường và trung tâm, giáo viên được đào tạo tại Mỹ bằng cách dự giờ 1 học kỳ, mặt bằng về trình độ ngoại ngữ của trường cải thiện hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, trung tâm và trường có cơ hội tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến học tập tại trường.

Ngoài ra, khi đi trao đổi với các trường quốc tế, sinh viên sẽ trưởng thành hơn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, mở rộng được mối quan hệ. Đặc biệt, đây sẽ là cầu nối cập nhật thường xuyên về học bổng, cơ hội việc làm cho sinh viên đang học tập trong nước”, thầy Đăng thông tin.

Cùng là trung tâm trực thuộc trường đại học, Trung tâm Thực hành luật và Khởi nghiệp, Trường Đại học Luật (Đại học Huế) có vai trò quan trọng trong hoạt động chung của nhà trường hiện nay với 3 nhiệm vụ chính: thực hành luật, khởi nghiệp và phục vụ cộng đồng.

Tiến sĩ Lê Thị Thảo - Giám đốc Trung tâm Thực hành luật và Khởi nghiệp cho hay, trong cơ chế tự chủ, đặc biệt đối với tự chủ tài chính, kinh phí là vấn đề khó khăn nhất khi thực hiện các chương trình, hoạt động.

“Bởi, các hoạt động của trung tâm đều mang tính sáng tạo, không rập khuôn. Nếu tất cả các hoạt động của trung tâm thực hiện tự chủ tài chính, sẽ phải đánh giá hiệu quả khi sử dụng kinh phí, dẫn đến nhiều chương trình khó có thể thực hiện”, Tiến sĩ Thảo lý giải.

Trung tâm Thực hành luật và Khởi nghiệp đảm nhận sứ mạng của một đơn vị vừa thực hiện giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên về thực hành luật, vừa quản lý hành chính về công tác thực hành luật, khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo và phục vụ cộng đồng.

Tiến sĩ Lê Thị Thảo - Giám đốc Trung tâm Thực hành luật và Khởi nghiệp, Trường Đại học Luật, Đại học Huế. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Lê Thị Thảo - Giám đốc Trung tâm Thực hành luật và Khởi nghiệp, Trường Đại học Luật, Đại học Huế. Ảnh: NVCC.

Quá trình hoạt động, trung tâm đóng vai trò hỗ trợ nhà trường trong công tác tuyển sinh, đào tạo và nghiên cứu. Tiến sĩ Lê Thị Thảo chia sẻ: “Mỗi cán bộ trung tâm là sứ giả tuyển sinh, chia sẻ thông tin, lan toả hình ảnh tích cực của trường đến với cộng đồng và xã hội.

Ngoài ra, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, thay đổi và nâng cao phương pháp giảng dạy để chất lượng đào tạo của trường ngày càng đi lên, nhất là trong công tác đào tạo kỹ năng, đào tạo thực hành và các hoạt động thực tập thực tế cho người học

Hiện, trung tâm có 8 cán bộ cơ hữu. Mặc dù đội ngũ nhân lực còn ít, nhưng chất lượng nghiên cứu khoa học và số lượng các công trình của trung tâm luôn xếp thứ hạng cao trong trường. Bởi, trung tâm có hướng nghiên cứu đặc thù về thực hành luật góp phần tạo nên sự khác biệt của Trường Đại học Luật (Đại học Huế) so với các cơ sở đào tạo luật khác trong cả nước”.

Nguồn nhân lực của trung tâm còn hạn chế, phải kiêm nhiệm nhiều

Cô Thảo cho biết thêm, trung tâm trực thuộc Trường Đại học Luật (Đại học Huế), trong quá trình vận hành, cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định.

Xét về khía cạnh thuận lợi, trung tâm luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, hội đồng trường, ban giám hiệu về định hướng hoạt động và kinh phí duy trì trung tâm. Bên cạnh đó còn là sự phối hợp hiệu quả giữa các phòng chức năng, khoa chuyên môn giúp trung tâm thực hiện đúng chức năng và triển khai nhiệm vụ để trung tâm có thể thực hiện đa dạng các hoạt động hỗ trợ người học, công tác giảng dạy.

Sinh viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế tham gia cuộc thi khởi nghiệp. Ảnh: NVCC

Sinh viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế tham gia cuộc thi khởi nghiệp. Ảnh: NVCC

“Tuy nhiên, trung tâm cũng gặp không ít những khó khăn khi số lượng cán bộ ít, kiêm nhiệm nhiều hoạt động, đôi khi dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc.

Cùng với đó, số lượng các chuyên gia luật về thực hành luật, khởi nghiệp ở Huế tương đối hạn chế. Điều này dẫn đến hiệu quả các chương trình của trung tâm chưa cao, chưa mang lại nhiều lợi ích cho người học như kỳ vọng của trung tâm và nhà trường”, cô Thảo chia sẻ.

Trung tâm Thực hành luật và Khởi nghiệp là đơn vị chưa tự chủ, chưa có con dấu riêng, vì vậy một số hoạt động còn bị động, không có tư cách độc lập khi tham gia hợp tác với các đối tác bên ngoài trường.

Còn về phía Trung tâm Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Thủy Lợi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Đăng nêu ra một số thách thức, khó khăn trong quá trình vận hành.

Cụ thể, thứ nhất, hiện nay, đối tác của Trường Đại học Thủy Lợi chủ yếu đến từ các nước Hàn Quốc và Nhật Bản. Do đó, các chuyên gia bày tỏ mong muốn giúp đỡ trung tâm trong vấn đề tìm nguồn giảng viên đào tạo cho ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc và Ngôn ngữ Nhật Bản, tuy nhiên về phía trung tâm và trường không đủ năng lực chi trả cho giảng viên.

Bên cạnh đó, để đảm bảo điều kiện mở ngành đào tạo, trung tâm và trường đều phải đáp ứng và tuân thủ theo Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Vì vậy, việc tuyển giảng viên có trình độ chuyên môn về 2 ngành này còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, khó khăn về học phí. Chương trình tiên tiến đào tạo tại trung tâm có học phí cao gấp 3 lần so với chương trình đào tạo hệ đại trà. Mặt khác, sinh viên của trường hầu hết đều sống trong gia đình ở nông thôn nên học phí sẽ là một rào cản.

“Trung tâm luôn cố gắng tạo điều kiện cho sinh viên đi học nước ngoài bằng cách trao đổi giữa các nước trên nguyên tắc miễn học phí. Ngoài ra, trung tâm và trường còn miễn chi phí ở ký túc xá cho sinh viên người nước ngoài đến tham gia học tập”, thầy Đăng cho biết thêm.

Thứ ba, hàng năm trung tâm thừa chỉ tiêu xét sinh viên đi trao đổi tại các nước trên thế giới, do sau khi hoàn thành thời gian trao đổi ở nước bạn, sinh viên sẽ phải hoàn thiện nội dung chuyên môn mà kỳ vừa rồi không học được.

Lý giải về điều này, thầy Đăng cho hay: “Một số ngành học của trường hiện áp dụng theo chương trình đào tạo của Mỹ, tuy nhiên sinh viên lại đi trao đổi ở các nước Hàn Quốc và Nhật Bản.

Do đó, không có sự tương đồng trong chương trình đào tạo giữa các nước, đặc biệt là chương trình đào tạo của Nhật Bản. Mặc dù sinh viên đi trao đổi hiện đang theo học ngành kỹ thuật, nhưng nội dung đào tạo thường đề cập đến chủ đề về văn hóa, ngôn ngữ, xã hội, kinh tế. Vì vậy, nhiều sinh viên không mặn mà việc đi học trao đổi tại các quốc gia khác”.

Đề cập đến tiêu chí xét sinh viên tham gia trao đổi với các nước, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế chia sẻ rằng, sinh viên đảm bảo có học lực đạt loại khá trở lên và trình độ tiếng Anh 5.0 theo khảo sát chứng chỉ IELTS do trung tâm tổ chức.

Thảo Ly