Trung tướng Trần Văn Độ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội đoàn An Giang) đã nói như vậy khi trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII.
Oan sai trong hoạt động tố tụng trở thành vấn đề gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội thời gian gần đây. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.
Qua nhiều báo cáo cho thấy, những vụ án oan sai xảy có nguyên nhân từ sự nóng vội, bệnh thành tích, kém chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức của cán bộ điều tra… Ông nghĩ sao về các nguyên nhân này?
Trung tướng Trần Văn Độ: Trước đây chúng ta đề ra yêu cầu “không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”. Nay chúng ta hướng tới “không làm oan người vô tội, nhưng cũng không để lọt tội phạm”.
Đó là một sức ép, vì để đạt cả 2 tiêu chí trên không dễ. Làm oan người vô tội đã không thể chấp nhận được rồi nhưng nếu để lọt tội phạm ở các vụ án giết người cướp tài sản... man rợ, không đảm bảo bình yên cho xã hội thì cũng là có lỗi với nhân dân.
Cần phải nhìn nhận ở cả 2 góc độ để có sự thông cảm với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra, tuy nhiên điều đó không có nghĩa chúng ta thông cảm với các biện pháp trái pháp luật, ảnh hưởng tới quyền con người, quyền công dân.
Trung tướng Trần Văn Độ trao đổi với báo chí về oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự. ảnh: Ngọc Quang. |
Theo ông, khi xảy ra oan sai trong tố tụng, cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm?
Trung tướng Trần Văn Độ: Luật Bồi thường Nhà nước hiện hành quy định: “Cơ quan nào ra quyết định cuối cùng nếu oan sai thì phải chịu trách nhiệm bồi thường”.
Còn trách nhiệm về chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, tôi nghĩ không đơn thuần là cơ quan cuối cùng mà phải là tất cả những người tham gia vụ án đó phải chịu trách nhiệm.
Có những vụ án người ta bức cung, nhục hình nhưng hồ sơ thì rất đẹp, cho nên cũng cần thông cảm với nhiều thẩm phán khi cơ quan truy tố thì truy tố rồi mà hồ sơ thì không có dấu hiệu gì cả.
Khi đưa ra tòa xử thì nhiều trường hợp bị cáo cũng không hề phản kháng gì nên cũng rất khó cho người ra phán quyết cuối cùng.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa anh làm oan thì anh không phải chịu trách nhiệm, bởi vì đã làm việc với số mệnh con người thì phải rất cẩn trọng. Quan điểm của tôi là phải buộc được tội thì mới kết tội.
Ông nghĩ sao khi oan sai bắt nguồn từ khâu điều tra, đặc biệt là giai đoạn tạm giam và thu thập chứng cứ?
Trung tướng Trần Văn Độ: Việc phát hiện, xử lý điều tra, xử lý tội phạm phải bằng con đường hợp pháp.
Các biện pháp điều tra đều đã được bộ luật Tố tụng hình sự, các văn bản pháp luật quy định, vì vậy cơ quan điều tra, điều tra viên cũng như các cơ quan tố tụng khác phải chấp hành.
Nếu sử dụng các biện pháp ngoài tố tụng để đạt được mục đích thì tôi nghĩ nó không phù hợp với Nhà nước pháp quyền, không phù hợp với nguyên tắc pháp chế.
Trong chiến lược cải cách tư pháp, chúng ta lấy tranh tụng là khâu đột phá, nhưng trên thực tế hiện nay tranh tụng chưa thực sự được coi trọng. Vậy làm thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất trong hoạt động này, thưa ông?
Trung tướng Trần Văn Độ: Tôi đồng tình với quan điểm coi tranh tụng là khâu đột phá cải cách tư pháp, đấy là một trong những khâu quan trọng để xác định sự thật vụ án.
Tranh tụng ở đây không phải chỉ diễn ra tại phiên tòa mà tranh tụng ở trong tất cả quá trình tố tụng, từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can đến khi bản án có hiệu lực thi hành.
Để tìm ra sự thật khách quan đó thì phải có sự tranh luận giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Từ sự thật khách quan đó mà thẩm phán ra phán quyết.
Tuy nhiên phải thừa nhận, nhiều thẩm phán hiện vẫn chủ yếu dựa dẫm vào hồ sơ, nên khi tranh tụng cho ra kết quả khác thì lúng túng.
Vì vậy, chúng ta muốn chuyển biến sang tranh tụng, muốn tranh tụng là khâu đột phá thì phải đào tạo, tập huấn cán bộ, từ điều tra viên đến kiểm sát viên, thẩm phán. Đặc biệt, cần đào tạo đội ngũ thật đông đảo các luật sư có chất lượng.
Tòa án cũng phải làm quen dần với việc làm trọng tài, phải nghe ngóng từ cả bên buộc tội lẫn bên gỡ tội để ra quyết định thật chính xác, khách quan. Ngoài ra, muốn tranh tụng có hiệu quả cần phải tăng thẩm quyền cho điều tra viên, kiểm sát viên.
Ông có ủng hộ quan điểm cần ghi âm, ghi hình trong hỏi cung để chống bức cung, nhục hình?
Trung tướng Trần Văn Độ: Tôi đồng tình việc đầu tư thiết bị ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, đó là việc làm cần thiết. Nhưng ghi âm, ghi hình không hẳn là có thể chống hoàn toàn bức cung, nhục hình hay các hành động ép buộc khác.
Đồng thời, ngoài người bào chữa (nếu có) thì sự có mặt của kiểm sát viên với tư cách kiểm sát điều tra là rất quan trọng.
Thực tế hiện nay, ngoài bức cung, dùng nhục hình, điều tra viên có thể dùng thủ thuật hay biện pháp nghiệp vụ để bị can khai theo ý muốn của mình. Vì thế, nếu có sự xuất hiện của kiểm sát viên hay luật sư sẽ đảm bảo tối đa sự minh bạch, tránh oan sai.
Trân trọng cảm ơn ông!