Giáo viên chỗ thiếu, chỗ thừa, thêm hàng nghìn cử nhân thất nghiệp

02/06/2015 07:35
Ngọc Quang
(GDVN) - Lao động trình độ Đại học, Cao đẳng thất nghiệp năm 2014 tăng 103% so với năm 2010. Đây là con số Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào cuối tháng 4 vừa qua.

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, GS. Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, tình trạng cử nhân thất nghiệp có nhiều lý do, trong đó có lý do từ tình hình kinh tế xã hội nói chung và cũng có lý do trực tiếp từ ngành giáo dục.

Vì sao chưa quy hoạch được nguồn nhân lực quốc gia?

Ông Thi đặt vấn đề:“Cần phải đánh giá lại xem số lượng việc làm liên quan đến vị trí việc làm yêu cầu trình độ đại học như thế nào? Cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ có phù hợp với nhu cầu thị trường lao động không?”.

Trong những năm qua, chất lượng nguồn nhân lực đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo và chuyên gia trong nước, bởi đây là điều kiện không thể thiếu cho quá trình hội nhập và bứt phá của Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hóa.

Vào cuối tháng 1 vừa qua, tại lễ kỷ niệm 20 năm xây dựng và trưởng thành của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự và có bài phát biểu đáng chú ý.

Chủ tịch nước cho rằng, chất lượng giáo dục, đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, phương pháp  dạy và học, việc thi, kiểm tra, đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất, đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành; đào tạo còn thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh, chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng làm việc.

Đây cũng là những nguyên nhân dẫn tới hàng nghìn cử nhân (thậm chí có cả thạc sĩ) thất nghiệp, gây bức xúc trong xã hội từ năm này qua năm khác, cản trở sự phát triển của đất nước.

GS. Đào Trọng Thi cho rằng, cơ cấu ngành nghề, vùng miền rất quan trọng nhưng chưa được chú trọng. ảnh: Ngọc Quang.
GS. Đào Trọng Thi cho rằng, cơ cấu ngành nghề, vùng miền rất quan trọng nhưng chưa được chú trọng. ảnh: Ngọc Quang.

Vấn đề đặt ra là: Giải pháp nào đột phá để giải quyết tình trạng đói việc làm với cử nhân hiện nay?

Ông Đào Trọng Thi cho rằng, nếu xuất phát từ nguyên nhân kinh tế - xã hội thì không còn cách nào khác là phải tìm cách để kinh tế - xã hội phát triển, như vậy mới tạo ra nhiều việc làm. Còn đối với ngành giáo dục thì phải làm tốt việc đào tạo theo quy hoạch nguồn nhân lực của quốc gia. Quy hoạch đó không phải chỉ quy mô, mà còn cơ cấu trình độ, ngành nghề, vùng miền.

Ông Thi lưu ý: “Tôi nhấn mạnh, cơ cấu ngành nghề, vùng miền rất quan trọng vì có những ngành nghề thiếu người, lại ngành có nghề thừa người, thậm chí trong một ngành nghề thì có ngành nghề thiếu trình độ này, ngành nghề khác lại thừa trình độ khác. Thí dụ, giáo viên trung học phổ thông thì thừa, nhưng giáo viên tiểu học thiếu, mầm non thì rất thiếu.

Cơ cấu vùng miền cũng thế, đặt biệt những vùng miền khó khăn vì sinh viên ra trường chỉ muốn ở thành phố. Bao nhiêu chính sách ưu đãi thu hút nhưng chưa hiệu quả, tất nhiên chính sách cũng chưa đến mức để tạo được hiệu quả.

Cho nên bài toán phải chi tiết mới giải quyết được vấn đề, còn hiện giờ cứ chung chung. Chỉ tiêu tuyển sinh của ngành giáo dục cho các trường cũng rất đơn giản, chỉ dựa trên trường này có bao nhiêu giáo viên, cơ sở, diện tích như thế nào để chia. Còn chia theo ngành nghề và nhắm vào vùng, miền nào thì chưa có.

Cần phải có quy hoạch về nguồn nhân lực phù hợp với thị trường lao động về quy mô, cơ cầu ngành nghề, trình độ, vùng miền, chi tiết đến như vậy thì mới giải quyết được tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp”.

Thiếu tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo

Theo lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sở dĩ tỷ lệ cử nhân thất nghiệp tăng lên có hai nguyên nhân chính:

Thứ nhất, điều kiện bảo đảm chất lượng của một số cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu của đào tạo, đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng, không tương xứng với quy mô đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị lạc hậu; nhiều cơ sở giáo dục Đại học đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế; quy trình mở trường, cấp phép hoạt động trong một thời gian dài còn thiếu quy định chặt chẽ.

Thứ hai, thị trường lao động còn sơ khai, chưa đủ thể chế để hoạt động hiệu quả; việc quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương, bộ ngành mang tính hình thức, chưa sát thực tế. Xã hội còn tâm lý chuộng bằng cấp.

Tuy nhiên, theo ông Đào Trọng Thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chi tiết hơn, cho các trường mở đào tạo ngành nghề nhưng phải tính toán chi tiết số lượng đào tạo để đảm bảo chất lượng.

“Bộ mới chỉ quan tâm đào tạo ra để sinh viên khi tốt nghiệp cố gắng có được việc làm. Nhưng muốn các em có việc làm thì phải bảo đảm quy hoạch nguồn nhân lực. Quy hoạch nguồn nhân lực thì làm chưa tốt.

Tôi nghĩ không phải trách nhiệm của Bộ Giáo dục Đào tạo hoàn toàn. Bộ chỉ chịu trách nhiệm trong những khâu bộ quản lý. Còn có trách nhiệm của các bộ, ngành khác như ngành y tế, bác sỹ vùng sâu vùng xa vẫn khó, trong khi đô thị quá thừa…”, ông Thi nói.

Phân tích sâu thêm vào mức độ quan trọng của công tác quy hoạch nguồn nhân lực, ông Thi đánh giá: “Có rất nhiều tiêu chí để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, nhưng bộ mới lấy ra 2 tiêu chí: Số lượng giảng viên/sinh viên và cơ sở vật chất, mà cũng mới chỉ tính đến diện tích thôi.

Tôi đã lưu ý với bộ rồi, ít nhất phải có tiêu chí thứ 3 là tỷ suất đầu tư cho một sinh viên, tỷ suất đầu tư quá thấp thì làm sao bảo đảm chất lượng? Trước mắt ít nhất phải có 3 tiêu chí đó, về sau thì càng phải đáp ứng nhiều tiêu chí hơn thì chất lượng đào tạo càng bảo đảm”.

Ngọc Quang