Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là bước tiến quan trọng trong phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học đánh giá cao là nội dung "cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo... Hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số".
Cơ chế chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho nhà khoa học
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Tính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế đã nêu ra những điểm đột phá trong nội dung của Nghị quyết 57 gắn với thực tiễn hoạt động của trường.
"Với Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế, khoa học công nghệ là một trong những lĩnh vực quan trọng mà nhà trường ưu tiên tập trung, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và góp phần vào sự phát triển kinh tế tại địa phương.
Thời gian qua, nhà trường có nhiều nỗ lực để nghiên cứu các giải pháp giúp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học. Khi Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ban hành, đã cởi trói nhiều khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học nói chung và nhà trường nói riêng.
Sau quá trình nghiên cứu, tôi nhận thấy những điểm sáng ảnh hưởng tích cực đến hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ từ nghị quyết, đó là:
Thứ nhất, mục tiêu đến năm 2030, kinh phí cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP (nếu tính theo GDP năm 2024 sẽ tương đương với hơn 230 nghìn tỷ đồng). Đây là nguồn lực thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam.
Con số 2% GDP là ngân sách được các nước trên thế giới áp dụng phổ biến, thậm chí có nơi lên đến hơn 4% GDP, tuy nhiên đánh giá trên tình hình kinh tế chung tại nước ta thì 2% là một nỗ lực rất đáng hoan nghênh.
Thứ hai là tư duy đột phá về quản lý nhà nước với hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ. Tại Nghị quyết 20/NQ-TW về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đề cập đến nghĩa vụ quản lý về khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, lúc này nhà nghiên cứu vừa tham gia nghiên cứu khoa học, vừa xử lý thông tin liên quan đến hợp đồng tài chính, quyết toán khoản chi, gây ra rất nhiều bất cập. Nhờ tư duy đột phá của Nghị quyết 57, những khó khăn này sẽ sớm được tháo gỡ trong thời gian tới.
Thông qua cơ chế quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, nhà nghiên cứu khoa học có thể tiết kiệm thời gian, tập trung nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu mà không lo lắng về nguồn quỹ.
Thứ ba là việc chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thực tế, việc nghiên cứu khoa học cần rất nhiều thời gian để kết luận, không đơn giản như việc trồng cây hái quả theo mùa vụ, kết quả của quá trình nghiên cứu không phải lúc nào cũng đúng theo như dự tính ban đầu.
Nhiều công trình nghiên cứu không có kết quả hoặc kết quả không như mong đợi cũng xảy ra khá phổ biến. Nghị quyết 57 đã tiếp tục có giải pháp thực tiễn hơn trước thực trạng này, góp phần thúc đẩy các nhà nghiên cứu tham gia vào lĩnh vực khoa học công nghệ".
Bên cạnh đó Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế nhận định việc Tổng Bí thư Tô Lâm làm trưởng ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết 57 là động lực lớn, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đối với cơ chế chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học công nghệ, thầy Tính cho rằng đây là tầm nhìn có tính bao quát, hợp tình hợp lý.
"Trước đây, khi cơ chế có phần bó hẹp, nhiều nhà nghiên cứu khoa học khi thực hiện nghiên cứu không thành công có thể bị ảnh hưởng đến đánh giá xếp loại, bổ nhiệm, điều này làm mất đi động lực nghiên cứu của nhà khoa học.
Trong nghiên cứu khoa học, sẽ có một số lĩnh vực dễ gặp rủi ro điển hình như: công nghệ sinh học, khoa học nông nghiệp, công nghệ gen,... Rủi ro này được tính toán trước nhưng không ngoại trừ các trường hợp đặc biệt ngoài ý muốn, khó lường. Bên cạnh đó là rủi ro trong quá trình thương mại hóa sản phẩm, bởi lẽ không phải sản phẩm nào khi nghiên cứu thành công cũng dễ dàng thương mại. Việc chấp nhận rủi ro, theo tôi là bước đi cần thiết, chúng ta cần nhìn trực diện vào đúng tính chất của nghiên cứu khoa học để đưa ra những chính sách phù hợp.
Với định hướng từ Nghị quyết 57, tôi tin sẽ có thêm nhiều nhà khoa học tham gia thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ để đồng hành song song với hoạt động nghiên cứu của mình. Họ có thể vừa nghiên cứu, vừa điều hành doanh nghiệp và tham gia cả vào quá trình thương mại hóa sản phẩm dễ dàng hơn.
Khi các sản phẩm nghiên cứu khoa học ở nhà trường được thương mại hóa và được các doanh nghiệp chấp nhận đầu tư sẽ mang lại đột phá không chỉ là trong tư duy mà còn giúp các trường đại học công lập tăng thêm nguồn thu, không quá lệ thuộc chỉ vào học phí. Nguồn thu này có thể dùng để tiếp tục tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, phát triển nguồn lực", thầy Tính chia sẻ.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Niêm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho rằng, việc thiếu hành lang pháp lý cho việc thử nghiệm công nghệ mới như trước đây gây nên không ít khó khăn với nhà khoa học.
"Với tư duy cũ, chúng ta chưa có cơ chế thí điểm và kiểm soát cho công nghệ nên các doanh nghiệp và nhà quản lý gặp nhiều khó khăn. Những công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới khi chưa biết quản lý thế nào, có thể được thử nghiệm trong không gian và thời gian giới hạn (sandbox - môi trường thử nghiệm có kiểm soát).
Nghị quyết 57 ra đời, đưa ra quan điểm rõ ràng hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là hoạt động đầu tư có rủi ro. Chính vì vậy có thể thấy rõ các nút thắt quan trọng được tháo gỡ:
Thứ nhất, tự chủ mạnh mẽ và cơ chế linh hoạt cho tổ chức khoa học – đào tạo. Điều này, cho phép các viện nghiên cứu, trường đại học được tự chủ tài chính, nhân sự, chuyên môn. Từ đó, các đơn vị sẽ tự quyết định trong việc triển khai những dự án nghiên cứu, không còn phải chờ đợi xin - cấp như trước.
Thứ hai, gỡ bỏ rào cản hành chính trong nghiên cứu, Nghị quyết 57 nhấn mạnh phải đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, đặc biệt trong việc xét duyệt, cấp vốn, nghiệm thu đề tài. Cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính cho nghiên cứu giúp nhà khoa học được toàn quyền trong chi tiêu, sử dụng hiệu quả ngân sách mà không bị bó buộc.
Thứ ba, khuyến khích chấp nhận rủi ro, thất bại có kiểm soát. Đây là lần đầu tiên có một nghị quyết chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, đồng thời miễn trừ trách nhiệm trong các thử nghiệm công nghệ mới nếu thiệt hại đến từ nguyên nhân khách quan. Điều này mở đường cho những ý tưởng táo bạo, đột phá, thay vì phải “an toàn là bạn” trong nghiên cứu như hiện tại.
Thứ tư, mở rộng hợp tác công – tư, thị trường hóa kết quả nghiên cứu: Điều này giúp nhà khoa học và thầy cô thấy rõ giá trị thực tiễn của nghiên cứu, kết nối với thị trường, tạo ra lợi nhuận chính đáng từ trí tuệ.
Thứ năm, phát triển nhân lực – trọng dụng nhân tài, đây là tín hiệu tích cực cho môi trường học thuật cởi mở, hiện đại, giúp thầy/cô có điều kiện hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực chuyên môn và mở rộng mạng lưới hợp tác nghiên cứu".

Cũng theo thầy Niêm nhìn nhận, có nhiều rủi ro khi nghiên cứu và rủi ro lớn nhất là kết quả nghiên cứu không như kỳ vọng. Nếu kết quả nghiên cứu không đạt, nhà khoa học phải đền bù kinh phí. Thế nhưng việc bồi hoàn tối thiểu 30% kinh phí đã cấp là khoản tiền quá lớn.
"Xem nghiên cứu khoa học và công nghệ như một hoạt động đầu tư có rủi ro sẽ giúp giảm áp lực cho các nhà khoa học, từ đó khuyến khích họ mạnh dạn theo đuổi những đề tài mới mẻ, chưa có kết quả rõ ràng. Chính điều này sẽ tạo tiền đề cho những đột phá quan trọng về kinh tế và công nghệ", thầy Niêm cho biết thêm.
Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Giang, Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ quốc tế, Đại học Huế bày tỏ: "Số lượng các sản phẩm khoa học và công nghệ đã đăng ký sở hữu trí tuệ, được chuyển giao, thương mại hóa cũng như nguồn thu từ hoạt động này còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các cơ sở giáo dục đại học. Sản phẩm được tạo ra từ kết quả nghiên cứu chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, địa phương cũng như giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội.
Ngoài ra, sự liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ dẫn đến các hoạt động kết nối chuyển giao công nghệ hiệu quả chưa cao".

Một số rủi ro dễ thấy trong nghiên cứu khoa học được thầy Giang nêu ra thêm như: Không thu được mẫu theo yêu cầu để tiến hành phân tích, hay nghiên cứu không đạt được quy trình kỹ thuật như mong muốn, sản phẩm công bố khoa học mất nhiều thời gian và khó khăn, vật liệu mới cần cho nghiên cứu giá thành quá cao, không đủ kinh phí để mua thực hiện thí nghiệm nhiều lần.
Theo thầy Giang, những điểm đột phá của Nghị quyết 57 ngoài giải quyết những khó khăn, còn tạo sự tự tin và yên tâm cho các nhà khoa học, cơ sở giáo dục đại học khi đăng ký, đề xuất các đề tài về khoa học công nghệ mới có tính rủi ro.
Chính sách cởi mở không đồng nghĩa với trách nhiệm được nới lỏng
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Tính, chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm ở nghiên cứu khoa học công nghệ là rất cởi mở, song cũng cần hết sức thận trọng, tránh lạm dụng thuật ngữ này sai mục đích.
"Hoạt động nghiên cứu khoa học khi có sự đầu tư kinh phí từ nhà trước (quỹ đầu tư mạo hiểm), chúng ta cần sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo tôi cần làm rõ hơn về khái niệm rủi ro trong nghiên cứu khoa học, nghiên cứu nào có rủi ro được phép chấp nhận. Vì vậy bên cạnh các thông tin mà nghị quyết nêu ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có thêm thông tư, nghị định hướng dẫn xác định rõ các mức rủi ro như thế nào, thời gian cho việc chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu ra sao.
Trong bối cảnh cạnh tranh giáo dục, nguồn thu vẫn là trăn trở lớn của nhiều trường đại học, đặc biệt là các trường địa phương, những trường tự chủ mức 3 (tự chủ một phần chi thường xuyên) thì ngân sách cho nghiên cứu khoa học lại càng eo hẹp.
Về việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, trên thực tế, có cá nhân, đơn vị tham gia luôn hướng đến lợi nhuận của họ trước tiên. Nếu ý tưởng khởi nghiệp đưa ra chưa có nhiều đột phá hoặc có tỷ lệ rủi ro thì sẽ khó được chấp thuận. Việc có vốn đầu tư mạo hiểm như Nghị quyết 57 là một chính sách đột phá của nhà nước cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Khi có sự chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu, nhà nước sẽ có cách phân bổ đầu tư để hỗ trợ nhà khoa học một cách hợp lý.
Bên cạnh đó, theo tôi, nhà nước cần có thêm cơ chế để phân loại những nhóm ngành tiềm năng thương mại hóa sản phẩm như: Hóa dược, Dược học, Vi mạch bán dẫn, Công nghệ sinh học,... sử dụng nguồn vốn đầu tư một cách hợp lý, hiệu quả. Còn đối với những lĩnh vực mang tính học thuật hơn thì việc thương mại hóa sẽ có hạn chế, lúc này cần có cơ chế để hỗ trợ và khuyến khích để nhà khoa học tiếp tục góp phần mang đến những giá trị nhân văn cho xã hội".

Đối với Trường Đại học Tây Nguyên, phó hiệu trưởng nhà trường bày tỏ mong muốn có một giải pháp tổng thể, cải thiện môi trường hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo một cách toàn diện.
"Đầu tiên, với những công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới mà chưa có cách quản lý rõ ràng, việc cho phép thử nghiệm trong phạm vi không gian và thời gian giới hạn (sandbox) là cần thiết.
Tuy nhiên, để hoạt động này được thực hiện an toàn và hiệu quả, cần xây dựng một khung pháp lý cụ thể, bao gồm cả những quy định phù hợp về miễn trừ trách nhiệm trong một số trường hợp nhất định.
Cũng cần lưu ý rằng, việc thử nghiệm công nghệ mới có thể tiềm ẩn những rủi ro lớn, vì vậy hành lang pháp lý cần được thiết kế sao cho vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, vừa đảm bảo trách nhiệm của các bên tham gia, đặc biệt là nhà khoa học và doanh nghiệp".
Thầy Niêm cho rằng việc có vốn đầu tư mạo hiểm để tài trợ cho các nghiên cứu có độ rủi ro là chiến lược cần có sự tính toán chi tiết. Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động nghiên cứu khoa học được phát triển bền vững, cơ sở giáo dục đại cũng có thể huy động thêm các nguồn hỗ trợ khác.
"Để thu hút các khoản đầu tư, trường đại học cần có chiến lược tốt, tạo dựng thương hiệu cho mình. Doanh nghiệp vừa là khách hàng (sử dụng đầu ra của hoạt động khoa học công nghệ) vừa là nhà tài trợ tiềm năng. Nguồn tài trợ từ cựu sinh viên thành đạt cũng là một nguồn có thể huy động", thầy Niêm nhấn mạnh.