Trường đại học muốn cấp học bổng sau đại học nhưng khó khăn vì thiếu nguồn lực

24/09/2024 09:30
Thúy Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhiều cơ sở giáo dục cho rằng cần có học bổng cho bậc sau đại học hoặc có chính sách vay ưu đãi giống sinh viên đại học chính quy để giảm áp lực cho người học.

Khoản 3, Điều 85, Luật Giáo dục 2019 quy định: "Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân cấp học bổng hoặc trợ cấp cho người học theo quy định của pháp luật".

Tuy nhiên, điểm c, khoản 1, Điều 8, Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục lại nêu: "Đối tượng xét, cấp học bổng khuyến khích học tập là học sinh, sinh viên đang học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên, không bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên trong kỳ xét cấp học bổng".

Như vậy, theo Nghị định 84, đối tượng được cấp học bổng không đề cập đến học viên sau đại học. Điều đó khiến không ít người dù thành tích học tập xuất sắc, mong muốn đi theo con đường nghiên cứu không đủ chi phí tham gia học sau đại học. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có học bổng cho bậc sau đại học để khuyến khích người học cũng như giảm gánh nặng cho các học viên vì chi phí lớn.

Khó khăn vì thiếu nguồn lực

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Thị Hoa, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cho biết, nhà trường đã thành lập quỹ học bổng “Truyền cảm hứng UED” từ năm 2021, nhằm hỗ trợ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh trong nước lẫn quốc tế. Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động của quỹ vẫn gặp nhiều khó khăn.

Các mức học bổng bao gồm: học bổng toàn phần trong năm đầu tiên, các mức từ toàn phần đến bán phần trong những năm học tiếp theo. Tiêu chí xét học bổng được công bố vào đầu năm học.

Quỹ học bổng “Truyền cảm hứng UED” được sáng lập bởi cán bộ viên chức Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của nhà trường. Nhiệm vụ của quỹ là vận động, tạo lập và phát triển nguồn tài chính cũng như các nguồn lực khác trên tinh thần tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân.

TS HOA.jpg
Tiến sĩ Phan Thị Hoa, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Phan Thị Hoa cho biết: “Khi mới thành lập, quỹ học bổng đã nhận được sự ủng hộ tích cực và tạo ra nguồn tài trợ đáng kể cho sinh viên và học viên cao học. Tuy nhiên, phần lớn quỹ học bổng chủ yếu được phân bổ cho sinh viên. Các học viên cao học và nghiên cứu sinh cũng nhận được học bổng nhưng số lượng không nhiều do kinh phí của quỹ còn hạn chế.

Ngoài ra, do quỹ phụ thuộc chủ yếu vào sự đóng góp của cán bộ viên chức, cựu sinh viên, cựu học viên và các doanh nghiệp nên không thể duy trì nguồn kinh phí ổn định. Điều này khiến cho việc huy động nguồn lực trong những năm sau trở nên khó khăn.

Mặt khác, chỉ một số ít cơ sở giáo dục cấp học bổng cho học viên cao học nhờ vào nguồn tài trợ từ đối tác nước ngoài. Còn lại, việc cấp học bổng dành cho học viên sau đại học vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Tại nhiều trường đại học hiện nay, không ít sinh viên giỏi và có năng lực khao khát theo học chương trình thạc sĩ nhưng gặp khó khăn về tài chính. Họ thường phải tốt nghiệp đại học, đi làm để tích lũy đủ kinh phí rồi mới có thể quay lại học tiếp khi đã đủ điều kiện tài chính.

Đồng thời, công tác tuyển sinh bậc sau đại học tại nhà trường còn khó khăn, nhất là việc thực hiện các nghiên cứu trong khối ngành khoa học cơ bản gặp nhiều thách thức hơn so với các khối ngành khác”.

Cô Hoa cũng cho biết thêm, hiện nay, các học bổng sau đại học chủ yếu tập trung vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ và nâng cao trình độ chuyên môn trước khi gửi học viên đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài như Quyết định 911/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020" hay Quyết định số 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030". Còn lại, những người học bậc sau đại học phải tự bỏ toàn bộ kinh phí từ chi phí sản xuất bài báo khoa học, kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu đến kinh phí đi lại, lưu trú ở các cơ sở đào tạo,...

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Xuân Phương, Trưởng phòng Đào tạo Sau Đại học, Trường Đại học Nha Trang thông tin, hiện nay học viên cao học và nghiên cứu sinh tại nhà trường chưa được cấp học bổng.

PGS.TS XPhuong.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Xuân Phương, Trưởng phòng Đào tạo Sau Đại học, Trường Đại học Nha Trang. (Ảnh: NVCC)

"Trường Đại học Nha Trang đang thực hiện chính sách học bổng khuyến khích học tập cho người học theo Nghị định 84/2020/NĐ-CP. Ngoài nguồn học bổng được hỗ trợ từ trường thì người học nhận được thêm một số học bổng đến từ các cá nhân, tổ chức và các doanh nghiệp tài trợ.

Luật Giáo dục 2019 quy định rằng Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân cấp học bổng hoặc trợ cấp cho người học theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên tại Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân vẫn ít quan tâm đến việc hỗ trợ học tập và nghiên cứu cho đối tượng học viên cao học và nghiên cứu sinh. Điều này dẫn đến có rất ít nguồn tài trợ học bổng cho hai đối tượng này, ngoại trừ một số dự án tài trợ quốc tế liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao.

Cấp học bổng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh là một việc nên làm, tương tự như đối với sinh viên đại học. Thậm chí, ở nhiều quốc gia phát triển, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho người học sau đại học vì đào tạo sau đại học đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao", thầy Phương nhận định.

Về phía nhà trường, thầy Phương cho biết, Trường Đại học Nha Trang luôn chú trọng hợp tác và kêu gọi sự hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để mở rộng quỹ học bổng cho sinh viên đại học và người học sau đại học. Học bổng dành cho đào tạo sau đại học không chỉ khuyến khích, tạo động lực cho người học trong việc học tập và nghiên cứu mà còn giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng đạt thành tích xuất sắc.

Điều này không chỉ phục vụ cho sự phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật và công nghệ ở trình độ cao mà còn góp phần tạo ra tri thức mới, thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Huỳnh Quốc Phương, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học và Đào tạo sau đại học, Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại nhà trường chỉ có quỹ học bổng dành cho cử nhân còn học bổng cho học viên sau đại học vẫn chưa được triển khai.

Thầy Phương thông tin: “Hiện nay, học phí học thạc sĩ tại Trường Đại học An Giang dao động từ 60-70 triệu đồng/toàn khóa, thời gian đào tạo trong 2 năm. Nếu so với các trường đại học khác tại Thành phố Hồ Chí Minh thì thấp hơn rất nhiều nhưng so với hệ đại học chính quy của nhà trường thì học phí đào tạo sau đại học gấp 1,5 lần so với học phí đào tạo cử nhân.

Chi phí cho các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ thường cao hơn so với hệ cử nhân, khiến những sinh viên không có điều kiện gặp khó khăn trong việc theo học ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Do đó, hầu hết học viên cao học thường là những người đã đi làm, có kinh tế ổn định và họ mong muốn nâng cao trình độ để phục vụ nhu cầu công việc.

Hơn nữa, nguồn kinh phí dành cho học bổng còn khá hạn chế vì trường chưa tự chủ hoàn toàn. Hiện nay, kinh phí chủ yếu đến từ tài trợ của doanh nghiệp và tổ chức hợp tác và một phần nhỏ được trích từ nguồn thu học phí và quỹ “Phát triển sự nghiệp” của nhà trường. Do đó, chế độ và chính sách học bổng thường ưu tiên cho sinh viên hệ đại học chính quy hơn".

Học bổng sau đại học nên được triển khai ra sao?

Chị Bảo Anh hiện đang là học viên cao học tại một cơ sở giáo dục đại học ở Hà Nội chia sẻ rằng, theo đuổi bậc thạc sĩ mang lại nhiều kiến thức chuyên sâu và cơ hội phát triển bản thân cho chị nhưng cũng đi kèm với không ít thách thức về tài chính.

“Học phí chương trình thạc sĩ mà tôi đang theo học dao động từ 48-50 triệu đồng/ toàn khóa. Bên cạnh học phí, các chi phí khác như chi phí sinh hoạt, tài liệu học tập và chi phí cho nghiên cứu thật sự là gánh nặng lớn đối với nhiều học viên như tôi.

Nhiều người buộc phải tạm gác mong muốn tiếp tục học lên thạc sĩ do khó khăn về tài chính hoặc phải làm việc bán thời gian, thậm chí toàn thời gian để có đủ chi phí trang trải học tập. Điều này không chỉ làm giảm chất lượng học tập mà còn kéo dài thời gian hoàn thành chương trình.

Chính vì vậy, tôi cùng nhiều bạn trong khóa đều mong muốn có các chính sách học bổng dành riêng cho bậc thạc sĩ nhằm giảm bớt áp lực tài chính. Học bổng không chỉ giúp chúng tôi an tâm hơn trong việc học tập mà còn tạo động lực để tập trung vào nghiên cứu, phát triển chuyên môn thay vì phải liên tục lo lắng về gánh nặng “cơm áo gạo tiền” hàng ngày.

Bên cạnh đó, học bổng cũng là cách khuyến khích những học viên giỏi, có tiềm năng tiếp tục con đường học thuật và đóng góp cho xã hội sau khi tốt nghiệp. Nếu nhận được sự hỗ trợ từ các nguồn học bổng, tôi tin rằng bản thân mình và nhiều học viên khác sẽ có cơ hội học tập, phát triển một cách toàn diện thay vì phải gián đoạn bởi những khó khăn tài chính”, chị Bảo Anh nói.

GDVN_Anh nc.jpg
Có thêm học bổng sau đại học sẽ khuyến khích nhiều người giỏi tham gia học tập và nghiên cứu. (Ảnh minh họa: Mộc Trà)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Xuân Phương, việc thiết lập quỹ học bổng dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh là mong muốn của nhiều cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, để thực hiện thành công cần có cơ sở pháp lý rõ ràng và tuân thủ các quy định về tài chính trong việc thành lập quỹ. Việc huy động các nguồn tài chính hợp pháp đòi hỏi sự quyết tâm cùng cách tiếp cận khéo léo, minh bạch và hiệu quả từ phía các cơ sở giáo dục đại học.

Trong khi chờ đợi nguồn học bổng từ chính sách Nhà nước và các tổ chức hay cá nhân tài trợ, Trường Đại học Nha Trang đã chủ động xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính cho học viên cao học và nghiên cứu sinh.

Nhà trường coi các học viên cao học và nghiên cứu sinh là một phần quan trọng trong đội ngũ của mình, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học với sự hỗ trợ kinh phí. Đồng thời, trường cũng xem xét việc chi thưởng cho những học viên và nghiên cứu sinh có công bố quốc tế trong thời gian học tập, nhằm khuyến khích và ghi nhận sự đóng góp của họ vào cộng đồng nghiên cứu.

"Để có thể tạo ra nguồn học bổng hỗ trợ cho học viên cao học và nghiên cứu sinh, các cơ sở giáo dục đại học cần huy động thêm sự đóng góp từ xã hội thông qua hình thức tài trợ cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhà nước cần thiết lập chính sách học bổng cho người học sau đại học nếu họ đạt kết quả học tập tốt, tương tự như đối với sinh viên đại học. Bên cạnh việc cấp học bổng, nên có thêm các chính sách hỗ trợ chi phí nghiên cứu cho học viên cao học và nghiên cứu sinh có đề tài nghiên cứu mang tính sáng tạo và đột phá, cả về mặt khoa học lẫn thực tiễn.

Ngoài ra, để tăng thêm nguồn kinh phí cho học bổng, các cơ sở giáo dục đại học cần đẩy mạnh việc gắn kết giữa công tác đào tạo, nghiên cứu ở bậc sau đại học với nhu cầu thực tế tại các tổ chức, doanh nghiệp. Thông qua việc hợp tác này, các nghiên cứu bậc sau đại học có thể giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp. Từ đó mở ra cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học huy động thêm nguồn tài trợ học bổng.

Việc lồng ghép các nội dung về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu trong đào tạo sau đại học với các chủ đề mang tính toàn cầu mà thế giới đang quan tâm vào các dự án hợp tác quốc tế là một trong những biện pháp quan trọng mà các cơ sở giáo dục đại học cần đẩy mạnh.

Thông qua các dự án quốc tế này, các cơ sở giáo dục đại học có thể tận dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài, tạo điều kiện cho học viên cao học và nghiên cứu sinh có cơ hội học tập và nghiên cứu hiệu quả hơn", thầy Phương cho hay.

Trong khi đó, Thạc sĩ Huỳnh Quốc Phương nêu quan điểm: “Việc thành lập quỹ học bổng cao học đòi hỏi nhiều yếu tố. Theo tôi, các cơ sở giáo dục đại học nên bắt đầu từ những quỹ nhỏ, chẳng hạn như cấp học bổng cho sinh viên giỏi để khuyến khích họ tiếp tục học lên thạc sĩ. Điều này sẽ tạo điều kiện và động lực cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp đại học theo đuổi con đường học vấn cao hơn.

Đối với những học viên đã hoàn thành bậc thạc sĩ, tùy vào hoàn cảnh và điều kiện của từng cơ sở giáo dục, việc cấp học bổng để khuyến khích họ học tiếp lên tiến sĩ là rất cần thiết. Học bổng có thể được cấp dưới hình thức hỗ trợ 50% kinh phí, giúp giảm bớt áp lực tài chính cho người học”.

Thay Phương.png
Thạc sĩ Huỳnh Quốc Phương, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học và Đào tạo sau đại học, Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Phan Thị Hoa khẳng định, việc thành lập quỹ học bổng dành cho học viên cao học phụ thuộc rất lớn vào mức độ tự chủ tài chính của các trường đại học vì hầu hết các quỹ học bổng đều được trích từ nguồn thu học phí.

“Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã nhấn mạnh: “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học từ ngân sách Nhà nước thông qua cấp học bổng hoặc hỗ trợ miễn giảm học phí đối với các ngành, nghề Nhà nước cần ưu tiên phát triển ở các trình độ đào tạo, mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng”. Điều đó thể hiện sự quan tâm đối với việc hỗ trợ người học theo đuổi con đường học tập.

Tuy nhiên, tại điểm c, khoản 1, điều 8 của Nghị định 84/2020/NĐ-CP, đối tượng được xét cấp học bổng khuyến khích học tập chỉ bao gồm học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học, không có chính sách dành cho học viên sau đại học. Điều này tạo ra sự thiệt thòi đáng kể đối với các học viên học thạc sĩ hay nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Đối với người học sau đại học, nếu Nhà nước không thể cung cấp học bổng toàn phần, có thể xem xét hỗ trợ 50% học phí hoặc ban hành những chính sách cho học viên vay vốn với lãi suất thấp, không lãi suất. Điều này sẽ không chỉ tạo ra sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục bậc cao mà còn góp phần xây dựng một lực lượng lao động có trình độ cao, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của đất nước”.

Thúy Hiền