Tổ hợp xét tuyển ĐH có môn Tin học, Công nghệ, HS mới mạnh dạn đăng ký thi

30/09/2024 10:03
Ngọc Huệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chỉ đạo đến các cơ sở giáo dục đại học về việc sớm công bố phương án tuyển sinh năm 2025.

Môn Tin họcmôn Công nghệ lần đầu tiên được đưa vào môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một số trường trung học phổ thông, hiện tại, do hầu hết các cơ sở giáo dục đại học chưa công bố phương án tuyển sinh năm 2025 nên nhà trường gặp khá nhiều khó khăn trong định hướng học tập, hướng nghiệp, chủ động sắp xếp ôn luyện cho học sinh, nhất là những em có nguyện vọng sử dụng điểm thi môn Tin học và môn Công nghệ để xét tuyển đại học năm nay; hoặc cũng có học sinh ban đầu muốn thi môn Tin học với ý định xét tuyển đại học nhưng do chưa biết môn này sẽ có trong tổ hợp như thế nào nên các em lại chuyển hướng sang học môn khác, ảnh hưởng đến quá trình, hiệu quả dạy và học.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Mai Đình Nhường - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phương Sơn (tỉnh Bắc Giang) chia sẻ, nhà trường đã khảo sát nguyện vọng của học sinh lớp 12, trong đó môn Tin học ban đầu có 7-8 học sinh và môn Công nghệ có 100 học sinh lựa chọn để học và thi. Nhưng thông tin mới nhất mà thầy Nhường nhận được là hiện tại không còn học sinh lớp 12 nào chọn thi môn Tin học.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Phương Sơn (tỉnh Bắc Giang) trong lễ khai giảng năm học 2024-2025. (Ảnh: website nhà trường)
Học sinh Trường Trung học phổ thông Phương Sơn (tỉnh Bắc Giang) trong lễ khai giảng năm học 2024-2025. (Ảnh: website nhà trường)

Được biết, năm học 2024-2025, Trường Trung học phổ thông Phương Sơn có gần 400 học sinh lớp 12, theo khảo sát của nhà trường, khoảng ⅓ học sinh có nguyện vọng sẽ lựa chọn môn thi liên quan Khoa học xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.

Hiện tại, trường đang chờ đợi các cơ sở giáo dục đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2025, các tổ hợp môn xét tuyển đại học vào các ngành đào tạo để có cơ sở định hướng học tập, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh.

Để ứng phó linh hoạt trong khi chờ phương án tuyển sinh năm 2025, Trường Trung học phổ thông Phương Sơn chia học sinh lớp 12 thành hai đối tượng để thuận lợi dạy học, gồm học sinh có nguyện vọng chỉ xét tốt nghiệp và học sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học.

“Dựa trên việc lựa chọn môn học và thi của học sinh, nhà trường phải xếp thời khóa biểu bằng tay, làm thủ công thì mới có thể đảm bảo các môn mà học sinh lựa chọn không bị trùng. Cứ 1-2 tháng, nhà trường lại điều chỉnh thời khóa biểu một lần vì có những em thay đổi môn học.

Nhà trường mong muốn, phương án tuyển sinh năm 2025 được công bố càng sớm càng tốt, và nên công bố trước khi kết thúc học kỳ I để học sinh yên tâm lựa chọn môn thi phù hợp năng lực và nhà trường có thời gian định hướng ôn tập hiệu quả nhất cho các em”, thầy Nhường bày tỏ.

Do chưa có phương án tuyển sinh năm 2025 của cơ sở giáo dục đại học, bản thân giáo viên cũng băn khoăn, không biết phải tư vấn và trả lời những thắc mắc của học sinh về tổ hợp môn thi có Tin học và Công nghệ như thế nào.

Năm 2025, thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ làm 2 bài thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và chọn 2 môn thi trong số các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Phạm Văn Trịnh - Giáo viên môn Công nghệ của một trường trung học phổ thông ở tỉnh Ninh Bình cho biết, tại trường thầy Trịnh đang công tác chỉ có 30 học sinh lớp 12 chọn môn Công nghệ là môn thi tốt nghiệp. Số lượng học sinh có nguyện vọng sử dụng điểm thi môn Công nghệ để xét tuyển đại học không nhiều.

Lý do được học sinh đưa ra là vì chưa biết tổ hợp môn nào sẽ có môn Công nghệ, các ngành đào tạo mà các em mong muốn học có sử dụng tổ hợp với môn Công nghệ để xét tuyển hay không. Phải trả lời được những thắc mắc đó thì học sinh mới mạnh dạn học và thi môn Công nghệ để lấy điểm xét tuyển đại học.

“Trước những câu hỏi thắc mắc của học sinh về tổ hợp môn thi có Công nghệ năm 2025, bản thân giáo viên chúng tôi cũng không thể trả lời được vì còn chờ phương án tuyển sinh ra sao.

Thiết nghĩ, nếu cơ sở giáo dục đại học có sử dụng môn Công nghệ trong các tổ hợp xét tuyển đại học, thì số học sinh lựa chọn môn này để học và thi sẽ tăng lên, ôn tập đạt kết quả tốt. Giáo viên chúng tôi mong muốn sớm có phương án tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học, chỉ rõ các tổ hợp môn xét tuyển đại học có môn Công nghệ”, thầy Trịnh chia sẻ.

Cũng theo thầy Trịnh, với chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Công nghệ lớp 10 đào tạo thiên về vẽ kỹ thuật, công nghệ ứng dụng; lớp 11 chủ yếu cung cấp kiến thức về cơ khí và ô tô; còn lớp 12 tập trung kiến thức về điện và kỹ thuật điện tử. Trên cơ sở đó, một số ngành đào tạo về STEM ở bậc đại học có thể sử dụng tổ hợp có môn Công nghệ để tuyển sinh.

Từ những khó khăn của trường trung học phổ thông trong định hướng ôn tập, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hoà Bình Nguyễn Quang Minh cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học cần thiết phải đẩy nhanh việc công bố phương án tuyển sinh năm 2025. Bởi, hiện nay học sinh và giáo viên rất khó chủ động trong dạy và học nhằm hướng tới đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, cũng như sử dụng kết quả thi của học sinh để xét tuyển vào các trường đại học.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hoà Bình, có thể căn cứ vào phương án tuyển sinh năm 2025 thì học sinh mới rõ được môn nào nằm trong tổ hợp môn nào, điều kiện xét tuyển đại học ra sao để chủ động lựa chọn môn thi theo đúng năng lực bản thân; xây dựng kế hoạch ôn luyện hiệu quả.

“Trong tháng 10 mà các cơ sở giáo dục đại học chưa công bố phương án tuyển sinh năm 2025 là muộn. Với tâm lý của người học, phụ huynh và giáo viên, khi phải chờ đợi phương án tuyển sinh năm 2025 càng lâu thì càng cảm thấy sốt ruột. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chỉ đạo đến các cơ sở giáo dục đại học về việc sớm công bố phương án tuyển sinh năm 2025, nhất là những cơ sở giáo dục đại học top đầu để trường phổ thông có định hướng học và tư vấn hướng nghiệp tốt nhất cho học sinh”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình chia sẻ.

Trong khi đó, thầy Ngô Quốc Đường – Trưởng phòng Phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cho biết, đối với khu vực vùng sâu vùng xa, các trường trung học phổ thông gặp nhiều khó khăn khi dạy hai môn Tin học và Công nghệ.

Qua khảo sát đầu năm học 2024-2025, tỉnh Bắc Giang có hơn 23,9 nghìn học sinh lớp 12. Trong số các môn tự chọn để dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, số học sinh chọn môn Tin học chiếm hơn 0,12% tổng số học sinh lớp 12 của tỉnh; số học sinh chọn Công nghệ theo định hướng Công nghiệp và Nông nghiệp lần lượt là 0,08% và 0,78% tổng số học sinh lớp 12 của tỉnh.

Theo thầy Đường, ngay từ đầu năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các trường phổ thông tiến hành khảo sát sơ bộ nguyện vọng lựa chọn môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (ngoài môn Toán và Ngữ văn) năm 2025 đối với học sinh khối 12 để chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp. Riêng môn Tin học, môn Công nghệ, nếu có học sinh lựa chọn, các trường phải tổ chức ôn tập như các môn khác để đảm bảo chất lượng; nếu ít học sinh chọn thì nhà trường vẫn tổ chức dạy học, ôn tập để chuẩn bị kiến thức tốt nhất cho học sinh yên tâm, tự tin trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp.

Đến cuối học kỳ I năm học 2024-2025, sau khi có điểm bài kiểm tra cuối kỳ, sơ kết,... các trường trung học phổ thông sẽ khảo sát việc đăng ký môn thi tự chọn lần nữa của học sinh để khẳng định chắc chắn; trường hợp học sinh có nguyện vọng đổi môn thi, giáo viên chủ nhiệm có thể trao đổi, tư vấn, thảo luận với giáo viên bộ môn để hướng dẫn học sinh chọn môn theo đúng năng lực học tập.

Thầy Đường.jpg
Thầy Ngô Quốc Đường – Trưởng phòng Phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang)

Bên cạnh đó, thầy Đường cho biết, trên cơ sở số liệu đăng ký các môn tự chọn của học sinh, các trường phổ thông tổ chức giao ban tổ chuyên môn, cùng nhau bàn bạc, phân tích nội dung, yêu cầu cần đạt các môn học, tìm kiếm giải pháp nâng chất lượng từng môn học, đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn với các môn học mới trong kỳ thi tốt nghiệp: Xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể cho từng giai đoạn trong năm học, gồm cả ôn tập và chuẩn bị kỳ thi; cần cập nhật, điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với yêu cầu kỳ thi; yêu cầu giáo viên giảng dạy theo hướng dạy đến đâu ôn tập đến đấy, vừa dạy kiến thức mới vừa chú trọng ôn tập, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra.

“Trong tháng 8/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã tổ chức tập huấn các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, trong đó có môn Tin học và môn Công nghệ. Tuy nhiên, việc các cơ sở giáo dục đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2025 vẫn có ý nghĩa thiết thực đối với học sinh, giáo viên và lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo. Chính vì vậy, cơ sở giáo dục đại học nên sớm công bố phương án tuyển sinh năm 2025, các tổ hợp xét tuyển đại học có môn Tin học, Công nghệ để học sinh có điều kiện, thời gian nghiên cứu và lựa chọn môn thi, ngành đào tạo và cơ sở giáo dục đại học sao cho phù hợp với năng lực, nguyện vọng, hoàn cảnh của bản thân và gia đình”, thầy Đường chia sẻ.

Ngọc Huệ