Trường ĐH Hòa Bình “bắt tay” doanh nghiệp đào tạo ngành Thương mại điện tử

03/03/2022 06:35
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sinh viên ngành Thương mại điện tử tại Trường Đại học Hòa Bình được đào tạo theo phương pháp “Learning by doing”, thực hành tại các doanh nghiệp.

Trong những năm qua, thị trường Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh và được nhận định sẽ tăng tốc trong những năm tới. Đó cũng chính là lý do ngày càng nhiều công ty, doanh nghiệp có những chiến lược đầu tư kinh doanh vào loại hình mới và có nhiều cơ hội “hái ra tiền” này.

Trong xu thế phát triển đó, ngành học Thương mại điện tử ngày càng có sức hút, đón đầu xu thế tương lai.

Sinh viên ngành Thương mại điện tử - Trường Đại học Hòa Bình. (Ảnh: NTCC)

Sinh viên ngành Thương mại điện tử - Trường Đại học Hòa Bình. (Ảnh: NTCC)

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Mạnh – Trưởng Bộ môn ngành Thương mại điện tử, Trường Đại học Hòa Bình cho biết, hiện nay ngành Thương mại điện tử đang có tốc độ phát triển rất mạnh, hầu hết các công ty bán hàng mới thành lập đều là các công ty thương mại điện tử. Mua sắm qua mạng đã trở thành thói quen hàng ngày của nhiều người Việt Nam.

Có thể thấy, phạm vi của Thương mại điện tử rất rộng, bao quát hầu hết các lĩnh vực hoạt động kinh tế, là hình thức mua và bán hàng hóa và dịch vụ, hoặc chuyển tiền hay dữ liệu qua mạng điện tử. Thương mại điện tử đang trở thành một cuộc cách mạng làm thay đổi cách thức mua sắm của con người.

Việc mua bán hàng hóa và dịch vụ chỉ là một trong hàng ngàn lĩnh vực áp dụng của Thương mại điện tử. Do đó, thương mại điện tử đang là một ngành học rất tiềm năng trong thời đại công nghệ 4.0.

“Tại Trường Đại học Hòa Bình, sinh viên vừa được đào tạo kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành, kiến thức chuyên sâu ngành, vừa được tạo điều kiện thực hành tại doanh nghiệp.

Sinh viên của nhà trường sẽ được trang bị kiến thức chuyên môn, được đào tạo chuyên sâu ngoại ngữ chuyên ngành và trong lĩnh vực thương mại.

Các em được bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng bán hàng, kỹ năng xây dựng chiến lược kinh doanh trên internet, tham gia những dự án kinh doanh mẫu theo hướng dẫn của giảng viên, tham gia hội thảo chuyên đề, tham quan môi trường làm việc thực tế thuộc lĩnh vực thương mại điện tử,…

Qua đó, tạo nên khối kiến thức toàn diện và sâu rộng về nghề nghiệp mà người học có dự định theo đuổi”, thầy Mạnh chia sẻ.

Sinh viên Trường Đại học Hòa Bình vừa được đào tạo kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành, kiến thức chuyên sâu ngành, vừa được tạo điều kiện thực hành tại doanh nghiệp. (Ảnh: NTCC)

Sinh viên Trường Đại học Hòa Bình vừa được đào tạo kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành, kiến thức chuyên sâu ngành, vừa được tạo điều kiện thực hành tại doanh nghiệp. (Ảnh: NTCC)

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, cử nhân ngành Thương mại điện tử sẽ có kiến thức nền về kinh tế học, kinh tế chính trị học và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiến thức cơ bản về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh; am hiểu về hệ thống mạng điện tử và công nghệ thông tin; được trang bị kiến thức chuyên sâu và hiện đại về thương mại điện tử; về hoạch định chiến lược, kế hoạch thương mại điện tử; về quản trị thương mại điện tử và kinh doanh trên mạng điện tử.

Nhờ vậy, các em được trang bị kiến thức, hình thành năng lực chuyên môn tốt và kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, có tư cách đạo đức và ý thức pháp luật đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0.

Chương trình đào tạo ngành Thương mại điện tử tại Trường Đại học Hòa Bình chú trọng về ngoại ngữ với các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. Đây chính là bước đệm thuận lợi cho các bạn có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường. Không chỉ được cung cấp các khối lượng kiến thức chuyên ngành mà các bạn còn được rèn luyện các kỹ năng tin học, kỹ năng giao tiếp trong quá trình học tập.

Nhờ vậy, sinh viên vừa giỏi về nghiệp vụ kinh doanh, vừa tinh thông về công nghệ thông tin ứng dụng trong kinh doanh và đặc biệt chuyên sâu trong việc tổ chức kinh doanh trong môi trường mạng.

Các môn học tiêu biểu của ngành Thương mại điện tử là: Hệ thống thông tin quản lý, Hệ quản trị cơ sở dữ liệu, Mạng và truyền thông, Thương mại điện tử, Marketing điện tử, Nghiên cứu thương mại điện tử, Chiến lược thương mại điện tử, Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin, Lập trình mạng,…

Đào tạo gắn với doanh nghiệp, mở rộng cơ hội việc làm

Theo Quyết định số 1563/2016/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020, đã nhấn mạnh nội dung thực hiện về Phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử (khoản 4, mục III, điều 1), trong đó nêu rõ phải “đẩy mạnh đào tạo chính quy về thương mại điện tử, gắn kết hoạt động đào tạo với thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.

Trong những năm qua, Trường đại học Hòa Bình đã đẩy mạnh mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp, tăng cường hoạt động thực hành, thực tế cho sinh viên.

Trường đại học Hòa Bình đã đẩy mạnh mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp. (Ảnh: NTCC)

Trường đại học Hòa Bình đã đẩy mạnh mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp. (Ảnh: NTCC)

“Đây chính là điểm sáng quan trọng trong phương thức tổ chức đào tạo của nhà trường, giúp sinh viên sớm làm quen, tiếp cận với thị trường lao động. Từ đó, các em được học tập, rèn luyện và phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Giáo dục phải gắn với thực hành, thực nghiệp mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của ngành Thương mại điện tử”, thầy Mạnh cho hay.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Mạnh cho biết, nhu cầu nhân lực ở lĩnh vực Thương mại điện tử ngày càng thu hút các bạn trẻ theo học cùng cơ hội việc làm rộng mở trong tương lai.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành này có thể làm việc tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Văn phòng đại diện doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; Các tập đoàn, công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia; Các cơ quan quản lý, cơ quan hoạch định chính sách về thương mại điện tử; Các cơ quan, tổ chức đại diện thương mại điện tử của Việt Nam và quốc tế; Các Viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu thương mại điện tử, giảng viên các trường đại học, cao đẳng về kinh tế và quản trị kinh doanh.

Các em cũng có thể thành lập doanh nghiệp, khởi nghiệp tự tổ chức kinh doanh qua mạng, kinh doanh dựa trên nền tảng mạng và công nghệ số.

Kết nối với doanh nghiệp trong đào tạo và tổ chức Hội thảo khoa học là những điểm sáng trong phương thức đào tạo của Trường Đại học Hòa Bình. (Ảnh: NTCC)

Kết nối với doanh nghiệp trong đào tạo và tổ chức Hội thảo khoa học là những điểm sáng trong phương thức đào tạo của Trường Đại học Hòa Bình. (Ảnh: NTCC)

Cử nhân ngành Thương mại điện tử cũng dễ dàng chọn lựa những việc làm với mức lương hấp dẫn cùng môi trường làm việc luôn mới mẻ với các vị trí như: Chuyên viên quản trị, xây dựng các hệ thống giao dịch thương mại, kinh doanh trực tuyến tại các công ty, doanh nghiệp; Có cơ hội thăng tiến lên vị trí Giám đốc thông tin (CIO), Giám đốc E- Marketing; Chuyên viên lập dự án, hoạch định chính sách phát triển công nghệ thông tin; Tư vấn viên cho các công ty tư vấn, đề xuất giải pháp, xây dựng và bảo trì các dự án công nghệ thông tin liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử hoặc quản trị doanh nghiệp điện tử; Cán bộ nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin ở các viện, trung tâm, cơ quan nghiên cứu của các Bộ, Ngành; Giảng viên ngành Thương mại điện tử tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.

Đặc biệt, mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp tại Trường Đại học Hòa Bình giúp sinh viên giải quyết vấn đề đầu ra, sinh viên có cơ hội được làm việc tại các doanh nghiệp lớn, thử sức ở những vị trí công việc mới và có nhiều cơ hội phát triển nghề trong tương lai.

Ngành học Thương mại điện tử là sự giao thoa giữa ngành kinh doanh và công nghệ thông tin. Sinh viên ngành Thương mại điện tử tại trường Đại học Hòa Bình được đào tạo theo phương pháp học đi đôi với làm “Learning by doing” để đạt được các năng lực như: Phát triển tư duy sáng tạo, định hướng kinh doanh, lên ý tưởng khởi nghiệp; Tự phát triển ý tưởng kinh doanh Thương mại điện tử trên nền tảng website, thiết bị di động (IOS, Android); Marketing trực tuyến, marketing nội dung trên nền tảng Facebook, Google, Youtube; Quản trị đơn hàng, bán hàng, quản trị doanh nghiệp, nguồn nhân lực,…; Phát triển hệ thống và chăm sóc khách hàng, nhà cung cấp; Thành thạo kỹ năng kinh doanh điện tử.

Ngoài đội ngũ giáo viên cơ hữu của Trường Đại học Hòa Bình tham gia chương trình đào tạo thương mại điện tử, nhà trường sẽ mời các giáo viên thỉnh giảng từ các Trường Đại học, các Viện Nghiên cứu, các Doanh nghiệp là các chuyên gia về lĩnh vực Thương mại điện tử và Logistics trong thương mại điện tử nói chung đã có nhiều năm tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này cùng tham gia giảng dạy với Trường Đại học Hòa Bình.

Những năm vừa qua, Khoa Quản trị Kinh doanh nói riêng, Trường Đại học Hòa Bình nói chung đã có sự phối hợp chặt chẽ với hơn 50 doanh nghiệp, các doanh nghiệp vừa tiếp nhận sinh viên đến kiến tập, thực tập, vừa đặt hàng đào tạo cán bộ với Trường Đại học Hòa Bình.
Phạm Minh