Trường ĐH Khoa học Tự nhiên: GV có trình độ tiến sĩ gấp hơn 2 lần so với chuẩn

26/05/2025 06:30
An Vy

GDVN - Khối ngành VI của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) không có giảng viên chức danh giáo sư nào và khối ngành VII có duy nhất 1 giáo sư.

Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (sau đây gọi là Thông tư 01) về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.

Theo quy định, các cơ sở giáo dục đại học phải chốt số liệu vào ngày 31 tháng 12 hằng năm; đối với số liệu về tài chính, thời điểm chốt số liệu là ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.

Trên thực tế, quá trình triển khai, thực hiện theo Thông tư 01 ở mỗi đơn vị sẽ có sự khác biệt. Để tìm hiểu rõ hơn về việc đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí tại Thông tư 01, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận chia sẻ của đại diện Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội.

gdvn-hus.png
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Mộc Trà.

Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ vượt tiêu chuẩn

Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ theo điểm b, tiêu chí 2.3, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định: “Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ”.

Theo biểu mẫu 20 báo cáo ba công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội năm học 2023-2024, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ của nhà trường đạt khoảng 86,7%, gấp hơn 2 lần mức chuẩn tối thiểu theo quy định của Thông tư 01. Nhà trường có tổng 392 cán bộ, giảng viên; trong đó, có 18 giáo sư, 125 phó giáo sư, 197 tiến sĩ/tiến sĩ khoa học.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về kinh nghiệm thu hút, giữ chân giảng viên đảm bảo vượt chuẩn theo tiêu chí 2.3 của Thông tư số 01, đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Là một đơn vị thành viên nòng cốt của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà trường luôn xác định đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao là yếu tố then chốt bảo đảm chất lượng đào tạo và nghiên cứu.

Trong những năm qua, nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách để thu hút, giữ chân và phát huy hiệu quả đội ngũ này.

Thứ nhất, nhà trường tích cực triển khai các chính sách chung của Đại học Quốc gia Hà Nội, nổi bật là chính sách thu hút nhà khoa học xuất sắc theo Thông báo số 3481/TB-ĐHQGHN ngày 20/9/2023. Chính sách này hướng tới các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước, bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia quốc tế.

Các nhà khoa học được tạo điều kiện tối đa về cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu, được đảm bảo các điều kiện làm việc thuận lợi, và có thể nhận hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ lên đến 3 tỷ đồng trong 3 năm, cùng với cơ hội xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh.

Thứ hai, chính sách hỗ trợ tài chính cho cán bộ khoa học xuất sắc theo Thông báo số 3138/TB-ĐHQGHN ngày 03/7/2024 cũng được triển khai hiệu quả. Với cơ chế thông thoáng, giảm thủ tục hành chính, mức hỗ trợ có thể lên tới 150 triệu đồng cho mỗi công trình nghiên cứu vượt trội, góp phần khuyến khích các giảng viên và nhà khoa học đẩy mạnh công bố quốc tế.

Đối với đội ngũ cán bộ trẻ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ tài chính riêng cho các tiến sĩ trẻ. Theo đó, trong 3 năm đầu công tác, cán bộ trẻ có thể được cấp 1 đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc 2 đề tài cấp đơn vị. Đồng thời, họ được hỗ trợ chi phí cho các công bố quốc tế chưa nằm trong các đề tài, dự án, và được giao nhiệm vụ nghiên cứu phù hợp năng lực.

Thứ ba, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường học thuật lành mạnh, chuyên nghiệp. Các nhà khoa học được khuyến khích theo đuổi ý tưởng sáng tạo, ít bị ràng buộc bởi thủ tục hành chính, được hỗ trợ tối đa về thiết bị nghiên cứu chuyên sâu, tạo điều kiện tham gia các hoạt động học thuật quốc tế.

Đồng thời, cơ chế đánh giá cán bộ của nhà trường bảo đảm công khai, minh bạch, dựa trên kết quả và chất lượng của sản phẩm khoa học, đào tạo. Với cách tiếp cận đồng bộ và thực chất, nhà trường kỳ vọng sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các giảng viên, nhà khoa học tài năng trong và ngoài nước.

thieu-gs.jpg
Khối ngành VI gồm ngành Hóa dược và khối ngành VII bao gồm các ngành Quản lý tài nguyên và môi trường; Quản lý đất đai; Quản lý phát triển đô thị và bất động sản; Môi trường, sức khỏe và an toàn. Ảnh chụp màn hình báo cáo 3 công khai.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại biểu mẫu 20 cho thấy, khối ngành VI của nhà trường không có giảng viên chức danh giáo sư nào và khối ngành VII có duy nhất 1 giáo sư.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện nhà trường cho biết: “Theo Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023, khối ngành VI bao gồm nhóm ngành Y - Dược và các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe khác.

Hiện nay, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên chỉ có một chương trình đào tạo ngành Hóa dược thuộc khối ngành VI. Ngành Sinh dược học của trường được phân loại vào khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên); ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn mặc dù mang tính liên ngành nhưng được xếp vào khối ngành VII theo phân loại hiện hành.

Mặc dù chỉ có 1 chương trình đào tạo thuộc khối ngành VI nhưng đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường rất hùng hậu với 10 cán bộ đều có học vị tiến sĩ trong đó có 7 phó giáo sư.

Các giảng viên đều có trình độ chuyên môn cao được đào tạo bài bản, có thành tích nghiên cứu khoa học tốt. Trong số đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Mạnh Trí là một trong hai nhà khoa học được vinh danh ở hạng mục giải thưởng chính của Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024.

Đối với khối ngành VII, nhà trường hiện có các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực này như ngành Quản lý đất đai, Quản lý phát triển đô thị và bất động sản (thuộc khoa Địa lý) và ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn (thuộc khoa Môi trường). Hiện tại, đội ngũ giảng viên của các ngành này có 2 giáo sư và 26 phó giáo sư.

Đáng chú ý, trong đợt xét năm 2025, có nhiều ứng viên thuộc khối ngành này đã đăng ký xét đạt chuẩn chức danh phó giáo sư. Chúng tôi kỳ vọng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư lĩnh vực này sẽ tiếp tục được bổ sung đáng kể trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu liên ngành”.

hus-nckh.png
Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Ngoài ra, trong chiến lược phát triển đội ngũ, theo đại diện nhà trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội luôn xác định việc quy hoạch cán bộ khoa học cho các chức danh giáo sư, phó giáo sư là nhiệm vụ trọng tâm.

Giai đoạn 2023-2025, trường đã xây dựng danh sách quy hoạch gồm 92 nhà khoa học, trong đó có 75 người được quy hoạch cho chức danh phó giáo sư và 17 người cho chức danh giáo sư. Sau khi được bổ nhiệm, các phó giáo sư được xét thăng hạng giảng viên cao cấp còn các giáo sư được xét nâng bậc lương theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, giảng viên đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư được tham gia các chính sách đãi ngộ riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội, bao gồm đề án chăm sóc sức khỏe đặc biệt dành cho đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, cùng các cơ hội tham gia hội đồng chuyên môn, tổ chức khoa học và nhiệm vụ nghiên cứu cấp cao.

Việc phấn đấu sớm đạt chuẩn chức danh cũng là trách nhiệm và quyền lợi cá nhân của các cán bộ. Tuy nhiên đặc thù của mỗi ngành cũng khá khác nhau (ví dụ trong việc công bố trên các tạp chí quốc tế, hướng dẫn sau đại học,...) nên thời gian tích lũy tiêu chuẩn của mỗi cá nhân ở mỗi lĩnh vực cũng khác nhau.

“Nhà trường luôn khuyến khích cán bộ lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu. Hội đồng giáo sư cơ sở thực hiện quy trình xét duyệt hồ sơ đăng ký của cán bộ một cách nghiêm ngặt nhưng công tâm, dựa trên các chuẩn mực quốc tế.

Với chiến lược quy hoạch bài bản, chính sách rõ ràng và môi trường học thuật thuận lợi, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội đang từng bước xây dựng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư đáp ứng yêu cầu phát triển của các lĩnh vực đào tạo mới, liên ngành, đặc biệt ở khối ngành VII”, đại diện nhà trường cho hay.

Nỗ lực đáp ứng tiêu chí về cơ sở vật chất

Tiêu chí 3.1. Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m².

Tiêu chí 3.2. Diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 2,8 m²; ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt.

Theo biểu mẫu 19 Công khai thông tin cơ sở vật chất của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội năm học 2023-2024, tổng diện tích đất cơ sở đào tạo quản lý sử dụng là 27.440 m²; tổng diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học là 42.397,99 m². Theo đó, diện tích đất/sinh viên đạt 3.39 m²/sinh viên; diện tích sàn/sinh viên đạt 5.24 m²/sinh viên.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện nhà trường cho biết, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội gặp một số khó khăn trong quản lý và sử dụng ba cơ sở trong nội thành Hà Nội do diện tích đất và sàn xây dựng bị giới hạn và phân tán. Tuy nhiên, nhà trường đã và đang khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất và diện tích sàn xây dựng, phục vụ tốt công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, toàn bộ 100 % giảng viên và nghiên cứu viên được bố trí chỗ làm việc riêng biệt.

Từ năm 2010, nhà trường đã chủ động và tích cực tham gia xây dựng Dự án xây dựng cơ sở mới của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội tại đô thị Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Dự án đã được Bộ Xây dựng phê duyệt với tổng số diện tích đất là 651.000 m², tổng diện tích xây dựng là 66.100 m², tổng diện tích sàn xây dựng là 235.480 m², tổng diện tích dành cho hoạt động thể dục, thể thao là 34.766 m², tổng diện tích dành cho cây xanh, mặt nước, quảng trường là 64.340 m². Thiết kế quy hoạch 1:500 cũng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt với 9 khu vực (zone).

Tính đến thời điểm 5/2025, Đại học Quốc gia Hà Nội đã hoàn thành xây dựng và trang bị nội thất cho khu vực Zone 4 với tổng diện tích đất là 46.210 m² cùng 2 tòa nhà HT1 và HT2, với tổng diện tích sàn xây dựng là 35.652 m².

Mặc dù chưa được Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức bàn giao nhưng nhà trường đã phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai phân bổ 550 m² diện tích sàn xây dựng cho 1 phòng thí nghiệm trọng điểm và 2 nhóm nghiên cứu mạnh của trường sử dụng hiệu quả từ năm 2024.

Đồng thời, nhà trường đã phối hợp cùng Đại học Quốc gia Hà Nội hoàn thành thiết kế thi công Zone 3 với tổng diện tích đất là 60.757 m² cùng 2 tòa nhà HT3 và HT4, tổng diện tích sàn xây dựng là 42.517 m².

Công trình Zone 3 dự kiến khởi công và hoàn thành trong năm 2025. Đến đầu năm 2026, tổng diện tích đất và sàn xây dựng do nhà trường trực tiếp quản lý, sử dụng dự kiến sẽ đạt lần lượt 134.407 m² và 120.567 m², tăng gấp 4,9 lần và 2,8 lần so với hiện nay.

Với tốc độ đầu tư của Nhà nước, quyết tâm của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, nhà trường hy vọng rằng sẽ đạt và vượt mức quy định về cơ sở vật chất theo Thông tư 01/2024/TT BGDĐT vào năm 2030.

An Vy