Trường phổ thông đưa tiếng Nhật vào giảng dạy: Phụ huynh ủng hộ, HS hào hứng

27/05/2025 08:42
Đình Nam

GDVN - Việc triển khai chương trình tiếng Nhật từ lớp 3 đến lớp 12 ở phổ thông được lãnh đạo cơ sở giáo dục ủng hộ với kỳ vọng nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh.

Vừa qua, Nhật Bản và Việt Nam đã ký kết bản thỏa thuận khung về việc dạy tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam sẽ triển khai giảng dạy tiếng Nhật ở các cấp học phổ thông (từ lớp 3 đến lớp 12) trên toàn quốc. Thời gian thực hiện từ năm 2025 đến năm 2034. Phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ trong phạm vi ngân sách cho phép đối với các trường đang giảng dạy tiếng Nhật, cử chuyên gia tiếng Nhật hỗ trợ hoàn thiện chương trình và biên soạn sách giáo khoa tiếng Nhật; cung cấp các tài liệu học tập và tài liệu tham khảo cần thiết cho việc dạy và học tiếng Nhật.

Lãnh đạo một số trường phổ thông đánh giá đây là tín hiệu đáng mừng để nâng cao trình độ ngoại ngữ tiếng Nhật của học sinh Việt Nam, đồng thời hi vọng sẽ có cơ hội hợp tác với Nhật Bản để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Nhiều cơ sở giáo dục đang triển khai dạy tiếng Nhật và đạt kết quả nổi bật

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp (Hà Nội) cho biết, công tác dạy và học tiếng Nhật tại nhà trường đã và đang được triển khai có hiệu quả, nhận được phản hồi tích cực.

“Trong 3 năm qua, nhà trường đã triển khai giảng dạy tiếng Nhật như một ngoại ngữ thứ hai, với định hướng lâu dài, hiệu quả và bền vững. Là một trường dạy đa ngôn ngữ, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp có thế mạnh trong việc đào tạo ngoại ngữ, trong đó tiếng Nhật đã dần khẳng định được vị thế.

Ở cấp trung học cơ sở, học sinh nhà trường đạt nhiều giải Nhất, Nhì trong các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Nhật cấp thành phố. Ở cấp trung học phổ thông, nhiều em sử dụng tiếng Nhật làm hành trang du học. Bên cạnh chương trình chính khóa, nhà trường còn tổ chức các câu lạc bộ tiếng Nhật để tạo môi trường thực hành, giao lưu sinh động cho học sinh.

Trong quá trình giảng dạy, nhà trường cũng duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ với một cơ sở giáo dục của Nhật Bản tại Hà Nội. Hai bên đã tổ chức nhiều buổi giao lưu xuyên suốt 3 năm qua, đưa học sinh đến tham quan, học tập, chia sẻ văn hóa và phương pháp giảng dạy.

Hiện tại, nhà trường đã có một giáo viên cơ hữu đạt chuẩn giảng dạy tiếng Nhật, điều này tạo ra sự ổn định và chất lượng trong công tác giảng dạy, đồng thời giúp phụ huynh yên tâm khi cho con theo học.

Là một trường tư thục, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp có ưu thế trong việc chủ động tuyển dụng và giữ chân giáo viên, không phụ thuộc vào nguồn nhân sự bên ngoài”, thầy Tùng cho hay.

unnamed-2025-05-15t162120552.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp. Ảnh: website nhà trường.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp, trong 3 năm triển khai chương trình tiếng Nhật, phụ huynh đều rất ủng hộ, học sinh hào hứng đăng ký.

Nhà trường cũng tích cực tham gia nhiều dự án hợp tác quốc tế như các chương trình tiếng Pháp, tiếng Úc, tiếng Nga... nên có nền tảng vững chắc trong việc tiếp tục triển khai các chương trình tiếng Nhật trong thời gian tới.

Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng là một trong những trường đã triển khai dạy tiếng Nhật nhiều năm tại Hà Nội, do đó khi có chủ trương đẩy mạnh dạy tiếng Nhật ở bậc phổ thông, cả thầy cô và học sinh đều rất phấn khởi.

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh bày tỏ: “Ngoài tiếng Anh - đang được định hướng trở thành ngôn ngữ thứ hai, nhà trường từ lâu đã xác định sẽ mở rộng thêm một ngoại ngữ phù hợp với đặc điểm người học Việt Nam.

Trong đó, Nhật Bản cũng nằm ở châu Á, có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về văn hóa, cũng như có nền kinh tế phát triển, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đang được đẩy mạnh. Chính vì thế, nhà trường đã lựa chọn và đầu tư giảng dạy tiếng Nhật. Trong những năm gần đây, học sinh nhà trường đã đạt được nhiều giải thưởng tiếng Nhật, tạo tiền đề tốt để mở rộng quy mô giảng dạy.

Các hoạt động văn hóa như festival Nhật Bản, giao lưu văn hóa Việt - Nhật, hay chuỗi sự kiện tìm hiểu văn hóa Nhật được trường tổ chức thường xuyên nhằm khơi dậy niềm say mê ngôn ngữ từ học sinh.

Trên thực tế, Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh đã có kinh nghiệm tổ chức lớp học tiếng Nhật thí điểm trong nhiều năm. Khảo sát nội bộ cho thấy tiếng Nhật là một ngoại ngữ được học sinh yêu thích”.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, nhà trường đã lồng ghép yếu tố văn hóa trong quá trình dạy và học tiếng Nhật tại trường. Nhờ đó, ngoài học ngôn ngữ, học sinh còn có hiểu biết hơn về nền văn hóa quốc tế.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Long Biên, Hà Nội) và các học sinh đội tuyển tiếng Nhật của trường. Ảnh: website nhà trường.
Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Long Biên, Hà Nội) và các học sinh đội tuyển tiếng Nhật của trường. Ảnh: website nhà trường.

“Tại Trường Trung học cơ sở Chu Văn An, tiếng Nhật hiện đang được giảng dạy như một ngoại ngữ thứ hai theo đúng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhà trường triển khai theo chỉ đạo của Bộ và bước đầu nhận được tín hiệu tích cực.

Hiện nay, tài liệu và học liệu tiếng Nhật trong nhà trường đều tuân theo chương trình giáo dục phổ thông mới, được quy định bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giáo viên dạy tiếng Nhật bao gồm cả người Việt Nam và người Nhật Bản, đều có tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện sự chuyên nghiệp trong giảng dạy.

Các yếu tố văn hóa Nhật Bản được lồng ghép trong quá trình học, như tính kỷ luật, tác phong nghiêm túc, tinh thần nỗ lực và chuẩn mực trong giáo dục, điều này đã tạo ấn tượng tốt và có tác động giáo dục rõ rệt đến học sinh.

Tuy tiếng Nhật có độ khó nhất định do sử dụng chữ tượng hình, nhưng nhiều học sinh vẫn hào hứng học tập. Một số em đặc biệt yêu thích ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, xem đây là cơ hội để khám phá một quốc gia phát triển với nền văn hóa đặc sắc.

Hiện tại, nhà trường chưa triển khai chương trình liên kết trực tiếp với các đối tác Nhật Bản. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì một số hoạt động văn hóa như “Ngày hội văn hóa Nhật Bản” do các tổ chức và đại sứ quán Nhật phối hợp với các đơn vị dạy tiếng Nhật tại Hà Nội tổ chức. Đây là cơ hội giúp học sinh tìm hiểu thêm về đất nước, con người và văn hóa Nhật Bản một cách trực quan, sinh động”, thầy Tuấn bày tỏ.

Trường học chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, tuyển chọn giáo viên để đẩy mạnh dạy tiếng Nhật

Chủ trương đẩy mạnh triển khai giảng dạy tiếng Nhật từ Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh được thầy Nguyễn Cao Cường chia sẻ rằng, nhà trường đã có kế hoạch chuẩn bị, trong đó tập trung vào hai khía cạnh quan trọng.

Thứ nhất là cơ sở vật chất, đảm bảo các phòng học đáp ứng yêu cầu dạy và học tiếng Nhật với điều kiện tốt nhất. Thứ hai là thiết kế chương trình học phù hợp với lộ trình tăng cường dạy học hai buổi/ngày, tích hợp cả nội dung học thuật và hoạt động thực hành, trải nghiệm.

Nhà trường cũng đang lên kế hoạch xây dựng các câu lạc bộ liên quan như câu lại bộ múa sakura, câu lạc bộ truyện tranh Nhật Bản… như một phần của định hướng phát triển giáo dục toàn diện cho học sinh.

unnamed-2025-05-15t162219909.jpg
Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh. Ảnh: website nhà trường.

Về đội ngũ giảng dạy, hiện nay việc tuyển dụng giáo viên tiếng Nhật còn gặp khó khăn do chưa có hướng dẫn chính thức trong khung vị trí việc làm. Tuy nhiên, nhà trường đã chủ động liên hệ với nhiều nguồn, trong đó có các sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật và cả cựu học sinh đang theo học chuyên ngành này, sẵn sàng về trường giảng dạy nếu có chính sách phù hợp.

Đồng thời, với cam kết hỗ trợ đào tạo giáo viên từ phía Nhật Bản theo thỏa thuận hợp tác, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh tin tưởng điều này sẽ mở ra triển vọng tích cực trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Nhật cho học sinh Việt Nam.

“Học sinh học tiếng Nhật có nhiều cơ hội để giao lưu, tiếp xúc với văn hóa Nhật Bản. Các em có thể đi du học hoặc tham gia các hoạt động trao đổi văn hóa. Trong tương lai, nhà trường mong muốn mở rộng hơn chương trình trao đổi học sinh giữa hai nước, tạo điều kiện cho học sinh Nhật Bản đến Việt Nam và ngược lại. Qua đó không chỉ nâng cao năng lực ngôn ngữ mà còn bồi đắp tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nền văn hóa”, thầy Nguyễn Cao Cường nói thêm.

Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Tùng, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp đánh giá cao chủ trương mới từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai chương trình tiếng Nhật từ lớp 3 đến lớp 12, cũng như các nội dung hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.

486164190-695959026434953-5727283222719978464-n-6196.jpg
Chương trình giao lưu văn hóa Nhật Bản của Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp. Ảnh: website nhà trường

“Trường sẵn sàng tham gia triển khai chương trình theo khung của Bộ, bao gồm cả việc sử dụng sách giáo khoa được phê duyệt và phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, tăng cường trao đổi với chuyên gia. Trong tương lai, nếu có thêm chuyên gia Nhật Bản đến hỗ trợ chuyên môn hoặc các chương trình bồi dưỡng giáo viên thì trường hoàn toàn sẵn sàng phối hợp.

Nhà trường nhìn nhận rằng, việc giảng dạy tiếng Nhật không chỉ mở rộng cơ hội học tập và việc làm cho người học sau này, mà còn góp phần quan trọng trong công tác đối ngoại - xây dựng cầu nối văn hóa giữa hai quốc gia.

Qua các chương trình hợp tác, học sinh và giáo viên Việt Nam có thêm hiểu biết về nền giáo dục quốc tế, phương pháp sư phạm, cũng như tinh thần kỷ luật, nghiêm túc trong công tác bản quyền và nghiên cứu khoa học của Nhật Bản. Đây là những giá trị mà nhà trường luôn trân trọng và học hỏi.

Nhà trường mong muốn các cơ quan quản lý tạo điều kiện kết nối với các dự án, chương trình giao lưu, hợp tác quốc tế, để các trường - trong đó có Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp có thể tham gia, phát huy thế mạnh và đóng góp vào sự nghiệp giáo dục ngoại ngữ một cách toàn diện”, thầy Tùng bày tỏ.

Đình Nam