Trường ĐH tăng, giảm vị trí trên BXH là bình thường nếu thay đổi không lớn

09/07/2023 06:36
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo chuyên gia, hoạt động NCKH của một cơ sở giáo dục có thể không phát triển theo kiểu tuyến tính nên chỉ có thể đánh giá đầy đủ theo giai đoạn vài năm.

Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds) vừa qua đã công kết quả của Bảng xếp hạng đại học thế giới 2024. Trong đó, Việt Nam có 5 cơ sở giáo dục đại học: Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội.

TT Trường Xếp hạng QS 2024 Xếp hạng QS 2023
1 Đại học Duy Tân 514 801-1.000
2 Đại học Tôn Đức Thắng 721-730 1.001-1.200
3 Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh 951-1.000 801-1.000
4 Đại học Quốc gia Hà Nội 951-1.000 801-1.000
5 Đại học Bách khoa Hà Nội 1.201-1.400 1.201-1.400

Đáng chú ý, giữa các trường có sự thay đổi đáng kể về thứ hạng. Cụ thể, 2 Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng tăng thứ hạng khá cao (Trường Đại học Duy Tân ở vị trí 514, tăng 286 bậc so với năm ngoái; Trường Đại học Tôn Đức Thắng tăng 280 bậc, lên nhóm 721-730 thế giới).

Trong khi đó, Đại học Quốc gia Hà NộiĐại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh mặc dù là những cơ sở đào tạo có độ uy tín về học thuật cao, tuy nhiên trường lại giảm thứ hạng trong năm nay (từ 801-1000 xuống 951-1000). Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn ở vị trí 1.201 - 1.400, không thay đổi thứ hạng.

Có chuyên gia nhận định, một trong những lý do khiến thứ hạng của Đại học Quốc gia Hà Nội sụt giảm là do chỉ số về công bố và trích dẫn giảm khá nhiều, cụ thể, năm 2019, tỷ lệ trích dẫn/cán bộ của cơ sở là 5,1 trong khi năm nay, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 2,3.

Bàn luận về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Hảo (Trưởng bộ phận Học thuật xuất sắc, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông) cho rằng:

“Việc tăng giảm vị trí trên các bảng xếp hạng thế giới hằng năm chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố (như việc tăng/giảm trọng số và điều chỉnh các tiêu chí đánh giá) và là việc bình thường nếu thay đổi với biên độ không lớn.

Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của một cơ sở giáo dục có thể không phát triển theo kiểu tuyến tính nên chỉ có thể đánh giá đầy đủ theo giai đoạn vài năm”.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Hảo (Trưởng bộ phận Học thuật xuất sắc, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông). Ảnh: NVCC

Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Hảo (Trưởng bộ phận Học thuật xuất sắc, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông). Ảnh: NVCC

Chuyên gia phân tích thêm, Đại học Quốc gia Hà Nội là nơi có hoạt động nghiên cứu khoa học rất mạnh, sở hữu một số tạp chí khoa học thuộc nhóm hàng đầu của Việt Nam, trong đó có tạp chí Advanced Materials and Devices có hệ số ảnh hưởng (Impact factor) liên tục tăng kể từ khi ra mắt.

“Chỉ số trích dẫn (Citation index) liên quan đến uy tín khoa học của các tác giả, chất lượng và tính thời sự của các công trình khoa học. Để làm tăng nhanh chỉ số trích dẫn có thể đâu đó sử dụng “chiêu” nhưng tôi tin là Đại học Quốc gia Hà Nội làm khoa học hướng đến chất lượng thật sự”, Phó giáo sư Lê Văn Hảo chia sẻ quan điểm.

Trường đại học có vị trí xếp hạng tốt, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội hơn

Chia sẻ quan điểm về các bảng xếp hạng đại học, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cương (Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Văn Lang) cho rằng khoảng cách về xếp hạng phản ánh khá chính xác chất lượng của các trường đại học.

Trước đó, Tiến sĩ Cương từng có thời gian học Thạc sĩ ở Trường Đại học Melbourne từ năm 2010-2011 và học Tiến sĩ ở Trường Đại học New South Wales từ năm 2014-2018. Trong khoảng thời gian này, theo bảng xếp hạng của THE (Times Higher Education) World University Ranks, vị trí xếp hạng của Trường Đại học Melbourne không thay đổi nhiều (Top 30 – 40 thế giới), nhưng vị trí xếp hạng của Trường Đại học New South Wales đã có sự gia tăng đáng kể (từ vị trí 152 năm 2011 đã tăng lên vị trí 85 năm 2018).

Thực tế quá trình học tập và trải nghiệm của mình ở hai cơ sở giáo dục đại học này, thầy Cương cho rằng trong giai đoạn 2011-2014 có sự khác biệt khá rõ về các điều kiện về học thuật, cơ sở vật chất, các dịch vụ hỗ trợ người học,... giữa 2 trường. Tuy nhiên, Trường Đại học New South Wales đã có sự đầu tư và cải cách mạnh mẽ trong những năm gần đây. Và chính những sự đầu tư này đã được thể hiện trong việc rút ngắn khoảng cách về xếp hạng với Trường Đại học Melbourne.

Cụ thể gần đây nhất trong bảng xếp hạng QS World University Rankings 2024, Trường Đại học New South Wales xếp vị trí thứ 19 thế giới (xếp thứ 2 ở Australia cùng với Trường Đại học Sydney), Trường Đại học Melbourne xếp vị trí 13 thế giới (xếp thứ 1 ở Australia).

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cương tham dự một hội thảo ở Trung Quốc khi đang là nghiên cứu sinh tại Trường Đại học New South Wales. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cương tham dự một hội thảo ở Trung Quốc khi đang là nghiên cứu sinh tại Trường Đại học New South Wales. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Cương nhận định, mỗi bảng xếp hạng đều có những tác động khá tích cực đối với nhà trường. Bảng xếp hạng có ý nghĩa là khung tham chiếu để nhà trường phấn đấu theo từng những chỉ số/chỉ báo trong bảng xếp hạng, từ đó là cơ sở để các trường nâng cao chất lượng giáo dục; thay vì mục tiêu tìm mọi cách để đạt được vị trí trên bảng xếp hạng.

Về phía người học, thầy Cương cho rằng, vị trí trên bảng xếp hạng không phải là yếu tố chính quyết định chất lượng giáo dục của một nhà trường. Dù vậy, khi được học tại một trường đại học có vị trí xếp hạng tốt, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội hơn trong tìm kiếm việc làm hay cũng dễ dàng hơn khi có nhu cầu học lên bậc cao hơn.

Các cơ sở giáo dục của Việt Nam nên tham gia vào các BXH của thế giới như thế nào?

Phó giáo sư Lê Văn Hảo cũng cho rằng, xếp hạng (ranking) hay xếp loại (rating) là xu thế tất yếu trong hầu hết các lĩnh vực dịch vụ có tính phổ biến và tính cạnh tranh cao, kể cả loại hình dịch vụ đặc biệt như giáo dục đại học.

“Xu thế đó góp phần hình thành những "sân chơi", là các bảng xếp hạng, mà các cơ sở giáo dục cảm thấy không thể đứng ngoài cuộc chơi. Vấn đề là mỗi cơ sở giáo dục nên có chiến lược tham gia xếp hạng như thế nào để phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng và các nguồn lực của mình”, Phó giáo sư Hảo phân tích.

Theo thầy Hảo, việc tham gia các bảng xếp hạng nhìn chung không tốn nhiều chi phí nhưng để có sự thăng tiến trên các bảng xếp hạng thì mỗi cơ sở giáo dục cần đầu tư rất nhiều vào nguồn lực và các hoạt động phù hợp với các tiêu chí và định hướng của mỗi bảng xếp hạng.

Ngoài ra, chuyên gia nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng cũng cần quan tâm phát triển các hoạt động góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng đào tạo.

Bên cạnh việc xác định một chiến lược tham gia xếp hạng phù hợp, Phó giáo sư Lê Văn Hảo cho rằng mỗi cơ sở giáo dục cần có một hệ thống bảo đảm và cải tiến chất lượng liên tục để đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

“Ở phương diện hệ thống, tuy bản chất của xếp hạng mang tính cạnh tranh nhưng các cơ sở giáo dục cần có sự hợp tác trên nhiều mặt để cùng hỗ trợ nhau đạt được các tiêu chí mang tính kết nối cao, chẳng hạn trong nghiên cứu những vấn đề mang tính liên ngành; trong thiết lập các mạng lưới nghiên cứu, hợp tác đào tạo hay cùng tham gia giải quyết các vấn đề có quy mô quốc gia hoặc toàn cầu”, thầy Hảo nói.

Năm nay, QS xếp hạng gần 1.500 cơ sở giáo dục đại học của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, dựa trên dữ liệu phân tích từ 17,5 triệu bài báo khoa học và ý kiến của hơn 240.000 giảng viên và nhà tuyển dụng. Bảng xếp hạng năm nay đã được tổ chức QS đưa thêm 3 tiêu chí nhằm thể hiện những thay đổi và ưu tiên mới đối với trường đại học, sinh viên và môi trường xã hội đã diễn ra trong hai thập kỷ qua. Cụ thể gồm: Mạng lưới Nghiên cứu Quốc tế (5%), Việc làm của Sinh viên Tốt nghiệp (5%), và Phát triển Bền vững (5%, bắt đầu có chỉ số điểm từ 2024). 6 tiêu chí cũ gồm: Danh tiếng học thuật (30%), Danh tiếng với Nhà tuyển dụng (15%), Tỷ lệ giảng viên/sinh viên (10%), Tỷ lệ Trích dẫn Bài báo/Giảng viên (20%), Tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%), Tỷ lệ sinh viên quốc tế (5%).

Doãn Nhàn