Trường học có nên chọn mỗi môn một bộ sách giáo khoa?

17/03/2024 06:48
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trong năm học, học sinh chuyển trường sang trường khác không chung bộ sách giáo khoa, sẽ có những kiến thức các em không được học vì bộ sách mới đã dạy trước đó.

Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông nêu, hiệu trưởng nhà trường được trao quyền thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa để đưa vào giảng dạy ở đơn vị mình.

Giáo viên được bỏ phiếu lựa chọn sách trên cơ sở nghiên cứu, nhận xét đánh giá các sách giáo khoa trong danh mục do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Thay đổi này trao quyền cho cơ sở giáo dục nhiều hơn, nhưng bản thân người viết là giáo viên tiểu học vẫn luôn nhận được than phiền về việc mua sách giáo khoa và tính ổn định của sách giáo khoa trong trường học.

Mỗi môn một bộ sách giáo khoa thì vẫn phải mua qua trường là chủ yếu

Một phụ huynh từng chia sẻ người viết: “Tôi đi mua cho con bộ sách lớp 2 đến ngày con nhập trường mới biết mua nhầm vì trường con không học bộ sách ấy. Tôi ra cửa hàng sách đổi lại không được nên đành phải bỏ đi và bấm bụng mua lại bộ sách khác”.

Đây không phải trường hợp duy nhất phụ huynh mua nhầm sách giáo khoa cho con và phải bỏ đi mua bộ sách khác, một số phụ huynh khác cũng đã nhầm lẫn như vậy. Ngoài ra, có những học sinh từng không mua kịp sách khi vào năm học mới do các nhà sách không dám lấy sách nhiều về bán vì sợ tồn hàng sang năm khó bán được.

Chính vì thế, phụ huynh thường phải chọn qua đăng ký mua sách qua kênh nhà trường. Điều này ít nhiều khiến phụ huynh không vui vẻ vì có thể sẽ phải mua thêm cả sách tham khảo được kê trong bảng danh sách đăng ký luôn.

gdvn-sach-giao-khoa-7446.jpg
Ảnh minh họa (Ảnh Đỗ Quyên)

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên chọn sách giáo khoa của chương trình mới, trong một địa bàn (một phường, một xã), mỗi trường học một bộ sách giáo khoa khác nhau là chuyện không lạ. Trong một huyện, thị, có tới 5 bộ sách giáo khoa được chọn.

Trong một địa bàn hẹp (trường cách trường chỉ vài cây số) mà có quá nhiều bộ sách giáo khoa được chọn sẽ gây khá nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo chuyên môn, kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh, triển khai các hội thi giáo viên dạy giỏi.

Ngoài ra, phụ huynh dễ nhầm lẫn khi chọn mua sách (con học bộ sách này lại mua bộ sách khác), sẽ mất thêm một khoản tiền để mua bộ sách khác khi con chuyển trường.

Đặc biệt, việc đang học bộ sách này, chuyển sang học bộ sách khác cũng gặp khá nhiều khó khăn khi mạch kiến thức giữa các bộ sách giáo khoa được sắp xếp không đồng nhất.

Nếu học sinh chuyển trường trong năm học qua một trường khác không chung bộ sách giáo khoa, sẽ có những kiến thức không được học vì bộ sách mới đã dạy trước đó.

Thực tế đến năm học này, ngoài sách tiếng Anh, thì các sách giáo khoa còn lại đều thuộc 3 bộ sách của 2 nhà xuất bản. Nếu mỗi môn chọn một bộ sách khác nhau thì sẽ là vấn đề khó với nhiều phụ huynh.

“Nhìn danh mục sách con học mà rối tinh rối mù. Có 13 cuốn sách giáo khoa mà thuộc 3 bộ sách khác nhau. 6 cuốn thuộc bộ sách “Chân trời sáng tạo”, 2 cuốn thuộc bộ sách “Cánh diều”, còn lại là bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Cầm danh mục sách giáo khoa con sẽ học mà đi mấy nhà sách vẫn mua chưa đủ”, một phụ huynh chia sẻ lại câu chuyện của bản thân.

Có phụ huynh than phiền: “Theo yêu cầu của nhà trường, phải chọn đúng sách giáo khoa môn Toán, Ngữ văn, Hóa học, Vật lý, Lịch sử… thuộc bộ Chân trời sáng tạo; sách Tin học và Sinh học thuộc bộ Cánh diều, còn lại thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Chỉ cần sơ xuất chọn nhầm một cuốn sách sẽ phải tìm lại để mua cũng đủ mệt”.

Có nên chọn tất cả các môn học cùng chung một bộ?

Về nguyên tắc, việc lựa chọn sách giáo khoa không nhất thiết phải theo bộ mà có thể chọn theo từng môn học, hoạt động giáo dục.

Tuy nhiên, “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học thì mọi sách giáo khoa cũng đã đáp ứng yêu cầu của chương trình mới được phê duyệt.

Vì thế, chỉ nên chọn một bộ sách cho tất cả các môn học sẽ thuận lợi hơn cho cả người dạy và người học”, thầy giáo Quốc Dũng, giáo viên tại tỉnh Lâm Đồng cho biết.

Cô giáo Minh Anh, giáo viên một trường tiểu học cũng chia sẻ: “Từ thực tế giảng dạy tôi cho rằng, tất cả các môn học cũng chỉ nên chọn chung một bộ sách. Đặc biệt, năm trước đã học bộ sách nào thì năm sau cũng nên chọn bộ sách ấy vì kiến thức sẽ được trình bày một cách logic hơn”.

Từ năm học 2020-2021 đến năm học 2023-2024, các trường đã tiến hành chọn và sử dụng sách giáo khoa theo chương trình mới được 4 năm, với các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11. Tuy nhiên, theo người viết tìm hiểu, có trường học đã thay đến 3 lần sách. Năm đầu tiên, nhà trường chọn bộ sách Chân trời sáng tạo. Năm kế tiếp đổi sang bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho đồng bộ với nhiều trường học trong cùng một địa bàn.

Năm kế tiếp, lấy lý do một vài môn học của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống không hay bằng bộ sách khác nên chỉ đổi một vài bộ môn qua bộ sách Cánh diều.

Có địa phương lại thay đổi vài cuốn sách trong một bộ sách nhưng phụ huynh vẫn phải bỏ đi để mua lại nguyên bộ khác vì có nơi không bán sách lẻ. Trong thực tế đã xảy ra tình trạng năm nay trường học bộ sách này, sang năm lại chọn bộ sách khác.

Vậy để tránh tình trạng thay đổi sách giáo khoa nhiều, có cần quy định việc sử dụng ổn định bộ sách giáo khoa được chọn ở một địa bàn để tránh lãng phí?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên