GV than chọn SGK nhiêu khê, NXB bán sách thu tiền, thầy cô góp ý không chế độ

17/03/2023 06:43
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số địa phương chọn SGK khá máy móc, khiến cho không ít giáo viên chán ngán vì mất rất nhiều thời gian công sức bởi phải làm đi, làm lại nhận xét.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng cho năm học 2023-2024 tới đây đã là năm thứ tư ở tiểu học, năm thứ ba ở cấp trung học cơ sở và năm thứ hai ở cấp trung học phổ thông nên việc yêu cầu các nhà trường lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 thực ra nó mang tính hình thức nhiều hơn.

Nhưng, việc làm hình thức này lại đang tạo ra rất nhiều áp lực cho giáo viên, nhất là những thầy cô giáo kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn phải thực hiện bước 1 với rất nhiều các loại hồ sơ khác nhau để nộp lên nhà trường.

Một số địa phương đang được thực hiện máy móc, khiến cho không ít giáo viên chán ngán vì mất rất nhiều thời gian công sức bởi phải làm đi, làm lại nhiều lần khác nhau nhưng rồi sách giáo khoa cho năm học tới đây vẫn là bộ sách mà tổ chuyên môn đang dùng ở năm học trước.

Việc nhận xét các bộ sách theo từng tiêu chí, minh chứng đang gây ra nhiều áp lực cho các tổ chuyên môn, ảnh: Hương Mai

Việc nhận xét các bộ sách theo từng tiêu chí, minh chứng đang gây ra nhiều áp lực

cho các tổ chuyên môn, ảnh: Hương Mai

Thời gian nào để giáo viên đọc từ 3-11 cuốn sách giáo khoa cho môn học của mình?

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay đang có tới 3 bộ sách giáo khoa, đó là: Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Bộ sách Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam VEPIC.

Điều này cũng đồng nghĩa đa phần các môn học của cả 3 cấp học phổ thông sẽ có ít nhất 3 cuốn sách giáo khoa khác nhau.

Đặc biệt hơn, môn tiếng Anh ở cấp trung học cơ sở hiện nay Bộ đã phê duyệt tới 9 đầu sách Tiếng Anh, gồm: Macmillan Motivate!, Global Success, Explorer English, English Discovery, THiNK, Bloggers-Smart, i-Learn Smart World, Friends Plus, Right on!.

Môn tiếng Anh ở cấp trung học phổ thông cũng có 9 đầu sách, gồm: Global Success; ThiNK; English Discovery; Macmillan Mo On; Friends Plus Global; Explore New Worlds; Bright; i-Learn Smart World; C21-Smart.

Đối với sách giáo khoa môn Mĩ thuật cấp Trung học phổ thông có tới 11 cuốn sách giáo khoa, gồm: Sách giáo khoa Hội họa; Kiến trúc; Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện; Lí luận và lịch sử mĩ thuật; Đồ họa tranh in; Điêu khắc; Thiết kế thời trang; Thiết kế đồ họa; Thiết kế công nghiệp; Thiết kế mĩ thuật sân khấu điện ảnh; Chuyên đề học mĩ thuật.

Thế nhưng, với số lượng chừng ấy sách giáo khoa Tiếng Anh và Mĩ thuật cho 1 lớp học, quả thực là một thách thức lớn đối với giáo viên ở các nhà trường mỗi khi tiến hành thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa cho năm học tới.

Bởi lẽ, theo hướng dẫn của năm học này, việc đầu tiên là giáo viên phải đọc, nghiên cứu tất cả các sách giáo khoa của môn học mình trước rồi mới làm bản nhận xét, tiến hành họp, bỏ phiếu kín lựa chọn sách cho năm học 2023-2024.

Tuy nhiên, nếu thực hiện theo đúng hướng dẫn thì thời gian nào cho giáo viên đọc hết chừng ấy sách giáo khoa mà đa phần phải đọc qua link mà các nhà xuất bản gửi về bởi sách mẫu mỗi trường chỉ có một vài bản tượng trưng.

Thời gian giảng dạy trên lớp, thực hiện các công việc chuyên môn, ngoài chuyên môn mà nhà trường, tổ chuyên môn phân công thực hiện nhiều khi đã kín hết các ngày trong tuần- nhất là thời điểm này các trường đang tiến hành ôn tập, tổ chức kiểm tra, chấm bài kiểm tra giữa học kỳ II.

Vì thế, việc đọc các loại sách giáo khoa mẫu đang là một vấn đề nan giải cho nhiều giáo viên ở các nhà trường và thực tế thì không nhiều giáo viên đọc hết được các cuốn sách giáo khoa. Hơn nữa, đọc các cuốn sách khác mà vẫn tiếp tục chọn sách giáo khoa cũ liệu có ích gì?

Sau khi đọc sách mẫu, bước tiếp theo là mỗi giáo viên sẽ làm một bản nhận xét sách giáo khoa đối với tất cả các bộ sách của môn học mình lựa chọn. Việc nhận xét tất cả các bộ sách giáo khoa quả thực là một công việc khủng khiếp.

Bởi vì, mỗi bộ sách đều phải thực hiện các bước nhận xét ưu điểm, hạn chế. Trong khi, như giáo viên môn tiếng Anh phải nhận xét tới 9 quyển, giáo viên Mĩ thuật cấp trung học phổ thông phải nhận xét đến 11 quyển sách giáo khoa khác nhau.

Bởi vậy, một số bản nhận xét của những môn học có nhiều sách giáo khoa dài lê thê nhiều trang A4.

Trong thực tế, có giáo viên làm nhưng cũng không ít giáo viên đành phải xin của đồng nghiệp rồi thay họ tên của mình vào bởi không phải ai cũng có đủ can đảm đọc từ 3- 11 cuốn sách giáo khoa. Mỗi cuốn có hàng trăm trang giấy trên file PDF mà các nhà xuất bản gửi về.

Nhiều tổ trưởng chuyên môn ngao ngán khi thực hiện hồ sơ

Tổ trưởng chuyên môn là là chức danh kiêm nhiệm nên họ cũng phải làm bản nhận xét từng cuốn sách giáo khoa như các thành viên trong tổ trước khi tổ chuyên môn tiến hành họp và lựa chọn sách. Ngoài ra, họ phải kiêm thêm nhiều công việc để hoàn thiện hồ sơ bước 1 theo hướng dẫn của cấp trên.

Họ phải chuẩn bị phiếu cho tất cả các bộ sách để giáo viên bỏ phiếu kín, phải chuẩn bị nội dung họp tổ chuyên môn để triển khai nội dung lựa chọn sách giáo khoa cho các thành viên trong tổ của mình. Tiếp theo phải hoàn thành biên bản và báo cáo kết quả lựa chọn sách giáo khoa cho ban giám hiệu nhà trường.

Trong đó, biên bản nhận xét sách giáo khoa mới là điều gây ám ảnh với giáo viên. Bởi vì căn cứ vào Thông tư số 25/2020/TT/BGDĐT mà cấp trên gửi mẫu về. Các tiêu chí khi lựa chọn sách giáo khoa phải song hành cùng minh chứng cụ thể nên thực hiện biên bản nhận xét sách giáo khoa nhiều khi lên đến hàng chục trang khác nhau.

Đối với bộ sách tổ mình đang dạy và tiếp tục lựa chọn cho năm học tới thì việc nhận xét không phải là quá khó khăn. Nhưng, đối với những cuốn sách giáo khoa không phải là sách mà tổ mình đã lựa chọn trong những năm học vừa qua và năm học tới đây cũng phải nhận xét thì quả là một áp lực rất lớn đối với nhiều tổ trưởng chuyên môn.

Điều trớ trêu, nhiều khi Phòng, Sở ban hành kế hoạch lựa chọn sách giáo khoa xong, yêu cầu các trường thực hiện theo mốc thời gian cụ thể.

Các tổ chuyên môn thực hiện xong bước 1 thì cấp trên lại gửi mẫu biên bản mới về yêu cầu thực hiện như mẫu mới.

Vì thế, nhiều nơi đã hoàn thiện xong hồ sơ bước 1 lại tất bật làm lại mẫu khác theo yêu cầu của cấp trên rất phức tạp. Cũng chính vì thế mà hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa ở nhiều nơi đang gây nên những áp lực rất lớn cho các tổ trưởng chuyên môn và nhà trường khi họ đang phải thực hiện theo bước 1 và bước 2 của việc lựa chọn sách giáo khoa hằng năm..

Góp ý sách giáo khoa không phải phải nhiệm vụ của giáo viên, không có quyền lợi thì làm sao mà đòi chất lượng?

Ngày 15 / 9/ 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đã hướng dẫn giáo viên có 8 nhiệm vụ tại Điều 25.

Trong 8 nhiệm vụ này, không có nhiệm vụ nào yêu cầu giáo viên hàng năm phải tham gia góp ý, nhận xét các bộ sách sách giáo khoa mà mình đang dạy chứ chưa nói là những bộ sách không dạy, không lựa chọn.

Vì thế, giáo viên ở các tổ chuyên môn của các trường đã dạy sách giáo khoa Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống; hoặc Cánh Diều thì năm tới họ sẽ lựa chọn sách đó là điều hiển nhiên.

Một khi họ tiếp tục sẽ lựa chọn sách giáo khoa mà tổ mình đang dạy thì đương nhiên họ sẽ không mấy khi đọc các bộ sách giáo khoa còn lại làm gì.

Hơn nữa, thời gian phải đọc cả 3 cuốn sách giáo khoa, thậm chí là 10 cuốn tiếng Anh đối với cấp tiểu học, 9 cuốn đối với 2 cấp còn lại, hoặc 11 cuốn sách giáo khoa đối với môn Mĩ thuật ở cấp trung học cơ sở là điều không thể.

Chính vì vậy, biên bản họp tổ hay bản nhận xét các bộ sách còn lại cũng được thực hiện một cách miễn cưỡng, chiếu lệ, cóp dán từ nhiều nguồn khác nhau.

Suy cho cùng, giáo viên nhận xét sách giáo khoa không phải là nhiệm vụ, không có quyền lợi thì làm sao đòi hỏi được chất lượng mà có đầu tư công sức để làm các phiếu nhận xét này thì ai đọc? Bởi, mấu chốt là trường đó, đơn vị đó chọn sách nào mà thôi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI