Trường Marie Curie cấp học bổng đào tạo 30 giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc

26/11/2023 06:26
Linh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đối tượng được nhận học bổng này là con em sinh ra và lớn lên tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đang theo học chuyên ngành tiếng Anh tại các trường ĐH.

Ngày 25/11, tại trường Marie Curie (Hà Nội), Uỷ ban nhân dân huyện Mèo Vạc (Hà Giang) và trường trường Marie Curie đã ký biên bản cam kết về việc thực hiện Dự án đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc.

Tham dự buổi lễ có sự góp mặt của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Hà Giang; đại diện Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc (Hà Giang); 9 sinh viên đầu tiên được cấp học bổng cùng thầy trò trường Marie Curie.

Ngày 25/11, tại trường Marie Curie (Hà Nội), Uỷ ban nhân dân huyện Mèo Vạc (Hà Giang) và trường trường Marie Curie đã ký biên bản cam kết về việc thực hiện Dự án đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc.

Ngày 25/11, tại trường Marie Curie (Hà Nội), Uỷ ban nhân dân huyện Mèo Vạc (Hà Giang) và trường trường Marie Curie đã ký biên bản cam kết về việc thực hiện Dự án đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) thông tin, 9 sinh viên đầu tiên nhận học bổng này hiện đang là sinh viên ngành ngôn ngữ tiếng Anh, sư phạm tiếng Anh tại Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Học viện Hành chính quốc gia.

Theo bản cam kết, đối tượng được nhận học bổng này là con em sinh ra và lớn lên tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đang theo học (năm thứ nhất, năm thứ hai, năm thứ ba, năm thứ tư) hoặc tuyển sinh (chính quy, cử tuyển năm 2024, 2025) chuyên ngành tiếng Anh tại các trường đại học (chuyên ngành sư phạm hoặc có chứng chỉ sư phạm).

Còn về trách nhiệm, các em phải cam kết tham gia đào tạo, rèn luyện có chất lượng đảm bảo đạt chuẩn trình độ đáp ứng được vị trí việc làm sau đào tạo (giáo viên dạy tiếng Anh). Trong thời gian đào tạo phấn đấu rèn luyện tốt, không được nợ môn, không được quá thời gian quy định của cơ sở đào tạo (04 năm). Sau khi tốt nghiệp cá nhân cam kết trở về làm việc tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang theo sự phân công, bố trí của Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc thời gian công tác ít nhất gấp 02 lần thời gian khoá đào tạo (từ 08 năm trở lên).

Sinh viên trong quá trình đào tạo mà tự ý bỏ học hoặc chuyển sang theo học các chuyên ngành khác hoặc sau khi tốt nghiệp không quay về địa phương (huyện Mèo Vạc công tác) thì phải đền bù lại toàn bộ học bổng đã được nhận theo quy định.

Đặc biệt, cha mẹ (hoặc người giám hộ) có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ, động viên, đôn đốc con em (sinh viên) học tập và rèn luyện tốt; đền bù lại phần học bổng đã nhận tài trợ khi sinh viên không chấp hành các quy định trong quá trình đào tạo hoặc không trở về huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang nhận công tác sau khi đã tốt nghiệp.

Học bổng này nhằm hỗ trợ tiền chi phí ăn ở và học tập tối đa không quá 10 tháng/năm; không quá thời gian đào tạo theo quy định của các cơ sở giáo dục (4 năm) với các mức:

5 triệu đồng/tháng/sinh viên đối với những sinh viên hoàn thành chương trình học trong mỗi kỳ học; 6 triệu đồng/tháng/sinh viên đối với những sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện đạt loại Trung bình trong mỗi kỳ học; 7 triệu đồng/tháng/sinh viên đối với những sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện đạt loại Khá trong mỗi kỳ học; 8 triệu đồng/tháng/sinh viên đối với những sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện đạt loại Giỏi trong mỗi kỳ học. Và 10 triệu đồng/tháng/sinh viên đối với những sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện đạt loại Xuất sắc trong mỗi kỳ học.

Mức học bổng kỳ sau sẽ được áp dụng căn cứ vào kết quả học tập của kì học trước đó (có kết quả thông báo của cơ sở đào tạo).

Thầy Khang cho biết, Dự án đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc thực hiện theo hình thức “cử tuyển” và “xã hội hóa”. Theo đó, Trường Marie Curie cấp học bổng tối thiểu 5 triệu/tháng/sinh viên trong 4 năm, bắt đầu từ tháng 12/2023. Dự án sẽ “nuôi” 30 sinh viên, dự tính kinh phí lên tới 6 tỷ - 12 tỷ đồng. Còn Ủy ban nhân dân huyện chọn tuyển 30 sinh viên là con em sinh ra và lớn lên tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang theo học chuyên ngành tiếng Anh, sau khi tốt nghiệp tiếp nhận số giáo viên này về dạy tiếng Anh cho quê hương.

9 sinh viên đầu tiên nhận học bổng Dự án đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc

9 sinh viên đầu tiên nhận học bổng Dự án đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc

Chia sẻ tại lễ kí kết, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Mèo Vạc – ông Ngô Mạnh Cường thông tin, bước vào năm học mới 2022-2023 khi tiếng Anh là môn bắt buộc từ lớp 3 mà huyện Mèo Vạc có 2.609 học sinh với 76 lớp 3 ở 18 trường tiểu học nhưng chỉ có 25 giáo viên dạy tiếng Anh, trong đó duy nhất một giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Ở Mèo Vạc dù đã tăng mức lương hợp đồng với giáo viên tiếng Anh nhưng vẫn không tuyển được.

Trong lúc đang loay hoay, bối rối tìm phương án giải quyết, thật may mắn cho huyện Mèo Vạc vì đã nhận được sự giúp đỡ từ phía thầy Nguyễn Xuân Khang cho việc dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 toàn huyện bằng hình thức trực tuyến cho huyện trong 1 năm. Khi đó, trường Marie Curie dạy trực tuyến 3 tiết/tuần, 1 tiết/tuần còn lại sẽ do huyện tự thu xếp. =

Kết thúc năm học 2022-2023, dự án được đánh giá thành công đặc biệt khi 2.609 học sinh lớp 3 Mèo Vạc hoàn thành môn học theo yêu cầu đề ra, chất lượng này được xác nhận từ cơ quan chuyên môn từ trường, Phòng, Sở và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, trong đó có 4 học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh tại Hà Giang và được thưởng.

Năm học 2023-2024 cũng bắt đầu với bộn bề khó khăn với huyện Mèo Vạc khi học sinh lớp 3,4 tiếp tục học tiếng Anh trong khi cả huyện chỉ có 3 giáo viên tiếng Anh tiểu học.

May mắn cho huyện khi tiếp tục được thầy Khang cử giáo viên hỗ trợ dạy lớp 4. Đặc biệt, chính “dự án đưa tiếng Anh lên Mèo Vạc” của trường Marie Curie (Hà Nội) đã lan tỏa khắp nơi, thông qua việc Sở giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cử 16 giáo viên tiếng Anh hỗ trợ dạy trực tuyến cho 16 lớp 3 của 4 trường trên địa bàn và nhóm “Những bước chân xanh” ở Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ dạy trực tuyến cho 48 lớp 3 của huyện Mèo Vạc.

Vậy là bài toán thiếu giáo viên tiếng Anh ở năm học 2023-2024 của huyện Mèo Vạc cơ bản được giải quyết, 3 giáo viên của huyện tập trung dạy cho 14 lớp 3 và 1 tiết/tuần trực tiếp cho các khối lớp được dạy trực tuyến.

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Mèo Vạc cho biết, hiện nay huyện có 24 giáo viên tiếng Anh cấp trung học cơ sở và 3 giáo viên cấp tiểu học. Để đáp ứng việc dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cần bổ sung khoảng hơn 30 giáo viên, dù thời gian qua, huyện đã tuyển dụng giáo viên về công tác tuy nhiên không có nguồn tuyển. Từ đầu năm 2023 đến nay huyện tiến hành tuyển dụng 2 đợt nhưng đợt 1 chỉ tuyển được 2 giáo viên, đợt 2 được 1 giáo viên (hiện chưa có quyết định đi làm).

Như vậy, thời gian tới, huyện có 4 giáo viên tiểu học và 24 giáo viên trung học cơ sở và dự kiến trong những năm tới việc thiếu giáo viên tiếp tục diễn ra khi quy mô học sinh tăng, một số giáo viên chuyển công tác về vùng thuận lợi, số con em người địa phương học ngành tiếng Anh ít vì đây là ngành học đặc thù, nhiều gia đình không có điều kiện để nuôi hoặc một số em sau khi tốt nghiệp không quay về quê hương công tác.

Do đó, nếu có hỗ trợ, thu hút con em sinh ra và lớn lên tại huyện Mèo Vạc đi học chuyên ngành tiếng Anh rồi quay về quê phục vụ cho địa phương như cách làm của thầy Nguyễn Xuân Khang sẽ giúp Mèo Vạc khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh một cách căn cơ trong thời gian tới.

Là một trong 9 sinh viên đầu tiên nhận học bổng của dự án, Vàng Thị Lía – sinh viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên chia sẻ, em sinh ra và lớn lên tại xã Lũng Pù, Mèo Vạc, là một trong những xã đặc biệt khó khăn, nơi mà đá nhiều hơn đất nên dù có nghĩ ra nhiều mô hình cũng không thể làm nổi khiến đời sống vô cùng khó khăn. Vì thế, khi biết dự án, em rất sung sướng và cảm thấy may mắn. Sự hỗ trợ, động viên từ thầy Khang sẽ giúp em có thêm động lực để nỗ lực học tập, hoàn thành ước mơ trở thành giáo viên tiếng Anh.

Ông Nguyễn Thế Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, ghi nhận tình cảm và sự giúp đỡ thiết thực của thầy Khang và Trường Marie Curie đã giúp cho Hà Giang giải quyết một phần bài toán khó khăn về giáo viên. Ông Bình cũng hy vọng việc làm tử tế được lan tỏa để có thêm sự chung tay giúp đỡ cho ngành giáo dục của nhiều địa phương khó khăn khác trên cả nước.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở mong rằng, dự án sẽ thành công và lan tỏa tới nhiều địa phương, tổ chức trên khắp cả nước.

Được biết, “mối lương duyên” giữa trường Marie Curie và huyện Mèo Vạc bắt đầu vào năm 2021, xuất phát từ đề án quốc gia trồng 1 tỷ cây xanh. Thầy Khang quyết định trồng 2 vạn cây sa mộc tại xã Khâu Vai và tới năm 2024 tiếp tục trồng 3 vạn cây, tương lai tạo thành khu rừng Marie Curie. Tiếp đó, thầy trò Marie Curie hỗ trợ sách giáo khoa, truyện, đồ dùng học tập cho một số trường ở Mèo Vạc.

Đặc biệt, cái duyên thứ 2 đến khi Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc đặt vấn đề huyện thiếu trầm trọng giáo viên Tiếng Anh dạy lớp 3. Lắng nghe tâm tư ấy, thầy Khang suy nghĩ, trăn trở rất nhiều; sau đó tuyển 22 giáo viên dạy tiếng Anh trực tuyến cho 2.609 học sinh lớp 3 của toàn huyện. Thầy Khang đề nghị tiếp tục thực hiện dự án cho đến khi lứa học sinh này hoàn thành bậc tiểu học.

Được biết, dự án chia làm 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Khoảng 10 sinh viên đang theo học (năm thứ nhất, năm thứ hai, năm thứ ba, năm thứ tư) chuyên ngành tiếng Anh tại các trường Đại học. Thời gian thực hiện từ tháng 12/2023 đến khi sinh viên tốt nghiệp ra trường.

- Giai đoạn 2: Khoảng 10 sinh viên tuyển sinh năm 2024 chuyên ngành tiếng Anh trúng tuyển vào các trường Đại học (cử tuyển hoặc chính quy). Thời gian thực hiện từ sinh viên nhập học đến khi sinh viên tốt nghiệp ra trường (không quá 4 năm).

- Giai đoạn 3: Khoảng 10 sinh viên tuyển sinh năm 2025 chuyên ngành tiếng Anh trúng tuyển vào các trường Đại học (cử tuyển hoặc chính quy).

Thời gian thực hiện từ sinh viên nhập học đến khi sinh viên tốt nghiệp ra trường (không quá 4 năm).

Linh An