Ngày 5/8, Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội tổ chức hội nghị giới thiệu chương trình đào tạo, phương thức tuyển sinh và cơ hội việc làm cho người học.
Hơn 90% sinh viên ra trường có việc làm
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Trưởng phòng Đào tạo – Nghiên cứu khoa học (Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội), trường đang thực hiện lộ trình chuyển đổi chương trình đào tạo theo định hướng giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, trường đã hoàn thành xây dựng, chuyển đổi toàn bộ chương trình đào tạo của trường với nội dung cập nhật công nghệ hiện đại, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người học và xu thế phát triển của xã hội.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Trưởng phòng Đào tạo – Nghiên cứu khoa học (Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội) chia sẻ tại hội nghị. |
Với phương thức đào tạo linh hoạt, hiện đại, chương trình có tính liên thông dọc và liên thông ngang khá cao. Người học sau khi hoàn thành trình độ trung cấp có thể tích lũy thêm những mô đun chưa học để đạt trình độ cao đẳng, đại học.
Bên cạnh đó, chương trình xây dựng với hệ thống môn học, mô đun cơ sở là kiến thức nền tảng chung cho tất cả các ngành. Điều này tạo điều kiện cho người học có thể học song song 2 chương trình một cách thuận lợi.
Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cũng chú trọng tiếp cận thực tiễn nghề nghiệp.
Theo đó, học viên tại trường đều phải trải qua 3 đợt thực tập hệ cao đẳng (trung cấp 2 đợt), gồm: Thực tập trải nghiệm thực tế nghề nghiệp, thực tập chuyên ngành, thực tập tốt nghiệp.
Mỗi đợt thực tập, sinh viên được tham gia trực tiếp vào công việc. Ngoài ra, sinh viên còn được hưởng mọi chế độ ưu đãi của doanh nghiệp theo đúng hợp đồng ký kết với nhà trường như: Chế độ ăn, ở, bảo hiểm, xe đưa đón và hưởng lương từ 4-6 triệu đồng/tháng.
Đại học đâu phải là tất cả |
Hiện nhà trường đã ký kết hợp đồng phối hợp thực tập, tuyển dụng với trên 30 doanh nghiệp, cam kết tiếp nhận sinh viên của trường đến làm việc sau khi tốt nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga cho biết, qua khảo sát chưa đầy đủ, năm 2016, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành đạt khoảng 90%.
Theo bà Nga, nhiều sinh viên của trường khởi nghiệp đã có vị trí vững vàng tại doanh nghiệp. Các sinh viên ra trường vẫn thường xuyên hợp tác với nhà trường trong công tác tuyển dụng nhân sự.
Nỗi lo "thừa thầy thiếu thợ"
Trong thực tế, nhận thức xã hội hiện nay vẫn rất coi trọng vấn đề bằng cấp. Nhiều bạn trẻ cũng có mong muốn được vào đại học bất chấp tình trạng cử nhân ra trường thất nghiệp tràn lan.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lại gặp khó khăn lớn việc tuyển lao động kỹ thuật trực tiếp, đặc biệt vào những tháng kinh doanh cao điểm.
Chia sẻ vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Linh – Phó Trưởng phòng tuyển dụng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hạ tầng viễn thông miền Bắc cho biết:
“Doanh nghiệp của tôi đang rất thiếu nhân lực, nhất là ở vị trí nhân viên kỹ thuật. Trung bình mỗi tháng công ty chúng tôi cần tuyển 20 – 30 người để đáp ứng nhu cầu kinh doanh thực tế.
Thậm chí, tháng cao điểm chúng tôi có nhu cầu lên tới 100 nhân viên nhưng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh không đáp ứng đủ”.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó phòng Nhân sự Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên phát biểu tại hội nghị. |
Ông Nguyễn Xuân Bắc, đại diện Công ty Samsung cho biết, “Nhà máy Samsung Display Bắc Ninh trong giai đoạn 2016-2017 cũng rất khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự.
Để đáp ứng cho các nhà máy của Samsung, trong một năm, chúng tôi tuyển hơn 2000 nhân lực đã tốt nghiệp trung cấp và cao đẳng. Công ty cũng phải liên hệ với rất nhiều trường để đáp ứng nhu cầu của mình”.
Trước nhu cầu rất lớn của thị trường nhân lực, các trường nghề cũng tích cực trong công tác tuyển sinh cả hệ cao đẳng và trung cấp.
Tuy nhiên, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết, do hệ thống các trường nghề mới được chuyển về Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội nên có một số thay đổi trong tuyển sinh.
Các thông tin tuyển sinh không đến được với học sinh trung học phổ thông và việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường nghề cũng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, cơ hội vào đại học của các em học sinh ngày càng lớn khiến cho các cơ sở đào tạo nghề thêm áp lực.
Thực tế nhu cầu đầu ra đang thiếu nhưng đầu vào, các em lại không thiết tha học nghề. Đây cũng là một bài toán nan giải về tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” cần được giải quyết hiện nay.
Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội được thành lập năm 1966, là đơn vị trực thuộc Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội. Hiện nay, trường có 5 khoa: Công nghệ thông tin, Điện – Điện tử, Nhiệt lạnh, Kỹ thuật Viễn thông, Khoa học cơ bản; đào tạo 17 ngành: 7 ngành hệ cao đẳng, 5 ngành hệ trung cấo và 5 ngành hệ sơ cấp. Với đội ngũ gần 130 cán bộ, giáo viên, quy mô đào tạo hàng năm của trường giữ ổn định khoảng 2.500 sinh viên, ngoài ra còn đào tạo ngắn hạn, đào tạo nâng cao tay nghề theo nhu cầu của hàng trăm học viên mỗi năm; đào tạo, sát hạch tay nghề phục vụ xuất khẩu lao động. Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết, năm học 2017 – 2018, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 1050 học sinh, sinh viên và được xét tuyển thành nhiều đợt. Trong đó, đợt 1, thời gian nhập học là 17/7/2017; đợt 2 nhập học ngày 14/8/2017 và đợt 3 nhập học ngày 18/9/2017. Riêng trong đợt 1, đã có 200 thí sinh đến nhập học. |