Trường THPT kiến nghị cử thầy cô dôi dư đi học Âm nhạc, Mỹ thuật

17/05/2023 06:45
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chọn xong SGK môn Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng chưa có giáo viên chuyên môn giảng dạy liệu có đáp ứng được mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018?

Năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục sẽ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các khối lớp 4, 8 và 11.

Theo đó, các trường trung học phổ thông đã và đang tập trung hoàn thành công tác lựa chọn sách giáo khoa.

Tuy vậy, thực tế quá trình chọn sách đã xuất hiện một số bất cập, trong đó có vấn đề các trường trung học phổ thông thiếu nguồn giáo viên giảng dạy môn Âm nhạc và Mỹ thuật dẫn đến việc phải nhờ giáo viên trung học cơ sở lựa chọn sách.

Câu hỏi đặt ra rằng một người chọn sách, một người giảng dạy liệu có thực sự khách quan, hiệu quả, đạt được mục tiêu như Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra?

Ảnh minh họa: Lã Tiến.

Ảnh minh họa: Lã Tiến.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông ở Bắc Kạn cho biết: “Nhờ có sự chỉ đạo, hướng dẫn nhiệt tình, sát sao của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và kinh nghiệm của đội ngũ thầy, cô giáo trong trường nên công tác lựa chọn sách giáo khoa cho khối lớp 11 hoàn thành sớm, đạt kết quả bước đầu”.

Theo đó, quá trình lựa chọn sách được nhà trường tổ chức thực hiện theo đúng quy định, căn cứ vào quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về danh mục đầu sách giáo khoa sử dụng cho lớp 11, cũng như dựa trên điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục.

Thực hiện công khai các cuộc họp giữa đại diện của nhà trường, đại diện cha mẹ học sinh để đóng góp, phản hồi đưa đến quyết định lựa chọn sách khách quan, phù hợp với học sinh và nhà trường.

Tuy nhiên, là người phụ trách chuyên môn trong công tác chọn sách giáo khoa cho học sinh lớp 11 của trường, vị Phó hiệu trưởng này cũng chia sẻ: “Đối với hai môn học mới Mỹ thuật và Âm nhạc, do nhà trường chưa có giáo viên bộ môn nên buộc phải nhờ các thầy, cô giáo cốt cán (có trình độ đại học) khối trung học cơ sở trên địa bàn hỗ trợ, góp ý, đưa ra những nhận xét mang tính chuyên môn về hai môn học này của từng bộ sách.

Đây là cách giúp nhà trường đảm bảo được kiến thức trọng tâm của môn học cũng như chất lượng sách để có phương án lựa chọn tối ưu nhất”.

Tối ưu là vậy nhưng theo thầy Phó hiệu trưởng việc đảm bảo chất lượng giảng dạy cho học sinh còn nhiều rào cản.

Bởi một người chọn sách, một người trực tiếp giảng dạy phần nào chưa đảm bảo tối đa hiệu quả trong công tác dạy học sau này.

Hiện nay, một số bộ môn trong nhà trường đang thừa giáo viên nên ban lãnh đạo đã có ý kiến trình lên Sở Giáo dục và Đào tạo để cử các giáo viên này đi học chuyên môn đối với hai môn Mỹ thuật và Âm nhạc.

Tuy nhiên thầy Phó hiệu trưởng khẳng định đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế, chưa thể giải quyết triệt để được khó khăn nêu trên. Bởi theo thầy, dù một số thầy cô cử đi học để giảng dạy cũng có năng khiếu, niềm yêu thích nhưng để đảm bảo tính chuyên môn như giáo viên được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp thì khá khó.

Vấn đề tiếp theo được lãnh đạo trường chỉ rõ, theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, ở cấp trung học phổ thông, bên cạnh những môn học bắt buộc là sự xuất hiện các môn học tự chọn, trong đó có môn Âm nhạc và Mỹ thuật.

Việc cho phép học sinh chọn môn học theo sở thích, sở trường là một nội dung quan trọng thể hiện tinh thần tiến bộ của Chương trình mới.

Tuy nhiên thực tế cơ cấu của đội ngũ giáo viên của trường chưa thể đáp ứng được yêu cầu này. Xuất phát từ việc chọn sách cho môn học các trường trung học phổ thông còn cần sự giúp đỡ, giáo viên của trường cũng đang được cử đi đào tạo mới chuyên môn thì việc đáp ứng giáo viên giảng dạy đảm bảo chất lượng cho các môn học tự chọn là một “bài toán nâng cao” đối với nhà trường.

Như vậy, định hướng giáo dục so với thực tế nguồn lực giáo viên của nhà trường có sự khập khiễng khiến những người lãnh đạo như thầy rất trăn trở.

Cùng chung nỗi băn khoăn, Thạc sĩ Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn cho biết trường đã lựa chọn xong sách giáo khoa môn Âm nhạc và Mỹ thuật nhưng vẫn đang lo lắng trong vấn đề đảm bảo nguồn lực giáo viên.

Vị Hiệu trưởng chia sẻ: “Thời điểm lựa chọn sách giáo khoa hai môn Âm nhạc, Mỹ thuật nhà trường cùng một số đơn vị khác đã trình văn bản kiến nghị Phòng Giáo dục thành phố Lạng Sơn cử giáo viên chuyên môn đảm bảo trình độ đại học để tham gia chọn sách giáo khoa cùng nhà trường.

Sau đó, trường thực hiện cử giáo viên có chuyên môn tương đồng với hai môn học như giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân để tham gia cùng lãnh đạo nhà trường và các thầy cô cấp trung học cơ sở chọn sách môn nghệ thuật”.

Tuy nhiên theo cô Thuận, việc chọn sách cho hai môn Âm nhạc, Mỹ thuật chỉ nhằm đảm bảo tiến độ còn trên thực tế nhà trường chưa thể đưa hai môn học này vào giảng dạy trong năm học tới.

Bởi trường chưa có giáo viên chuyên môn có thể đứng lớp, cơ sở vật chất giảng dạy còn thiếu thốn, đồng thời còn phụ thuộc vào số lượng học sinh đăng ký học tập đối với hai môn học trên.

Theo đó, cô Thuận cho biết nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh đăng ký nguyện vọng học các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, sau đó dựa vào số lượng phiếu đăng ký để sắp xếp lớp và mời giáo viên chuyên môn về trường để dạy hợp đồng.

Ngoài ra, trường cũng có phương án liên kết với một số trường trung học phổ thông trên địa bàn để mời giáo viên giảng dạy ghép, thực hiện học chéo buổi nhằm đảm bảo được chất lượng giảng dạy và đáp ứng nguyện vọng học tập của học sinh.

Phương Nga