Trường THPT chọn xong SGK lớp 11, trừ môn Nghệ thuật vì không có GV chuyên môn

14/05/2023 06:36
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đến nay, hầu hết các trường THPT đã tiến hành chọn xong SGK lớp 11, tuy nhiên đa số các đơn vị đều chưa thể chọn sách môn Nghệ thuật vì không có giáo viên.

Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên khối trung học phổ thông chính thức dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Nghệ thuật (gồm hai phân môn Âm nhạc và Mỹ thuật) là một trong những môn học mới được đưa vào chương trình.

Môn học mới nhận được nhiều sự tán thành của đông đảo các bậc phụ huynh, học sinh và chuyên gia giáo dục. Việc đưa môn Nghệ thuật vào chương trình mới được kỳ vọng sẽ góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Tuy nhiên, thực tế qua năm đầu tiên triển khai vẫn còn vướng rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thiếu trầm trọng nhân lực giảng dạy môn học mới này. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều tỉnh thành trên cả nước đều trong tình trạng “trắng” giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật. Nhiều trường phổ thông chưa triển khai dạy môn học tự chọn Nghệ thuật trong năm học đầu tiên.

Ảnh minh họa: DN

Ảnh minh họa: DN

Ở thời điểm này, các địa phương đang tiếp tục lựa chọn sách giáo khoa lớp 4,8,11 để áp dụng cho năm học mới. Vậy việc chọn sách giáo khoa với những môn thiếu giáo viên như môn Nghệ thuật tại cấp trung học phổ thông được tiến hành như thế nào?

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Nhật Lệ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Quảng Bình) cho biết, hiện nay, nhà trường đã thực hiện xong việc chọn sách và gửi đề xuất lên Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình.

Được biết, để chuẩn bị cho quá trình lựa chọn sách, các giáo viên cốt cán của nhà trường đã được đi tập huấn ở Sở Giáo dục và Đào tạo trước đó. Về trường, các tổ chuyên môn họp và bàn bạc, nghiên cứu đánh giá để lựa chọn sách phù hợp.

Kết quả, theo ý kiến phần lớn của các giáo viên, Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn lựa chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho học sinh khối 11 năm học tới đây. Về môn Nghệ thuật, theo thầy Lệ, do nhà trường chưa có giáo viên nên năm học vừa rồi trường không giảng dạy môn học mới này. Để lựa chọn sách cho khối lớp 11, thầy Lệ cho hay:

“Vì nhà trường chưa có giáo viên môn học mới này, nên Sở Giáo dục và Đào tạo đã giao cho các trường trung học cơ sở có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật tiến hành nghiên cứu để chọn sách chung cho toàn tỉnh”.

Trao đổi thêm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cho biết:

“Để chọn sách giáo khoa, tỉnh đã lập một hội đồng thẩm định để lựa chọn. Theo đó, sau khi đã chốt, các trường trong toàn tỉnh sẽ theo danh mục này để sử dụng cho giảng dạy.

Thành viên trong hội đồng là các giáo viên cốt cán, hoặc cán bộ quản lý của các trường học trong toàn tỉnh tham gia. Hội đồng sẽ căn cứ từ kết quả lựa chọn của các trường để tiếp tục nghiên cứu, thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn ra những đầu sách phù hợp nhất”.

Đối với môn Nghệ thuật, Sở Giáo dục lựa chọn các giáo viên ở bậc trung học cơ sở (đã có bằng đại học trở lên) để tham gia vào hội đồng chọn sách cho toàn tỉnh.

Theo vị đại diện chia sẻ, vì điều kiện chưa có giáo viên bộ môn Nghệ thuật dạy ở bậc trung học phổ thông, do vậy lựa chọn giáo viên đang dạy ở bậc trung học cơ sở là phương án tối ưu nhất trong thời điểm hiện tại. Với điều kiện giáo viên đã có bằng đại học trở lên, vị này cho rằng các thầy cô đủ năng lực để lựa chọn sách phù hợp cho bậc trung học phổ thông.

Tương tự, tại Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng (Thanh Hóa), nhà trường cũng không có giáo viên môn Nghệ thuật. Đối với môn học Nghệ thuật, nhà trường hiện đang chờ quyết định của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Lường Văn Hoan - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện đơn vị cũng đã hoàn thành xong việc lựa chọn sách giáo khoa và đã gửi đề xuất lên Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa.

“Nhà trường thống nhất lựa chọn các đầu sách từ cả 3 bộ: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và bộ sách Cánh diều. Chúng tôi chủ yếu chọn những đầu sách các em đã học ở lớp 10 để có sự thống nhất, học sinh cũng dễ dàng tiếp cận hơn”.

Đánh giá về hiệu quả bước đầu áp dụng sách giáo khoa mới vào giảng dạy, thầy Hoan cho rằng chương trình mới về cơ bản có nhiều điểm tiến bộ hơn so với chương trình cũ. Tuy nhiên, cũng có một số môn học vẫn còn có sự lúng túng, khó khăn trong giai đoạn đầu thực hiện:

“Ví dụ, một số môn học như Ngữ văn, việc kiểm tra đánh giá khá khó khăn khi phải sử dụng ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa. Hay với Hóa học, các giáo viên cũng phải bồi dưỡng thêm kiến thức ngoại ngữ để đọc tên chất sao cho đúng”.

Trước đó, được biết, nhằm bổ sung nguồn giáo viên dạy nghệ thuật cấp trung học phổ thông, một số địa phương đã lên kế hoạch tiến hành tổ chức liên kết nhóm trường để dạy, hoặc tiến hành hợp đồng với giáo viên dạy trung học cơ sở, tiểu học đủ điều kiện dạy trung học phổ thông,... Tuy nhiên, đến nay việc triển khai giảng dạy nghệ thuật trong trường phổ thông vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Bắc Sơn