Thầy Mai Văn Túc nhặt 'sạn' SGK KHTN 6 và Vật lí 10 bộ Chân trời sáng tạo

09/05/2023 09:07
Cao Nguyên (ghi)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy Mai Văn Túc cho biết nhiều phạm vi kiến thức trong sách giáo khoa Vật lí, bộ Chân trời sáng tạo, chưa chính xác.

Ngày 3/4/2023, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Thầy Mai Văn Túc nhặt "sạn" sách giáo khoa Vật lí 10 bộ Chân trời sáng tạo". Thầy Túc là giáo viên môn Vật lí, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong quá trình dạy học và nghiên cứu kĩ lưỡng nội dung chương trình, thầy Túc tiếp tục phát hiện sách Khoa học Tự nhiên 6 và Vật lí 10, Bộ Chân trời sáng tạo có một số vấn đề cần được xem xét và chỉnh sửa để cho chuẩn xác. Người viết đã trao đổi với thầy Túc để góp ý cùng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các tác giả viết sách.

Bài 43: Chuyển động nhìn thấy của Mặt Trời, Sách Khoa học Tự nhiên 6

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Với nội dung Chuyển động nhìn thấy của Mặt Trời, thầy Túc góp ý như sau:

"Thứ nhất, câu hỏi số 2, ý tác giả muốn câu trả lời là Trái Đất quay theo chiều từ Tây sang Đông? Lưu ý, học sinh có thể trả lời quay từ Đông sang Tây hoặc quay theo chiều mũi tên.

Thứ hai, mỗi thời điểm, ánh sáng Mặt Trời chiếu tới Trái Đất sẽ làm bao nhiêu phần diện tích mặt đất được chiếu sáng.

* Nên thay từ diện tích mặt đất thành diện tích bề mặt Trái Đất vì học sinh sẽ nghĩ mặt đất và mặt biển khác nhau.

* Học sinh lớp 6 không trả lời được chính xác mà nếu am hiểu thì các em mới biết là nó lớn hơn 50% diện tích bề mặt Trái Đất. Vì vậy nên bỏ ý này.

Thứ ba, trong câu hỏi 2, từ Mặt Trời phải viết hoa.

Thứ tư, hình 43.2 vẽ sai hướng Đông, Tây (hình b sai nặng hơn). Chú thích hướng Đông, Tây tôi nghĩ cần chỉnh sửa (thực chất nó có tính địa phương). Nên có câu hỏi để các em biết cách xác định phương hướng bằng quan sát chuyển động của Mặt Trời.

Thứ năm, câu hỏi 3 nói khi ánh sáng Mặt Trời vừa chiếu tới là không đúng vì ánh sáng Mặt Trời có sẵn ở đó rồi. Nên nói khi người ở B vừa nhận được ánh sáng Mặt Trời.

Thứ sáu, trong câu hỏi 2 và 3 từ Mặt Trời không viết hoa?"

Nguồn ảnh: Mai Văn Túc

Nguồn ảnh: Mai Văn Túc

"Tên các phương vị trong ảnh trên cần phải viết hoa."

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

"Viết câu: Học thuyết của Galileo Galilei vừa ra đời… dễ khiến người đọc nhầm tưởng thuyết Nhật tâm là của Galileo Galilei! Sửa: Khi cuốn sách vừa ra đời…"

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

"Bài tập 2 trang 190: Nếu muốn học sinh trả lời là người sống ở Hà Nội thấy Mặt Trời mọc trước ở Điện Biên thì phải bổ sung thêm điều kiện cho câu hỏi. Bởi, nếu không dựa vào bản đồ, không nhìn vào quả Địa cầu thì nhiều em lớp 6 trên khắp nước Việt Nam sẽ không nắm vị trí địa lý của hai địa phương này để mà xác định.

Mặc khác, Điện Biên là tỉnh ở vùng cao hơn Hà Nội so với mặt biển, Có thể có chỗ cao của Điện Biên (trên đỉnh núi) lại có thể quan sát thấy Mặt Trời mọc trước một chỗ thấp ở Hà Nội?"

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

"Câu hỏi 3 trang 190: Cần hỏi cho rõ, có hỏi ở Bắc Cực và Nam Cực không vì ở Bắc Cực và Nam Cực thì khoảng thời gian một ngày đêm là một năm, còn lại chỗ khác là 24 giờ."

Bài 44: Chuyển động nhìn thấy của Mặt Trăng, Sách Khoa học Tự nhiên 6

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

"Trong ảnh trên tôi thấy có một số vấn đề sau:

Thứ nhất, phát biểu: Chúng ta quan sát thấy một vật khi có ánh sáng từ vật đó chiếu tới mắt chúng ta cần phải sửa lại. Vì thực ra một vật không phát ra ánh sáng ta vẫn quan sát được hình dạng của nó nếu nó hiện diện ở một nền sáng. Ví dụ khi xảy ra nhật thực ta vẫn quan sát được hình dạng của Mặt Trăng …

Thứ hai, nên bỏ đi hình 44.1 vì thông điệp không thực sự rõ ràng và dễ gây hiểu nhầm hơn nữa đã có hình 44.2.

Thứ ba, ở hình 44.2 nên tăng độ sáng của nửa Mặt Trăng được chiếu sáng lên và nửa tối của Trái Đất thì phần nhận được ánh sáng phản chiếu từ Mặt Trăng cũng nên để sáng hơn phần còn lại.

Thứ tư, trong bức ảnh trên, vẽ Trái Đất sai và cần lưu ý vẽ đúng cả trục nghiêng (đây là lỗi rất quan trọng)."

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

"Trong ảnh trên, tên thiên thể phải được viết hoa."

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

"Trong ảnh mô phỏng trên, ở các vị trí khác nhau thì hình ảnh Mặt Trăng phải giống nhau và giống ảnh chụp ở hình 44.1 (vì ở Trái Đất chỉ nhìn thấy một nửa nhất định)."

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

"Trong bức ảnh trên, vẽ Trái Đất sai như đã trình bày ở trên (cần lưu ý vẽ đúng cả trục nghiêng, đây là lỗi rất quan trọng).

Câu hỏi trong sách giáo khoa: "Trong hình 44.4, em hãy chỉ ra phần bề mặt của Mặt Trăng được Mặt Trời chiếu sáng và phần bề mặt của Mặt Trăng mà ở Trái Đất có thể nhìn thấy".

Cần thay đổi cách hỏi vì hình vẽ 2D ta yêu cầu chỉ ra phần bề mặt của Mặt Trăng được Mặt Trời chiếu sáng và phần bề mặt của Mặt Trăng mà ở Trái Đất có thể nhìn thấy là không thể làm được. Nên hỏi ở thời điểm… như trong hình 44.4, nếu từ Trái Đất nhìn lên Mặt Trăng thì hình dạng có thể nhìn thấy của Mặt Trăng giống ảnh nào trong hình 44.1?".

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

"Trong ảnh trên, ta nói Mặt Trăng quay quanh trục của nó với cùng tốc độ mà nó chuyển động quanh Trái Đất là không đúng.

Nên viết là thời gian để Mặt Trăng tự quay 1 vòng quanh trục của nó đúng bằng thời gian trục của nó quay 1 vòng quanh Trái Đất.

Câu cuối trong ảnh trên rất tối nghĩa và có thể gây hiểu nhầm. Để chính xác nên sửa lại là do đó bất kỳ vào thời điểm nào, một mặt của Mặt Trăng luôn hướng về Trái Đất, trong khi mặt còn lại chúng ta không thể nhìn thấy và được gọi là mặt tối của Mặt trăng."

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

"Trong ảnh trên, vẽ sai Trái Đất như lỗi đã trình bày ở trên. (cần lưu ý vẽ đúng cả trục nghiêng, đây là lỗi rất quan trọng).

Trong ảnh trên, mô phỏng các vị trí của Mặt Trăng sai vì khi chuyển động trên quỹ đạo, Mặt Trăng luôn hướng về Trái Đất một nửa nhất định.

Hình vẽ trên rất dễ gây cho giáo viên và học sinh hiểu sai vì mặt phẳng của quỹ đạo Mặt Trăng trong chuyển động quanh Trái Đất (Bạch đạo) nghiêng so với mặt phẳng quỹ đạo Trái Đất quay quanh Mặt Trời (Hoàng đạo) là 5 độ. Hình vẽ trên ta xem như hai quỹ đạo này cùng nằm trong mặt phẳng Hoàng đạo và như vậy học sinh sẽ nghĩ tháng nào cũng có nhật thực và nguyệt thực toàn phần ở vị trí 3 và 7. Nên vẽ ở dạng 3D kèm thêm chú thích."

Nguồn ảnh: Mai Văn Túc

Nguồn ảnh: Mai Văn Túc

"Nên sửa ý C thành ánh sáng phản xạ từ Mặt Trăng về Trái Đất yếu quá. Có 3 lý do chính dẫn đến việc ta khẳng định không có bất cứ thời điểm nào không có ánh sáng phản chiếu của Mặt Trăng về Trái Đất."

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

"Trong ảnh trên, bài 3 học sinh chưa hiểu được chu kỳ quay quanh Trái Đất 27,32 ngày và chu kỳ biểu kiến 29,5 ngày khác nhau như thế nào nên có thể gây tác dụng ngược."

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

"Trong ảnh trên, hiện tượng Nhật thực và Nguyệt thực cần viết hoa. Có thể yêu cầu tìm hiểu sâu hơn vì sao Nguyệt thực chỉ xảy ra vào đêm trăng tròn và không phải tháng nào cũng có."

Bên cạnh đó, thầy Mai Văn Túc còn một số góp ý thêm cho Bài 44 như sau:

"Về giải thích các hình dạng nhìn thấy của Mặt Trăng, tôi xin có một số ý kiến sâu hơn sau đây:

* Khi dạy bất cứ hiện tượng tự nhiên nào hoặc vấn đề nào cũng cần làm thật rõ bản chất thì chất lượng giáo dục mới cao.

Ví dụ trong mục này, nếu ta không giải thích rõ hơn tôi nghĩ đa số giáo viên và học sinh không hiểu bản chất của vấn đề và hệ lụy là thấy mơ hồ, chán học.

Hiểu biết điều gì gây ra hình dạng nhìn thấy của Mặt Trăng thay đổi theo thời gian một cách tuần hoàn là một điều thú vị và cũng là kiến thức trọng tâm của chủ đề 11.

Vì vậy, ta có thể giảm thời lượng của bài 52 để tăng thời lượng cho bài này (vì hầu hết ngay từ học sinh lớp 1 đã biết giải thích hiện tượng ngày và đêm).

Theo tôi cần phải phân tích kỹ hơn như sau:

* Do vị trí tương đối giữa Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thay đổi liên tục theo thời gian do sự chuyển động của Mặt Trăng xung quanh Trái Đất và cả chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời.

* Trừ khi xảy ra nguyệt thực, ở bất kỳ thời điểm nào Mặt Trăng luôn bị Mặt Trời chiếu sáng hơn một nửa diện tích bề mặt nhưng bề mặt của Mặt Trăng hướng về Trái Đất thì ở các vị trí khác nhau trong quỹ đạo thì diện tích được chiếu sáng khác nhau và ta chỉ nhìn thấy phần diện tích được chiếu sáng đó (do Mặt Trời có kích thước lớn hơn nhiều).

* Do Mặt Trăng ở xa Trái Đất nên vào một thời điểm, các cư dân trên Trái Đất nếu ai nhìn thấy Mặt Trăng thì đều nhìn thấy hình dạng như nhau nhưng “độ cao” khác nhau.

* Ở một vị trí xác định trên Trái Đất sẽ thấy, từ khi “trăng mọc” đến khi “trăng lặn” thì hình dạng của nó hầu như không thay đổi vì trong khoảng thời gian ta quan sát thấy, Mặt Trăng thay đổi vị trí trên quỹ đạo quanh Trái Đất chưa chưa đủ để ta cảm nhận được trong thời gian quan sát (thực ra đã có thay đổi đầy lên hoặc vơi đi)."

Ngoài ra, thầy Túc nhận thấy, rải rác một số phạm vi kiến thức trong sách giáo khoa Vật lí 10 cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc.

Khái niệm “hiệu suất” đã rõ ràng chưa?

Thầy Túc cho biết, sách giáo khoa Vật lí 10 nêu khái niệm hiệu suất như sau (ảnh):

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Thầy Túc cho rằng, có nhiều khái niệm vật lý được đề cập cả trong sách giáo khoa bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông nhưng chưa rõ ràng. Điều này gây khó khăn rất lớn cho các giáo viên và học sinh khi học và vận dụng.

Riêng khái niệm “hiệu suất” trong sách giáo khoa, thầy Túc đã đọc đi đọc lại và cần trao đổi ba vấn đề sau đây:

Thứ nhất, tại sao không xây dựng khái niệm ‘hiệu suất’ một cách tổng quát mà lại xét trường hợp riêng là động cơ mà cụ thể lại là ô tô?

Thứ hai, trong ảnh, không rõ có phải ý tác giả là năng lượng toàn phần là nhiệt năng giải phóng khi đốt nhiên liệu, còn năng lượng có ích là phần nhiệt năng chuyển hóa thành cơ năng làm xe chạy? Vì ở đây tác giả viết liền 1 câu và có 2 đóng ngoặc, mở ngoặc nên rất khó phân biệt (nếu hiểu như thế thì lại sai).

Thứ ba, các tác giả viết năng lượng hóa học được tạo ra từ việc đốt nhiên liệu được chuyển thành cơ năng ..., theo tôi là sai cơ chế. Phải là năng lượng hóa học dự trữ trong nhiên liệu được chuyển hóa thành nhiệt năng từ phản ứng cháy ... mới đúng.”

Câu hỏi về các dạng năng lượng chưa rõ?

Thầy Túc cho biết, sách giáo khoa đưa ra ví dụ trò chơi nhảy cầu trong biểu diễn xiếc và yêu cầu học sinh thảo luận, chỉ ra các dạng năng lượng của hai vận động viên xiếc khi thực hiện trò chơi nhảy cầu (hình) vào lúc:

a) Người A chuẩn bị nhảy, người B đứng trên đòn bẩy.

b) Người A chạm vào đòn bẩy.

c) Người B ở vị trí cao nhất.

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Thầy Túc nêu một số ý kiến về vấn đề trò chơi nhảy cầu trong biểu diễn xiếc như sau:

Thứ nhất, khi xây dựng khái niệm động năng thế năng là ta xây dựng cho vật không sống mà sách giáo khoa mới rất hay lấy ví dụ cho vật sống. Có lẽ áp lực tích hợp liên môn và kết nối tri thức với cuộc sống đã làm cho nhiều vấn đề của sách giáo khoa vật lí mới trở nên sai và gượng ép.

Thứ hai, trong câu hỏi hãy chỉ ra các dạng năng lượng của hai vận động viên, không rõ tác giả muốn nói năng lượng nào và tổng năng lượng của 2 vận động viên hay riêng lẻ?

Thứ ba, tôi nghĩ nếu coi người là chất điểm trong trường hợp này là sai. Mặt khác các vận động viên khi nhảy còn lấy năng lượng từ cơ thể nữa.

Thứ tư, sách giáo viên hướng dẫn trả lời chưa đúng (xem hình dưới đây).”

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Thắc mắc về đặc điểm, định lí động năng

Thầy Túc chia sẻ, sách giáo khoa viết về đặc điểm động năng, định lí động năng như sau:

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Về đặc điểm động năng, định lí động năng trong sách giáo khoa, thầy Túc nêu 3 ý kiến:

Thứ nhất, phần đặc điểm của động năng không cần thiết nói cả ba ý trên vì nó đã thể hiện hết ở công thức định nghĩa động năng. Có chăng chỉ cần lưu ý cho học sinh khi tính động năng cần chú ý mốc chọn để tính tốc độ. Nói động năng có giá trị phụ thuộc vào hệ quy chiếu là chưa chuẩn xác (nếu vật chịu tác dụng của đồng thời nhiều lực thì sao).

Thứ hai, trong phần nói về định lý động năng nếu ta viết độ biến thiên động năng của một vật bằng công của lực tác dụng lên vật trong một khoảng thời gian là không chính xác. Điều này khiến học sinh vận dụng không tự tin và có thể sai.

Thứ ba, cái cần hơn là ý nghĩa thực tiễn, ý nghĩa khoa học của động năng (trong giao thông chẳng hạn) thì tôi thấy không sách giáo khoa nào đề cập.”

Ví dụ thực tiễn có đúng?

Sách giáo khoa đưa ra ví dụ vận dụng công thức tính hiệu suất trong một số trường hợp thực tiễn như sau:

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Nguồn ảnh: Thầy Mai Văn Túc

Thầy Túc đặt một số câu với tác giả sách giáo khoa:

Thứ nhất, tại sao đề bài là một thùng hàng mà ảnh thì lại nhiều thùng hàng (không quan trọng)?

Thứ hai, băng chuyền thường dùng động cơ điện mà động cơ điện sao hiệu suất thấp thế?”

Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của thầy Mai Văn Túc, giáo viên dạy môn Vật lí ở Hà Nội, được tác giả Cao Nguyên ghi lại. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Cao Nguyên (ghi)