Trường thu tiền chống trượt, Tiến sĩ lừa tình và 231 cái tát vào mặt học trò

26/11/2018 06:39
Thanh An
(GDVN) - Người thầy, phải là người không tham lam, ích kỷ, sống bao dung, vị tha, trách nhiệm trước học trò và nhất thiết phải là tấm gương sáng cho các em noi theo.

LTS: Sau những vụ việc: Trường đại học Công nghiệp Hà Nội thu tiền chống trượt ngoại ngữ, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thịnh lừa tình phụ nữ và 231 cái tát vào mặt học trò của cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, tác giả Thanh An cho rằng, trước tiên mỗi thầy cô giáo trong ngành phải xây dựng cho mình một hình mẫu đẹp.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tháng 11 này, ngành giáo dục đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Thầy cô được nhiều người tôn vinh, ca ngợi và có lẽ niềm hạnh phúc ấy thật viên mãn với nhiều thầy cô chân chính đang làm thiên chức “trồng người”.

Tuy nhiên, cũng cùng thời điểm này, chúng ta cũng đã phải chứng kiến những câu chuyện rất buồn về đạo đức người thầy…

Đạo đức người làm thầy (Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn).
Đạo đức người làm thầy (Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn).

1. Những năm gần đây, việc Bộ giáo dục quy định chuẩn ngoại ngữ đối với sinh viên đại học khi ra trường đã khiến cho nhiều sinh viên lao đao vì không thể nào đáp ứng được yêu cầu của Bộ.

Nhiều sinh viên đã bị “treo bằng” trong nhiều năm vì quy định chuẩn năng lực ngoại ngữ đầu ra.

Có lẽ vì thế mà Trường đại học Công nghiệp Hà Nội “thương” sinh viên trường mình nên đã đưa ra “sáng kiến” thu 1.900.000 đồng “chống trượt” đối với sinh viên khi thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ tại trường.

Lạ một điều là nếu không nộp khoản phí này thì được bố trí thi ở phòng khác và…trượt.

Phóng sự này đã được Báo Lao động phản ánh trong những ngày giữa tháng 11 khiến cho nhiều người ngao ngán.

Trước sự việc “động trời” này, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội đã tạm dừng phân công giảng dạy đối với 2 giảng viên để giải trình nội dung liên quan đến phản ánh của báo chí.

Tuy nhiên, điều mà chúng ta thấy nghi hoặc là một vài giáo viên Khoa Ngoại ngữ mà có thể dám làm chuyện tày trời này hay sao?

Trường thu tiền chống trượt, Tiến sĩ lừa tình và 231 cái tát vào mặt học trò ảnh 2Cấp chứng chỉ tiếng Anh chỉ cần có tiền là đạt, thị trường ngầm bạc tỉ

Nói thật, chuyện “chống trượt” không chỉ xảy ra riêng với Trường đại học Công nghiệp mà nó đã âm thầm, kín đáo xảy ra từ hàng chục năm trước đối với nhiều trường đại học.

Nhiều trường đã hình thành nét văn hóa ngầm cho sinh viên. Không chỉ với riêng môn Ngoại ngữ mà nhiều môn học khác thì sinh viên cũng phải làm như vậy. Đến kì thi học phần là lớp trưởng gom tiền để “tạ ơn” thầy.

Bây giờ, ngay cả 10 trường, trung tâm ngoại ngữ được Bộ cho cấp chứng chỉ Ngoại ngữ cũng có nhiều chiêu trò tương tự. Chỉ khác là hình thức và cách gọi tên mà thôi.

2. Ngày 23/11, Viện Kiểm soát nhân dân thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) xác nhận đã ra cáo trạng truy tố ông Nguyễn Văn Thịnh (42 tuổi) về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Có điều, việc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thịnh - từng là giảng viên Khoa Sư phạm, Trường đại học Bạc Liêu là để lừa tình nhiều phụ nữ. Trong khi bản thân vị Tiến sĩ này đã có vợ và 2 đứa con.

Điều đáng lên án là ông Nguyễn Văn Thịnh này là giảng viên Khoa Sư phạm - thầy của nhiều người thầy mà lại đi làm một chuyện đáng chê trách như vậy.

Đạo đức của một người bình thường đã đáng lên án rồi, đằng này bản thân là một người thầy, đã có vợ con đề huề rồi mà vẫn đi kết hôn và sống chung với nhiều phụ nữ khác.

Lương tâm, đạo đức của vị Tiến sĩ này liệu có còn không?

3. Ngày 19/11, trong giờ ra chơi, em H. L. N, lớp 6, Trường trung học cơ sở Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) lỡ nói tục nên đã bị cô chủ nhiệm lớp là Nguyễn Thị Phương Thủy (sinh năm 1977) phạt.

Trường thu tiền chống trượt, Tiến sĩ lừa tình và 231 cái tát vào mặt học trò ảnh 3Lãnh đạo Bộ Giáo dục lên tiếng việc cô giáo phạt tát học sinh 231 cái

Điều đáng bàn là hình phạt của cô giáo chủ nhiệm lớp đưa ra rất tàn nhẫn và phi giáo dục. Cô Thủy đã yêu cầu 23 học sinh trong lớp, mỗi em tát em N. 10 cái vào mặt.

Theo các học sinh trong lớp, nếu bạn nào tát nhẹ thì bạn đó sẽ bị phạt tát ngược lại 10 cái nên N. bị tát rất mạnh.

Khi bị đến cái tát cái cuối cùng, N. vừa khóc vừa đau buột miệng nói tục, cô Thủy đứng cạnh đã vung thêm 1 cái tát.

Tổng số N. bị tát 231 cái khiến em N. phải nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Dinh Mười của huyện Quảng Ninh vào ngày 19/11.

Đọc thông tin này, chắc ai cũng bất bình vì phương pháp giáo dục phi nhân tính của cô giáo chủ nhiệm lớp.

Ở cái tuổi ngoài 40 rồi, cô Thủy không thể nào biện minh cho việc làm của mình bột phát. Nếu bột phát thì tát 1-2 cái là cùng, đằng này tát học trò đến 231 cái thì còn gì là mặt mũi con người ta.

Hơn nữa, đây mới là học sinh lớp 6, hành vi nói tục của tuổi học trò ở thời nào mà chả có.

Giáo viên chỉ cần nhắc nhở, uốn nắn để các em thay đổi hoặc la lớn là các em đã sợ phát khiếp rồi chứ cần gì phải dùng hình phạt tàn nặng nề đến vậy.

Ba câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện buồn xảy ra trong những ngày của tháng 11 này mà chúng tôi đã dẫn ở trên khiến cho chúng ta thấy có nhiều điều bất ổn về đạo đức của một số thầy cô giáo hiện nay. Cả 3 câu chuyện đều có sự nhẫn tâm của người thầy.

Câu chuyện thứ nhất là lòng tham về vật chất mà sẵn sàng chà đạp lên chính sách của ngành, lương tâm đạo đức của người thầy mà nêu một tấm gương xấu xí, tiêu cực trước các em sinh viên, làm xấu môi trường đào tạo và học tập.

Giáo viên nên cân nhắc việc sử dụng “lệnh phạt” với học sinh

Câu chuyện thứ 2 là sự ích kỷ trong cách sống buông thả, chỉ biết đạt được mục đích bằng những thủ đoạn ti tiện, tầm thường mà không lường hết những hậu quả của mình đang gây cho bao nhiêu những con người đau khổ, những đứa trẻ sinh ra vì một ông bố tồi.

Câu chuyện thứ 3 là cách ứng xử tàn nhẫn, thiếu tình người của cô giáo chủ nhiệm trước một học sinh lớp 6…

Giáo dục của nước nhà rất cần sự chung tay của mọi người, của mọi ngành nhưng nhất thiết mỗi thầy cô giáo trong ngành phải xây dựng cho mình một hình mẫu đẹp trước đã.

Người thầy, phải là những người không tham lam, ích kỷ, sống bao dung, vị tha, trách nhiệm trước học trò và nhất thiết phải là tấm gương sáng cho các em noi theo.

Thanh An