Từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 bắt đầu học chương trình và sách giáo khoa mới. Ba môn Vật lý, Hóa học và Sinh học trong chương trình cũ không còn, thay bằng một môn học mới, gọi là Khoa học tự nhiên (vẫn bao gồm 3 "phân môn" Vật lý, Hóa học và Sinh học). Để dạy môn này, giáo viên phải có chuyên môn của cả ba môn Lý, Hóa, Sinh do các bài học có sự giao thoa, đan xen kiến thức.
Khoa học tự nhiên không phải là môn học tích hợp liên môn duy nhất trong chương trình lớp 6 mới, mà còn có môn Lịch sử và Địa lý (gồm 2 "phân môn" Lịch sử, Địa lý), Nghệ thuật (gồm 2 "phân môn" Âm nhạc, Mỹ thuật). Qua tìm hiểu một số trường trung học cơ sở, phóng viên nhận thấy mỗi trường đang tổ chức dạy môn này một kiểu, không có một công thức chung nào áp dụng cho các trường khi chưa có giáo viên đảm nhận được cả ba phân môn.
Theo cô Phương Anh: "Theo tôi, kể cả các thầy cô được đào tạo ngắn hạn có chứng chỉ rồi cũng còn khó, bởi đào tạo này mới chỉ là hướng dẫn triển khai cách dạy, cách thực hiện, phương pháp chứ bản chất chưa có đi sâu vào kiến thức". Ảnh: NVCC. |
Tìm hiểu về vấn đề triển khai dạy môn tích hợp này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Thạc sĩ Đinh Thị Phương Anh - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cô Phương Anh cho biết:
“Để triển khai dạy môn Khoa học tự nhiên, môn tích hợp, theo tôi khó khăn nhất là về đội ngũ giáo viên không được đào tạo đồng bộ liên môn một cách bài bản, bởi từ trước đến nay các thầy cô được đào tạo theo từng phân môn đơn lẻ.
Năm học này, kiến thức môn Khoa học tự nhiên của lớp 6 còn tương đối đơn giản, các thầy cô có thể "khắc phục" để dạy được, nhưng sang năm lớp 7 sẽ khó hơn, và nếu các thầy cô không được đào tạo thì khó có thể đảm bảo chương trình cho học sinh.
Theo tôi, kể cả các thầy cô được đào tạo ngắn hạn có chứng chỉ rồi cũng còn khó, bởi đào tạo này mới chỉ là hướng dẫn triển khai cách dạy, cách thực hiện, phương pháp chứ bản chất chưa có đi sâu vào kiến thức. Vậy nên đã là đào tạo thì nên là dài hạn, như vậy mới đảm bảo kiến thức cơ bản chuyên sâu, những giờ lên lớp mới có chất lượng. Hơn nữa cần phải có cả một quá trình tự học, tự đào tạo thêm, học hỏi thì mới có thể có khả năng đáp ứng được, nếu chỉ đợi mỗi chứng chỉ mà không tự đào tạo thêm thì tôi e rằng sẽ khó có chất lượng.
Ví dụ: Một giáo viên dạy môn Lý, bây giờ phải đi học thêm Hóa và Sinh thì đó là cả vấn đề, kiến thức Hóa, Sinh có từ trước mà chỉ là kiến thức lúc còn học phổ thông, cũng rơi rụng nhiều rồi, vậy giáo viên đó phải học 3 năm cao đẳng hoặc 4 năm đại học cho riêng một phân môn thì mới có kiến thức để đi dạy được. Bây giờ đưa các thầy cô đi học lấy được tín chỉ rồi thì mọi việc triển khai dạy vẫn rất khó khăn bởi kiến thức không phải chỉ ngày một ngày hai đã có được.
Về môn đơn chuyên ngành thì các thầy cô làm rất tốt, nhưng giờ dạy tích hợp thì những môn còn lại thì cũng chưa ai dám khẳng định được là sẽ tốt như môn chuyên ngành chính đã được đào tạo 4 năm đại học.
Chương trình có rồi, mỗi một nhà trường phải tự nghiên cứu, sắp xếp, bố trí đào tạo nguồn nhân lực cho phù hợp, chất lượng đáp ứng đúng yêu cầu dạy môn tích hợp. Nếu các thầy cô đứng lớp mà kiến thức không đảm bảo thì đó mới là điều đáng lo.
Theo tôi được biết thì hiện nay tại một số trường, hầu hết là các giáo viên tự bỏ kinh phí để đi đào tạo, các nhà trường cũng không có đủ nguồn kinh phí, và cũng đang chờ xin chỉ đạo từ các cấp. Nếu đưa được các thầy cô đi học đồng loạt cùng một nơi sẽ có thuận lợi, học cùng giáo trình, cùng trường và các thầy cô có thể hỗ trợ đồng nghiệp với phân môn thế mạnh của mình.
Nhà trường chúng tôi cũng đã có kế hoạch xin nguồn kinh phí từ ngân sách để đưa các thầy cô đi đào tạo đồng loạt để có thể dạy được các môn tích hợp. Nếu để giáo viên bỏ kinh phí tự đào tạo thì hiện nay các thầy cô cũng rất khó khăn, hơn nữa là sẽ có người đi học trước, người đi sau, mỗi người học một nơi dẫn đến không đồng bộ và khó có thể triển khai dạy tốt trong năm học tới”.
Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Học sinh liệu có bị “hổng” kiến thức?
Theo cô Phương Anh: “Nếu nói thầy cô sau khi tập huấn về dạy đạt chất lượng như môn chính thì cũng hơi khó, mặc dù đó là mong muốn của các cấp quản lí, bây giờ lại trái với môn chính như vậy thì các thầy cô có chuyên môn chính sẽ phải giúp đỡ, hỗ trợ thêm. Có thể giáo viên có 2 môn chính là Lý và Hóa, vậy giáo viên chuyên môn Sinh sẽ có những chuyên đề hỗ trợ các thầy cô trái chuyên ban kia, hiện tại tôi cho đây là biện pháp tối ưu nhất.
Chúng tôi chưa thực hiện được một giáo viên đảm nhiệm dạy môn Khoa học tự nhiên, thầy cô chưa tự tin và cũng chưa có chứng chỉ đảm bảo. Hiện tại, chuyên đề nào, phần nào thuộc bộ môn nào thì thầy cô đó vẫn đảm nhiệm, có thể hiểu một bộ môn Khoa học tự nhiên vẫn phải ba thầy cô đảm nhiệm để làm sao đảm bảo kiến thức tốt nhất cho học sinh.
Khi tiến hành thi, kiểm tra thì một đề bài có ba nội dung, cả ba thầy cô sẽ ngồi với nhau để soạn đề theo đúng tỷ lệ câu hỏi tương ứng với số tiết học. Phần chấm điểm hiện nay cũng không quá lo bởi thi theo hình thức trắc nghiệm, trên máy có đáp án rồi nên thầy cô chấm điểm thôi.
Phần nhận xét học sinh, trên hệ thống cơ sở dữ liệu chỉ có một giáo viên đảm nhiệm việc nhận xét, nhưng hiện nay các trường vẫn là 3 thầy cô cùng đánh giá, thống nhất điểm. Đại diện một giáo viên sẽ vào điểm”.
Cô Phương Anh chia sẻ: “Tôi rất mong muốn có một sự đào tạo đồng bộ cho các giáo viên, giải pháp của các nhà trường hiện nay đưa giáo viên đi tập huấn, để có chứng chỉ vẫn mang tính trước mắt để giáo viên có đủ điều kiện giảng dạy môn Khoa học tự nhiên.
Về lâu dài, tôi mong muốn và thấy cần phải có chiến lược đào tạo lại giáo viên với trình độ đại học, được đầu tư bài bản với các thầy cô giáo dạy liên môn đạt trình độ chuẩn, phải có nguồn kinh phí để hỗ trợ các thầy cô. Có nhiều thầy cô hiện nay đã có bằng cao học, Thạc sĩ rồi nhưng bây giờ phải đi học thêm một môn nữa với trình độ đại học thì quả thật là rất khó khăn về kinh phí cũng như thời gian.
Việc đào tạo này là chung của toàn ngành, chứ không riêng của một trường nào, là khó khăn chung và tất cả cùng tìm cách cùng tháo gỡ, làm sao đảm bảo tốt nhất kế hoạch, cũng như chương trình mình đưa ra, theo tôi mục tiêu cuối cùng là như vậy và người hưởng lợi chính là các em học sinh. Cần phải có một lộ trình dài hơi, và có lẽ trong vài năm tới các trường đại học sư phạm sẽ triển khai đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp, lúc đó mọi việc sẽ dễ dàng hơn”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hai quyết định về chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý cấp Trung học cơ sở.
Giáo viên có thể theo học chương trình này ở các trường có khoa sư phạm. Kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương; từ đơn vị cử người đi bồi dưỡng và do người học tự đóng.
Sau khi hoàn thành chương trình, người học sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng.