TS Phạm Văn Tân: hướng dẫn tự chủ tài chính trường nghề thiếu thực tế

24/12/2021 14:45
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Phạm Văn Tân, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Hà Nội cho biết, ngành chăm sóc sức khỏe vẫn chưa được chú trọng đầu tư so với các ngành đào tạo khác.

Sáng ngày 24/12, Câu lạc bộ các trường cao đẳng Y dược trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên tổ chức Tọa đàm “Tự chủ tài chính trong trong các trường cao đẳng, trung cấp y, dược”.

Buổi Toạ đàm đã thu hút sự tham gia của hơn 40 trường đại học, cao đẳng trên khắp cả nước.

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ, tự chủ tài chính là chủ đề rất nóng trong những năm gần đây, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong mọi lĩnh vực, giáo dục cũng không ngoại lệ.

“Thời gian qua đã có 23 trường tiến hành tự chủ. Đa số các trường đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, nổi bật phải kể đến trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Tuy nhiên, tự chủ đại học vẫn còn tồn tại bất cập, trở ngại về mặt cơ chế. Chính vì vậy, chúng ta cần sớm đưa ra những giải pháp, tiến hành tháo gỡ để đẩy nhanh, đẩy mạnh quá trình tự chủ”, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay.

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường cao đẳng Y, Dược nhận định, hiện nay số lượng các trường Cao đẳng Y, Dược tự chủ vẫn còn rất thấp.

Tự chủ là xu hướng tất yếu đang được thực hiện khá hiệu quả ở một số trường đại học song đối với các trường cao đẳng việc triển khai tự chủ rất khó khăn, do chưa đủ sức cạnh tranh với các trường đại học về công tác tuyển sinh cũng như đào tạo.

“Tôi đánh giá rất cao những trường cao đẳng Y, Dược đã thực hiện tự chủ. Họ dũng cảm vì dám đi tiên phong trong khi điều kiện công tác tuyển sinh khó khăn. Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát, theo khảo sát tại các trường trung học phổ thông, nhu cầu, nguyện vọng đăng ký học mã ngành sức khỏe của học sinh giảm sút so với nhiều năm trước”, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ cho hay.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm. (Ảnh: chụp màn hình)

Toàn cảnh buổi Tọa đàm. (Ảnh: chụp màn hình)

Trao đổi tại buổi Tọa đàm, Tiến sĩ Phạm Văn Tân - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Hà Nội cho biết, nhiều trường buộc phải tự chủ trong tình thế khó kiểm soát, chưa được chuẩn bị năng lực, nguồn lực sẵn sàng. Các hướng dẫn tự chủ tài chính thiếu thực tế và không chú trọng đặc thù ngành đào tạo.

Theo đó, ngành y, dược từ trước đến nay luôn được nói đến là ngành nghề đặc thù nhưng chưa có đầu tư thể hiện sự đặc thù từ khâu đào tạo đến làm việc. Việc đầu tư vào ngành chăm sóc sức khoẻ vẫn chưa được ưu tiên, chú trọng so với các ngành đào tạo khác.

Bên cạnh đó, nhu cầu về tài chính ngày một gia tăng trong khi theo đúng phương thức và định mức phân bổ hiện hành cộng với khung học phí bị bó hẹp và thấp như hiện nay nhiều trường phải rất nỗ lực để đảm bảo khả năng tự chủ các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi lương và các khoản có tính chất lương.

"Theo tôi các trường phải thật chủ động trong việc cải cách, đổi mới chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất bằng mọi cách để đảm bảo chất lượng. Nhà nước nên tăng mức đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực sức khỏe để xứng đáng là một nghề đặc thù, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.

Ngoài ra, cũng cần có chế độ đãi ngộ cho giảng viên, người học ngành sức khỏe và nhân viên y tế như phụ cấp đào tạo, phụ cấp nghề nghiệp…", Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Hà Nội cho biết thêm.

Cũng trong khuôn khổ buổi Tọa đàm, đại diện các trường đã đặt ra nhiều vấn đề quan trọng về tự chủ tài chính, đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực sức khỏe gặp phải khi thực hiện tự chủ.

Ngọc Ánh