LTS: Xung quanh những diễn biến gần đây về biên giới Việt Nam - Campuchia, đặc biệt là hoạt động chống phá của phe đối lập CNRP, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ có bài bình luận về việc này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng gửi tới độc giả.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. |
Dùng bản đồ chống phá Việt Nam không xong, CNRP xoay qua trò "sửa Hiến pháp"
Theo những thông tin mới nhất về vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia mà truyền thông nước bạn đưa tin gần đây, phe đối lập CNRP đã thất bại hoàn toàn với "thủ đoạn bản đồ" và ngụy tạo tài liệu để xuyên tạc quá trình đàm phán phân định biên giới với Việt Nam hòng bôi nhọ CPP và Thủ tướng Hun Sen "nhân nhượng vô nguyên tắc, để mất đất cho Việt Nam". Với việc công khai đối chiếu các bản đồ mà CPP đã sử dụng với bản đồ CNRP cung cấp, bản đồ từ Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Pháp, ông Hun Sen đã chứng minh được sự trong sáng của mình.
Tuy nhiên những kẻ chống phá ông và dân tộc Campuchia không cam tâm, chúng tìm mọi cách để kích động lôi kéo cử tri mà bất chấp thủ đoạn, biên giới lãnh thổ vẫn là miếng mồi béo bở để dụ dỗ lôi kéo đám đông những người ít thông tin, kiến thức, hiểu biết về biên giới lãnh thổ nhưng lại thừa những bức xúc cá nhân nào đó về cuộc sống, công việc,...Nguy hiểm hơn là CNRP và lãnh đạo của đảng này Sam Rainsy quay sang thủ đoạn mới, sửa Điều 2 Hiến pháp về sử dụng bản đồ trong đàm phán, phân giới cắm mốc với Việt Nam.
Nếu sửa Hiến pháp tuân thủ theo đúng thỏa thuận, hiệp ước hai nước đã ký kết về vấn đề biên giới trong đó xác định dùng 26 mảnh bản đồ bonne do Sở Địa dư Đông Dương phát hành giai đoạn 1933 - 1953 thì chẳng nói làm gì. Nhưng theo những gì ông Sam Rainsy nói với báo giới thì ông ta lại đưa ra một mảnh bản đồ cũ hơn, in năm 1914. Bản đồ thì có rất nhiều, nhưng lựa chọn được những mảnh bản đồ theo đúng tinh thần thỏa thuận và hiệp ước 2 nước đã ký kết mới đảm bảo được tính pháp lý, khoa học, khách quan và có hiệu lực.
Như tôi đã phân tích trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về mối quan hệ giữa Hiến pháp của một quốc gia với điều ước quốc tế mà quốc gia đó ký kết, phê chuẩn thì Hiến pháp là luật cao nhất nhưng chỉ có giá trị đối với quốc gia đó và công dân của nó, không thể dùng trò "sửa Hiến pháp" để hủy bỏ đơn phương một điều ước quốc tế mà mình đã ký kết, phê chuẩn.
Đáng nói là ngay cả những học giả về biên giới lãnh thổ và pháp lý vẫn còn nhầm lẫn về điều này. Ví dụ như Tiến sĩ Sok Touch, trưởng nhóm nghiên cứu biên giới, đối chiếu bản đồ của Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia cũng đưa ra đề xuất sửa Hiến pháp thì việc những người dân bình thường bị lừa gạt, xỏ mũi bằng thủ đoạn "sửa Hiến pháp" cũng không có gì lạ.
Với người dân của một quốc gia thì Hiến pháp nước họ là văn bản luật cao nhất, ít ai để ý đến những điều ước quốc tế mà đất nước họ ký kết, phê chuẩn và có nghĩa vụ phải tuân thủ. Một khi Điều 2 Hiến pháp Campuchia được sửa đổi, loại bỏ 26 mảnh bản đồ bonne do Sở Địa dư Đông Dương phát hành giai đoạn 1933 - 1953 và thay bằng một loại bản đồ khác không nằm trong giới hạn quy chuẩn này là Campuchia đã đơn phương hủy bỏ các thỏa thuận, hiệp ước biên giới đã ký với Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen. |
Tất nhiên người Việt không thể chấp nhận việc làm phi pháp ấy đã đành, mà chính Campuchia sẽ tự đẩy mình vào thế rối loạn, bất ổn xã hội vì những trò kích động mới của những nhà làm chính trị phe đối lập.
Lúc đó, người ta không nói Hun Sen hay CPP bán đất, nhượng đất cho Việt Nam mà bọn họ sẽ dùng chiêu "Hiến pháp nói thế" để gây áp lực với chính phủ trong công tác hoạch định, phân giới cắm mốc hiện đang tiến hành và gần tới hồi kết, thậm chí đòi hủy bỏ hoàn toàn thành quả mà hai bên đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong bao năm qua để đàm phán lại từ đầu.
Chơi dao sắc có ngày đứt tay
Người Việt có câu "chơi dao sắc có ngày đứt tay" để cảnh báo những ai biết rõ sai quấy, nguy hiểm nhưng vì cái lợi trước mắt nào đó vẫn cứ nhắm mắt làm liều. Cái lợi rõ ràng, dễ thấy nhất nhưng cũng mong manh dễ vỡ nhất, nguy hiểm nhất hiện nay là sử dụng thủ đoạn kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan bằng vấn đề biên giới lãnh thổ để tìm kiếm phiếu bầu của cử tri thiếu hiểu biết dưới tên gọi mỹ miều: "yêu nước", "bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ".
Một sinh viên Campuchia đã nói rất chính xác rằng: "Tôi tin rằng ngay cả khi chính phủ Campuchia công bố hàng ngàn lần rằng chính phủ đã sử dụng các bản đồ chính xác do Sở Địa dư Đông Dương phát hành để đàm phán phân giới với Việt Nam thì phe đối lập vẫn cứ liên tục sử dụng thủ đoạn kích động chống phá biên giới với Việt Nam làm công cụ chính trị, bắt dân tộc này làm con tin vì lợi ích của riêng họ chứ không phải là để giải quyết vấn đề quốc gia".
Sam Rainsy lại định "xỏ mũi" người Campuchia dắt đi theo những toan tính chính trị của ông ta bằng thủ đoạn mới: "sửa Hiến pháp". |
Mặt khác, chính Sam Rainsy đã thản nhiên thừa nhận dùng "chiêu bài bản đồ" và ngụy tạo tài liệu như vụ Hong Sokhour để "chọc eo" Hun Sen và CPP. Mặc dù thực tế thủ đoạn này đã phá sản, nhưng Sam Rainsy nhận định ông ta và CNRP đã thành công trong việc làm thay đổi suy nghĩ của Hun Sen: "Hun Sen bây giờ không thể cảm thấy thoải mái, mà rất tức giận và thất vọng bởi vấn đề biên giới. Khi chúng ta đã tạo ra các điều kiện thuận lợi dẫn đến sự thay đổi trong suy nghĩ của ông ấy, chúng ta có thể tìm thấy tiếng nói chung trong vấn đề biên giới (Việt Nam - Campuchia)".
Nếu cái sự "thay đổi suy nghĩ của Hun Sen" chỉ đơn giản là việc quyết định công khai, minh bạch quá trình đàm phán phân giới cắm mốc với Việt Nam, công bố và đối chiếu các bản đồ trước áp lực và thủ đoạn chống phá của phe đối lập thì đó là việc nên làm, rất đáng hoan nghênh và cổ vũ. Ông Hun Sen cũng đã làm được điều này. Nhưng khi Sam Rainsy thay đổi thủ đoạn, dùng chiêu "sửa Hiến pháp" để tiếp tục con bài chính trị chống Việt Nam, người ta chưa thấy Thủ tướng Campuchia có những phản ứng kiên quyết, kịp thời, minh bạch và đúng tầm của một chính khách dày dạn kinh nghiệm.
Sam Rainsy đã thách thức pháp luật, thách thức chính phủ khi ngụy biện cho những hành vi phạm pháp mà phe nhóm và đồng đảng của ông ta gây ra: "CPP đang tuyệt vọng. Họ đang hoảng loạn. (Cái gọi là) Làn sóng bắt bớ cho thấy họ đang hoảng loạn và mất chỗ đứng. Nó không cho thấy sức mạnh. Nếu bạn tự tin vào sự nổi tiếng của mình, bạn sẽ không làm điều đó (bắt giữ những kẻ gây rối, kích động chống phá biên giới Việt Nam - Campuchia)".
Tôi tin là với kinh nghiệm của một chính khách dày dạn, Thủ tướng Hun Sen cũng nhìn thấy điều này. Bản thân ông cũng công khai xác nhận 26 mảnh bản đồ bonne do Sở Địa dư Đông Dương phát hành giai đoạn 1933 - 1953 là chính xác, được quốc tế công nhận thì hãy tỉnh táo, vững tin và bảo vệ thành quả cả hai nước phải đổ bao công sức xây dựng. Chỉ có như vậy mới mong sớm có tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển, diệt trừ được mầm mống gây rối loạn xã hội Campuchia.
Nhược bằng vì một chút tham lam, thiển cận khi tìm kiếm phiếu bầu bằng việc dung túng, nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc cực đoan thì hậu quả khôn lường, sẽ không chỉ đơn giản là "đứt tay" mà có thể đẩy người dân đất nước chùa tháp vào chỗ tàn sát lẫn nhau, không có một ngày yên ổn vì bị các thế lực chính trị giật dây, xỏ mũi dẫn đi.