Luật Giáo dục năm 2019 (gồm 9 chương, 115 điều), thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, trong đó có hiệu lực với những điều kiện về trình độ chuẩn của giáo viên các cấp học.
Theo Điều 77 tại Luật giáo dục năm 2005, sửa đổi năm 2009 nêu rõ:
Giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học: Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm;
Giáo viên trung học cơ sở: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
Giáo viên trung học phổ thông: Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
Giảng viên cao đẳng, đại học: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm…
Như vậy, nếu căn cứ theo quy định trên thì bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm không còn đáp ứng quy định, không còn phù hợp khi Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2020.
Theo Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ 1/7 thì trình độ tối thiểu của giáo viên các cấp phải là bằng cao đẳng sư phạm. (Ảnh: TTXVN) |
Cụ thể, điều 72 Luật Giáo dục năm 2019 quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, giáo viên trung học cơ sở từ cao đẳng sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Luật Giáo dục 2019, Điều 115 Quy định chuyển tiếp:
Học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm được tuyển sinh trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 89 của Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2009/QH12, Luật số 74/2014/QH13 và Luật số 97/2015/QH13.
Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 89 Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 lại chỉ quy định về học phí, không phải quy định về tuyển dụng.
Ngoài ra, những giáo viên hiện tại đang làm việc mà có trình độ trung cấp vẫn có cơ hội để nâng chuẩn trình độ đào tạo.
Cụ thể, theo Khoản 2, điều 72 Luật Giáo dục năm 2019 có quy định: Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Theo đó, gần đây nhất là tháng 4/2020, Chính phủ đã ban hành dự thảo lần 3 của Nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở lần 2.
Cụ thể, lộ trình được thực hiện từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030 theo 2 giai đoạn: Từ 1/7/2020 đến 31/12/2025: Ít nhất 50% giáo viên thực hiện nâng trình độ chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp;
Từ 1/1/2026 đến 31/12/2030: Đảm bảo 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn theo quy định.
Đáng chú ý, việc nâng chuẩn chỉ áp dụng với giáo viên chưa đạt chuẩn và trừ đi thời gian đào tạo phải có độ tuổi tính từ 1/7/2020 đến tuổi được nghỉ hưu trừ còn đủ 8 năm (tức 96 tháng) công tác.
Qua đó có thể thấy, mặc dù đến cuối năm 2030 mới yêu cầu 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ nhưng từ 1/7/2020 khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, sẽ không tuyển dụng giáo viên có bằng trung cấp nữa.