Nhiều giáo viên không cần nâng chuẩn chỉ cần được xét thăng hạng

06/06/2020 06:19
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trước khi có lộ trình nâng chuẩn giáo viên thì nhà nước cần có chính sách xét đặc cách những thầy cô giáo đã tự học tập và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Ngày 1/7 tới đây, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thì những giáo viên có bằng trung cấp, cao đẳng sẽ chưa đạt chuẩn theo yêu cầu.

Hiện có nhiều giáo viên đã có bằng đại học nhưng vẫn đang ăn lương trung cấp (Ảnh minh họa: Báo Thanh niên)

Hiện có nhiều giáo viên đã có bằng đại học nhưng vẫn đang ăn lương trung cấp (Ảnh minh họa: Báo Thanh niên)

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo hàng trăm ngàn nhà giáo cần phải đào tạo lại để nâng chuẩn.

Với con số của 3 bậc học (bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) ước tính khoảng 400-500 ngàn người.

Ở bậc trung học cơ sở còn đến 40% đội ngũ chưa đạt trình độ đại học. Nếu tính trung bình tất cả các cấp thì tổng khoảng 25% đội ngũ cần đào tạo lại.

Nghe thì thấy số lượng đưa ra quá nhiều nhưng trong thực tế, giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo lại ít hơn rất nhiều.

Nhiều thầy cô tốt nghiệp đại học, ăn lương trung cấp hàng chục năm nay

Hiện ở các trường học ở cả 3 cấp còn khá ít giáo viên trung cấp, cao đẳng. Những thầy cô ở 3 cấp học này đã tự học xong đại học từ rất nhiều năm nay.

Tuy thế, nơi xét thăng hạng thì đa phần giáo viên đã được ăn lương theo bằng đại học.

Nhiều nơi lại tổ chức thi nhưng số giáo viên vượt qua “cử tử” môn ngoại ngữ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hoặc nhiều tỉnh thành cả một thời gian dài không tổ chức thi hoặc xét thăng hạng, thế nên tuy có bằng đại học, giáo viên vẫn phải ăn lương trung cấp, cao đẳng.

Không ít giáo viên bất bình vì đã tự bỏ tiền ra học nâng cao trình độ những vẫn không được công nhận. Họ chờ đợi, mong mỏi một chính sách nhân văn hơn nhưng vẫn chỉ là “ngóng dài mỏi cổ”.

Nay, Luật Giáo dục quy định, giáo viên phải đạt chuẩn đào tạo. Nhiều thầy cô giáo cũng chẳng quan tâm sẽ phải đi học thế nào.

Điều bận tâm nhất lúc này là được nhà nước công nhận văn bằng để được hưởng lương xứng đáng.

Nên bỏ thi thăng hạng cần có chính sách xét đặc cách lên hạng cho giáo viên đã có bằng đạt và trên chuẩn giảng dạy lâu năm

Trước khi có lộ trình nâng chuẩn giáo viên thì nhà nước cần có chính sách xét đặc cách những thầy cô giáo đã tự học tập và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong thời gian qua.

Số giáo viên chưa đạt chuẩn còn lại sẽ phân thành 2 nhóm. Nhóm đã lớn tuổi đủ điều kiện về hưu cần có chế độ để động viên, khuyến khích họ về hưu trước tuổi.

Số thầy cô giáo còn lại chưa đạt chuẩn (chắc chắn không nhiều) sẽ tiếp tục học bồi dưỡng để nâng chuẩn trình độ theo lộ trình.

Làm vậy, nhà nước cũng đỡ một khoản kinh phí đào tạo giáo viên nâng chuẩn mà những giáo viên được xét thăng hạng cũng sẽ yên tâm cống hiến công sức cho sự nghiệp giáo dục.

Phan Tuyết