Tại Hội thảo giáo dục năm 2017 do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội tổ chức vào ngày 22/9, trong phần thảo luận nội dung Quản lý Giáo dục Phổ thông do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Minh chủ trì nhận được nhiều ý kiến đóng góp và tranh luận sôi nỗi của nhiều đại biểu.
Trong phần thảo luận, vấn đề tự chủ ở các cơ sở giáo dục đào tạo công lập được nhiều đại biểu đặt ra và xem đây như là đòn bẩy, một "kiểu khoán 10 trong giáo dục" để phát triển giáo dục ở nước ta.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Minh chủ trì phiên thảo luận vấn đề Quản lý giáo dục phổ thông (ảnh Trinh Phúc). |
Tham luận của Tiến sĩ Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến gửi đến Hội thảo giáo dục năm 2017 cho rằng, vấn đề tự chủ phổ thông được đặt ra trong khoảng 40 năm trở lại đây, cùng với sự ra đời của mô hình quản lý công.
Luật Giáo dục năm 2005 quy định, “Tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục”.
Tuy nhiên, từ tự chủ trên văn bản đến tự chủ trên thực tế là một khoảng cách lớn. Đến nay, không chỉ riêng các trường mà ngay nhiều sở, phòng giáo dục và đào tạo cũng không có quyền trong tuyển dụng giáo viên”.
Theo Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến: “Tự chủ trong trường học là một chính sách quản lý, một công cụ để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, chứ không phải là mục đích để theo đuổi”.
Chuyên gia kiến nghị đưa thêm 2 môn học vào chương trình phổ thông mới |
Đồng quan điểm về ủng hộ việc tự chủ trong các cơ sở giáo dục công lập, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục Hà Nội, đồng thời là hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, cho rằng:
“Do các cơ quan quản lý giáo dục của nhà nước chưa thấy được trong nền kinh tế thị trường, các cơ sở giáo dục đều là những đơn vị sự nghiệp phục vụ dịch vụ công.
Nó cũng như các đơn vị sản xuất kinh doanh, phải được nhà nước quản lý theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội về kết quả đào tạo của mình.
Các cơ quan quản lý của nhà nước, quản lý các cơ sở giáo dục đào tạo công lập vẫn mang tư tưởng áp đặt cơ chế quản lý thời bao cấp của kinh tế chỉ huy, kinh tế tập trung quan liêu.
Đây là cách quản lý trái với quy luật của nền kinh tế thị trường.
Trong kinh tế thị trường, các cơ sở giáo dục đào tạo phải hết sức năng động sáng tạo và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng giáo dục, về kết quả đào tạo của mỗi nhà trường công lập”.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Ảnh: Thùy Linh). |
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh:
“Từ trường mầm non đến đại học đều phải được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội. Và các cơ sở giáo dục đào tạo mới là nơi tạo ra sản phẩm giáo dục đào tạo:
Đó là sự phát triển nhân cách, phẩm chất năng lực người học, các cấp quản lý giáo dục chỉ là cơ quan quản lý, chỉ đạo, giám sát để có những kết quả giáo dục đó cao hơn, đồng đều hơn.
Hiện nay các cơ quan quản lý giáo dục đang lầm lẫn giữa quản lý nhà nước về các cơ sở giáo dục đào tạo với việc quản trị của các cơ sở giáo dục đào tạo”.
GS.Trần Hồng Quân: Chỉ có tự chủ, giáo dục đại học mới có thể khởi sắc |
Lý giải về việc chậm tự chủ trong các cơ sở giáo dục hiện nay, ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng:
“Các cơ quan quản lý giáo dục các cấp không thấy được tác hại của việc chậm phân cấp quản lý, chậm trao quyền tự chủ thì càng kéo dài sự trì trệ lạc hậu của giáo dục đào tạo hiện nay.
Hiện nay các cơ sở giáo dục đào tạo công lập không để cháy trường, chết học sinh, không bị giáo viên, cha mẹ học sinh khiếu nại tố cáo gì, cán bộ quản lý các nhà trường vẫn an vị, trên bảo gì làm nấy, đâu cần sáng tạo, ai đánh giá chất lượng cao hay thấp, hết năm học sinh lên lớp 99-100% tốt nghiệp lúc nào cùng 99 – 100%.
Các trường học cộng lập nào được trao giấy khen, cờ thi đua, hiệu trưởng lại càng yên tâm “bình chân như vại”."
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa được vị chuyên gia này chỉ ra:
“Các cơ quan quản lý nhà nước về các cơ sở giáo dục đào tạo công lập họ sợ các cơ sở công lập được nhà nước cấp kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất nhà nước cũng bao trọn gói.
Đội ngũ nhà giáo do các cấp quản lý tuyển chọn cử đến, nếu giao quyền tự chủ các nhà trường, các cán bộ quản lý dễ làm thất thoát kinh phí, tài sản nhà nước.
Họ không hiểu được nhà nước chỉ trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đào tạo để dễ dàng gắn kết mục tiêu quyền lợi của người quản lý, người dạy với sản phẩm giáo dục mà họ tạo ra theo đúng quy luật kinh tế thị trường.
Các cơ sở giáo dục đào tạo chỉ có “thương hiệu” có chất lượng mới tồn tại. Nhà nước chỉ trao quyền cho các cơ sở giáo dục đào tạo theo thể chế được nhà nước quy định, chứ không buông quyền quản lý”.
Ông Nguyễn Tùng Lâm còn nhấn mạnh thêm:
“Phải hiểu các cơ sở giáo dục đào tạo được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là một bước tiến cơ bản để nền giáo dục Việt Nam tiến đến chất lượng giáo dục với đầy đủ ý nghĩa của nó, mới hội nhập các nước.
Cơ sở giáo dục đào tạo nào được nhà nước trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội là có điều kiện về cơ sở vật chất, về con người và chỉ có thể tự chủ trong vòng “kim cô” quy chế tự chủ của nhà nước định sẵn, không phảo tự do, tự ý muốn làm gì thì làm.
Tóm lại nếu không trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đào tạo hiện nay là một thiệt thòi lớn cho thế hệ trẻ Việt Nam, cho tương lai đất nước”.
Kỹ thuật đổi mới giáo dục phổ thông của ta chưa mạch lạc, thống nhất |
Cũng tại buổi hội thảo này, nhiều hiệu trưởng của các trường tư thục trên địa bàn Hà Nội đã đến và chia sẻ mô hình thành công trong việc tự chủ trong giáo dục.
Nhiều ý kiến cho rằng, trước đây họ đều xuất thân từ trường tư, sau đó ra trường công lập nghiệp.
Nghĩ lại, nếu như trường công chỉ cần được tự chủ bằng 1/3 trường tư thôi thì giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay đã có bước tiến lớn chứ không như bây giờ.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài tham luận của mình cho rằng:
Một trong số những nguyên nhân dẫn đến Chất lượng giáo dục phổ thông không được như kỳ vọng có lý do công tác quản lý giáo dục cứng nhắc đến mức xơ cứng, trói buộc sự năng động sáng tạo của cơ sở giáo dục và giáo viên, học sinh.
Quản lý giáo dục theo kiểu xiết chặt quản lý, cố gắng thiết lập “kỉ cương” chứ không phải theo quan điểm của Chính phủ hiện nay, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố: “Chính phủ kiến tạo, quản lý không phải quản lý mà kiến tạo."
“Mô hình quản lý giáo dục ngoài công lập có ưu thế hơn hẳn cơ chế quản lý truyền thống ở các trường công lập ở chỗ nó có chủ sở hữu, quản lý trực tiếp và tự chịu trách nhiệm, do đó năng động hơn, nhạy bén hơn và có quyết sách kịp thời hiệu quả hơn” – Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh.
Cũng đề cập đến vấn đề tự chủ, trong tham luận “Từ đổi mới chương trình giáo dục đến vấn đề quản lý hoạt động giáo dục nhà trường”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Ngọc Giao cho rằng:
“Có người cho rằng, để đổi mới giáo dục trước hết cần đổi mới cơ chế quản lý giáo dục và hy vọng có thể tạo ra khâu đột phá như “Khoán 10 trong nông nghiệp”.
Thực tế tìm kiếm, thực tế thực thực hiện một số cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cũng đã có những bước tiến đáng ghi nhận, nhưng liệu đã có thể đột phá?
Đối với giáo dục, cơ chế là quan trọng nhưng nhưng con người còn quan trọng hơn nhiều, cơ chế phải có nền tảng nhân văn”.