Chuyên gia kiến nghị đưa thêm 2 môn học vào chương trình phổ thông mới

15/04/2017 06:15
Thùy Linh
(GDVN) - “Tôi có cảm giác dự thảo không có một hệ thống tiêu chí rõ ràng trong việc xác định phẩm chất mà chỉ điều chỉnh theo các ý kiến đóng góp”.

Tại hội nghị góp ý diễn ra ngày 13/4 cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa công bố, Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, dự thảo đã khắc phục được nhiều tồn tại của dự thảo công bố hồi tháng 12/2015.

Ông Tiến nhận xét, ưu điểm của dự thảo này là xây dựng theo hướng mở, dành không gian cho các nhà viết sách giáo khoa, các trường, nhà giáo tổ chức thực hiện chương trình một cách sáng tạo.

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, có nhiều vấn đề cần trao đổi thêm, chẳng hạn như mục tiêu chương trình cần được thể hiện bằng cách chỉ ra những kết quả học tập đầu ra (learning outcomes) mà chương trình hướng tới.

Nghĩa là phải chỉ ra những cái mà người học biết, hiểu và có thể thực hiện khi kết thúc chương trình giáo dục phổ thông. 

Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến (Ảnh: Thùy Linh)
Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến (Ảnh: Thùy Linh)

Về vấn đề xác định các phẩm chất và năng lực của học sinh. Theo đó, dự thảo đưa ra 6 phẩm chất chủ yếu trong khi dự thảo trước đó đưa ra 8 phẩm chất.

Tôi có cảm giác dự thảo không có một hệ thống tiêu chí rõ ràng trong việc xác định phẩm chất mà chỉ điều chỉnh theo các ý kiến đóng góp” – ông Tiến nói.

Chuyên gia kiến nghị đưa thêm 2 môn học vào chương trình phổ thông mới ảnh 2

Công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2017

Theo ông Tiến, trong việc xác định các phẩm chất không nhất thiết phải đưa ra từng cặp một như cách làm của dự thảo và cũng không nên dùng các từ quá to tát và khó xác định như phẩm chất “bản lĩnh”. 

Chia sẻ thêm về ý kiến này, ông Bùi Gia Thịnh - nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, chương trình chưa thành công trong việc quy định các phẩm chất, năng lực trong từng môn học cụ thể.

Với chương trình tổng thể này, khó lòng xây dựng được chính xác chương trình cho từng môn, khó cho tác giả viết sách giáo khoa có thể viết theo đúng mục tiêu của chương trình”, ông Thịnh nêu quan điểm.

Giải thích về điều này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông khẳng định, các chương trình môn học khi được xây dựng sẽ gắn chặt với “chuẩn đầu ra” đã được xác định chính là các phẩm chất, năng lực đã được xác định.

Bên cạnh đó, ông Tiến cho rằng, dự thảo cũng chưa đề cập đến mối quan hệ giữa các năng lực chung và các môn học.

Làm rõ mối quan hệ giữa các năng lực và từng môn học/ hoạt động giáo dục thì mới định hướng được kết quả đầu ra cho việc xây dựng các chương trình môn học” – ông Tiến nói. 

Bởi lẽ, theo ông Tiến, chỉ khi đó thì mới định hướng được về kết quả đầu ra (liên quan đến năng lực chung và năng lực đặc thù môn học) cho việc xây dựng các chương trình môn học. 

Hơn nữa, theo ông Tiến, trải nghiệm sáng tạo phải là hoạt động gắn liền với từng môn học trong khi dự thảo hiện nay đang để hoạt động trải nghiệm sáng tạo như một môn học riêng biệt.

Chuyên gia kiến nghị đưa thêm 2 môn học vào chương trình phổ thông mới ảnh 3

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Sở nào cũng viết sách giáo khoa thì loạn

Vấn đề là giáo viên nào sẽ phụ trách môn học này và liệu nhà trường sư phạm có phải xây dựng chương trình đào tạo các giáo viên chuyên về tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo hay không?” – ông Tiến lo lắng.

Giải thích điều này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động thực hành nhằm đưa học sinh vào cuộc sống. Hoạt động này có thể bao gồm những sinh hoạt phục vụ cộng đồng, sinh hoạt tập thể như chào cờ, sinh hoạt lớp…

Tuy nhiên, chương trình phải có quy định rõ ràng và có tài liệu tài liệu học tập cho các địa phương thực hiện để tránh tình trạng biến hoạt động trải nghiệm sáng tạo thành du lịch trá hình, làm tốn tiền phụ huynh học sinh.

Với các môn học bắt buộc ở lớp 11 và lớp 12, ông Tiến băn khoăn: “Không rõ Dự thảo dựa trên cơ sở nào để đề ra các môn học bắt buộc gồm giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục thể chất và trải nghiệm sáng tạo”. 

Bởi lẽ, theo ông, giáo dục quốc phòng và an ninh tuy rất quan trọng nhưng nên tập trung thực hiện trong phạm vi nghĩa vụ quân sự như vậy hiệu quả hơn, chất lượng hơn.
 
Giáo dục thể chất cũng như giáo dục nghệ thuật nên dành cho các hoạt động câu lạc bộ phù hợp với sở thích và năng khiếu từng cá nhân. 

Ngoài ra, dự thảo có chú ý đến các khuyến nghị của UNESCO về giáo dục 2030 cũng như những vấn đề đặt ra đối với giáo dục trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Căn cứ vào đó, hiện nay trong chương trình giáo dục phổ thông trên thế giới thường có bổ sung một số môn học mới, cụ thể là môn Khoa học về trái đất và môi trường và môn Tài chính. 

Ông Tiến cho rằng, đây là hai môn học cần xem xét để đưa vào chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đặc biệt ở giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông. 

Còn về điều kiện thực hiện chương trình, ngoài 4 nhóm điều kiện (tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục; xã hội hóa giáo dục) thì cần thêm điều quan trọng đó là xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá theo kết quả đầu ra. 

Do hiện nay, chúng ta thiếu một cơ chế như vậy. Vì thế, một mặt không ngăn chặn được bệnh thành tích, mặt khác cũng không có bằng chứng tin cậy để đánh giá việc thực hiện chương trình, làm cơ sở khoa học cho việc không ngừng điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông. 

Thùy Linh