LTS: Nhân việc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh gửi đơn từ chức, Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Phương từ Cộng hòa Liên bang Đức chia sẻ quan điểm của mình về khoa học "từ chức".
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, người được phân công phụ trách mảng đô thị từ tháng 3/2016, chịu trách nhiệm lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường đã tồn tại dai dẳng xưa nay không giải quyết được, mới đây bất ngờ nộp đơn từ chức hết mọi chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ban thường vụ, Đại biểu Hội đồng nhân dân quận, đã trở thành sự kiện chấn động truyền thông.
Đặc biệt nhất là lý do từ chức bởi ông “đã không thực hiện được lời hứa trước nhân dân, giải quyết dứt điểm vấn đề này”.
Với quyết định trên, ông Hải nhằm mục đích “khi trở lại là công dân sẽ có nhiều thời gian để suy nghĩ về các giải pháp căn cơ, nhân văn, không ảnh hưởng đển mưu sinh của người nghèo”.
“Trước ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự xin từ chức (trước 2 năm) vì ông cho rằng chức vụ không phải tài sản riêng của cán bộ, đó là nhiệm vụ mà nhân dân giao phó và cần được chuyển giao cho thế hệ trẻ” (Trích Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam).
Vậy sự kiện chính trị hiếm có chấn động trên, nên và có thể nhìn nhận dưới góc độ khoa học và thực tế thế giới như thế nào?
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Lê Phong/Báo Người lao động) |
"Tôi có làm gì sai đâu"
Năm 2007, nhà sử học Đức Michael Philipp công bố một công trình nghiên cứu khoa học về Từ chức trong lĩnh vực chính trị.
Công trình này lấy tựa đề từ một câu cửa miệng trong giới chính khách Đức “Persönlich habe ich mir nichts vorzuwerfen - Tôi có làm gì sai đâu” (thực ra không chỉ ở Đức, các tầng lớp chính khách trên thế giới cũng thường trả lời vậy, một khi bị chỉ trích).
Công trình nghiên cứu khảo sát tổng cộng 250 chính khách lãnh đạo cao cấp Đức, từ những nhân vật tên tuổi, đứng đầu, Chủ tịch Đảng, Tổng thống, Thủ tướng, bộ thứ trưởng cấp liên bang đến Thủ hiến, bộ, thứ trưởng cấp tiểu bang, từ chức từ năm 1950 (tức trong 57 năm, bình quân mỗi năm ít nhất 4 người), được chia ra 2 dạng thức từ chức bình thường và từ chức trong trường hợp bê bối, và phân nhóm theo các dấu hiệu về nguyên nhân, như :
(1) do vụ lợi, (2) sai trong hành xử, (3) tự nhận trách nhiệm chính trị (mặc dù họ không có lỗi trực tiếp), (4) để phản đối, (5) lý do riêng, (6) tự thấy không còn thích hợp, (7) muốn thay đổi vị trí, hoặc nghề nghiệp (đây là trường hợp ngoại lệ không thuộc bản chất từ chức)...
Phạm trù “Từ chức”
Từ chức là một phạm trù văn hoá trong chính trị, nội hàm mang 5 dấu hiệu:
(1*) Tự mình (2*) chấm dứt chức vụ hiện tại (3*) do được bầu hoặc bổ nhiệm (tức chức vụ lãnh đạo, có quyền lực) (4*) trước thời hạn, (5*) do đòi hỏi của dư luận, chính trường (chứ chưa hẳn vi phạm pháp luật).
Bản chất Từ chức là (1**) Từ bỏ mọi quyền lợi trách nhiệm cá nhân gắn với chức vụ đó để (2*) chứng tỏ họ là người chủ động tự mình quyết định, (3**) để xã hội nhìn nhận đúng thực chất vấn đề dẫn tới việc họ phải từ chức;
(4**) Hoặc để thể hiện quan điểm họ về các mối quan hệ trong bộ máy chính quyền mà họ là một mắt xích, hay (5**) về các chuẩn mực giá trị của một xã hội hoặc chí ít một phần của xã hội đó;
(6**) Và cuối cùng nhưng mấu chốt nhất là thể hiện được nhân phẩm của mình (được tôn trọng là người có văn hoá, không cố bấu víu lợi ích hay tên tuổi mà chức vụ đó mang lại, một khi dư luận không còn tín nhiệm).
Về mặt xã hội, từ chức sẽ giải toả được bất ổn cho nhà nước xã hội do người giữ chức vụ đó gây ra hoặc có thể gây ra (như ốm đau, già lão).
Tổng hợp lại, từ chức đối với các nhân vật lãnh đạo trong bộ máy đảng và nhà nước phản ảnh trách nhiệm chính trị cá nhân họ, tự họ quyết định không do luật điều chỉnh chế tài, nên nhân cách được tôn trọng.
Đối lập với từ chức là cách chức - hình phạt do luật về bầu cử bổ nhiệm chế định, nên bị dư luận lên án về nhân cách.
Cả hai đều mất chức vụ, nhưng từ chức vẫn được phép thừa hưởng lợi ích từ chức vụ cũ đem lại, cách chức thì không; từ chức cánh cửa sự nghiệp, tương lai vẫn rộng mở, cách chức thì ngược lại.
Sự khác nhau trên trở thành động lực và buộc quan chức phải ưu tiên lựa chọn cách hành xử từ chức, tránh cách chức, tạo nên nếp sống văn hoá đặc trưng của một nền chính trị văn minh, gọi là văn hoá từ chức (trong chính trị).
Mặc dù vậy, từ chức luôn là một quyết định khó khăn nhất của các chính khách nên không hiếm chính khách “lần chần” đợi tới khi tình thế bắt buộc thì đã quá muộn.
Điển hình như ở Đức, trường hợp Bộ trưởng Môi trường Röttgen (Đảng CDU), năm 2012 bị thất cử trong kỳ bầu cử ở Tiểu bang NRW do ông dẫn đầu.
Chủ tịch Đảng CDU, Thủ tướng Mekel đòi ông từ chức; ông từ chối (thiếu văn hoá từ chức) lập tức bị cách chức Bộ trưởng (theo luật).
Hay Bộ trưởng Quốc phòng Rudolf Scharping (Đảng SPD) bị Thủ tướng Gerhart Schröder thải hồi năm 2002, do bị cáo buộc lạm dụng máy bay trực chiến của quân đội sang Mallorca để tranh thủ du lịch cùng vợ đang ở đó; và nhận của ông Moritz Hunzinger (Chủ tịch tập đoàn infas Holding AG) quà tặng một bộ đồ Comple đắt giá, bị các đảng phái đồng loạt lên tiếng đòi từ chức.
Không những không chịu từ chức, ông còn cáo buộc lại phe đối lập tung tin nói xấu.
Lịch sử từ chức ở Đức qua các nhân vật lãnh đạo cao cấp, phân nhóm theo lý do
*Do vụ lợi:
- Otto Graf Lambsdorff - Bộ trưởng Kinh tế Liên bang, Chủ tịch Đảng FDP từ chức ngày 27/6/1984 vì bị đòi điều tra cáo buộc tội tìm cách cho tập đoàn Flick-Konzern được hưởng ưu đãi thuế 850 triệu DM đổi lại nhận được tiền tập đoàn quyên góp cho Qũy Đảng FDP 135 triệu DM.
- Lothar Späth (Đảng CDU) - Thủ hiến kỳ cựu Tiểu bang Baden-Württembergs được các doanh nghiệp mời nhiều chuyến du lịch miễn phí, buộc phải từ chức ngày 13/01/1991, tới 30/07 thôi luôn chức nghị sỹ tiểu bang.
- Jürgen Möllemann - Chủ tịch Đảng FPD giữ chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế Liên bang, ứng viên Thủ tướng, từ chức tháng 1/1993, chỉ vì dùng tờ giấy mẫu công văn của bộ, đặt mua hàng cho vợ.
- Günther Krause (Đảng CDU), Bộ trưởng Giao thông lúc 40 tuổi giữ chức Thứ trưởng Chính phủ Đông Đức và trở thành Bộ trưởng Liên bang phụ trách những vấn đề đặc biệt từ năm 1990, năm 1993 từ chức do vợ xin tiền trợ cấp sai, chuyển nhà xin 6000 DM tiền hỗ trợ không đúng tiêu chuẩn.
- Gerhard Glogowski (Đảng SPD) - Thủ hiến Tiểu bang Niedersachsen từ chức năm 1999 bởi đã rút một phần tiền trong quỹ từ thiện do các doanh nghiệp quyên góp chi cho đám cưới của mình.
- Kurt Biedenkopf (Đảng CDU) - Thủ hiến Tiểu bang Sachsen từ chức tháng 4/2002 vì bị cáo buộc thuê căn hộ trong nhà khách chính phủ với giá thấp qúa mức.
Mua hàng tại hãng bán đồ xây dựng Ikea-Einkauf nhận được phiếu giảm giá bất thường.
- Gregor Gysi - Chủ tịch Đảng PDS, tháng 7/2002 từ chức Bộ trưởng Kinh tế Berlin vì bị cáo buộc sử dụng quyền được hưởng giảm giá do mua nhiều vé (cho các chuyến bay công vụ) để mua vé máy bay cho công việc cá nhân.
- Ulla Schmidt (Đảng SPD), năm 2009 từ chức Bộ trưởng y tế do sử dụng xe công và tài xế đưa đi du lịch cá nhân rồi để xe bị trộm cuỗm luôn.
- Tổng thống Christian Wulff từ chức ngày 17/12/2012 với lý giải do uy tín bị mất.
Một ngày trước đó, Viện Kiểm sát tiểu bang Hannover đệ đơn lên quốc hội đòi hủy quyền miễn trừ của Tổng thống để có thể điều tra cáo buộc tội vụ lợi (năm 2007 khi đang làm thủ hiến tiểu bang Niedersachsen được nhà làm phim David Groenewold trả tiền khách sạn cho ngày nghỉ cuối tuần ở Syl 258 Euro/tối và tới năm 2008 được chủ khách sạn miễn phí cho con nhỏ đi cùng hơn 750 Euro khi làm khách danh dự ngày Hội Tháng 10 ở München).
*Hành xử sai:
- Franz Josef Strauß (CSU) - Bộ trưởng Quốc phòng, năm 1962 vướng bê bối với tờ báo Spiegel.
Tờ báo này đăng bài chỉ trích quân đội lập tức toà soạn bị khám xét, Tổng biên tập Rudolf Augstein bị bắt giam điều tra, gây nên một làn sóng phản đối từ báo chí đến các đảng phái buộc Josef Strauß phải từ chức.
Nên có quy định tạo điều kiện cho những người cần, phải từ chức |
- Björn Engholm - Chủ tịch Đảng SPD giữ chức Thủ hiến Tiểu bang Schleswig-Holsteins, năm 1993 tuyên bố rút ra khỏi mọi chức vụ, lý do ân hận vì đã khai báo sai có chủ đích trong vụ điều trần trước Quốc hội Tiểu bang xảy ra từ năm 1983 liên quan tới vụ khủng hoảng mang tên của đối thủ chính trị Uwe Barschel của Đảng CDU tranh cử chức Thủ hiến với ông lúc đó, làm Đảng CDU bị thua phiếu và ông này tự vẫn năm 1987 gây chấn động chính trường.
- Philipp Jenninger (Đảng CDU) - Bộ trưởng Phủ Thủ tướng từ năm 1982, tới nhiệm kỳ tiếp theo giữ chức Chủ tịch Hạ viện.
Đến tháng 11/1988, ở tuổi 50 ông từ chức ngay, sau khi phát biểu "lỡ lời"(nhóm 2) tại lễ tưởng niệm nạn nhân vụ sát hại đồng loạt người Do Thái tháng 11/1938, bị giới truyền thông và các chính khách, đảng phái đối lập phản ứng sôi sục.
Vụ thảm sát cấp quốc gia này làm ô nhục nước Đức với hơn 400 người bị giết tại chỗ, 30.000 người bị bắt vào lò thiêu tập trung, 1400 nhà cửa, công ty, nhà thờ Do Thái bị phá, đốt.
Philipp Jenninger đã dùng từ “buổi tưởng niệm về sự cố” (trong khi đây là vụ diệt chủng).
- Karl-Theodor zu Guttenberg (Đảng CDU) từng làm Bộ trưởng Kinh tế Liên bang từ năm 38 tuổi, tiếp đó làm Bộ trưởng Quốc phòng, và từ chức tháng 2/2011 sau khi bị phát hiện đạo văn hồi làm luận án Tiến sỹ.
*Tự nhận trách nhiệm chính trị:
- Willy Brandt - Chủ tịch Đảng SPD, Thủ tướng, từ chức ngày 24/04/1974 sau khi cộng sự thân cận ông Günter Guillaume bị phát hiện là điệp viên của Đông Đức.
Đơn từ chức ông cho biết tự nhận trách nhiệm chính trị do không phát hiện kịp thời điệp viên Guillaume.
- Philipp Rösler - Chủ tịch Đảng FDP, Phó Thủ tướng gốc Việt đang ở tuổi 40, kỳ bầu cử Quốc hội ngày 22/09/2013 Đảng ông lần đầu tiên trong lịch sử bị thất cử, thì ngay ngày hôm sau 23/09/2019 ông tuyên bố từ chức Chủ tịch.
*Để phản đối:
- Sabine Leutheusser-Schnarrenberger - Bộ trưởng Tư pháp từ chức ngày 14/12/1995 sau khi Đảng FDP của bà lấy trưng cầu đảng viên về đề xuất chính sách cho phép cơ quan điều tra tội phạm và mật vụ được giám sát khẩn cấp mà theo bà chính sách đó đã hướng sang một nhà nước độc tài, xâm phạm quyền cơ bản đã hiến định.
- Oskar Lafontaine - Chủ tịch Đảng SPD, Bộ trưởng Tài chính Liên bang tháng 3/1999 đột ngột tuyên bố từ chức đối với mọi chức vụ trong Đảng lẫn Nhà nước, do tranh cãi chính sách thuế khoá với Thủ tướng Gerhard Schröder (Đảng SPD), và trở thành nhà chỉ trích chính sách của Thủ tướng cũng là người kế nhiệm chức Chủ tịch Đảng Gerhard Schröder.
- Tổng thống Horst Köhler, ngày 31/05/2010 tuyên bố từ chức ngay chỉ vì trả lời phỏng vấn báo chí cho rằng quân đội Đức đồn trú tại Afghanistan vì quyền lợi ngoại thương Đức, lập tức bị chính trường sôi sục chỉ trích phát biểu vi hiến.
Ông lý giải từ chức để phản đối những chỉ trích đó làm ông không còn uy tín trong vai trò nguyên thủ quốc gia.
*Lý do riêng:
- Franz Müntefering - Chủ tịch Đảng SPD, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Lao động và Xã hội, ngày 13/11/2007 đệ đơn từ chức với lý do gia đình.
Phát biểu từ chức của ông đã làm cả quốc hội xúc động, nhiều người không cầm được nước mắt khi ông nói, vợ ông từ bảy năm nay đã phải qua 5 lần phẫu thuật và hiện đang phải nằm điều dưỡng chưa biết mệnh hệ thế nào.
Ông phải đứng trước lựa chọn hoặc tiếp tục công việc bộ trưởng hoặc phải luôn chu toàn bên cạnh vợ như ông đã từng hứa.
*Tự thấy không còn thích hợp:
- Hans-Dietrich Genscher, sau 23 năm nắm giữ qua các chức vụ Chủ tịch Đảng FDP, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang, Bộ trưởng Ngoại Giao, Phó Thủ tướng, tới năm 1992 từ chức ở tuổi 65.
Ông cắt nghĩa, phải dừng lại ngay cả khi ở đỉnh cao nếu đã giữ chức vụ một thời gian dài, nghĩa là không còn thích hợp, bởi theo ông “dân chủ có nghĩa giữ chức vụ có thời hạn” (được hiểu tài năng rất nhiều, ai cũng có quyền đảm nhiệm, không thể ưu tiên người nào quá lâu).
*Để thay đổi vị trí:
- Richard von Weizsäcker (Đảng CDU) - Thủ hiến Berlin, từ chức năm 1983 để ứng cứ Tổng thống.
*Tương lai sự nghiệp vẫn rộng mở một khi từ chức giúp họ vẫn giữ được uy tín
- Philipp Rösler chỉ sau 4 tháng từ chức, trở thành Giám đốc điều hành, phụ trách quan hệ với các chính phủ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF.
- Richard von Weizsäcker trúng cử Tổng thống.
- Franz Josef Strauß, nhiệm kỳ sau trở thành Bộ trưởng Tài chính rồi Thủ hiến Tiểu bang Bayern, ứng viên Thủ tướng.
- Lothar Späth, từ năm 2004 thuộc Hội đồng trao giải doanh nhân Entrepreneur des Jahres.
Từ năm 2008 đến 2012, Chủ tịch Hội Denkmalstiftung Baden-Württemberg, và Hội Marion Ermer Stiftung hỗ trợ nghệ thuật và văn hóa Liên bang.
Ông được trao tặng nhiều danh hiệu, như Công dân Danh dự thành phố Jena 1997, Giải Con gà vàng năm 2002, Huy chương Tiểu bang Thüringen 2003, Tiến sỹ Danh dự Đại học Tổng hợp Ulm 2006.
- Horst Köhler hiện là người bảo trợ cho nhiều tổ chức thiện nguyện lớn như Wettbewerbs Jugend hay Deutschen Roten Kreuzes (DRK).
- Karl Theodor zu Guttenberg, hiện là cố vấn danh dự cho Ủy hội EU.
- Ulla Schmidt từ năm 2010 là nghị sỹ thuộc Đảng SPD, thành viên nghị sỹ tham gia hội đồng của Nato, thành viên danh dự của Ủy ban UNESCO.
- Kurt Biedenkopf tham gia Hội đồng quản trị Viện khoa học Kinh tế và Xã hội Bonn; từ năm 2011 là Giáo sư tại Trung tâm Khoa học Berlin.
Mấy ai dũng cảm từ chức như ông Đoàn Ngọc Hải?(GDVN) - Ông Lê Như Tiến: "Một số nhà quản lý hứa trước Quốc hội là phải thực hiện công việc này, công việc kia nếu không thực hiện được cũng nên có văn hóa từ chức". |
- Franz Müntefering hiện là Chủ tịch Hiệp hội Phụ lão Liên bang BAGSO, Chủ tịch một ủy ban của Diễn đàn Dân số học Berlin.
- Oskar Lafontaine, năm 2005 ra khỏi Đảng SPD, thành lập và lãnh đạo đảng WASG, tiếp đó liên kết với Đảng PDS (chuyển đổi từ Đảng Cộng sản Đông Đức) thành Đảng Linken-PDS. Ông từ chức lần 2 ngày 17/11/2009 vì bệnh ung thư (Nhóm 5**).
Sau khi điều trị khỏi bệnh, ông hoạt động chính trị trở lại ở cấp tiểu bang, hiện là Chủ tịch khối nghị sỹ đảng Linken tiểu bang Saarland.
- Gregor Gysi hiện đang lãnh đạo phe đối lập trong Hạ viện và Chủ tịch Liên minh đảng Linke châu Âu.
- Cem Özdemir hiện đang thành công trên chính trường làm Chủ tịch Đảng Xanh.
Thay cho lời kết
Nhân vật cáo quan từ chức nổi bật lịch sử nước ta, "vị Quan Tư nghiệp Quốc tử giám Chu Văn An chấm tay áo gạt nước mắt, treo mũ ở cửa Huyền Vũ rồi về quê dạy học" được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu bật ý nghĩa liên quan tới vận mệnh quốc gia thể hiện ngay ở chính tên bài viết mới đây “Lịch sử giúp chúng ta hiểu về hiện tại, dự báo tương lai“ (Nhân Dân).
Với ý nghĩa lớn lao đó, trước sự kiện ông Đoàn Ngọc Hải từ chức, ai trăn trở không thể không đặt câu hỏi so sánh:
“Có bao nhiêu lãnh đạo hứa trước Quốc hội về việc này việc nọ nhưng sau đó bao nhiêu người viết đơn xin thôi chức vì không thực hiện được lời hứa (như ông Đoàn Ngọc Hải)?“ ("Người Việt mình tốt lắm, niềm tin đâu mất tiền mua", Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam).
Để có được câu trả như thực tế Đức, khoa học từ chức hơn lúc nào hết rất cần được áp dụng ở nước ta hiện nay.
Chỉ trên nền tảng môi trường đó, mới có thể như Đức tránh được quốc nạn hình sự tham nhũng xâm nhập vào lĩnh vực quyền lực nhà nước mà ở ta đang phải giải quyết.