Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa mới trong cơ sở giáo dục phổ thông. Dự thảo Thông tư này được xây dựng căn cứ theo Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Theo dự thảo Thông tư, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.
Mỗi môn học của một cấp học thành lập một Hội đồng.
Nó mập mờ ở việc mỗi môn học trong dự thảo là khối lớp và chỉ được chọn một đầu sách.
Trong khi đó, phê duyệt khung chương trình giáo dục phổ thông mới, Chính phủ đã chỉ đạo một chương trình và nhiều tài liệu.
Như vậy có thể hiểu nếu theo dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì lại tạo thành độc quyền về sách giáo khoa.
Ngây lập tức, nhiều ý kiến cho rằng những người làm sách giáo khoa và chương trình ở Bộ Giáo dục dường như định làm ngược với chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước.
Cụ thể, nếu dự thảo Thông tư nêu trên được phê duyệt, sẽ lại tạo nên thế độc quyền trong việc lựa chọn sách giáo khoa tại các địa phương, từ đó dẫn đến độc quyền cả về giá sách.
Hướng dẫn mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở một khối lớp lựa chọn 01 (một) đầu sách giáo khoa là Bộ Giáo dục đã đi ngược lại Quyết định của Thủ tướng. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nêu quan điểm: “Nhà nước đã ban hành chuẩn chương trình, từ chuẩn chương trình đó vận dụng vào các trường khác nhau ở các địa bàn khác nhau.
Những chương trình khác nhau đó đều phải được xây dựng xuất phát từ chương trình chính, vậy hiểu thế nào là chuẩn chương trình mà Chính phủ đề ra?
Đó là những quy định tối thiểu mà chương trình ở trường này, trường khác hoặc địa phương này, địa phương khác đều phải có để thống nhất chung cho cả nước, đó gọi là chuẩn chương trình”.
Cũng theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: “Từ chuẩn chương trình đó có thể phát triển ra sao cho phù hợp với từng địa phương, từng trường nhưng theo tôi nhất định phải cao hơn cái tối thiểu mà chương trình chuẩn đã đặt ra chứ không thể thấp hơn, đó mới là hướng đi đúng theo chỉ đạo, nếu không thì sao lại gọi là đổi mới giáo dục?”.
Đi ngược lại Luật Giáo dục?
Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội có quy định cả nước có một chương trình chuẩn nhưng có nhiều sách giáo khoa khác nhau cho mỗi môn học.
Theo Quyết định số 404/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tại điểm đ Điều 1 có nêu rõ: Thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa.
Theo Luật Giáo dục, Điều 32 điểm 1b quy định, mỗi môn học có 1 hoặc 1 số sách giáo khoa.
Vậy có thể hiểu đây là mục tiêu chương trình đổi mới của Đảng và Nhà nước về giáo dục “Thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, nhưng những người chịu trách nhiệm làm việc này ở Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không những không theo, mà lại còn đi ngược lại.
Thật khó giải thích khi từ thực tế trên, có ý kiến cho rằng một số cán bộ của Bộ giáo dục không thích cái mới, cái tiến bộ, những cải cách mang tính ưu việt, phải cao hơn cái tối thiểu mà chương trình chuẩn đã đặt ra, mà vẫn một mình đi theo hướng đã cũ là mỗi môn học chỉ được chọn một đầu sách.
Như vậy thì cần gì phải đổi mới, cải cách nữa?
Chỉ đạo của chính phủ với mục đích đổi mới căn bản về giáo dục, xóa bỏ tính độc quyền của mặt hàng sách giáo khoa.
Từ đây, dư luận xã hội có quyền đặt câu hỏi về tính độc quyền về chọn sách giáo khoa trong Dự thảo khó hiểu của Bộ Giáo dục.
Hơn nữa, nếu như cả 4 bộ sách giáo khoa mới đều nằm trong danh mục sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, vậy thì Bộ cứ để hội đồng lựa chọn sách giáo khoa các tỉnh tự quyết định lựa chọn và thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa theo đúng Quyết định của Thủ tướng, tại sao lại phải hướng dẫn thêm điều này?
Giáo dục Việt Nam hiện nhận được đề nghị của nhiều nơi gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm bỏ quy định tại mục 2 Điều 2 về nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa trong dự thảo Thông tư hướng dẫn để tránh mang tính độc quyền về chọn sách.
Độc quyền luôn mang lại quyền lợi cho nhóm lợi ích, ngay cả khi đã có Luật mà nhóm lợi ích vẫn cứ vòng vèo mập mờ để kéo dài cái độc quyền khó hiểu.
Bên cạnh đó tính minh bạch trong việc chọn sách giáo khoa cũng phải đặt lên hàng đầu, việc giao các tỉnh chọn sách giáo khoa rất dễ dẫn đến chuyện tạo ra cơ chế tiêu cực, thành cuộc chạy đua của các nhà xuất bản để tỉnh chọn bộ sách này và bỏ bộ sách kia.
Còn một điều nữa tưởng như vô tình, nhưng trong năm đầu tiên thực hiện đổi mới sách giáo khoa lớp 1 là có tới 24/32 sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thì đều thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Như vậy, các trường lựa chọn bộ sách nào thì đa số cũng thuộc về quyền lợi của nhà xuất bản này, đó cũng là một điểm dẫn đến độc quyền về đầu sách cũng như là về giá sách, và người chịu thiệt thòi chính là các em học sinh. Điều này có thể lý giải phần nào điểm khó hiểu về hướng dẫn chỉ được chọn 01 đầu sách của Bộ.
Vậy đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội và Quyết định 404/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ Thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa.
Chỉ có như vậy mới không dẫn đến tình trạng độc quyền về sách giáo khoa, tăng giá sách như thời gian vừa qua, việc này đã gây bức xúc cho phụ huynh học sinh và toàn xã hội.