Từ kết quả thí điểm, Bắc Giang đề nghị có quy định để học bạ số áp dụng đại trà

07/08/2024 06:34
Ngọc Huệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Với kết quả thí điểm học bạ số, Sở GD&ĐT Bắc Giang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành quy định để học bạ số triển khai đại trà từ năm học 2024-2025.

Ngay sau khi Kế hoạch 213/KH-BGDĐT ngày 01/3/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về triển khai thí điểm Học bạ số cấp tiểu học ban hành, ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo thí điểm học bạ số; ban hành kế hoạch, các công văn hướng dẫn, đồng thời tích cực phối hợp với các sở, ngành của tỉnh có liên quan để triển khai thí điểm thực hiện học bạ số đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau quá trình triển khai thí điểm học bạ số ở các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã cho thấy nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, toàn tỉnh Bắc Giang có 242/242 trường tiểu học tham gia thí điểm học bạ số (đạt 100%) với 4621/4261 lớp và 151.001/151.001 học sinh tham gia thí điểm học bạ số cấp tiểu học năm 2024.

Tổng số học bạ số đã được ký phát hành là 149.003/150.999, đạt 98,68% (còn 712 học bạ số chưa được ký phát hành do học sinh đang rèn luyện trong hè, hoặc do giáo viên chưa hoàn thiện được chứng thư số).

Học bạ số giúp theo dõi, quản lý hồ sơ chặt chẽ, khoa học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đào Thị Hường - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cho biết, học bạ số giúp lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh cũng như kết quả học tập và rèn luyện của học sinh; thể hiện tính nhất quán khi phát hành học bạ; giảm áp lực sổ sách cho giáo viên, nhà trường; tiết kiệm thời gian, tăng tính chính xác trong xử lý công việc quản lý học bạ số; việc theo dõi, quản lý hồ sơ chặt chẽ, khoa học.

Đối với lãnh đạo nhà trường, học bạ số và chữ ký số giúp việc xác nhận, ký duyệt học bạ trở nên tiện lợi hơn, quản lý thông tin của học sinh tốt hơn, bảo mật tốt.

Khi được phép triển khai học bạ số một cách đồng bộ với tất cả học sinh các lớp (từ lớp 1 đến lớp 12), học bạ số có tính liên thông nên giảm nhiều thời gian nhập liệu cho các trường khi có học sinh chuyển trường.

IMG_4847.JPG
Quang cảnh Hội nghị Kiểm tra công tác triển khai thí điểm Học bạ số cấp tiểu học của tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang)

Phó Giám đốc Sở cho biết ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả, có tính kế thừa việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; Chuyển đổi số trong giáo dục giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án đẩy mạnh dạy Tin học và ứng dụng công nghệ thông tin trong trường phổ thông giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; xây dựng Kế hoạch số 72/KH-SGDĐT về thực hiện chuyển đổi số ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Sở cũng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 224/KH-UBND về triển khai thực hiện Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

Từ việc định hướng một cách đồng bộ, thống nhất, các nền tảng phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp quản lý, dạy học đến chuyển đổi số trong giáo dục được triển khai một cách bài bản, xuyên suốt, từ cấp quản lý tới mỗi địa phương, cơ sở giáo dục.

Screenshot 2024-08-02 153611.png
Giáo viên Trường Tiểu học Đông Thành (thành phố Bắc Giang) đang trao đổi sử dụng học bạ số. (Ảnh: NTCC)

"Một trong các yếu tố rất thuận lợi khi triển khai học bạ số của tỉnh là cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị dạy học môn Tin học; bồi dưỡng đội ngũ giáo viên Tin học nói riêng và giáo viên tiểu học nói chung để sẵn sàng triển khai thực hiện chuyển đổi số, trong đó có học bạ số.

Từ năm học 2021-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 08/HD-SGDĐT ngày 07/10/2021 về quản lý, sử dụng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, học bạ học sinh tiểu học tỉnh Bắc Giang trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. Chính vì vậy, 100% các cơ sở giáo dục đã thành thạo trong việc sử dụng học bạ điện tử"

_Thạc sĩ Đào Thị Hường chia sẻ_

Cũng theo cô Hường, để tỉnh Bắc Giang thực hiện thành công thí điểm học bạ số, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai, tổ chức tập huấn hiệu quả cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên về quản lý, sử dụng học bạ điện tử và quản lý hồ sơ điện tử trong các cơ sở giáo dục tiểu học; tập huấn cho cán bộ chủ chốt của Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo và 100% cơ sở giáo dục. Sở cũng tổ chức nhiều đợt tập huấn theo phương thức “cầm tay chỉ việc” ngay sau khi giáo viên được cấp chứng thư số với các hình thức tập huấn linh hoạt, thuận lợi cho giáo viên trong thời gian nghỉ hè.

Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tạo các nhóm Zalo (trong đó có đơn vị tư vấn) hỗ trợ kỹ thuật, giải đáp thắc mắc cho các đơn vị kịp thời quản lý, sử dụng học bạ điện tử, học bạ số. Vì vậy, các cơ sở giáo dục đã thành thạo trong thực hiện hồ sơ điện tử, học bạ số.

Đề nghị sớm ban hành quy định để học bạ số áp dụng đại trà từ năm học 2024-2025

Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai thí điểm học bạ số của tỉnh Bắc Giang cũng gặp một số khó khăn.

Cụ thể, theo Thạc sĩ Đào Thị Hường, một số học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học, phải rèn luyện lại trong hè nên chưa thực hiện được việc lập học bạ để ký số.

Một số học sinh từ nước ngoài chuyển về trường, do chưa đủ thủ tục pháp lý nên chưa được cấp mã định danh cá nhân nên cũng gây khó khăn trong việc triển khai học bạ số.

Việc sử dụng học bạ điện tử chưa đảm bảo tính liên thông giữa các cấp học và giữa các trường trong cùng cấp học. Do chưa có các văn bản quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng dụng học bạ số, học bạ điện tử, việc thay thế giữa học bạ điện tử, học bạ số nên các cơ sở vẫn phải in học bạ giấy, tiến hành ký và lưu theo quy định.

IMG_4274.JPG
Cán bộ Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo và thầy cô trường tiểu học trên địa bản tỉnh Bắc Giang tham gia Hội nghị tập huấn triển khai thí điểm học bạ số. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang)

Từ những khó khăn kể trên và nhằm thực hiện tốt hơn việc triển khai học bạ số, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang kiến nghị:

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, thứ nhất, Sở kiến nghị Bộ tiến hành xây dựng, hoàn thiện trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ, để tiếp nhận cơ sở dữ liệu học bạ số đối với toàn ngành Giáo dục; là đầu mối tiếp nhận, làm sạch, xác thực thông tin, dữ liệu trước khi đồng bộ với các hệ thống, nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia khác như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về nội dung này, để bảo đảm tối ưu nguồn lực đầu tư, duy trì, vận hành và bảo đảm an toàn thông tin.

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo quy định về học bạ số cấp tiểu học và đã xin ý kiến góp ý từ cơ sở, đây là văn bản rất quan trọng nhằm thống nhất quản lý, sử dụng học bạ số. Vì vậy, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành để các nhà trường áp dụng thực hiện đại trà học bạ số từ năm học 2024-2025.

Về phía địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn tỉnh theo kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang phê duyệt, bao gồm:

Một là, xây dựng công cụ chuyển đổi số toàn diện công tác kiểm tra đánh giá ở bậc phổ thông; quản lý hệ thống hồ sơ chuyên môn cấp học trên môi trường số.

Hai là, xây dựng trường học số (xây dựng thư viện học liệu số toàn ngành Giáo dục; hỗ trợ các trường chuyển đổi số....).

Ba là, hệ thống quản lý bài giảng điện tử và cung cấp dịch vụ khóa học trực tuyến chuẩn hóa phục vụ đổi mới hoạt động dạy và học.

Ngọc Huệ