Tuyển sinh khó cộng thêm nhiều HS bỏ giữa chừng, lãnh đạo trường nghề trăn trở

30/07/2023 06:32
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Việc tuyển sinh vốn không phải điều dễ dàng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thế nhưng, khi vào học được một thời gian, nhiều em lại bỏ học giữa chừng.

Bỏ học giữa chừng không phải là câu chuyện mới tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của nước ta. Đáng nói, tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu, khiến các lãnh đạo nhà trường băn khoăn, lo lắng.

Trước thực trạng trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Thọ, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quốc Việt (Lâm Đồng) cho hay, việc tuyển sinh vốn không phải điều dễ dàng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thế nhưng, khi vào học được một thời gian, nhiều em lại bỏ học giữa chừng.

Mỗi năm, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quốc Việt có khoảng 15-20% học sinh bỏ học giữa chừng. Theo thầy Nguyễn Phúc Thọ, trường là cơ sở mới hoạt động nên tỉ lệ này không cao, tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác, tỉ lệ học sinh nghỉ học đã lên đến hơn 50%. Thậm chí, có lớp học của trường đó phải giải thể do không còn người học

Theo thầy Thọ, phần lớn tình trạng này xảy ra ở những em 15 tuổi, mới tốt nghiệp trung học cơ sở. Ở độ tuổi này, nhiều em chưa có động lực học tập rõ ràng, còn ham chơi hơn ham học.

Hơn nữa, hầu như học sinh lựa chọn vào trường trung cấp sau bậc trung học cơ sở do không thi đỗ vào 10 nên mức độ nhận thức còn chưa cao. Chính vì vậy, nhiều em khi vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa coi trọng việc học nghề chuyên nghiệp sẽ giúp mình trong tương lai thế nào.

Học sinh Trường Trung cấp Lục Yên trong giờ học thực hành (Ảnh: Website nhà trường).

Học sinh Trường Trung cấp Lục Yên trong giờ học thực hành (Ảnh: Website nhà trường).

Mặt khác, do lực học của một số em còn yếu từ bậc trung học cơ sở nên khi vừa học nghề, vừa học chương trình văn hóa khiến các em càng cảm thấy việc học khá nặng và muốn bỏ học.

Để khắc phục tình trạng này, thầy Thọ cho rằng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần cải thiện chương trình đào tạo để tạo hứng thú học tập cho người học. Không những vậy, nhà trường và phụ huynh cần có sự phối hợp với nhau để quan tâm sát sao hơn đến học sinh,…

Ngoài ra, trong các giờ học hướng nghiệp tại cấp trung học cơ sở, phải làm sao để các em nắm được tầm quan trọng của việc lao động qua đào tạo ảnh hưởng đến tương lai của các em sau này, tránh trường hợp nhiều em nghỉ học khi chưa đến độ tuổi lao động.

Cùng nêu quan điểm về thực trạng trên, thầy Mông Thanh Dũng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Lục Yên (Yên Bái) bày tỏ, trường có xảy ra tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng nhưng số lượng này không cao. Hàng năm, trường đều cố gắng duy trì sĩ số người học trên toàn trường đạt tỉ lệ trên 90%, năm học vừa qua, trường đạt 91,4%, năm học trước nữa, trường đạt 93,4%.

Lý giải nguyên nhân vì sao có một số em học sinh nghỉ học giữa chừng, thầy Dũng cho hay, do trường nằm ở vùng cao nên nhiều người dân bận làm nông, hoặc đi làm ăn xa ở cụm công nghiệp, khó có thể quan tâm, chăm sóc, quản lý chặt chẽ được con em của mình.

Hơn nữa, do người dân trong khu vực là đồng bào dân tộc thiểu số nên chưa có nhận thức về tầm quan trọng của lao động qua đào tạo, một số làng, xã còn có tâm lý là chỉ học đến lớp 9. Do đó, có một số bạn nghỉ học giữa chừng rồi đi làm các công việc thời vụ.

Bên cạnh đó, bàn về công tác tuyển sinh, thầy Dũng cho hay, hàng năm, trường đều tuyển sinh đạt chỉ tiêu được giao. Năm học 2023-2024, chỉ tiêu được giao khá cao là 500 chỉ tiêu nên trường đang cố gắng để có thể hoàn thành được. Đến nay, trường đã nhận được khoảng 325 hồ sơ đăng ký học.

Theo thầy Dũng, thế mạnh của trường là có địa điểm đặt trên khu vực có tỉ lệ học sinh đi học trung học cơ sở cao cũng như có sự phối hợp thuận lợi với cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bàn, đội ngũ giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quốc Việt chia sẻ, năm học vừa qua, trường tuyển sinh chỉ đạt 40% chỉ tiêu được giao.

Theo thầy Thọ, mặc dù địa phương thực hiện chính sách phân luồng học sinh sau bậc trung học tương đối tốt. Tuy nhiên, cũng giống như khó khăn của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay, trên thực tế, để vào được đại học của các em học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay là khá dễ dàng. Do vậy, không có nhiều em lựa chọn đi học nghề, đặc biệt là đăng ký học tại các trường trung cấp.

Thầy Thọ cũng chỉ ra rằng, một số ngành học hiện nay của trường rất khó tuyển sinh như các ngành thuộc khối y, dược, nông nghiệp. Đặc biệt là đối với khối ngành y dược, các em tốt nghiệp hệ trung cấp khối ngành này khi ra trường khó xin được việc làm, việc học liên thông của khối ngành này so với các lĩnh vực khác cũng rất khó khăn.

Vậy nên, thầy Thọ mong rằng, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác phân luồng, cần phân định rõ ràng như ở đại học/trường đại học chỉ đào tạo bậc đại học, trường cao đẳng chỉ được đào tạo hệ cao đẳng, trường trung cấp chỉ được đào tạo hệ trung cấp chứ không nên đào tạo một cách lộn xộn như hiện nay.

Bởi, trong thực tế nhiều em có suy nghĩ muốn thuận lợi học liên thông lên hệ cao đẳng nên lựa chọn vào học hệ trung cấp tại trường cao đẳng khiến các trường trung cấp rất khó tuyển sinh để đảm bảo được chỉ tiêu.

Khánh An