Ứng viên thạc sỹ đề án 322: Chúng tôi không thể chờ được nữa

28/05/2012 06:12
Kim Ngân
(GDVN) - Tôi tha thiết được đi học trong năm nay bởi gần 2 năm qua tôi hi vọng, nỗ lực cũng như bỏ qua nhiều cơ hội để được hoàn thiện bản thân. Nếu mất thêm 1, 2 năm nữa để đợi đề án mới thì quả thực là chúng tôi phải chịu quá nhiều thiệt thòi.
Ngày 11/5/2012, Bộ GD & ĐT ra thông báo số 375/TB-BGDĐT việc dừng đề án 322 (Đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước) tức là ứng viên thạc sỹ, sinh viên không được cấp kinh phí để du học nước ngoài như chương trình ban đầu đã khiến nhiều ứng viên hoang mang, thất vọng. Trong đó, đối tượng thạc sỹ - hiện đang là cán bộ, công chức biên chế cơ quan nhà nước hoặc giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng chịu ảnh hưởng không nhỏ khi dừng học bổng 322. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi lại những tâm sự của một số ứng viên thạc sỹ nhận được học bổng 322.

Chúng tôi đã đặt được một chân đến Pháp

Trong cuộc gặp mặt với Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài ngày 21/05, Th.S Ngô Thị Hồng Nhung (ứng viên đi Pháp) thẳng thắn nói: “Cuộc gặp này hơi muộn hơn so với sự mong muốn của chúng tôi. Tôi nghĩ Bộ nên trao đổi với các ứng viên để nắm được tình hình trước khi đưa ra thông báo, hướng giải quyết như vậy. Tôi thật sự thất vọng, công văn 375 giải quyết không thỏa đáng, không hợp lý”.


Th.S Ngô Thị Hồng Nhung thẳng thắn, tha thiết đề nghị với Bộ cho ứng viên đi du học trong năm nay tại cuộc gặp mặt với Cục đào tạo với nước ngoài ngày 21/05.
Th.S Ngô Thị Hồng Nhung thẳng thắn, tha thiết đề nghị với Bộ cho ứng viên đi du học trong năm nay tại cuộc gặp mặt với Cục đào tạo với nước ngoài ngày 21/05.

Chị Nhung cho hay, gần 2 năm qua, chúng tôi nỗ lực đáp ứng điều kiện học tập, mục tiêu của Bộ đưa ra trong chương trình; sắp xếp những công việc cá nhân, bỏ lỡ nhiều cơ hội làm việc, học tập khác để tập trung học tiếng theo đề án 322…Có nhiều người tạm rời xa gia đình từ Nam ra Bắc để học, dừng công việc ở cơ quan nhà nước để theo học lấy chứng chỉ ngoại ngữ… 

Còn anh P.T.Tiến (công tác tại ĐH NN) chưa hết bàng hoàng tâm sự: “Khi có quyết định dừng đề án 322, tôi rất hoang mang và thất vọng. Tôi cũng như mọi người bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và cả tiền bạc trong một năm qua để hoàn thành các điều kiện do Bộ và của các trường nước bạn đặt ra như ngoại ngữ, chứng chỉ tiếng Pháp, phỏng vấn bên CampusFrance, và hoàn thiện hồ sơ. Khi chúng tôi hoàn thành phỏng vấn tại CampusFrance và hồ sơ, tôi nghĩ mình đã bước được một chân đến Pháp rồi nên khi nhận được quyết định dừng học bổng tôi rất buồn và thất vọng, tôi mất nửa tháng hụt hẫng”.

Anh kể lại, anh nhận được thông báo chính thức hôm 11/5/2012, trước đó anh đã nghe có thông tin dừng học bổng, nhưng cũng không tin lắm, bởi anh và nhiều người nghĩ rằng đây là một đề án lớn, anh có quyết định đi học của Bộ, giấy trắng mực đen chứ có phải mớ giấy lộn. Nhưng giờ thành sự thật, mặc dù Bộ đã đưa ra hai phương án nhưng đều không khả thi với các ứng viên.

“Những người trong gia đình tôi buồn và ngỡ ngàng không hiểu vì sao một đề án lớn của Chính phủ mà có thể dừng đột ngột. Tôi đã dành ra rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng giờ thì không có kết quả như mình mong muốn”, anh chia sẻ.

Vừa đi làm tại trường, học 5 buổi/tuần tiếng Pháp khiến anh phải sắp xếp công việc hợp lý. Một năm học tiếng Pháp là một năm đầy cố gắng và nỗ lực của anh cũng như các ứng viên khác. Nhiều người trong lớp anh từ miền Nam, miền Trung phải gác lại việc cơ quan, gia đình để tập trung ra Hà Nội học với bao lo toan về vấn đề kinh tế. Sau khi hoàn thành xong khóa học rất nhiều học viên đã phải vay nợ một món tiền kha khá. 

“Trước đây tôi học tiếng anh, nhưng khi nhận được quyết định đi học tại Pháp tôi đầu tư học ngày học đêm với mong muốn khi đến Pháp có thể tiếp thu và làm quen ngay với môi trường giáo dục của học. Việc vừa đi học tiếng, vừa phải hoàn thành công việc giảng dạy tại trường, nhiều khi tôi thấy thật là mệt mỏi, nhưng vì mục tiêu đi học nước ngoài giúp cho tôi có động lực vượt qua tất cả”, anh Tiến bộc bạch.

Chúng tôi không thể chờ được nữa

Cách trả lời, hướng giải quyết của Bộ đưa ra nhiều ứng viên thạc sỹ cho rằng không thỏa đáng, không hợp lý. Bởi, họ không thể mất thêm 2- 3 năm nữa để học tiếng, rồi chuẩn bị du học trong khi đó gần hơn 1 năm nay, họ tạm gác công việc, chạy vạy tiền khắp nơi để học tiếng cũng như tuổi thanh xuân của họ đã chẳng còn nhiều. 

“Những hướng giải quyết của Bộ đưa ra không thỏa đáng. Chúng tôi rất mệt mỏi nếu tiếp tục phải chờ đợi thêm 1, 2 năm nữa để được đi học đúng theo nguyện vọng. Chúng tôi không thể chờ được nữa…”, chị Nhung thẳng thắn nói.
Còn anh Tiến thất vọng nói: “Tôi đã quyết tâm bỏ công sức rất nhiều trong việc giảng dạy, tham gia nghiên cứu khoa học và trau rồi kiến thức, nguyện vọng lớn nhất của tôi là được đi học ở các nước tiên tiến để mang những kiến thức mình đóng góp một chút gì đó cho phát triển nước nhà. Tôi đã lập kế học học tập Thạc sỹ và sau đó có điều kiện có thể làm luôn Tiến sỹ, nhưng giờ kế hoạch đó có thể chậm lại và chưa biết khi nào sẽ thực hiện được!?”.

Hiện nay, nhiều các cơ sở đào tạo bên Pháp đã trả lời các ứng cử viên và theo kế hoạch tháng 9 năm nay ứng viên thạc sỹ sẽ nhập học.

Anh Tiến thẳng thắn chia sẻ: “Trường Bordeau1 bên Pháp đã thông báo nhận tôi. Việc dừng đề án ảnh hưởng đến chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi đều có kế hoạch của mình về học tập, gia đình, kinh tế. Chúng tôi không còn ở tuổi 19, 20 nữa, nếu không được đi học sớm thì khả năng nhận thức hay động lực trong học tập cũng vơi cạn dần”.

Nhiều ứng cử viên cho rằng, theo cách lý giải của Cục trưởng là không hợp lý. Cục là nơi quản lý lưu học sinh, cấp chỉ tiêu tuyển sinh mà lại không biết được việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu đề ra. Để giờ các ứng viên phải chịu hậu quả mà Cục và Bộ làm sai. 

“Tôi mong Bộ và Cục đào tạo làm sai ở đâu thì sửa ở đó chứ không thể bắt ứng viên chịu được. Tôi hy vọng Bộ và Chính phủ sẽ giải quyết sớm để các ứng viên được đi học đúng chuyên ngành, đúng nước và đúng thời gian theo giấy báo nhập học của nước bạn”, ứng viên Tiến tha thiết đề nghị.

Và Th.S Hồng Nhung đề nghị: “Chúng tôi mong Bộ tiếp tục trình đề án cho chúng tôi được đi học theo đúng nguyện vọng. Hiện các cơ sở đào tạo nước ngoài đã nhận chúng tôi, vài người đã liên hệ chỗ ăn ở bên đó. Vì vậy, chúng tôi tha thiết yêu cầu được đi học trong năm nay”.
Kim Ngân