Cách trung tâm xã Cư Pui (huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc) hơn 25km, điểm trường Ea Rớt (tiểu học Cư Pui II) và điểm trường mầm non Cư Pui nằm heo hút bên những dãy núi cao, nhưng với lòng yêu nghề, các giáo viên làm việc tại đây đã vượt qua muôn vàn khó khăn để mang con chữ đến cho các em học sinh.
Gian nan đường đến trường…
Dạy học ở 2 điểm trường trên là 8 cô giáo đến từ nhiều huyện khác nhau như: Krông Bông, Cư M’gar, Krông Năng, Krông Pắc… Người gần nhất đi khoảng 30 km, xa nhất cũng trên dưới 120 km và đều phải vượt qua nhiều đoạn đường rừng đầy hiểm trở mới đến được trường.
Cô Nguyễn Thị Trang (thôn Xuân Thành, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) đã gắn bó với điểm trường Ea Rớt được hơn 3 năm nay.
Lịch dạy của cô hầu hết vào các buổi sáng, trong khi con cô mới hơn 1 tuổi, không thể tạm trú tại trường nên cô phải đi về trong ngày với hơn 100 cây số.
Cô Trang cho biết, để tiết kiệm thời gian, thường ngày cô đều chuẩn bị tư trang từ chiều hôm trước để kịp 5 giờ sáng hôm sau xuất phát.
Từ xã Phú Xuân, đi xe máy khoảng 45 km thì đến xã Cư Elang (huyện Ea Kar), sau đó cô phải băng qua hơn 5 km đường rừng để tới hồ Ea Rớt; “giấu” xe bên này hồ rồi lên 1 chiếc bè tự chế của người dân địa phương qua hồ (10 nghìn đồng/lượt), rồi tiếp tục đi bộ tầm 300 mét nữa mới đến trường.
Các cô đi bè để đi qua hồ Ea Rớt để đến trường (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Những khi trời mưa, đoạn 5 km đường rừng lầy lội, trơn trượt không thể đi xe máy mà phải lội bộ mất 1 – 2 giờ đồng hồ mới vượt qua.
Cũng có lần, đang đi thì gặp mưa to, nước ngập lên đến đầu gối, cô Trang phải chờ xe cày đi qua nhờ chở cả người lẫn xe mới có thể vượt qua đoạn ngập.
Cùng hoàn cảnh như cô Trang, nhưng cô Trần Thị Duyên (thôn 2, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) phải đi 120 km mới đến trường nên cô buộc phải ở tạm trú và gửi đứa con chưa đầy 1 tuổi ở lại nhờ ông bà nội chăm sóc rồi đến cuối tuần mới về thăm được.
Thương con, lo cho con nhưng khi bước lên bục giảng, cô gác lại những nỗi niềm riêng của mình để thực hiện ước mơ đưa con chữ đến với học trò.
Cô Trần Thị Duyên thổi lửa chuẩn bị bữa cơm tối tại khu tạm trú. (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Không chỉ là giáo viên ở huyện khác, mà giáo viên tại địa phương cũng phải ở tạm trú do đường đến trường quá khó khăn.
Nhà cách trường chừng 50 km, cô Nguyễn Thị Minh Mạnh (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) phải đi đến trung tâm xã Cư Pui, rồi tiếp tục đi hơn 20 km đường rừng hiểm trở.
Cô Mạnh kể, tuy chỉ có 20 km nhưng phải đi mất gần 2 tiếng đồng hồ, vì phải vượt qua nhiều suối cạn, đi qua đường mòn giữa lưng chừng núi, mà khó khăn nhất là phải leo qua nhiều đèo dốc dựng đứng – người dân nơi đây thường gọi là “dốc cổng trời”.
Hơn nữa, chỉ cần trời mưa là không thể đi lại được. Do khó khăn như vậy nên cô và một số giáo viên khác tại đây đều tạm trú tại trường.
…và những nỗi niềm ưu tư
Khu tạm trú của các cô là một căn nhà nhỏ chưa đầy 30 mét vuông nằm bên cạnh điểm trường tiểu học, chỉ đủ kê 5 chiếc giường và bộ bàn ghế nhỏ, xung quanh thưng ván gỗ, mái lợp tôn.
Gần một năm nay, khu tạm trú của giáo viên được trang bị điện năng lượng mặt trời, nhờ vậy mới có điện để thắp sáng còn trước đây phải dùng đèn dầu.
Tuy nhiên, nước giếng ăn ở tại đây bị đục nên phải cho nước vào xô chờ lắng cặn mới sử dụng được. Đất lại cằn cỗi không thể trồng rau nên thực phẩm, rau xanh thường ngày các cô giáo phải mua trên đường đến trường hoặc đưa từ nhà lên dùng.
Hai điểm trường trên có 203 học sinh, 100% là người dân tộc Mông. Trong đó, trường tiểu học có 160 học sinh với 7 cô giáo phụ trách; trường mầm non có 43 em chỉ có 1 giáo viên phụ trách.
Cô Huỳnh Thị Kim đang giảng bài cho học sinh tại điểm trường Ea Rớt. (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Do số lượng học sinh lớp khá đông, lại lần đầu tiếp xúc với tiếng Việt nên việc dạy học cho các em khiến các cô gặp rất nhiều khó khăn.
Mỗi lần lên lớp cô phải sử dụng thêm ngôn ngữ hình thể, cử chỉ để truyền đạt ý mình đến các em; do đó, cô phải cố gắng học một số từ tiếng Mông thường dùng…
Những ngày trời mưa, học sinh đến lớp chỉ lưa thưa chỉ vài em nhưng cô vẫn chăm chỉ giảng dạy không nghỉ buổi nào.
Ngoài ra, tình trạng học sinh tại các điểm trường này bỏ học để đi làm phụ giúp gia đình thường xuyên diễn ra. Có em bỏ học cả tuần không tới trường, có em có tên trong danh sách lớp nhưng không thấy đến trường, cô phải đến tận nhà động viên các em đến lớp.
Dẫu cho còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tình yêu thương học trò, khao khát được đứng trên bục giảng đã giúp các cô có thêm động lực để bám lớp, bám trường đem con chữ đến cho các em học sinh vùng sâu.