Vẫn còn nhiều lo lắng, băn khoăn về đề xuất dạy học trực tiếp ở Sài Gòn từ 10/12

23/11/2021 06:40
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 10/12, với học sinh khối 9, 12 nhưng phụ huynh vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã dự kiến việc đi học sinh khối 9, 12 sẽ được đi học trực tiếp trở lại từ ngày 10/12 sắp đến. Tùy vào cấp độ dịch ở địa phương của mình, Ủy ban nhân dân các quận huyện và thành phố Thủ Đức sẽ xây dựng kế hoạch mở cửa trường học, đón học sinh đi học trở lại.

Lo lắng vì học sinh không học ở nơi cư trú

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, một phụ huynh cư trú tại quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng có con đang học lớp 12 tại trường trên địa bàn quận 5 bày tỏ: Chị cũng như phần đông phụ huynh khác đều rất mừng khi nghe tin thành phố đề xuất cho học sinh cuối cấp (9,12) có thể đi học trực tiếp trở lại từ ngày 10/12.

Do vào thời điểm đó, học sinh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 qua 14 ngày, nên phụ huynh cũng đỡ lo lắng hơn.

Dù vậy, điều chị Hương quan tâm lúc này là nhà chị ở quận 5, nhưng trường học lại ở quận 10. Vậy thì ví dụ như trường học được mở cửa ở cấp độ 1, 2 mà nhà của học sinh ở cấp độ 3, 4 thì sao, có được đến trường học ở cấp độ 1, 2 hay không?

Theo thống kê mới nhất từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, hiện vẫn còn hàng chục ngàn học sinh và giáo viên của thành phố đang ở các tỉnh.

Trường học chuẩn bị khẩu trang dự phòng, sẵn sàng đón học sinh và giáo viên quay lại trường (ảnh: P.L)

Trường học chuẩn bị khẩu trang dự phòng, sẵn sàng đón học sinh và giáo viên quay lại trường (ảnh: P.L)

Nếu giao thông của các tỉnh đã kết nối thuận lợi trở lại với Thành phố Hồ Chí Minh, phụ huynh có thể đưa con em mình quay trở lại trường học trực tiếp thì không nói.

Còn với những địa phương mà giao thông kết nối với thành phố chưa được thuận lợi, theo một cán bộ lãnh đạo cấp phòng của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, các phương án tổ chức đi học trực tiếp trở lại hiện vẫn đang được hoàn thiện, trong đó các trường sẽ thực hiện hết sức linh hoạt với từng đối tượng học sinh cụ thể.

“Phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm việc này, và có một điều chắc chắn rằng việc học của các em sẽ không bị gián đoạn. Học sinh đi học trực tiếp trở lại, không có nghĩa là bắt buộc tất cả học sinh đều như thế, mà vẫn sẽ có một số em vẫn phải học trực tuyến” – vị cán bộ này chia sẻ.

Đề xuất đi học lại với học sinh cuối cấp là cần thiết

Tại một trong những trường ngoài công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng học sinh rất lớn (4.000 học sinh), cô Phan Thị Ánh Hoàng – Hiệu trưởng trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Nam Việt nhận định: Việc đề xuất đi học trở lại ở những vùng an toàn về dịch đối với các học sinh cuối cấp là cần thiết.

Thế nhưng, là một trường ngoài công lập, có một số lượng lớn học sinh ở các tỉnh về học, trường Nam Việt cũng vẫn có nhiều khó khăn khi học sinh quay trở lại học trực tiếp.

Đó là một số ít học sinh ở các tỉnh chưa có điều kiện quay trở lại thành phố học, có thể là gặp hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.

Trường Nam Việt khử khuẩn chuẩn bị đón học sinh quay trở lại học trực tiếp (ảnh: CTV)

Trường Nam Việt khử khuẩn chuẩn bị đón học sinh quay trở lại học trực tiếp (ảnh: CTV)

Ngoài ra, một số phụ huynh cũng e ngại tình hình dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa được ổn định.

Tình hình giao thông về lại thành phố từ các tỉnh cũng có thể chưa được gặp thuận lợi lắm.

Phương án được nhà trường đưa ra, theo cô Hoàng là có thể gửi học sinh học tạm “gửi” ở các tỉnh, hoặc giáo viên của trường cũng phải dạy trực tuyến cho các em. Việc này có thể làm phát sinh các chi phí tài chính, nhưng để vẫn đảm bảo việc học xuyên suốt cho các em học sinh.

Đồng tình với quan điểm của cô Hoàng, thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10 nói rằng, để đi học trở lại an toàn, thì cần có sự liên kết và phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh.

Ví dụ như tại trường Nguyễn Du, 20h hàng ngày, giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ cập nhật thông tin từ phụ huynh trong lớp xem trong nhà có ai ho hay sốt không, để có biện pháp xử lý tình huống cho phù hợp.

Trường cũng đồng thời trang bị hàng chục bộ test nhanh Covid-19, để có thể làm công tác tầm soát Covid-19 khi cần thiết. Khi xuất hiện F0, F1 thì những thông tin có liên quan là rất quan trọng.

Với các trường ngoài công lập, để giảm bớt sự lo lắng, băn khoăn của phụ huynh thì nhà trường nên thực hiện công tác phòng chống dịch rất chặt chẽ, có thể test PCR để tầm soát Covid-19 với tất cả các học sinh, có chế độ ăn uống cho học sinh hết sức rõ ràng, tiêm ngừa cho học sinh đủ 2 mũi theo quy định.

Đồng thời, nên chăng các trường ngoài công lập xếp lớp cho học sinh ở các tỉnh học 1 lớp, học sinh của thành phố học 1 lớp chung. Đây là việc để nhằm tầm soát Covid-19 cho tốt, chứ hoàn toàn không phải cách ly học sinh của tỉnh, hạn chế tối đã sự tiếp xúc giữa những em học sinh tỉnh với học sinh của thành phố. Sau giờ học là các em về thẳng ký túc xá sinh hoạt, ăn uống chung với nhau.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Việt Dũng