Bạch công tử chết thảm - Tình huống bất ngờ về công tử Bạc Liêu

17/10/2012 13:46
Lê Ngọc Dương Cầm
(GDVN) - Giaoduc.net.vn trích đăng tiếp phần hồi ký của NSND Phùng Há (do người viết bài này chấp bút lúc bà còn sống), nói về người chồng của mình - Bạch công tử, và một phần nói về công tử Bạc Liêu.
>>Kỳ 1: Hồi ký của NSND Phùng Há: Mối tình với Bạch công tử

Không còn đất để bán vẫn ăn chơi bạt mạng


Tôi còn nhớ, có lần chạy ghe chài về miệt Sóc Trăng diễn, một cô đào bị một tên cò Tây chọc ghẹo, sàm sỡ. Lúc đó cậu Tư không có mặt. Khi về, cậu nghe nói lại, rất tức giận, lên bót tìm tên cò Tây để nói chuyện cho ra lẽ. Cậu Tư vốn là dân Tây học, ăn nói rất nhã nhặn, lịch thiệp nhưng tên cò Tây ỷ thế, lớn tiếng, chửi tục. Cậu Tư vẫn cố nén giận… Nhưng đến lúc tên cò Tây, hất chiếc nón cối của cậu Tư đang để trên bàn xuống đất, cậu không kềm chế được nữa, móc “cây chó lửa” Browning 6m/m35 ra, bắn một phát vào chân tên này. Sự việc trở nên ầm ĩ  nhưng cậu Tư đã bỏ ra một khoản tiền lớn để lo lót, mọi việc đã trôi qua êm thấm.

Thời còn trẻ, cách đây gần 1 thế kỷ, NSND Phùng Há (bìa phải) là một trong những người phụ nữ hiện đại đầu tiên tại Việt Nam biết lái xe ôtô... Ảnh tư liệu gia đình cố NSND Phùng Há.
Thời còn trẻ, cách đây gần 1 thế kỷ, NSND Phùng Há (bìa phải) là một trong những người phụ nữ hiện đại đầu tiên tại Việt Nam biết lái xe ôtô... Ảnh tư liệu gia đình cố NSND Phùng Há.

Lênh đênh sông nước trên chiếc ghe chài lộng lẫy, khắp Nam Kỳ lục tỉnh, tôi đã được sống trong những ngày hạnh phúc. Ăn ở với nhau được một năm, tôi sinh cho cậu Tư đứa con trai, đặt tên là Paul Lộc. Nhưng số phận của đứa con trai bé bỏng rất ngắn ngủi. Chưa đầy hai tuổi, Paul Lộc mắc chứng bệnh ban bạch mà chết.

Cái chết của Paul Lộc làm tôi ân hận suốt một thời gian dài, suy sụp tinh thần, không thiết tha ca, diễn gì nữa. Lẽ ra, con trai của tôi đã không chết oan uổng nhưng do những vai diễn đã chiếm hết thời gian làm mẹ của tôi, tôi phải nhờ chị vú nuôi chăm lo giùm. Lúc con tôi bị bệnh nặng, do chị vú là người nhà quê chất phác, lại không biết chữ, chị đã không đọc được toa thuốc của đốc-tờ  (bác sĩ - PV) và cho con tôi uống quá liều quy định. Con tôi đã lên cơn co giật và mất ngay sau đó.

Cậu Tư đã an ủi tôi rất nhiều, giúp tôi vượt qua nỗi đau, gắng gượng mình cho nghệ thuật sân khấu. Ít lâu sau, tôi sinh tiếp cho cậu Tư đứa con gái, đặt tên là Suzane Lý. Lúc này gánh Huỳnh Kỳ đã suy sụp lắm rồi, bởi mọi việc đều giao cho người quản lý, tiền bạc thường bị ăn chặn nên lỗ hoài. Cậu Tư không còn đất để bán, lấy tiền bù lỗ như trước nữa. Không có tiền để trả lương cho anh em đào kép, hậu đài, họ lần lượt rời gánh ra đi. Bốn chiếc ghe chài được kéo về đậu ngay tại chân cầu Ông Lãnh. Được ít hôm, giang hồ tứ chiếng ở đó đòi tiền bến bãi, không có tiền nộp, họ đuổi đi.

Cậu Tư phải chạy vạy tìm chỗ đậu khác. Cuối cùng nhờ người quen biết, cậu kéo 4 chiếc ghe chài về đậu ở mé sông, trước tòa nhà trụ sở ngân hàng Đông Dương.

Làm ăn thua lỗ, cậu Tư đâm buồn, sinh tật chơi bời, gái gú như trước. Tuy không còn tiền nhưng do lúc còn hưng thịnh, cậu Tư chơi hào phóng với bạn bè nên vẫn còn được vài người nhớ tình cũ mà đối đãi tử tế. Mải mê những cuộc chơi thâu đêm, có khi cả tuần, tôi không thấy bóng dáng của cậu ở ghe.

Nhiều đêm chợp mắt không được, nằm ôm Suzane Lý trong lòng, giữa chiếc ghe chài rộng lớn của một thời lừng lẫy, giữa không gian lặng ngắt như tờ, lù mù ánh đèn dầu, tôi buồn vô tận. Nghĩ đến cảnh giờ này chồng của mình đang đàn đúm, trác táng với bạn bè, tôi ứa nước mắt.

Hạnh phúc gãy gánh

Trong tình cảnh não nuột như vậy, Suzane Lý lại bệnh nặng, lên cơn sốt mê man mấy ngày liền. Thấy con sốt cao quá, nằm co giật, tôi xót xa nhưng không biết làm sao, vì trong túi không còn đồng nào để mua thuốc cho con. Trời đang mưa lất phất, tôi hốt hoảng bồng con lên bờ, đi tìm cậu Tư. Ghé những chỗ quen mà cậu Tư thường lui tới để hỏi thăm, cuối cùng tôi cũng tìm được ngôi biệt thự sang trọng. Cánh cửa vừa mở, bước vào căn phòng, tôi muốn ngã quỵ khi tận mắt chứng kiến cảnh trác táng của chồng. Cậu Tư đang ôm trong lòng một cô gái trẻ đẹp.

Thấy vợ bồng con nhỏ đến, cậu sượng sùng, cáu gắt hỏi tôi: "Bồng con tới đây làm chi vậy?"

Nghe cậu hỏi, tôi òa khóc, nói trong tiếng nấc: “Con bệnh sắp chết. Tiền không có để đưa đi khám đốc-tờ. Vậy mà cậu còn nỡ lòng nào ăn chơi như vầy sao?”

Nghe tôi nói, cậu càng ngượng, nói xẵng giọng: “Cô không có quyền nói với tôi như vậy!”

Cậu quay sang phân trần với cô gái trẻ bằng tiếng Pháp, đại ý là “bà này không phải là vợ tôi”. Tôi vừa giận, vừa chán chường, không thèm nói lời nào nữa, lẳng lặng bồng con quay về ghe. Được ít hôm, Suzane Lý cũng theo anh mình mà bỏ tôi, ra đi mãi mãi. Chôn cất con xong, tôi quyết định rời chiếc ghe chài, nơi chôn giấu nhiều kỷ niệm, vui buồn lẫn lộn, kết thúc luôn mối tình đẹp suốt bảy năm trời.

Kết cục bị thảm của Bạch công tử

Sau này, cậu Tư gá nghĩa với cô Sáu Ngọc Sương, là một danh ca tài, sắc thời đó. Cậu Tư có với cô Sáu Ngọc Sương một đứa con gái, đặt tên là LiLi (NSND Phùng Há đã nuôi nấng cô LiLi suốt một thời gian dài vì nghĩ tình nghĩa với Bạch công tử. Hiện cô LiLi đang sống ở Canađa – PV).  Được một thời gian, cô Sáu Ngọc Sương cũng không chịu nổi tính trăng hoa, chơi bời của cậu Tư, đã dứt áo ra đi, bỏ lại cậu một mình trong cảnh gà trống nuôi con.

Ông Ba Giã, người trông mộ, bên nấm mộ hoang tàn của Bạch công tử ở Chợ Gạo, Tiền Giang. Nhìn cảnh này, NSND Phùng Há đã khóc vì xót xa. Bà đã có ý định bốc ngôi mộ này về chùa Nghệ sĩ TP.HCM nhưng bất thành. Hiện nay ngôi mộ đã được xây lại bằng xi măng. Ảnh tư liệu gia đình cố NSND Phùng Há.
Ông Ba Giã, người trông mộ, bên nấm mộ hoang tàn của Bạch công tử ở Chợ Gạo, Tiền Giang. Nhìn cảnh này, NSND Phùng Há đã khóc vì xót xa. Bà đã có ý định bốc ngôi mộ này về chùa Nghệ sĩ TP.HCM nhưng bất thành. Hiện nay ngôi mộ đã được xây lại bằng xi măng. Ảnh tư liệu gia đình cố NSND Phùng Há.

Không có tiền thuê nhà, một người bạn trước đây chơi thân với cậu Tư, làm chủ một khách sạn ở chợ Cầu Muối (TP.HCM), rước cậu và LiLi về, cho ở trong một phòng, không tính tiền.

Thỉnh thoảng, tôi có tới thăm cậu. Có lần, tôi tới, thấy cậu đang bồng LiLi mới mấy tháng tuổi, cho bú sữa. Sữa cậu Tư đổ vào một vỏ chai la-de (vỏ chai bia – PV), vì cậu không có tiền để mua bình cho con. Cậu Tư cho biết đang mua sữa chịu ở tiệm chạp phô (tạp hóa - PV) gần đó, do thiếu tiền nhiều quá, lại lâu ngày không trả, nên bị người ta "cạch mặt", không bán nữa.

Thấy cậu mặc một chiếc áo sờn rách, tôi về nhà, đặt may cho cậu hai bộ quần áo mới. Lần sau, tới thăm, vẫn thấy cậu mặc chiếc áo cũ. Tôi hỏi, cậu ngượng nghịu nói: "Tôi xin lỗi Phùng Há. Thấy có người nghèo quá, không có đồ để mặc, tôi cho rồi”.

Lúc tôi gá nghĩa với ông Nguyễn Bửu (bố ruột của thủ tướng miền Nam Việt Nam Nguyễn Khánh, giai đoạn trước 1975 – PV), trước cũng là bạn thân của cậu Tư, tôi có nói với ông Bửu về ý định đưa cậu Tư và con gái LiLi về ở cùng. Ông Bửu đồng ý, với điều kiện: Tôi không được nói chuyện với cậu Tư trong suốt thời gian cậu ở chung. Tôi đã thực hiện điều kiện này một cách rất nghiêm chỉnh, phần vì biết tính ông Bửu hay ghen, phần vì tôi muốn những kỷ niệm xưa cũ trôi vào ký ức.

Khi Bửu Chánh (con của NSND Phùng Há và soạn giả Tư Chơi, người chồng đầu tiên, trước khi bà bước tiếp với Bạch công Tử, sau đó là ông Nguyễn Bửu – PV) lên ban trung học, không còn ở với dì Liên Hảo ở Hạc Sơn, Trung Quốc nữa, trở về Việt Nam ở chung với tôi, cậu Tư và Bửu Chánh hay trò chuyện với nhau. Có lần cậu Tư nói với con gái tôi: “Phải chi hai đứa con của chú Tư còn sống, chú nhờ tụi nó nói lời xin lỗi với má con. Chú đã làm khổ với má con nhiều, bây giờ chú hối hận lắm”. Nói xong, cậu khóc tức tưởi.

Thật lòng, tôi biết tính cậu Tư rất tự trọng, rất ngại khi về ở chung với tôi, bởi tôi đã có hạnh phúc riêng rồi. Riêng tôi, tôi cũng muốn cậu Tư và LiLi về ở chung, có thể giúp cậu bớt phần nào cơ cực. Ở được khoảng hai năm, tôi và ông Bửu bắt đầu xuất hiện lục đục, cơm không lành, canh không ngọt. Nhiều lúc cậu phải chứng kiến cảnh ông Bửu nặng lời với tôi, cậu đau lòng lắm. Vì vậy, khi ông Nguyễn Hoàng Phi, một người con của ông huyện Chung ở Chợ Gạo, Tiền Giang, từng làm dưới thời đốc phủ Sủng, nhớ tình xưa nghĩa cũ ngỏ lời đưa cậu về nhà chăm sóc, cậu đã nhận lời ngay. Riêng LiLi, kết quả của cuộc tình giữa cậu Tư và cô Sáu Ngọc Sương, cậu vẫn để lại cho tôi nuôi nấng cho đến lúc trưởng thành.

Năm 1950, cậu Tư mất tại Chợ Gạo, sau một thời gian dài bạo bệnh, hậu quả của việc hút xách, ăn chơi thời trai trẻ. Sinh thời, cậu Tư nổi đình đám, ăn chơi bạt mạng, lúc nằm xuống lẳng lặng, âm thầm trong nghèo khổ, ngay cả tôi cũng không hay.

Sau này, tôi có xuống Chợ Gạo thăm mộ cậu cho trọn nghĩa vợ chồng. Đứng trước ngôi mộ hiu quạnh, tôi không khỏi nghẹn nghèo, xót xa: Dưới tán cây dừa, một nấm mồ hẩm hiu, hoang tàn cỏ dại. Tôi không thể nào ngờ, người chồng hào hoa bậc nhất của mình ngày nào lại có kết cục bi thảm như vậy…

Không có chuyện hai công tử đốt tiền thách đố nhau - Hào phóng như công tử Bạc Liêu đi xe ngựa, vẫn chờ lấy lại tiền thối.

Trước khi về sống chung với cậu Tư, tôi có nghe chuyện thêu dệt như cậu đốt tiền nấu chè, thi thố với cậu Ba Huy (tên gọi khác của công tử Bạc Liêu – PV), coi ai có đủ tiền đốt để nấu nhừ đậu xanh trong nồi trước. Hay như chuyện trong lúc xem hát, cậu Ba Huy phải ngồi chồm hổm xuống nền xi măng tối thui để mò mẫm tìm lại tờ con công (năm đồng bạc) vừa rớt và bị cậu Tư làm bẽ mặt bằng hành động móc tờ tiền "oảnh" (hai chục bạc) đốt làm đuốc soi sáng: “Nè, để moa cho toa mượn cây đuốc”.

NSND Phùng Há và tác giả bài viết trong những ngày cuối đời của bà.
NSND Phùng Há và tác giả bài viết trong những ngày cuối đời của bà.

Những lúc nhàn nhã, tôi có hỏi cậu Tư về những giai thoại này. Cậu chỉ cười: “Đó chỉ là những chuyện thêu dệt. Tôi đâu có phí phạm tiền của để chơi ngông, chứng tỏ mình giàu có một cách vô học như vậy”. Sống với cậu Tư nhiều năm, tôi cũng biết cậu Tư là một người từng học trường Tây, tính tình điềm đạm, chắc chắn không thể nào hiếu thắng đến độ có thể tham gia một cuộc thi thố vô bổ, không trí tuệ như vậy được. Dù là một người ăn chơi bạt mạng, nhưng cậu thấy ai nghèo khó sẵn sàng giúp đỡ không hề suy tính.

Về mối quan hệ của cậu Tư và công tử Bạc Liêu, tôi biết hai người đàn ông này khá thân thiết, tôn trọng nhau, dù họ hoàn toàn khác nhau về tính cách, ngoại hình. Cậu Tư trắng trẻo, thư sinh, điềm đạm bao nhiêu thì ngược lại cậu Ba Huy lại đen thui, cục mịch, nóng nảy, bộc trực bấy nhiêu…

Tôi nhớ có lần cậu Ba Huy đến nhà cậu Tư chơi, đi bằng xe ngựa. Tôi thấy cậu móc tiền ra trả cho người phu xe rồi, vẫn còn đứng một lúc dưới trời nắng. Một lúc sau, tôi thấy người phu xe đưa cho cậu Ba Huy mấy đồng bạc lẻ, mới biết cậu Ba Huy chờ để lấy tiền thối. Tôi rất lấy làm lạ, vì thiên hạ đồn đãi cậu là một người hào phóng, xài tiền như nước mà cũng mất thời gian để đợi nhận lại vài đồng tiền thối như vậy?

NSND Phùng Há sinh ngày 30/4/1911, mất ngày 5/7/2009, thọ 99 tuổi. Cha bà là ông Trương Nhân Trưởng, người gốc Quảng Đông, Trung Quốc, di cư sang làng Điều Hòa, hạt Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay), gặp và kết hôn cùng bà Lê Thị Mai, lập nghiệp và sinh được 7 người con: Trương Tích Kỳ (nam), Trương Ngân Hảo (nữ), Trương Liên Hảo (nữ), Trương Tích Huy (nam), Trương Tích Trung (nam), Trương Phụng Hảo (Phùng Há), Trương Nguyệt Hảo (nữ).

Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bìa phải) và MC Thanh Bạch (bìa trái) chúc mừng sinh nhật lần thứ 97 của NSND Phùng Há. Ảnh tư liệu gia đình cố NSND Phùng Há.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bìa phải) và MC Thanh Bạch (bìa trái) chúc mừng sinh nhật lần thứ 97 của NSND Phùng Há. Ảnh tư liệu gia đình cố NSND Phùng Há.

Gia đình suy sụp, bà đã phải đi làm thuê ở một lò gạch, kiếm tiền nuôi mẹ. Những lúc nghỉ trưa, bà hay ca bản hành vân: “Nợ duyên gì mấy đoạn tình si…”. Lời ca ngọt ngào, trầm buồn của bà đã lọt đến tai “ông bầu” Hai Cu, chủ gánh Tái Đồng Ban. Mới 13 tuổi, sự nghiệp của bà đã trở nên rực rỡ, với những vai diễn: Lã bố (Lã Bố hí Điêu Thuyền), Mạnh Lệ Quân (Mạnh Lệ Quân thoát hài), cô Lựu (Đời cô Lựu), Nguyệt (Tô Ánh Nguyệt)…

Bà đã có công đào tạo nhiều thế hệ cải lương: NSƯT Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thanh Thanh Tâm… Giới nghệ sĩ kính trọng, trìu mến gọi bà là “má Bảy Phùng Há”. Trong những ngày cuối đời, không còn sức để hoạt động nghệ thuật và truyền đạt kinh nghiệm cho các thế hệ nghệ sĩ lớp sau nữa, bà dốc hết tâm, sức vào các hoạt động từ thiện. Nhà thơ Huy Cận từng đề tặng NSND Phùng Há 4 câu thơ:

                                             Nghệ thuật niềm vui suốt cuộc đời
                                             Đó là món nợ nặng lòng tôi
                                             Cho tôi trả nghĩa tình duyên ấy
                                             Đẹp chữ tao Phùng, Há mới duyên


Lê Ngọc Dương Cầm