Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: "Chưa phát hiện hành vi kinh doanh chùa nhằm trục lợi"

06/06/2019 15:59
Kiến Văn
(GDVN) - Theo báo cáo của Ban Tôn giáo và Bộ Nội vụ nắm được thì đến nay chưa phát hiện cán bộ, công chức nào có góp tiền xây dựng chùa để kinh doanh trục lợi.

Liên quan đến các câu hỏi của Đại biểu Quốc hội có một ý cần làm rõ là có kinh doanh chùa hay không?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ - ông Lê Vĩnh Tân cho biết: “Theo quy định của Quốc hội Việt Nam và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì không có quy định kinh doanh chùa và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thì Bộ Nội vụ chưa phát hiện hành vi kinh doanh chùa nhằm mục đích trục lợi.

Tuy nhiên, trong thời gian qua có một số cá nhân lợi dụng cơ sở thờ tự phật giáo, niềm tin của nhân dân, của phật tử để hoạt động mê tín dị đoan nhằm trục lợi, gây bức xúc trong cộng đồng xã hội. Có đại biểu cho rằng, một số cán bộ đã góp tiền xây dựng chùa để kinh doanh.

Theo báo cáo của Ban Tôn giáo và Bộ Nội vụ nắm được thì đến nay chưa phát hiện cán bộ, công chức nào có góp tiền xây dựng chùa để kinh doanh trục lợi.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được hình thành theo tập quán do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, tặng chung hoặc từ các vùng khác phù hợp với quy định pháp luật.

Trong thời gian qua, việc xây dựng các cơ sở thờ tự tôn giáo này nằm trong diện đối tượng do nhân dân đóng góp hoặc các doanh nghiệp đóng góp trong thời gian vừa qua”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ - ông Lê Vĩnh Tân báo cáo Quốc hội. ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Nội vụ - ông Lê Vĩnh Tân báo cáo Quốc hội. ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng thẳng thắn nêu ra sai phạm tại chùa Ba Vàng đồng thời nêu một số giải pháp khắc phục tình trạng này:

Một là tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa Luật Tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có Nghị định xử phạt hành chính về lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo. Không để xảy ra các hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để làm lệch chuẩn về đạo đức, phản văn hóa và trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Hai là đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo cho người dân. Các chức sắc tôn giáo, các nhà tu hành, đặc biệt là các tín đồ trong tôn giáo.

Ba là tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý tín ngưỡng tôn giáo và các kiến thức chuyên ngành, kỹ năng quản lý tốt, tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo.

Bốn là chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương, các tổ chức tôn giáo để kịp thời phát hiện và xử lý sớm những trường hợp vi phạm pháp luật theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Không dung túng, bao che cho bất kỳ ai vi phạm đạo đức và giáo luật

Có chuyện kinh doanh đền, chùa không?
Có chuyện kinh doanh đền, chùa không?

Xoay quanh nội dung này, Đại biểu Quốc hội Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đặng Minh Châu) – đoàn Thành phố Hà Nội phát biểu trực tiếp tại Quốc hội cho biết: “Trước ý kiến của một số đại biểu Quốc hội phản ánh về hoạt động các nghi lễ như dâng sao giải hạn, thỉnh vong diễn ra tại một số chùa thời gian qua.

Có ý kiến đại biểu nêu về loại hình chùa BOT, chùa xây dựng có sự góp vốn của cá nhân, tổ chức với mục đích kinh doanh hay không?

Là một đại biểu Quốc hội, là một tu sỹ Phật giáo, trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi xin báo cáo trước các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước rằng tất cả các chùa trên phạm vi cả nước đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo các địa phương cùng nhân dân xây dựng và quản lý.

Không có chùa nào nằm ngoài hệ thống này, đặc biệt khẳng định không có bất kỳ chùa nào có sự góp vốn đầu tư xây dựng từ cá nhân, công chức, tập thể với mục đích kinh doanh mà đại biểu nêu dưới một cụm từ rất mới, rất lạ đó là "BOT".

Phật giáo Việt Nam là tôn giáo có truyền thống yêu nước với tinh thần hộ quốc, an dân, đã sớm gắn bó với vận mệnh của đất nước. Luôn đồng hành cùng dân tộc trong quá trình truyền bá tư tưởng, đạo lý phật giáo.

Trong phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tổng kết: “Tiếp tục phát huy giá trị tốt đẹp truyền thống của các tôn giáo, tín ngưỡng, bảo đảm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Có các giải pháp, biện pháp đồng bộ trong việc phòng, chống mê tín dị đoan, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng tôn giáo để thu lợi bất chính, chấn chỉnh các hành vi lợi dung tâm linh để tiến hành các hoạt động không có trong giáo lý, giáo luật.

Tăng cường các biện pháp tuyên truyền để nhân dân nhận diện được sự khác nhau giữa các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh với các hành vi mê tín dị đoan, núp bóng các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh.

Tổ chức thực hiện nếp sống văn minh trong nhân dân, đồng thời với việc thường xuyên tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo. Xử lý nghiêm những hành động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan”.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn phát huy tinh thần "phụng đạo, yêu nước", thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của giáo hội, đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội, tích cực hưởng ứng các hoạt động tích cực, lợi dân, phúc lợi xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa".

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng thẳng thắn chỉ ra trên thực tế có "con sâu làm rầu nồi canh", có hiện tượng sai lệch giáo luật.

Một số nhà tu hành tại các chùa có ứng xử chưa phù hợp với các phật tử đến lễ chùa đều đã được Giáo hội phật giáo Việt Nam Trung ương, Giáo hội phật giáo Việt Nam các địa phương nhắc nhở, xử lý kỷ luật nghiêm khắc theo các quy định của hiến chương và các nội quy của giáo hội.

"Một lần nữa, tôi xin khẳng định, Giáo hội phật giáo Việt Nam không dung túng, bao che cho bất kỳ một người tu hành nào, đặc biệt là các chức sắc khi vi phạm đạo đức và giáo luật”, Hòa thượng khẳng định.

Đại biểu Thích Bảo Nghiêm cũng đặt câu hỏi: Theo báo cáo số 126 của Bộ gửi các đại biểu Quốc hội ngày 3/6/2019 về tồn tại hạn chế trong công tác phòng ngừa mê tín, dị đoan có nêu: "Công tác tổ chức, thực thi pháp luật về phòng ngừa mê tín dị đoan còn chưa đồng bộ, hiệu quả, quản lý chưa đạt như mong muốn. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, bộ chưa thường xuyên, chặt chẽ".

Xin Bộ trưởng cho biết có giải pháp gì để khắc phục những tồn tại nêu trên, đặc biệt công tác quản lý phối hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với địa phương và các nơi trên các biến tướng của các địa bàn như trên?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời: “Hiện nay trong công tác phối hợp trong quản lý phòng, chống mê tín, dị đoan đang thực sự chưa thật hiệu quả. Qua những sự việc vừa rồi, nhất là các sở, ngành. Thực ra, quản lý một cơ sở như di tích mà có công trình tôn giáo, tín ngưỡng thì Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng; Bộ Văn hóa quản lý về di tích. Ở địa phương cũng có 2 sở quản lý như vậy.

Thực ra có chức năng khác nhau. Đặc biệt chính quyền địa phương, rõ ràng là người sẽ phải chịu trách nhiệm chính. Bây giờ sự việc như vậy, sở nào phát hiện. Ví dụ liên quan đến chùa Ba Vàng, câu chuyện giữa Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và chính quyền địa phương.

Thời gian vừa qua, rõ ràng có những vấn đề phối hợp chưa tốt. Chúng tôi cũng đề nghị chúng ta phải phối hợp thật tốt thì chắc chắn chúng ta sẽ quản lý nghiêm. Phân định rõ ràng việc này cơ quan nào xử lý”.

Kiến Văn