Dính nghi án đạo nhạc, nhạc sĩ Huy Tuấn: Đó là chuyện nhảm nhí

01/07/2014 07:56
Lê Phương
(GDVN) - Nói về nghi án đạo nhạc thời gian vừa qua, nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng, mọi người không nên mất thời gian vào những trò nhảm nhí.

- Anh khá mát tay khi đỡ đầu 2 ca sĩ trẻ là Sơn Tùng và Văn Mai Hương nhưng đến với dự án 'Young Hit Young Beat', anh sẽ phải hỗ trợ cho một loạt nghệ sĩ trẻ khác và một số trong đó vẫn đang loay hoay tìm hướng đi. Bản thân anh có đặt nhiều kì vọng vào dự án này không?

Tôi nghĩ sự thành công của dự án này chắc chắn sẽ có vì đã lâu rồi, tôi mới thấy có một thế hệ ca sĩ trẻ, nhạc sĩ hòa âm, nhà sản xuất trẻ tài năng đến như vậy.

Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ đứng ra tụ tập những người trẻ tài năng, tạo nên một diễn đàn kết nối tất cả họ lại với nhau, để họ được nói tiếng nói riêng của mình bằng âm nhạc, bằng những tư tưởng sáng tác của mình.

Nhạc sĩ Huy Tuấn
Nhạc sĩ Huy Tuấn

- Việc 'gom' những ca sĩ trẻ từng đoạt giải trong các gameshow truyền hình thực tế để họ có sân chơi, có cơ hội thể hiện tài năng, điều này có vẻ như chính các anh - những vị giám khảo xuất sắc trong các chương trình giải trí đó đều nhìn thấy tương lai không mấy sáng lạn của những tài năng khi họ bước ra khỏi cuộc thi?

Tôi nghĩ vấn đề hậu cuộc thi luôn luôn là điều nhức nhối cho các nhà sản xuất những chương trình gameshow. Nhưng thực ra những chương trình đó đã gọi là gameshow thì chỉ có nhiệm vụ duy nhất là giúp cho khán giả truyền hình có 1 chương trình giải trí hấp dẫn. Còn những ràng buộc sau này thì họ không cần phải có trách nhiệm.

Vì vậy, chúng tôi - những người đi trước, có kinh nghiệm, có điều kiện để giúp những tài năng trẻ bước ra từ các cuộc thi truyền hình thực tế có thể tiếp tục thành công sau khi rời khỏi chương trình thì bọn tôi rất sẵn sàng. Vì hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng sau mỗi cuộc thi, rất nhiều bạn trẻ trở về con số 0 và rất lúng túng với sự lựa chọn bước đường của mình.

Bản thân chúng tôi cũng từng như thế, từng lúng túng để chọn con đường âm nhạc bởi vì cùng lúc có rất nhiều ham muốn kéo đến, vô tình tạo nên sức ép cho chính mình ví dụ như: Sức ép được thể hiện, sức ép chiều lòng khán giả và sức ép là muốn làm sao thành công được ngay...

Điều này dễ khiến những ca sĩ trẻ trở nên hoang mang và chúng tôi chỉ muốn trở thành người mà những ca sĩ trẻ đó có thể tìm đến và nếu có thể thì mình sẽ tạo cho họ điều kiện tốt nhất để phát triển.

- Mỗi năm có hàng trăm các gameshow truyền hình lớn nhỏ, đồng nghĩa với việc xuất hiện hàng loạt các tài năng trẻ, kế hoạch mà anh và ekip của mình sẽ làm là gì để không bỏ sót tài năng? Và với dự án như thế này 'lợi nhuận' anh sẽ thu được là gì?

Chúng tôi muốn tạo ra một môi trường âm nhạc phải có chất lượng, có định hướng đến với ca sĩ trẻ, cho họ thấy rằng cái môi trường như thế nào mới đúng để họ đi. Thậm chí tạo cho họ thói quen chỉ với chất lượng như thế họ mới nên đi diễn, đi thu âm. Tức là tạo cho nghệ sĩ trẻ thói quen ngay từ bước đi đầu tiên là phải cẩn trọng và chăm chút cho những sản phẩm của mình.

Ekip của chúng tôi là những người có tâm huyết, có ý thức làm nghề cao và sau khi đã tạo được sự nghiệp của mình thì đã đến lúc chúng tôi có điều kiện hơn để nghĩ tới một thế hệ tiếp theo.

Khi thực hiện dự án này, bản thân chúng tôi cũng nghĩ lại thời trẻ của mình cũng luôn cần có những sự giúp đỡ như vậy. Ví dụ như nhạc sĩ Dương Thụ, lúc trước chú cũng làm công việc như này, chú giúp đỡ những người trẻ như chúng tôi tiếp cận gần hơn với truyền thông và khán giả. Dùng uy tín của mình để gây sự chú ý cho các tài năng trẻ đi nhanh hơn thay vì tự đi thì sẽ còn mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi giúp họ đi tắt được một vài bước.

Với ekip chúng tôi thì điều này nó giống như là một sự trả lại cho những gì mình đã được nhận khi còn trẻ.

- Anh và những người bạn của mình từng có nhiều dự án đi tiên phong ví dụ như nghe nhạc có ý thức chẳng hạn nhưng cuối cùng cũng chỉ như 'muối bỏ biển'. Vậy khi tham gia dự án đỡ đầu ca sĩ trẻ như hiện nay có sợ sẽ lại thất bại?

Nếu như ai cũng nghĩ rằng 'ôi làm như muối bỏ biển thì thôi làm làm gì' như vậy sẽ chẳng có ai bắt đầu. Tôi nghĩ phải có một người nào đó bắt đầu thì cái câu chuyện đó mới được đề cập tới chứ.

Giống như lúc trước chúng tôi nói câu chuyện 'Nghe có ý thức' và nếu chúng tôi không nói thì đến bao giờ mọi người mới nhắc đến câu chuyện đấy.

Phong trào nghe có ý thức người ta tưởng nó không thu được gì hoặc nó chỉ là một việc làm quá nhỏ so với những bất cập đang xảy ra như kiểu bản quyền chẳng hạn, là sai. Vì ít nhất nó đã đặt ra được câu hỏi cho cho toàn bộ những người có thói quen tiêu dùng miễn phí hiểu rằng những cái mình đang nghe không hề miễn phí mà chẳng qua chỉ là thói quen thôi.

Nếu trước đây chúng tôi nản chí thì kể cả những câu hỏi như vậy cũng không được đặt ra luôn trong tư duy tiêu dùng của nhiều người . Chúng tôi tung những bài hát của mình lên mạng nếu trước đây có thể nghe thoải mái, thích thì tải về nhưng bây giờ thì khác, nếu muốn tải về thì phải trả tiền. Đó là bước tiến rất lớn ở trong thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay. Nút trả tiền giờ cũng đã xuất hiện ở hầu hết các trang nghe nhạc, kể cả những trang đã từng sai phạm về vấn đề bản quyền.

- Câu cuối cùng xin được hỏi về sự cố cá nhân của riêng anh trong thời gian vừa qua đó là nghi án đạo ca khúc 'Chờ người nơi ấy'. Tại sao anh lại im lặng mà không giải thích?

Tôi nghĩ đó là chuyện nhảm nhí và chúng ta không nên mất thời gian cho những trò nhảm.

Lê Phương